Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Vượt Biển

GIỚI THIỆU
Sau ngày mất nước 30-4-1975, không riêng gì người dân Miền Nam Việt Nam mà ngay cả người dân sống ở Miền Bắc cũng tìm đường vượt biên vì không thể sống dưới chế dộ Cộng Sản.
Xin mới quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu đọc bài VƯỢT BIỂN của đồng hương Khánh Đặng chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



"MỘT LÀ CON NUÔI MÁ, HAI LÀ CON NUÔI CÁ, BA LÀ MÁ NUÔI CON".

Giữa tháng 5 của năm 1981, gia đình Liên đã liều chết đi vượt biên bằng chiếc ghe máy gia đình. Trên nghe có 13 người. Lúc đó Liên mười bảy tuổi.
Ghe đi được một đêm một ngày. Trời bắt đầu gió mạnh. Sóng biển lớn dần hơn. Rồi mưa đổ xuống.

- Bão đến rồi. Chúng ta đang gặp bão. Mọi người phải cẩn thận.

Ai nấy đều lo sợ. Ba của Liên ráng cầm lái để chiếc ghe nương theo chiều sóng. Má của liên, lúc này đang mang thai nhưng vẫn hết sức giữ chặt em nhỏ. Còn lại ai cũng phải bám chặt vào bất cứ thứ gì để không bị văng ra ngoài ghe.
Mưa và gió rất mạnh. Những cơn sóng ập tới như muốn nuốt chửng chiếc ghe quá nhỏ bé mong manh. Rồi sóng biển đưa chiếc ghe lên cao rồi sóng biển hạ chiếc ghe xuống thấp bất thình lình. Chiếc ghe kêu răng rắc như sắp bị vỡ tan ra từng mảnh.

Nước tràn vào ghe nhiều quá. Liên và anh trai cùng vài người khoẻ mạnh liên tục tát nước ra ngoài. Tát nước ra đến đâu thì nước lại tràn vào đến đó. Vừa phải một tay giữ vào thành ghe cho khỏi bị văng ra ngoài, vừa phải một tay tát nước.
Khi bão lặng xuống. Biển trở lại yên ắng. Ai cũng mệt rã rời và ngủ thiếp đi.
Tỉnh lại, Liên thấy ba má và mấy người đều lo lắng. Máy ghe đã bị hư không thể tiếp tục đi được nữa. Còn đồ ăn và nước uống, đã bị sóng bão hất ra ngoài rồi. Trong nghe còn sót lại bao nhiêu thức ăn và nước phải tìm mọi cách để giữ lại mà cầm hơi.

Mặc dù ba của Liên và mấy người thay phiên nhau hợp sức sửa máy nhưng chiếc ghe vẫn không nổ. Tất cả mọi người tuyệt vọng, đành để mặc cho chiếc ghe muốn trôi đi đâu thì đi. Giờ chỉ biết cầu nguyện trời phật mà thôi. Chứ biết làm gì bây giờ.
Một ngày... hai ngày... ba ngày... đến ngày thứ tám, hình như ai cũng lịm dần đi. Đã mấy ngày qua không đủ ăn, không đủ uống. Mà còn có cái gì để ăn, mà còn có cái gì để uống cơ chứ. Tối đó má của Liên nằm mơ, thấy một ông lão nói rằng, sao con đi mà mà chọn số 13. Thôi con chỉ còn đường quay vào bờ chứ không thì chết hết.

Tỉnh dậy, má của Liên kể lại. Và đúng là trong ghe có 13 người thiệt. Ba của Liên tìm được vài cây nhang. Nhưng không có gì để đốt cho nhang cháy cả. Thôi kệ mình cứ thật tâm cầu nguyện. Sau khi mọi người cùng nhau cầu nguyện, ba Liên đến máy ghe để nổ máy.
Trời ơi là trời, tiếng ành ạch đứt khoảng. Rồi tiếng ành ạch lại kéo dài, rồi máy ghe đã nổ dòn tan trở lại. Đến lúc này, mọi người khấn vái cảm ơn lia lịa. Ba Liên quyết định lái ghe vào đất liền. Ghe đang chạy, Liên nằm dài không còn sức. Lúc tỉnh lúc mê, nhưng Liên vẫn nghe tiếng khóc của má... Ông ơi nó chết rồi.
Đứa em gái nhỏ của Liên, đã không chờ được ghe vào đất liền. Em ấy đã ra đi vĩnh viễn.

Mười năm sau, cũng vào giữa hè của năm 1991. Liên cùng chồng và hai con lại đi vượt biên một lần nữa. Lần này, anh Hùng, chồng Liên, đã cẩn thận, kiểm tra máy móc kỹ lưỡng và đem theo nhiều phụ tùng cũng như nhiều thứ cần thiết đề phòng máy bị trục trặc.
Ghe chở 37 người. Đi được một ngày một đêm thì lại gặp bão. Những gì xảy ra cho Liên mười năm về trước, giờ bão cũng y chang như vậy. Liên thầm nghĩ, chẳng lẽ ông trời không muốn cho Liên đi hay sao. Rồi không biết những gì tang thương sẽ xảy ra nữa đây.

Khi biển trở lại bình yên cũng là lúc máy ghe bị hư không thể nổ được nữa. Còn lương thực bị nước biển tràn vào làm hư hết trơn.
Anh Hùng đã cẩn thận đem theo nhiều thứ phòng hờ máy bị hư để còn biết đường mà sửa. Nhưng trớ trêu và oai ắm làm sao, máy bị hư cái cù lẳng. Khi nghe anh Hùng kể như vậy, tôi hỏi cù lẳng là cái gì, anh có giải thích nhưng cuối cùng tôi vẫn không hiểu cái cù lẳng là cái gì nữa.
Rồi không hiểu sao, anh Hùng tìm được sợi dây xích, và nhờ sợi xích này, tàu lại chạy được nhưng rất chậm.

Đến ngày thứ ba, khi trời còn tối, thấy có ánh đèn lấp loé đằng xa, anh Hùng quyết định cho ghe chạy về hướng đó. Anh nghĩ ở đó là đảo hoang có thể vào đó kiếm đồ ăn và nước uống. Ghe chạy đến chiều hôm sau mới đến nơi có ánh đèn. Đó không phải là đảo gì cả mà là một giàn khoan dầu của Trung Quốc. Họ cho đồ ăn, nước uống và thêm dầu cho ghe. Họ cũng chỉ hướng vào đảo và dặn, coi chừng gặp công an Trung cộng thì sẽ bị bắt giao trả về Việt Nam.

Anh Hùng cho ghe chạy dọc theo các đảo hoang của Trung Quốc. Ban ngày thì chạy ra biển, còn ban đêm tấp vào đảo hoang để nghỉ ngơi và tìm nước uống. Anh Hùng không dám tấp vào những nơi có người ở, vì lúc đó, nếu lính Trung cộng bắt được người vượt biên sẽ đem giao lại cho Việt cộng.
Đến ngày thứ tám. Cũng giống như chuyến trước, sau tám ngày, đồ ăn và nước uống đã cạn kiệt từ lâu. Nhiều người đã bất tỉnh và cận kề cái chết. Nhiều người trên ghe nói rằng, cứ sợ Tàu cộng bắt giao cho Việt cộng, mà chạy như vầy trước sau gì cũng chết. Đường nào cũng chết, phải liều một phen. Không còn lựa chọn nào khác nữa.
Ngày hôm sau, ghe may mắn gặp được đảo có người sinh sống, anh Hùng và mấy anh em, đem vàng đổi đồ ăn nước uống, mua thêm dầu và sửa lại ghe. Nhờ vậy đến ngày thứ chín ghe đã đến Ma Cao.

Anh Hùng nói, khi lính Hong Kong ẵm con trai anh, lúc này nó đang thoi thóp, nhìn nó gầy ốm chỉ còn lại một phần ba. Nhưng may mắn con trai của anh Hùng và chị Liên đã qua khỏi.
Khi đến đảo Hong Kong, chị Liên viết thư báo tin cho gia đình là đã đến nơi an toàn. Sau khi biết tin như vậy, anh ruột của chị Liên, quyết định tổ chức đi vượt biên tiếp.
Chuyến tàu vượt biên của anh ruột chị Liên gồm có, hai vợ chồng và hai con, một người em ruột, bốn người con của chú ruột, hai người con của cô ruột, một người con của dì ruột, hai người con của cậu ruột. Tổng cộng người trong gia đình là mười bốn người, và thêm mấy chục người khác nữa.

Chuyến đi định mệnh ấy, đã không bao giờ cập bến. Tất cả họ chết tức tưởi dưới đáy đại dương. Hàng năm đến ngày giỗ, cả cái làng đó đều làm giỗ chung một ngày.
Gia đình chị Liên và anh Hùng ở trại cấm Hong Kong sáu năm. Anh chị sinh thêm hai đứa con nữa. Sau đó bị cưỡng bức về lại Việt Nam. 

Vài năm sau, gia đình anh chị được đi Mỹ theo diện ROVER. Hiện anh chị đang sống tại San Jose và là bạn của tôi.

Khánh Đặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét