Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Xuân Trên Đất Khách




Ngày 14-11-1990, gia đình chúng tôi gồm năm người rời Vũng Tàu qua định cư tại San Jose theo diện HO, chương trình nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ dành cho tù nhân chính trị.

Lần đầu tiên ra hải ngoại, bỡ ngỡ như người "miệt vườn lên Sài Thành". Lạ nước lạ cái, bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách quê người. Ngoài gia đình người bảo trợ, lần đầu tiên mới biết và gặp mặt khi đón chúng tôi ở phi trường San Francisco với tấm bảng ghi tên nhận diện tại cửa ra, chúng tôi không có bất cứ người thân thích, bạn bè quen biết nào.

Trên đường từ phi trường về nhà, xe cộ hai bên chạy như bay, đèn xanh đỏ chớp nháy, ông nhà tôi ghé tai nói nhỏ "chạy kiểu này chắc tôi không lái được đâu" cho dù ngày trước anh đã từng lái xe Jeep ở quê nhà... Ấy vậy mà sau này anh lại trở thành một trong những người "thầy" dạy lái xe uy tín ở thành phố hoa vàng này đấy.

Hội Tết ở Santa Clara Fairgrounds

San Jose bước vào mùa đông, thỉnh thoảng có những cơn mưa, khí trời rất lạnh, lần đầu tiên trong đời được "nếm mùi" giá buốt. Suốt ngày co ro trong nhà, không có ai làm bầu bạn, tâm sự nên càng nhớ nhà, nhớ quê hương.

Gia đình con trai lớn và hai cháu nhỏ bị kẹt lại, chờ bảo lãnh sau. Vì thế mà nỗi nhớ nhà càng thêm quay quắt. Cũng may nhờ gia đình người bảo trợ thật tốt bụng đã tận tâm giúp đỡ hết mình. Cuối tuần họ thường chở cả nhà đi nhà thờ Việt Nam, đi chợ và thỉnh thoảng đi shopping nữa. Đi shopping chủ yếu là đi xem cho biết phố xá, hàng quán bên Mỹ này thế nào thôi, chứ... tiền đâu mà mua.

Mỗi Chủ Nhật đi lễ, cha thường nói "xin cầu nguyện cho đất nước quê hương Việt Nam sớm được tự do, ấm no hạnh phúc". Thế là tự nhiên hai hàng nước mắt thi nhau rớt. Nhớ ơi là nhớ, không hiểu vì sao... gia đình đã sang đây hết chỉ còn lại gia đình nhỏ, con trai lớn mà cứ cảm thấy lạc lõng bơ vơ buồn thương vô hạn. Nhớ xóm làng, bạn bè thân quyến, nhớ từng con đường nhỏ sớm tối đi về... và cả hàng trăm, hàng ngàn nỗi nhớ tiếp theo...

Các Á Hậu xinh đẹp, lộng lẫy trong chiếc áo dài truyền thống

Sau 2 tháng đặt chân lên đất Mỹ, nhờ người bảo trợ tận tình hướng dẫn và giúp đỡ, mọi thủ tục hành chánh, nhập cư đã hoàn tất, con cái được đi học. Đứa út học lại lớp 10, hai con lớn học anh văn (ESL). Thời gian đầu tuy chưa có công ăn việc làm nhưng nhờ trợ cấp của chính phủ nên mọi việc coi như tạm ổn định.

Sau 15 năm từ ngày "mất nước" lần đầu tiên chúng tôi mới thật sự được hưởng không khí tự do, an bình và đón cái Tết xa quê hương. Gia đình chúng tôi được người bảo trợ đưa đi dự hội xuân ở Fairgrounds trên đường Tully Road.

Những bước chân ngập ngừng bỡ ngỡ, lần đầu tiên từ xa tôi đã nhìn thấy lại những lá cờ vàng 3 sọc đỏ kính yêu của chính thể VNCH phất phới tung bay trong gió. Niềm cảm xúc mãnh liệt trào dâng, chân tôi run run, nhanh nhanh nhịp bước, khó mà tả nổi cảm giác trong lúc này. Vui buồn lẫn lộn, ngậm ngùi tiếc nuối cho sự mất mát lớn lao của nước Việt Nam anh hùng ngày nào.

Hàng cờ Việt - Mỹ

Bước vào bên trong. Ồ! Việt Nam yêu thương của chúng ta đây rồi. Những tà áo dài thướt tha xinh đẹp, đủ màu sắc như những cánh én bay lượn vườn xuân. Kìa bên kia những gốc mai vàng xum xuê nở rộ, bên này hoa đào rực rỡ sắc xuân. Ở mặt tiền trung tâm hội chợ, một sân khấu rộng lớn được dàn dựng công phu mỹ thuật. Những ca sĩ, danh hài nổi tiếng của hai trung tâm lớn Thúy Nga Paris By Night và Asia lần lượt xuất hiện trình diễn trên sân khấu. Tôi nghe lòng rộn ràng, hạnh phúc như len lén vào tim và thầm nghĩ... thảo nào mà người ta thường nói... "thiên đàng là đây". 

Hội Tết Fairgrounds

Ngoài không khí tưng bừng, vui nhộn, màu sắc rực rỡ, pháo nổ vang rền, chúng tôi còn được thưởng thức chương trình văn hóa, văn nghệ tự do, tham dự các trò chơi truyền thống dân tộc. Hình ảnh, sinh hoạt của thời VNCH đang sống lại ở nơi đây. Đặc biệt nhất, chúng tôi hiên ngang, ngẩng cao đầu đứng  dưới ngọn cờ tổ quốc đang ngạo nghễ tung bay và hát quốc ca hào hùng của một chính thể đã bị bức tử ngày 30-4-1975. Bài quốc ca đã thấm nhuần trong máu, trong tim từ tấm bé và sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Bồi hồi xúc động, nghẹn ngào đến rơi lệ. Thật sự, chúng tôi đang tận hưởng cả một bầu trời hạnh phúc.

Múa lân

Những năm sau đó, dù vận rộn công ăn việc làm nhưng mỗi độ xuân về tết đến gia đình chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian đến tham dự các buổi diễn hành và Hội Tết Việt Nam.

Cuộc sống dần dần trôi, con cái khôn lớn trưởng thành, lần lượt  lập gia đình ra riêng, vợ chồng tôi vẫn ở lại căn nhà cũ, đời sống êm ả bình thường. Vào những dịp cuối năm, đầu năm, các hội đoàn thi nhau tổ chức tiệc tất niên, tân niên, hội chợ Tết. Tuy đã nghỉ hưu từ lâu nhưng bây giờ lại còn bận rộn hơn với các sinh hoạt của cựu học sinh, tôn giáo và đoàn thể.

Thời gian thắm thoát qua mau, mới ngày nào bỡ ngỡ đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ sống đời lưu vong mà nay đã qua 29 mùa xuân. Với bao thăng trầm, đổi thay những vẫn không quên cái Tết đầu tiên nơi xứ lạ quê người. Cũng chính cái Tết này đã là "Mùa Xuân" làm đổi mới cuộc đời của mọi người trong gia đình chúng tôi.

Hoàng Thanh Phước
Xuân Kỷ Hợi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét