Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Thanh Hiên Thi Tập - Bài 73, 74 Và 75

 


THANH HIÊN THI TẬP - BÀI 73, 74 VÀ 75
Thầy Dương Anh Sơn 

BƯỚC ĐẦU RA LÀM QUAN NHÀ NGUYỄN Ở BẮC HÀ (1802-1804) - (Từ bài 61 đến bài 78)

Bài 73

ĐỀ NHỊ THANH ĐỘNG                                         題二青洞

Bàn Cổ sơ phân bất ký niên,                                    盤古初分不記年,
Sơn trung sinh quật, quật sinh tuyền.                      山中生窟窟生泉o
Vạn ban thuỷ thạch thiện đại xảo,                           萬般水石擅大巧,
Nhất lạp càn khôn khai tiểu thiên.                          一粒乾坤開小天o
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng?                       滿境皆空何有相,
Thử tâm thường định bất ly thiền.                          此心常定不離禪o
Đại sư vô ý diệc vô tận,                                          大師無意亦無盡,
Phủ thán thành trung đa biến thiên.                        俯嘆城中多變遷o
Nguyễn Du                                                              阮 攸

DỊCH NGHĨA:

Không nhớ năm nào trước đời Bàn Cổ mà trong núi đã có hang động; trong hang động sinh ra dòng suối chảy. Hằng muôn thứ đều được sắp bày lớp lang, suối nước và đá bày rất khéo léo (c.1-4). Các cảnh khắp mọi cõi đều là không, làm sao có hình tướng được ? Lòng này vẫn luôn giữ Định và không hề xa lìa Thiền tâm. Đức Phật “không ý”
và ý của Ngài cũng không cùng. Cúi xuống than thở vì trong thành có biết bao nhiêu sự đổi thay! (c.5-8)

TẠM CHUYỂN LỤC BÁT:

ĐỀ ĐỘNG NHỊ THANH

Trước Bàn Cổ chẳng nhớ năm,
Hang trong lòng núi, suối nằm hang sâu.
Bày muôn đá nước khéo sao!
Càn khôn một hạt mở thâu khoảnh trời.
Là không, nào có tướng rồi!
Lòng này thường định, chẳng rời thiền tâm.
Bao la ý Phật là không,
Cúi đầu than thở thành trong đổi dời.

CHÚ THÍCH:
- Nhị Thanh Động 二青洞: một trong ba động (Nhất Thanh Động, Nhị Thanh Động và Tam Thanh Động) đẹp nhất mằm trong dãy núi phía bắc Lạng Sơn.
- Bàn Cổ 盤古: theo thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ là thủy tổ đầu tiên của loài người.
- quật 窟: hang hoặc động nằm trong lòng núi.
- ban 般: sắp bày theo thứ lớp, ngay ngắn, phân phát...
- câu 4: vũ trụ quan nhà Phật cho rằng trong một hạt cát nhỏ nhoi đã chứa đựng một vũ trụ rộng lớn và vũ trụ rộng lớn đều tóm thâu trong một hạt cát....
- câu 5: tất cả các cảnh giới đều là không.” Không”( hay gọi cho đúng là “Tính không”) là khái niệm then chốt trong đạo Phật và đặc biệt là Thiền Tông dựa trên tinh thần của “Kinh Kim Cương Bát Nhã” là một trong những kinh quan trọng được cho là đức Phật
(đại sư) đã giảng giải cho các đệ tử đã ngộ đạo .
- Định và Thiền 定禪: là những pháp tu trong đạo Phật, đặc biệt của Thiền Tông nhằm giúp người tu tập đạt đến sự lắng đọng, yên tĩnh để thân tâm được an lạc.
- Đại sư vô ý diệc vô tận 大師無意亦無盡: đây là suy nghĩ của Nguyễn Du về những lời dạy của đức Phật mà ông từng thấm nhuần khi đã đọc hơn một ngàn lần Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật cũng như Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (xem Bắc Hành
Thi Tập: “Lương Chiêu Minh Thái tử Phân kinh Thạch đài”). Tư tưởng “tánh không” là tư tưởng chủ yếu của hai cuốn kinh này là nền tảng của tư tưởng thiền tông.Đó là diệu lý được Tố Như thâm ngộ và khó có thể diễn giải được. Nhưng một cách khái lược, lời Phật dạy từ BNBLMĐTK: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Sắc tức thị không, không tức thị sắc... Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệc, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm... Vô vô minh diệc, vô vô minh tận .... Vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc...” đều là một chuỗi nối liền tư tưởng phủ định của tánh không. Nếu có thể đi sâu
vào tư tưởng này chúng ta có thể tạm hiểu Bát nhã là sự giác ngộ chân chính (chính giác -sambodhi), Bát nhã là Niết Bàn (Nirvana), là Chân Như (tathatà ), là Phật tánh (Buddhatà ) không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị)......

Bài 74

VỌNG PHU THẠCH                                               望夫石
Thạch da, nhân da bỉ hà nhân?                                 石耶人耶彼何人,
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.                            獨立山頭千百春o
Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng,                                萬劫杳無雲雨夢,
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.                               一貞留得古今身o
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,                                  淚痕不絕三秋雨,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.                     苔篆長銘一段文o
Tứ vọng liên sơn diễu vô tế,                                    四望連山渺無際,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.                                 獨教兒女擅彝倫o
Nguyễn Du                                                             阮 攸

DỊCH NGHĨA:

Đá chăng? Người chăng? Là người nào đây? Một mình đứng trên đầu núi cả ngàn mùa xuân. Muôn kiếp xa xăm chẳng mơ mộng chuyện mây mưa. Một tấm thân vẫn giữ được sự trinh trắng từ xưa đến nay (c.1-4). Bao mùa thu nước mưa như dòng lệ tuôn chảy hoài. Tấm rêu như dấu triện trải dài có bài văn ghi nhớ và ngợi ca. Nhìn bốn bề là các dãy núi xa tít không gặp nhau. Chuyện luân thường đạo lý phải chăng chỉ dành cho những người con gái giữ lấy? (c.5-8)

TẠM CHUYỂN LỤC BÁT:

HÒN VỌNG PHU
Ai đây, là đá hay người?
Ngàn xuân đầu núi riêng trời đứng trơ.
Mây mưa muôn kiếp chẳng mờ,
Giữ thân trinh trắng đã từ xưa nay.
Bao mùa thu lệ tuôn hoài,
Dấu rêu như đoạn văn dài ngợi ca.
Bồn bề trông dãy núi xa,
Khiến cho đạo lý riêng là nữ thôi !

CHÚ THÍCH:
- Vọng Phu Thạch 望夫石 Vọng Phu Thạch: tên một hòn núi đá nhỏ ở Lạng Sơn có hình dáng người thiếu phụ ngồi trông chờ chồng đi chinh chiến trở về.
- da 耶: tiếng đệm trong câu nói: phải chăng, vậy à...
- yểu 杳: xa xăm, sâu thẳm, tối tăm.
- vân vũ mộng 雲雨夢: giấc mộng mây mưa, chỉ chuyện chăn gối nam nữ, vợ chồng.
- lệ ngân淚痕: lệ tuôn chảy, ngấn lệ chảy từ mép trong của mắt.
- triện 篆: con dấu.
- minh 銘: ghi nhớ, nhớ ơn, mãi không quên.
- diễu vô tế 渺無際: xa tít không gặp nhau.
- giao 教: khiến cho.
- thiện 擅: chiếm lấy, giành riêng, chuyện riêng tư.
- di luân彝倫: phép tắc về luân thường, đạo lý cần có trong cuộc sống như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín...

Bài 75

XUÂN TIÊU LỮ THỨ                                            春宵旅次

Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần,                         蕭蕭蓬鬢老風塵,
Ám lý thiên kinh vật hậu tân.                                  暗裡偏驚物候新o
Trì thảo vị lan thiên lý mộng,                                  池草未闌千里夢,
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân.                           庭梅已換一年春o
Anh hùng tâm sự hoang trì sính,                             英雄心事荒馳騁,
Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần.                        名利營場累笑顰o
Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo,                                人自蕭條春自好,
Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân.                     圍城城下一沾巾o
Nguyễn Du                                                             阮 攸

DỊCH NGHĨA:

Gió thổi rít làm rối bồng mái tóc già lão chịu nhiều gió bụi. Lòng thầm sợ hãi khí hậu và cảnh vật đổi thay mới mẻ. Giấc mộng “cỏ bờ ao” ở ngoài ngàn dặm vẫn chưa tan đi. Cây mai ở trước sân lại đổi lấy mùa xuân của một năm nữa (c.1-4). Mối tâm sự về chí anh hùng và việc rong ruổi trở thành xa xôi bỏ đi rồi. Ở chốn danh lợi hỗn loạn, mờ tối đã làm cho nụ cười phải nhăn nhó. Người thì xơ xác tiều tụy còn xuân thì vẫn cứ tốt tươi. Dưới Đoàn Thành, lệ đã thấm đẫm chiếc khăn (c.5-8).

TẠM CHUYỂN LỤC BÁT: 

ĐÊM XUÂN XA NHÀ

Tóc già gió bụi rối bời,
Sợ thầm tiết đổi, vật dời xiết bao!
Dặm ngàn tan mộng “cỏ ao”,
Trước sân mai đổi, năm vào mùa xuân.
Anh hùng rong ruổi vắng tăm,
Lợi danh chốn loạn cứ nhăn nhó cười.
Xuân tươi tốt, xác xơ người,
Dưới Đoàn Thành lệ đẫm bồi ướt khăn!

CHÚ THÍCH:
- tiêu tiêu蕭蕭: tiếng gió rít, tiếng ngựa hí...
- bồng mấn蓬鬢: mái tóc bị rối bời như cỏ bồng.
- ám lý 暗裡: những điều trong lòng chưa hiểu hết được.
- hậu 候: khí hậu, chờ đợi.
- trì thảo 池草: cỏ ao. Tạ Linh Vận đời Tấn thường nói là khi nào ngồi với Tạ Huệ Liên
(người em hay chữ của ông) là sẽ làm được câu thơ đắc ý như câu: “Trì đường sinh xuân thảo” (Bờ ao đã mọc cỏ mùa xuân). Ở đây, Nguyễn Du nghĩ đến việc làm thơ xướng họa với anh em ở quê xa.
- hoang 荒: bỏ hoang phế, xa xôi, mê muội.
- trì sính 馳騁: chạy đi khắp nơi, ruổi rong khắp chỗ.
- doanh trường 營場: chỗ mờ tối, hỗn loạn.
- tần顰: dáng nhăn nhó, lo lắng không vui.
- triêm 沾: thấm ướt, ngấm vào, tiêm nhiễm, đụng chạm, có thể, được...

(Lần đến: THTT Bài 76, 77 và 78)

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét