Helen Mirren và Andie MacDowell tự tin với tóc bạc trên thảm đỏ Cannes 2022. Ảnh: Getty Images
TÓC HOA RÂM, CHẲNG BẬN TÂM
Phan Bảo
Những người hưởng ứng phong trào #GreyHairDontCare (tóc hoa râm, chẳng bận tâm) không ngần ngại để lộ màu tóc bạc tự nhiên trước công chúng, thay vì cố gắng nhuộm để che giấu tuổi tác như nhiều năm trước.
Tóc bạc là một trong những dấu hiệu của lão hóa nên nhiều phụ nữ trung tuổi có thói quen nhuộm để che giấu đi. Một trào lưu đang ngày càng nhân rộng đã chứng tỏ những thông điệp kiểu “hãy chấp nhận việc già đi của cơ thể, yêu thương vẻ ngoài thuần túy của bản thân và thôi bận tâm đến cái nhìn của người ngoài” không hoàn toàn là nói dễ hơn làm.
Mẹ của người viết từng quá quen với những lời như “Đầu bạc trắng thế kia, sao không nhuộm đi!”. Vài lần đầu, bà còn cố gắng giải thích việc tiếp xúc với thuốc nhuộm gây khó chịu cho da đầu và thậm chí làm khuôn mặt phù nề ra sao, rồi sau đó cũng chịu nhuộm. Bỗng đến một ngày, bà quyết định thôi che giấu mái tóc bạc.
Dù không chủ đích, người phụ nữ mới ngoài 50 này có thể tự xem mình là người hưởng ứng phong trào #GreyHairDontCare (tóc hoa râm, chẳng bận tâm) vốn đang lan rộng toàn cầu và được nhiều phụ nữ nổi tiếng hưởng ứng. Họ không ngần ngại để lộ màu tóc bạc tự nhiên trước công chúng, thay vì cố gắng nhuộm để che giấu tuổi tác như nhiều năm trước.
Lại một phong trào có dấu ấn COVID-19
Tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 7-2021, các diễn viên Andie MacDowell, Helen Mirren và Jodie Foster – lúc đó lần lượt 63, 75 và 58 tuổi – đều tự tin khoe mái tóc hoa râm trên thảm đỏ.
Thời trang tóc bạc cũng phủ sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. @agingwith_style_and_grays (tạm hiểu là: già đi thật chất cùng tóc bạc) và @grey_so_what (tóc bạc thì đã sao) là những ví dụ nổi bật trên Instagram, nơi mà hashtag #GreyHairDontCare được sử dụng hơn 501.000 lần tính đến ngày 23-9-2022.
Với sự đa dạng lứa tuổi trong thời trang, tóc hoa râm cũng “chen chân” vào sàn catwalk, trong các buổi chụp hình thời trang và cả những định dạng truyền thông mà giới trẻ là những người thống trị. #GreyHairDontCare có 144,4 triệu lượt xem trên TikTok, còn hashtag ngắn hơn, #greyhair, có trên 470 triệu lượt xem.
Helen Mirren và Andie MacDowell tự tin với tóc bạc trên thảm đỏ Cannes 2022. Ảnh: Getty Images
Theo Hãng tin AFP, từ chỗ bị xem là thứ cần phải giấu đi bằng mọi giá, màu bạc của mái tóc giờ đã thành biểu tượng của sự tự khẳng định và không giả dối. Sự thay đổi tư duy này được cho là có liên quan đến đại dịch COVID-19.
Có lẽ một trong những điều tích cực hiếm hoi mà đại dịch này mang đến là nó giúp phụ nữ ở nhiều độ tuổi (nên nhớ tóc bạc có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào) học cách yêu mái tóc bạc tự nhiên cũng như tự tin với nét đẹp riêng của chính mình.
Mấy ai có thể quên được giai đoạn khi mọi tiệm làm tóc đều đóng cửa trong đợt phong tỏa đầu tiên của năm 2020. Người may mắn nhất kịp đến tiệm nhuộm trước giờ G thì cũng không thể giấu nổi loạt chân tóc bạc phơ mọc ra nhanh chóng chỉ 4-5 tuần sau đó. Thoạt đầu, nhiều người còn cố tự nhuộm ở nhà, nhưng rồi họ bắt đầu chấp nhận mái tóc muối tiêu như một phần tất yếu của bản thân.
Chính “phát súng” khởi đầu này đã khiến mọi người nhận ra không còn thời điểm nào thích hợp hơn để xóa bỏ những khuôn mẫu làm đẹp nay đã thành cổ hủ. Các chuyên gia tạo mẫu cũng nhận định những ý tưởng làm đẹp tươi trẻ đang dần bị gạt sang một bên.
Phụ nữ đang dần thoát khỏi các quy tắc bất thành văn về ngoại hình mà họ phải chịu đựng trong nhiều thập niên. Dù mái tóc lấm tấm sợi đen xen sợi bạc nhưng họ vẫn năng động, chuyên nghiệp, sành điệu và thậm chí là cực kỳ quyến rũ.
Thế là 2 năm sau sự xuất hiện của COVID-19, tóc bạc đã biến từ một kẻ thù thành đồng minh của sắc đẹp, đến mức không riêng các ngôi sao nổi tiếng mà Công chúa Caroline, người có vai trò rất quan trọng ở Vương quốc Monaco, cũng đã trình làng kiểu tóc bob màu bạc vào đầu năm 2021, tiếp theo là Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha cũng gây chú ý với những vệt tóc xám màu.
Công chúa Monaco. Ảnh: Getty Images
Quá khứ tương phản
Tuy nhiên, trước khi có trào lưu để tóc bạc tự nhiên, không nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới giải trí, văn hóa và chính trị “cả gan” để lộ dù chỉ là vài sợi tóc bạc.
Theo Caterina Gentili, đến từ Center for Appearance Research, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào vai trò của ngoại hình và hình ảnh cơ thể đối với cuộc sống của con người ở Anh, việc thiếu vắng những hình mẫu người nổi tiếng, những biểu tượng thời trang trẻ tuổi với mái tóc bạc tự nhiên là “không có gì đáng ngạc nhiên”.
Lý do là vì cho đến giai đoạn khởi đầu của đại dịch, hình ảnh một người phụ nữ tóc bạc vẫn “gắn liền với sự già nua, chậm chạp và không giúp ích được gì”, Gentili giải thích trong một bài viết trên CNN hồi tháng 3-2020.
Ảnh: NBC News
Một bài viết từ năm 2015 trên The Guardian cho ta thấy quan điểm của phụ nữ về mái tóc hoa râm đã tiến xa đến đâu. Khi đó, theo Jo Hansford, chuyên gia tạo màu tóc với khách hàng toàn các tên tuổi lớn, trong đó có người vừa trở thành vương hậu mới của nước Anh Camilla, “nhiều phụ nữ than rằng mái tóc bạc (tự nhiên) của họ khiến người khác nói chuyện với họ như thể họ đã già, bị điếc và không biết gì”.
Còn nhà tạo mẫu thời trang kiêm chuyên gia chăm sóc da 67 tuổi người Mỹ Linda Rodin, mặc dù không có ý định khoe tóc bạc tự nhiên, cũng phải thú thật: “Tôi thực sự cảm thấy có một áp lực khủng khiếp đối với phụ nữ trong việc phải trông trẻ trung, và màu tóc bạc không gắn liền với tuổi trẻ”.
Áp lực này lớn đến mức tác giả kiêm nhà biên kịch Nora Ephron từng châm biếm: “Có lý do tại sao phụ nữ 40, 50 và 60 tuổi ngày nay trông không giống như trước đây, và đó không phải là vì nữ quyền hay lối sống tốt hơn thông qua việc tập thể dục. Đó là do thuốc nhuộm tóc. Vào những năm 1950, chỉ có 7% phụ nữ Mỹ nhuộm tóc; ngày nay, ở nhiều khu vực của Manhattan và Los Angeles không có phụ nữ tóc bạc nào cả”.
Ảnh: NBC News
Ngành nhuộm tóc sẽ phản ứng thế nào?
Có thể thấy cho đến trước khi có phong trào “tóc hoa râm, chẳng bận tâm”, thuốc nhuộm dành cho người “đầu hai thứ tóc” là một ngành ăn nên làm ra cũng bởi các công ty hóa mỹ phẩm vẫn luôn dùng nỗi sợ lão hóa như một chiêu bài để bán hàng.
Trong bài viết trên CNN, Cerini nhắc hai ví dụ điển hình: quảng cáo của L’Oreal trong thập niên 1920 và Clairol năm 1943. Mẩu quảng cáo trắng đen bằng tiếng Pháp của L’Oréal mô tả một người phụ nữ trông buồn bã bên cạnh một phiên bản có mái tóc bob màu đen của chính mình, kèm lời quảng cáo: “Không còn một sợi tóc bạc nào nữa, mãi mãi tuổi 30”.
Clairol thì chạy chiến dịch “Tóc bạc – Kẻ độc tài nhẫn tâm”, với lời tuyên bố: “Không có công lý hay lòng tốt, tóc bạc có thể thống trị cuộc đời bạn… Nó có thể chi phối những điều bạn nói hoặc làm. Không lấy làm lạ khi nhiều phụ nữ khác không muốn khoan nhượng đối với kẻ tàn ác này”.
Quảng cáo “Tóc bạc là kẻ độc tài nhẫn tâm” của hãng Clairol năm 1943.
“Ép phụ nữ duy trì màu tóc khi họ già đi là mưu đồ tiếp thị hòng biến thuốc nhuộm tóc trở nên phổ biến như xà phòng. Và ngành công nghiệp làm đẹp hiện đại càng tích cực thúc đẩy chiêu bài này với đòn đánh vào sự bất an và thiếu tự tin của phụ nữ” – Cerini dẫn ý kiến của Claire Robinson, tác giả từng nghiên cứu tóc bạc và nữ quyền.
Quay lại thời hiện tại, trào lưu “tóc hoa râm, chẳng bận tâm” sẽ ảnh hưởng thị trường nhuộm màu tóc và các lĩnh vực có liên quan khác thế nào? Theo Forbes, thị trường nhuộm màu tóc toàn cầu hiện đạt giá trị khoảng 21,4 tỉ USD và dự kiến tăng lên 36 tỉ USD vào năm 2027. Việc người của công chúng hưởng ứng phong trào yêu mái tóc hoa râm có làm đứt gãy ngành công nghiệp này?
Trước mắt, Dove đã chạy chiến dịch #keepthegrey (hãy giữ tóc bạc) để ủng hộ giá trị của phụ nữ có tuổi. Một đơn vị “ngoài lề” là chuỗi thức ăn nhanh Wendy của Canada cũng nhuộm bạc tóc của nhân vật nữ trên logo của mình. Trong khi đó, cũng ở Canada, Đài CTV News đã gây tranh cãi khi sa thải nữ phát thanh viên kỳ cựu với 35 năm kinh nghiệm LaFlamme vì bà “dám” để tóc bạc mà lên sóng. LaFlamme đã ngừng nhuộm tóc từ khi có COVID-19 đến nay.
Thuốc nhuộm tóc là những hóa chất với đủ bảy sắc cầu vồng, có thể mua ở tiệm và được salon ưa dùng mà ta thấy hiện nay thực ra chỉ mới ra đời vào đầu thế kỷ 20.
Từ thuở ban sơ, cả nam và nữ đều chuộng nhuộm tóc để tôn lên vẻ ngoài của họ hoặc che đi những sợi tóc bạc, theo Bách khoa toàn thư về tóc: Một lịch sử văn hóa của Victoria Sherrow.
Các nền văn minh cổ đại sử dụng chất tạo màu tóc thô sơ, dựa trên các công thức chứa những nguyên liệu từ thiên nhiên như vỏ cây quế, tỏi tây đến quý giá như bụi vàng. Đến thời Trung cổ ở châu Âu, nhuộm tóc bắt đầu chuyển thành thói quen chủ yếu của phụ nữ. Đặc biệt thịnh hành là loại thuốc tẩy tóc thường được làm bằng hoa trộn với nghệ tây và thận bê.
Dù có thể gây chảy máu cam và đau đầu, thuốc nhuộm màu đỏ – thường là hỗn hợp của nghệ tây và bột lưu huỳnh – cực kỳ phổ biến dưới triều đại Elizabeth I của Anh vào thế kỷ 16. Vào thế kỷ 18, giới tinh hoa châu Âu ưa chuộng các loại bột thơm và trắng làm từ bột mì phủ nhẹ lên tóc tự nhiên và tóc giả.
Mặc dù hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc đều có thành phần là thực vật và các chế phẩm từ động vật, nhưng quá trình phát triển của tục lệ nhuộm tóc cũng ghi nhận việc sử dụng các phương pháp nguy hiểm, thậm chí gây chết người, để thay đổi màu tóc, chẳng hạn như dùng lược bằng chì để làm đen tóc hoặc dùng axit sulfuric để làm sáng màu tóc.
Phan Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét