Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Di Tích Lịch Sử Thời Phan Thanh Giản - Cây Cột Cờ

 

Chú thích: Tấm bảng trên được treo trước Miểu Bảy Bà, Cây Da Cửa Hữu.

DI TÍCH LỊCH SỬ THỜI PHANH THANH GIẢN - CÂY CỘT CỜ 
Phan văn Tứ

Vào khoảng năm 1860, ông Phan Thanh Giản được Triều đình Huế cử làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ tức là: Vĩnh long, An giang và Hà tiên. Chức Kinh Lược Sứ có quyền hạn rất lớn, ngày nay tương đương với Tư lệnh Vùng Chiến Thuật trông coi cả về Chính trị lẫn Quân sự.

Khi Phan Thanh Giản vào trấn giữ đất Long Hồ, ông nhận thấy: Đây là vùng đất rất thuận tiện cho việc giao thông, đồn trú Quân lính và buôn bán.  Bởi thế, ông cho xây dựng những cơ sở vững chắc như: Thành Long Hồ, một thành luỹ kiên cố để chống giặc Tây Dương; đúc Súng đồng Đại bác Thần Công; lập Văn Xương Các để dạy học trò, đào tạo Sĩ Tử ra Kinh đô Huế ứng thí…     

Chú thích: Đây là Khẩu Đại Bác Thần Công được đúc ra từ thời Phan Thanh Giản.   

Ngoài ra, Thành Long Hồ còn nằm trên một vị trí chiến lược rất quan trọng: Phía Bắc có Sông Cổ Chiên, một nhánh của sông Cửu Long; phía Đông có Rạch Long Hồ; phía Nam có Rạch Cái Trê (thường gọi là sông Cầu Lầu); phía Tây có Rạch Cái Cá (thường gọi là sông cầu Cái Cá). Bốn mặt đều có sông rạch. Thành Long Hồ nằm giữa vùng sông nước mênh mông, rất thuận tiện về mặt thuỷ binh. Giữ vững được Thành Long Hồ là kiểm soát được vùng đất Nam Kỳ.

Bởi vậy, việc buôn bán ở đây ngày một phồn thịnh, dân cư càng thêm đông đúc. Hơn thế nữa, việc giao thông bằng đường bộ thời bấy giờ chưa phát triển. Đi lại trên sông bằng ghe, thuyền là phương tiện giao thông hữu hiệu và thuận lợi nhất.

Chính vì thế, sau khi sang Pháp để điều đình với Chánh Phủ Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông - bị thất bại. Phan Thanh Giản đã nhìn thấy nền Văn Minh Tân Tiến của Tây phương với phương tiện Giao thông hiện đại và Vũ khí tối tân:” Thuyền không có người chèo mà vẫn chạy, Xe không ngựa kéo mà lại phóng nhanh, Súng chỉ cần bóp cò thì đạn bay tứ tung, giết chết người hằng loạt”.

Nên khi về nước ông quyết tâm củng cố thành Long Hồ trở thành tiền đồn chống giặc Tây Dương

Chú thích: Hình trên là Toà Văn Xương Các của Phan Thanh Giản. Nơi đào tạo những Sĩ Tử ra Kinh đô Huế ứng thí.

Khi xây thành Long Hồ xong, Phan Thanh Giản muốn tìm một cây gỗ thật quí để làm cây cột cờ. Do đó, ông mới ra Lệnh cho quan quân cùng dân chúng lên rừng tìm một cây gỗ quí đem về làm cây cột cờ. Lệnh ban ra, mọi người rủ nhau đi tìm. Tin đồn rằng: Tại vùng Núi Cấm có một cây, mỗi khi búa hoặc dao chặt vào thì máu trong thân cây chảy ra. Đó là một hiện tượng khác thường, dân chúng xung quanh vùng, ai ai cũng khiếp sợ, cho đó là thần Mộc tinh.

Chú thích: Cây cột cờ nầy, hiện đang được dùng làm Cây Cột Cờ cho ThánhThất Cao Đài ở tại Cầu Kinh Cụt.

Sự việc trên đưa đến tai Phan Thanh Giản. Ông bèn cho người lên đốn cây đó đem về làm cột cờ. Vị quan đầu tiên đến, dùng búa chặt vào thân cây. Quả thật máu trong thân cây chảy ra. Rồi bỗng nhiên, Vị quan đó xây xẩm mặt mày, quỵ xuống, nói năng không được. Quân lính vội khiêng xuống thuyền. Khoảng một giờ sau, vị quan ấy tắt thở.

(Nói theo Y học hiện đại có lẽ Vị quan ấy bị Tai Biến Mạch Máu Não - Đột Quỵ – Stroke)

Sự việc xãy ra trên, Phan Thanh Giản tức giận bèn sai thêm một Vị quan thứ hai đến chặt cây. Rồi cũng bị chết như trên. Cuối cùng, Phan Thanh Giản lập bàn hương án làm heo quay, nhang, đèn, hoa, quả đặt quay về hướng cây đó khấn vái. Xong lễ cầu xin, Ông sai em mình là Phan Thanh Lâm đến đốn cây. Mọi việc bình an vô sự. Phan Thanh Lâm đem thân cây thả trôi theo dòng Cửu Long về đến Rạch Long Hồ.

Đến nơi quân lính vớt lên, nhờ thợ mộc đục, đẽo, bào cho trơn láng làm thành cây cột cờ. Hoàn tất, cây cột cờ được dựng lên ở giữa doanh trại. Qua sự tích trên, mọi người đều kính sợ và sùng bái. 

Chú thích: Đây là Cổng Tam Quan, đường đi vào Văn Thánh Miếu tại đền thờ Phan Thanh Giản bên bờ Rạch Long Hồ.

Đến năm 1867, khi Quân Pháp tấn công đánh chiếm Thành Long Hồ, Phan Thanh Giản biết sức mình không thể chống nổi với vũ khí tối tân của người Pháp.

Ông quyết định chết theo thành, bằng cách nhịn ăn mà chết (Rất tiếc lúc bấy giờ không có vũ khí cá nhân. Nếu có, chắc có lẽ ông đã tự kết liểu đời mình). Ông không ăn đến ngày thứ 17 mà không chết. Trước khi chết, ông căn dặn người thân đem cất dấu cây cột cờ. Qua ngày thứ 18, vì sức lực đã kiệt, những người thân thấy quá đau đớn cho ông; nên đem thuốc độc cho ông uống mà chết. Lúc Quân Pháp vào thành, quân lính của ông đã đem cây cột cờ bỏ xuống một cái mương sâu đầy nước.

Ngày qua ngày, đất bùn lấp đầy chỉ còn một vũng nước nhỏ bên cạnh Thánh Thất Cao Đài ở cầu Kinh Cụt.

Vào khoảng năm 1970, chương trình Phát triển Đô thị của tỉnh Vĩnh Long ra đời. Nhân dân đào vét cống rảnh để thoát nước, tìm thấy cây cột cờ trong vùng đất bên cạnh chùa Cao Đài.

Do đó, Chùa Cao Đài mới đem lên tu bổ lại làm cây cột cờ cắm trong sân Thánh Thất hiện nay.

Ngày xưa, cây cột cờ nầy linh thiêng lắm. Cầm dao hay búa chặt vào thì Máu sẽ chảy ra. Bây giờ hiện tượng đó có còn hay không?

- Chắc chắn là còn!
- Vậy mà... Có Chắc không?      
- Quá xá... Chắc! Một trăm phần trăm!

Nếu không tin, Quí vị thử cầm dao hay búa đến chặt vào cây cột cờ.

Quí vị sẽ thấy máu chảy ra tức thì.

Rất tiếc, cây cột cờ nầy đã hơn 100 năm rồi. Máu đã khô cạn, không chảy ra nữa, mà Máu của Qyí vị sẽ chảy ra thế vào đó.

Tại sao?

Vì Quí vị cầm dao chặt phá Cây Cột Cờ của Thánh Thất thì sẽ bị đánh chảy máu ra !!!

Phan Văn Tứ

Ghi chú: Những chi tiết trong bài viết nầy được trích từ Gia phả Họ Phan ở Bến Tre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét