Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Buôn Người Dưới Danh Nghĩa Xuất Khẩu Lao Động - Phần 1

 

Hình minh họa

BUÔN NGƯỜI DƯỚI DANH NGHĨA XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
BPSOS

Mạch Sống, ngày 14 tháng 10, 2021

PHẦN 1: CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu lao động ngày càng lộ rõ bản chất của các mẫu quảng cáo đổi đời với chi phí thấp. Vì tin tưởng vào những lời dụ dỗ mà nhiều người đã trở thành nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức và nạn buôn người, thậm chí có người đã không thể sống sót để trở về. Do đó, nhận biết được các điều kiện để đi làm việc ở nước ngoài và dấu hiệu của tội buôn người là một trong các giải pháp để phòng tránh việc trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Xuất khẩu lao động là việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật Việt Nam có các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài như: công ty xuất khẩu lao động phải được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; người lao động phải hoàn toàn tự nguyện và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. 

Nếu giữa công ty xuất khẩu lao động và người lao động không đạt được các điều kiện tối thiểu trên thì việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trái pháp luật và có dấu hiệu của tội buôn người. 

Theo Nghị Định Thư của Liên Hợp Quốc về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị buôn người, buôn bán người bao gồm ba yếu tố cấu thành:  

- Hành động: mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người.

- Phương tiện: sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, đưa tiền hoặc lợi ích cho người đang kiểm soát nạn nhân.

- Mục đích: bóc lột mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ, những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể.

Điểm chung của các nạn nhân buôn người dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động là họ bị bóc lột sức lao động, không tình nguyện và không thể chạy thoát. Trước thực trạng đó, nhiều người đã cầu cứu với công ty đưa họ đi lao động hoặc Đại sứ quán Việt Nam nhưng không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Việc giải cứu và đưa nạn nhân về nước an toàn không chỉ là nghĩa vụ của công ty xuất khẩu lao động mà còn là nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ và bảo vệ người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài. 

Trước sự im lặng của các cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm như trên, người lao động cần liên lạc cho nhà chức trách tại địa phương, các tổ chức nhân quyền quốc tế và thông báo cho gia đình biết về tình trạng hiện tại để họ thực hiện một tiến trình pháp lý trong nước nhằm buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết.

Các hình thức xuất khẩu lao động sẽ còn tiềm ẩn rủi ro khi mà cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tay cho nạn buôn người. Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo của các cá nhân hoặc công ty môi giới và tìm hiểu kỹ về các quy định của pháp luật để biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong phần 2, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến tội mua bán người.

Bài liên quan: 

Thêm Ôsin Việt ở Ả Rập Xê-Út bị hành hung và ngược đãi

https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1734-them-osin-viet-o-a-rap-xe-ut-bi-hanh-hung-va-nguoc-dai.html 

Thêm nạn nhân buôn người được giải cứu ở Ả Rập Xê Út

https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1752-them-nan-nhan-buon-nguoi-duoc-giai-cuu-o-a-rap-xe-ut.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét