Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Tại Sao Twitter Vẫn Hoạt Động Tốt Dù Elon Musk Cắt Giảm Quá Nửa Số Nhân Viên?

 

Một chiếc điện thoại di động hiển thị ảnh của Elon Musk được đặt trên màn hình máy tính có đầy các biểu tượng Twitter ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 05/08/2022. (Ảnh: SAMUEL CORUM/AFP qua Getty Images)

TẠI SAO TWITTER VẪN HOẠT ĐỘNG TỐT DÙ ELON MUSK CẮT GIẢM QUÁ NỬA SỐ NHÂN VIÊN?
Bảo Nguyên 

Không chỉ tại Twitter, khu vực nhân sự cổ cồn trắng chuyên nghiệp của Mỹ đã trở thành một cộng đồng lười biếng. Họ là những người làm giảm bớt giá trị công ty, duy trì mức lương cao chỉ bởi việc có mặt tại công sở và thái độ thức tỉnh đúng đắn. Ông Elon Musk đã thực hiện một việc làm chính xác khi cho họ nghỉ việc, trong khi khiến Twitter hoạt động có phần tốt hơn trước đây.

Thực tế kỳ lạ tại Twitter

Bạn phải thừa nhận rằng điều này hơi kỳ lạ. Kể từ khi tiếp quản Twitter, ông Musk đã buộc thôi việc ít nhất 3/5 số người trong biên chế. Các nhân viên phải nghỉ việc đã kêu than về điều này trong nhiều tuần trên mọi nền tảng. Họ đã dự đoán sự diệt vong của công ty. Chắc chắn toàn bộ nền tảng đã chết [theo họ]. #RIPTwitter đã trở thành xu hướng trong suốt thời gian qua.

Cho dù thế, người dùng ngày nay đang trải nghiệm một nền tảng nhìn chung vẫn tốt như trước đây. Thậm chí tình hình còn tốt hơn: chúng ta nhận được nhiều nghiên cứu và ý kiến ​​hơn vì ông Musk đã dừng lệnh cấm đối với rất nhiều tài khoản. Ngoài ra, người ta có thể đăng mà không sợ kiểm duyệt theo cách thường diễn ra chỉ một tháng trước. Chắc chắn, đã có một số trục trặc nhưng nó không giống như những gì người ta chờ đợi.

Ông Musk vẫn chưa hề hoàn thành việc đảo ngược tổn thất gây nên bởi ban lãnh đạo cuối cùng của Twitter. Có hàng ngàn tài khoản vẫn bị cấm vì những lý do liên quan đến COVID. Đây là những nhà khoa học và nhà báo nghiêm túc đã không đồng ý với quan điểm chính của CDC hay ông Fauci trong hai năm qua. Họ đã bị thanh trừng một cách có hệ thống. Điều này xảy ra do sự thúc giục của các cơ quan chính phủ, một vấn đề nghiêm trọng đối với Tu chính án thứ nhất. Đó là những gì đang được phơi bày tại tòa án ngay bây giờ, với những lời cung khai của ông Anthony Fauci và bà Jen Psaki cùng những người khác.

Ông Musk có thể đảo ngược tất cả các lệnh cấm này ngay bây giờ. Ông ấy đã không làm như vậy. Có lẽ trong tương lai ông ấy sẽ làm thế. Khi ông ấy làm như vậy, chúng ta sẽ có quyền truy cập mới vào các bài đăng trước đây của các tài khoản này và dễ dàng biết ai đúng ai sai. Đó sẽ là một sự bẽ mặt lớn đối với các cơ quan y tế công cộng. Tôi ước rằng tôi biết nguồn gốc của sự chậm trễ trong việc khôi phục các tài khoản này. Có thể ông ấy vẫn đang trong quá trình tạo ảnh hưởng và tất cả điều này sẽ xảy ra một cách đúng lúc.

Bất chấp điều đó, thật vô cùng thú vị khi có rất nhiều nghìn người đang kiếm được mức lương cao đột ngột bị buộc phải rời đi trong khi nền tảng này vẫn tiếp tục hoạt động tốt. Nếu bạn đã từng dành thời gian trong văn hóa doanh nghiệp dòng chính của Mỹ, bạn sẽ biết tại sao. Một số lượng lớn nhân viên hoàn toàn không làm gì cả. Tồi tệ hơn, họ làm được điều sau: họ tạo ra công việc cho mình bằng cách khiến công việc của người khác khó khăn hơn. Họ giảm bớt giá trị từ công ty hơn là thêm giá trị cho nó.

Hình ảnh này được lấy từ một video đăng trên tài khoản Twitter của Elon Musk - tỷ phú, Giám đốc Tesla, vào ngày 26/10/2022, cho thấy chính ông mang theo một chiếc bồn rửa bước vào trụ sở Twitter ở San Francisco, Mỹ. (Ảnh: Tài khoản Twitter của Elon Musk/AFP qua Getty Images)

Vấn đề trong các công ty Mỹ

Vấn đề này là rất lớn ở các công ty Mỹ, không chỉ ở Twitter. Những người bạn của tôi từng làm việc cho Facebook và Google mô tả một môi trường làm việc thảm hại, trong đó họ bị các nhà quản lý ngăn cản không cho đạt được bất cứ điều gì, những người mà chính họ lại phải báo cáo cho những người quản lý khác, những người này sau đó lại báo cáo cho một cấp khác. Những ngày của họ được dành cho những cuộc họp vô tận và vô nghĩa, trong đó mọi người được mời khoe khoang và bày tỏ về những thành tích to lớn của họ trước một căn phòng đầy những người biết chắc rằng toàn bộ sự việc chỉ là một vở kịch.

Trên thực tế, tôi chưa bao giờ biết đến người nào khốn khổ hơn những người bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu của những công ty khổng lồ như vậy. Họ ở lại vì hai lý do: địa vị và lương. Nhưng ngay cả điều đó cũng không đủ để mang lại một cuộc sống hạnh phúc. Chính vì lý do này mà chúng ta đã thấy các thư viện xuất hiện trong hơn một thập kỷ rưỡi qua và một nửa trong số chúng là về những ông chủ tồi, văn hóa công ty độc ác, những công việc vô nghĩa và tất cả chúng đều rất thu hút độc giả. Các hiệu sách ở sân bay đã tràn ngập những chủ đề đó trong nhiều năm.

Tuy nhiên, hãy rõ ràng về điều này. Vấn đề này tồn tại duy nhất trong một lĩnh vực đặc biệt của đời sống kinh tế: công việc bàn giấy cổ cồn trắng chuyên nghiệp, chính là thứ đã bị truyện tranh Dilbert châm biếm trong nhiều năm. Trong thời kỳ đại dịch, chúng được gọi là công việc trên máy tính xách tay hoặc công việc Zoom. Đây là những người nhìn chằm chằm vào màn hình để kiếm sống. Thành tích của họ là mờ nhạt. Họ có thể dễ dàng ngụy trang những gì họ đang làm nhờ vào các nền tảng nhắn tin toàn công ty và máy nhắc chuột (để tránh màn hình rơi vào trạng thái ngủ).

Trước đại dịch khi họ được yêu cầu phải ở trong văn phòng, họ dành cả ngày cho các cuộc họp và dần dần tin rằng việc duy trì mức lương cao của họ chỉ nằm ở việc có mặt: ngồi trên ghế và kiếm được nhiều tiền.

Đây là một cuộc sống dễ dàng ở một số khía cạnh nhưng lại gây khó chịu ở những khía cạnh khác. Điều đó thật dễ dàng vì công việc chính của bạn là giả vờ làm việc và nếu không thì hãy thích nghi với cuộc sống với những kỳ vọng thấp và tìm ra những cách thức sinh tồn trong công ty. Nó gây bực bội đơn giản vì nó vô nghĩa và người lao động biết điều này là sự thực. Vì vậy, khi có lệnh ở nhà, họ đã rất vui mừng. Thay vì không làm gì ở văn phòng, họ có thể không làm gì ở nhà. Không có gì ngạc nhiên khi tình trạng này kéo dài lâu như vậy.

Biện pháp của ông Musk

Ông Elon Musk biết nhiều về vấn đề này như bất kỳ ai. Vì vậy, khi ông ấy tiếp quản Twitter, ông ấy đã tìm thấy chính xác những gì ông ấy kỳ vọng sẽ tìm ra: một 'bầy ngỗng" [ám chỉ một đám người lộn xộn] tùy tiện, béo mập và lười biếng được quyền không làm gì cả. Tệ hơn nữa, rất nhiều nhân viên đã bị nhiễm tư tưởng thức tỉnh đến mức họ tin rằng họ được trả tiền để có những tư tưởng ​​đúng đắn hơn là làm điều gì đó có ích. [Phong trào "thức tỉnh" được khởi xướng bởi những người cánh tả nhằm thúc đẩy đấu tranh về các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, môi trường, phá thai…]

Không thể cắt giảm một thứ như vậy với một tầm nhìn hoàn hảo. Vì vậy, ông Musk đã tin vào bản năng của mình. Ông ấy cắt bỏ những thứ rõ ràng trước, trở nên "hung hăng" hơn, và cuối cùng quyết định đưa ra tối hậu thư rằng ông ấy chỉ muốn những nhân viên chăm chỉ, những người sẵn sàng làm việc trong nhiều giờ tới mức khó tin cùng với sự tập trung cao độ. Thông báo đó đã khiến hàng nghìn người khác phải nghỉ việc, điều nói cho bạn biết tất cả những gì bạn cần biết.

Tôi có một giáo sư luật ở trường đại học, người đã sử dụng một chiến thuật tương tự vào ngày khai mạc lớp học. Ông ấy bước vào trong bộ quần áo chỉnh tề và sau đó khiến mọi người trong phòng khiếp sợ về khối lượng công việc, áp lực phải đứng và trả lời các câu hỏi, việc viết các bản tóm tắt mới cho mỗi buổi học, cũng như việc đọc và hiểu từng từ trong các bài đọc được giao. Bạn có thể cảm thấy áp lực lên căn phòng. Ông ấy kết thúc buổi học đầu tiên bằng cách thúc giục tất cả những ai chưa sẵn sàng hủy lớp học [dừng tham gia đăng ký lớp học] ngay lập tức. Điều đó đã loại bỏ khoảng 20% nhưng những sinh viên còn lại đã được chuẩn bị sẵn tinh thần. Đó là một trong những lớp học tốt nhất mà tôi từng tham gia.

Một cộng đồng lười biếng

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có cả một hoặc hai thế hệ nhân viên văn phòng cổ cồn trắng chuyên nghiệp, những người đã thực sự quên - hoặc chưa bao giờ biết - ý nghĩa của làm việc thực sự. Tôi chợt nhận ra sự thật này cách đây vài năm khi tôi ở một tuần ở Seoul, Hàn Quốc. Cả thành phố có một môi trường làm việc mà tôi chưa từng thấy trước đây. Nơi này náo nhiệt lúc 6 giờ sáng hoặc thậm chí sớm hơn. Sự hối hả xung quanh, cường độ, sự tập trung, những bữa trưa ngắn ngủi, những giờ làm muộn, những khuôn mặt căng thẳng và nghiêm túc, tất cả đều chỉ ra một điều gì đó đáng chú ý. Sau đó, tôi nhận ra rằng đây là một đất nước và nền văn hóa nơi công việc và năng suất là ưu tiên hàng đầu.

Những người lao động trong các dịch vụ chuyên nghiệp ít phải đối mặt với sự gián đoạn hơn nhiều trong thời gian phong tỏa nhưng giai đoạn phục hồi sau thảm họa đó đang ảnh hưởng đến lĩnh vực lao động này tồi tệ hơn so với ngành bán lẻ và khách sạn. Hãy gọi nó là nghiệp chướng. Nhiều người lao động rời bỏ nền kinh tế thông tin sẽ sớm thấy mình phải làm việc với các sản phẩm và dịch vụ có tính chất hữu hình hơn.

Biểu đồ: Thay đổi trong tuyển dụng của các ngành so với 1 năm trước. Đường màu xanh lam: tuyển dụng trong ngành dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh. Đường màu đỏ: tuyển dụng trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống. Đường màu xanh lá cây: tuyển dụng trong ngành khách sạn - du lịch và giải trí. Cột bên trái: thay đổi so với một năm trước, đơn vị: 1000. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Chắc chắn rằng, làm việc chăm chỉ không thôi không làm cho một xã hội trở nên giàu có. Để có được điều đó, bạn cần có vốn, sự đầu tư khôn ngoan, việc lập kế hoạch dài hạn, tính kỷ luật và tiết kiệm - và tất cả những điều đó chỉ có được thông qua sự đảm bảo an toàn đối với tài sản cá nhân và quyền sở hữu. Tuy nhiên, không một xã hội nào của những kẻ lười biếng có thể duy trì sự thịnh vượng trong thời gian dài. Sau trải nghiệm ở Hàn Quốc, tôi thấy rõ ràng rằng khu vực cổ cồn trắng của doanh nghiệp Mỹ đã trở thành chính xác một xã hội lười biếng như vậy.

Cần chú ý rằng đây không phải là một vấn đề đúng với tất cả các lĩnh vực. Các nhà hàng và khách sạn không có quá nhiều nhân viên. Trong ngành xây dựng, không có nhiều nhân viên thừa thãi. Trong bán lẻ, mọi nhân viên đều quan trọng. Trong các hãng hàng không cũng vậy. Trong những ngành mà mọi người thực sự làm việc và có trách nhiệm giải trình, chúng ta đang chứng kiến tình trạng thiếu lao động dai dẳng. Những nơi dư thừa là các gã khổng lồ công nghệ lớn, học viện, tổ chức phi lợi nhuận và ngành dịch vụ chuyên nghiệp nói chung. Đây là nơi các vụ sa thải đang bắt đầu diễn ra.

Quá khứ và tương lai

Vấn đề này đã xảy ra như thế nào và tại sao nó lại đang thay đổi? Hãy nhìn lại năm 2008 với chính sách lãi suất bằng 0 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chính sách đó đã đẩy tiền và vốn từ các khoản tiết kiệm vào một cuộc săn lùng lợi nhuận trong tuyệt vọng. Nó gây ra sự bùng nổ ồ ạt của các ngành thời thượng trong nền kinh tế thông tin. Vâng, các công ty này được có được mức lợi nhuận tài chính cao cho các nhà đầu tư, dường như không có giới hạn. Ban quản lý đã phát triển thói quen tuyển dụng vô tận và phình to.

Quá trình đã kết thúc do sự đảo ngược mạnh mẽ của chính sách tiền tệ bắt đầu từ năm nay. Ông Jerome Powell dường như quyết tâm kiểm soát lạm phát thông qua hoạt động tăng lãi suất quỹ liên bang nhanh nhất mà chúng ta từng thấy. Điều này đang gây ra sự cạn kiệt nguồn lực trong các nền kinh tế thông tin bị thổi phồng. Tiền không còn rẻ nữa. Nếu điều này tiếp tục, các nguồn lực sẽ quay trở về với các khoản nợ ngắn hạn an toàn, điều sẽ gây áp lực tài chính lớn đối với các công ty truyền thông và công nghệ nói riêng.

Hiện tại, tôi tự tin với Twitter chủ yếu vì ông Musk đã đưa ra những quyết định khó khăn mà hàng nghìn công ty sẽ phải sao chép trong sáu tháng tới. Lý tưởng nhất là xu hướng này cuối cùng có thể sẽ tấn công vào lĩnh vực bị thổi phồng nhất: chính phủ. Đáng buồn thay, kích thước và quy mô của chính phủ được bảo vệ chống lại thực tế tài chính. Chỉ có sự thay đổi trong tầng lớp lãnh đạo chính trị mới có thể mang lại điều đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên - NTD Việt Nam
Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét