Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Tại Sao Con Người Lại Sợ Bóng Tối?

 

(Hình minh họa: Pixabay)

TẠI SAO CON NGƯỜI LẠI SỢ BÓNG TỐI? 
Tố Như 

Sợ bóng tối là tâm lý hết sức bình thường hay gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nỗi sợ này có thể giảm theo thời gian nhưng không biến mất hoàn toàn. Nỗi sợ bóng tối của con người bắt nguồn từ đâu? Tại sao chúng ta lại sợ hãi đêm đen?

Theo các nhà khoa học, nỗi sợ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có kinh nghiệm từ tổ tiên truyền lại. Sợ bóng tối thường không phải là nỗi sợ hãi do bóng tối, mà là một nỗi sợ hãi về những nguy hiểm có thể xảy ra hoặc bị che giấu trong bóng tối do trí tưởng tượng, bị ám ảnh của người mắc phải.

Hội chứng sợ bóng tối là gì?

Hội chứng sợ bóng tối, còn gọi “Nyctophobia” - thuật ngữ này có nguồn gốc từ Hy Lạp, được ghép bởi hai từ là “Nyctus” (bóng tối/ bóng đêm) và “Phobos” (nỗi sợ). 

Theo Martin Antony, giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto (Canada), nỗi sợ bóng tối xuất hiện một cách rất tự nhiên trong suy nghĩ của chúng ta, như thể đã được lập trình sẵn. Những nỗi sợ như sợ độ cao, nhện, rắn… và bóng tối bắt nguồn từ những gì có thể gây nguy hiểm cho tổ tiên của chúng ta. Trải qua quá trình phát triển và chọn lọc tự nhiên, con người dần "ghi nhớ" những nỗi sợ và trở thành một đặc tính được hình thành trong quá trình sinh tồn, một quy tắc cần phải ghi nhớ để tồn tại: bóng tối tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ săn mồi rình rập, vì vậy cần phải tránh nó.

Ngày nay, cuộc sống của chúng ta có điện nên được cải thiện nhiều, khắp nơi đều có ánh đèn điện, dù vẫn có những nguy hại rình rập nhưng nỗi sợ này đã được giảm đi rất nhiều. 

Thông thường, vì con người không thường xuyên hoạt động về đêm, con người thường thận trọng hơn hoặc cảnh giác vào ban đêm nhiều hơn ban ngày, vì bóng tối là một môi trường rất khác biệt. Hội chứng sợ bóng tối tạo ra các triệu chứng khác với bản năng bình thường, chẳng hạn như khó thở, toát mồ hôi, buồn nôn, khô miệng, cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, tim đập nhanh, không nói được hoặc không thể suy nghĩ rõ ràng hoặc cảm giác tách rời khỏi thực tế và cảm nhận thấy cái chết... 

Hội chứng sợ bóng tối có thể gây tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất và tinh thần nếu các triệu chứng này không được điều trị sớm.

Nguyên nhân sợ bóng tối

Hội chứng sợ bóng tối thường xuất phát từ sự tưởng tượng quá mức về một vấn đề nào đó có thể xảy ra của một người khi bước vào bóng tối. Những tình huống bất ngờ vẫn ở xác suất là có thể hoặc sẽ không xảy ra, việc lo sợ và suy nghĩ quá mức sẽ làm cơ thể thêm căng thẳng, sự sợ hãi càng lớn hơn. Sự lo âu chính là tác nhân hàng đầu khiến bản thân họ chùn bước, không thể đối diện với bóng tối.

Sợ bóng tối có thể do kết quả của một số sự kiện chấn động tâm lý xảy ra trong cuộc sống của họ. Trường hợp đặc biệt đối với một số người lớn hoặc trẻ nhỏ sợ bóng tối có thể do trải nghiệm tiêu cực khi còn bé, người lớn dọa hay những việc họ đã gặp vào ban đêm như: một vụ cướp, tấn công, một bộ phim kinh dị… Sau khi trải qua sự cố, nhiều người nảy sinh rối loạn căng thẳng và dần trở nên sợ bóng tối. 

Về cơ bản thì sợ bóng tối là một điều tự nhiên. Theo thời gian, môi trường và hoàn cảnh sống mà mỗi người đối mặt, chúng ta sẽ tự giảm bớt nỗi sợ khi trải qua nhiều, trưởng thành hơn hoặc áp dụng một số biện pháp tâm lý để giảm bớt tình trạng này.

Khắc phục chứng sợ bóng tối

Trị liệu tâm lý

Những người lớn mắc phải chứng sợ bóng tối đều không biết nỗi sợ của mình bắt đầu từ đâu, tại sao lại sợ và không biết làm thế nào để vượt qua nó. Trong trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng của bản thân, hãy tìm đến các nhà trị liệu tâm lý.

Các chuyên gia tâm lý sẽ ứng dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để giúp bạn xác định được chính xác nguyên nhân hoặc nguồn cơn của nỗi sợ bóng tối, chẳng hạn như thôi miên trị liệu và các kỹ thuật tự lực hoặc tự giúp bản thân (self-help techniques). 

Với các kỹ thuật tự giúp, người sợ bóng tối được yêu cầu đối diện với chính điều mình đang sợ hãi, viết lại những suy nghĩ hoặc những sự suy diễn vô căn cứ xuất hiện trong đầu mình lúc đó, rồi lần lượt giải thích điều đó, chuyển hóa chúng thành những phản ứng lý trí. 

Thiền định

Thiền định và tư duy tích cực cũng là vài kỹ thuật tự giúp có khả năng giúp chúng ta khắc phục dần chứng sợ bóng tối.

Dùng thuốc

Chứng sợ bóng tối cũng có thể được gia giảm bằng cách dùng các loại thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ để phòng tránh tác dụng phụ, và đây cũng không phải là giải pháp lâu dài giúp khắc phục chứng sợ bóng tối.

Hội chứng sợ bóng tối có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mỗi người nên cần phát hiện và có hướng điều trị càng sớm càng tốt.

Tố Như - NTD Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét