Thánh George chiến đấu với Rồng, tranh của Raphael Sanzio (1483–1520). (Miền công cộng)
TRUYỀN THUYẾT HIỆP SĨ GEORGE GIẾT RỒNG
Trung Hòa
Georgia (cũng gọi là Gruzia) là một quốc gia trải dài từ châu Âu sang châu Á, tên quốc gia này phát âm theo tiếng Anh giống như tên của một người, đó là George. Người ta nói rằng, nó được đặt tên để vinh danh vị Thánh bảo trợ của đất nước, Thánh George. Quốc huy của quốc gia này dựa trên tích Thánh George giết rồng.
Đây là một sự thật lịch sử thú vị: Thánh George, người chưa bao giờ đến Nga, Anh và các quốc gia khác, đã được đưa vào biểu tượng và quốc huy của các quốc gia này, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và vinh quang quân sự. Bây giờ hãy cùng tìm hiểu về truyền thuyết của vị hiệp sĩ này.
Cuộc đời hiệp sĩ George
Vào năm 280 (có người cho là năm 275), một gia đình quý tộc giàu có và tốt bụng ở Palestine đã chào đón một em bé sơ sinh khỏe mạnh. Cha mẹ trẻ đặt tên cho đứa bé là George. Cha của George là một sĩ quan quân đội La Mã, mặc dù vua La Mã vẫn tiếp tục đàn áp Cơ đốc nhân, nhưng cha của George không mất niềm tin vào Cơ đốc giáo, ông và vợ vẫn giữ niềm tin vào Chúa, và lòng mộ Đạo này cũng truyền cho con trai ông là George. Cậu bé George có một ước nguyện: dâng hiến mọi thứ cho Chúa, và tôn vinh ân điển của Chúa bằng vẻ đẹp của trái tim và ngoại hình.
George lớn lên trở thành một thanh niên cường tráng, hoạt bát, thân thủ nhanh nhẹn, và chịu đựng giá lạnh cực tốt. Sau cái chết tức tưởi của cha mình, George đến Lydda (nay là một phần của Israel) cùng mẹ là Polychronia. Mẹ anh sở hữu một bất động sản ở đó. Khi lớn lên, George, giống như cha mình, trở thành một người lính.
Khi George 20 tuổi, mẹ anh cũng qua đời. Ngay sau đó, George được chọn vào Đội cận vệ Cung điện Hoàng gia La Mã, và trở thành sĩ quan kỵ binh của Đội Cận vệ Pháp quan, bảo vệ Hoàng gia và Quốc vương. Chàng trai trẻ này nổi bật giữa đội cận vệ cung điện với trí thông minh xuất chúng, vẻ ngoài điển trai và lòng dũng cảm phi thường. Chàng trai trẻ giành được sự ưu ái của Vua Diocletian. Anh liên tục được thăng chức, và nhanh chóng trở thành một thống soái trẻ tuổi và đầy triển vọng của nghìn quân.
Quốc huy George (Gruzia). (Miền công cộng )
George, người quanh năm hành quân, thường nghĩ về vẻ đẹp của thế giới Thiên quốc, và làm thế nào để hoàn thiện bản thân, để Chúa không xấu hổ về anh. George đã giúp xây dựng bảy tu viện, một trong số đó được xây dựng trên chính ngôi nhà của ông. Khi còn trẻ, anh coi niềm tin vào Chúa là vinh quang của cuộc đời.
Đồng thời, vị tướng chỉ huy vạn quân còn để lại nhiều chiến công huyền thoại, trong đó tiêu biểu là câu chuyện vung giáo giết rồng.
Hiệp sĩ George giết rồng
Theo cuốn sách bán chạy nhất thời trung cổ "The Golden Legend", một năm nọ, khi vẫn còn là một sĩ quan, George đi từ Cappadocia đến thành phố Sirin ở Libya. Cách thành phố Sirin không xa, có một hồ nước rộng lớn, nơi sinh sống của một con rồng khủng khiếp. Con rồng độc ác yêu cầu người dân thành phố này phải hiến tế hàng ngày, nếu không nó sẽ phá hủy các bức tường thành và phun khí độc. Lúc đầu, người dân đóng góp mỗi ngày hai con cừu béo.
Nhưng chẳng bao lâu đàn cừu đã bị con rồng ăn thịt hết. Con rồng lại càng hung ác hơn, đòi hiến tế một người sống, một đồng nam hoặc một đồng nữ. Để giữ thành bang của mình, nhà vua buộc người dân lần lượt hy sinh con trai hoặc con gái của họ để hiến cho con rồng ác.
Những người dân nghèo bất lực trước cái ác, đành phải đau đớn hy sinh những đứa con của mình. Nhưng chẳng mấy chốc, tất cả các em bé trong thành đều bị con rồng ăn thịt, chỉ còn lại cô con gái của nhà vua.
Trước đây, vua hèn thỏa hiệp với ác long khiến muôn nhà mất con, cả nước mất con. Bây giờ số phận tương tự đến với nhà vua. Nếu ông ta không hy sinh con gái mình, con rồng sẽ phá hủy toàn bộ tòa thành. Vua vô cùng đau đớn, nhưng không thể làm gì được, đành phải đẩy con gái ra ngoài cổng thành.
Một lát sau, George đi ngang qua bên ngoài tòa thành. Anh thấy công chúa đang khóc. George dừng lại, nhưng công chúa lại khẩn thiết nói với anh rằng: "Chàng trai trẻ tốt bụng, hãy cưỡi con ngựa tốt của anh, ra khỏi đây nhanh lên, nếu không anh sẽ chết như tôi".
Khi George nghe thấy điều này, anh đã nhanh chóng an ủi công chúa đừng sợ và hỏi: "Tại sao cô lại đứng ở đây".
Công chúa kể về việc rồng đòi hiến tế, nàng vẫn thúc giục chàng ra đi: "Hỡi chàng hiệp sĩ tốt bụng, hãy chạy đi thật nhanh, một lát nữa rồng sẽ đến, đừng chết với tôi. Hy sinh mình tôi là đủ rồi. Nếu anh không mau chạy, thì lát nữa chúng ta đều phải chết".
Cô gái vừa dứt lời thì con rồng từ trong hồ vươn cái đầu dài ra. Thấy vậy, cô gái hét lên với George: "Chạy đi, hiệp sĩ tốt bụng, chạy đi!"
George nhảy xuống ngựa và đứng trước con rồng, tay cầm giáo. Niềm tin vào Chúa chiến thắng nỗi sợ hãi, George dũng cảm chiến đấu với rồng để bảo vệ công chúa. Sau một trận chiến cam go, George đã khuất phục được con rồng, trói nó bằng thắt lưng và dẫn nó vào thành phố. Những người dân đau buồn và tức giận kéo đến và cùng nhau diệt trừ nó. George chống lại cái ác, giải cứu con gái của nhà vua và cứu toàn bộ thành phố.
Sự can đảm của George không sợ cái ác, vươn mình bước ra, đã cảm hóa người dân của thành phố. Khi anh nói với mọi người về vẻ đẹp của niềm tin, họ đã thấy sức mạnh mà niềm tin trên con người của anh, và việc anh bảo vệ sinh mệnh. Khi các vua La Mã vẫn đang bắt bớ các Cơ đốc nhân, những người này đã chọn hát những lời ca ngợi Đấng Ki-tô, và khôi phục sự tôn kính của họ đối với Đức Chúa Trời.
Để đền đáp công ơn cứu nước của George, nhà vua ban cho chàng rất nhiều châu báu. George cũng đã thực hiện một số hiệp ước với nhà vua, một trong số đó là khôi phục niềm tin vào Chúa. Đối với những món quà hào phóng đó, George không lấy chút gì mà phân phát hết cho những người dân nghèo.
Thánh George ở một số nước châu Âu
Có nhiều phiên bản khác nhau về truyền thuyết George giết rồng trong văn hóa dân gian, nhưng chủ đề và cốt truyện đều giống nhau. Theo một phiên bản khác, sau khi con rồng bị giết, máu của nó chảy theo hình chữ thập. Lấy cảm hứng từ điều này, lá cờ của Tướng George được thiết kế theo kiểu chữ thập đỏ trên nền trắng.
Trong các cuộc Thập tự chinh, các hiệp sĩ người Anh đã sử dụng biểu tượng của Thánh George như một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm. Năm 1190, cuộc Thập tự chinh lần thứ ba do Vua Richard I của Anh (Vua Lionheart) lãnh đạo đã giành thắng lợi hoàn toàn ở Acre. Thật trùng hợp, nơi George đánh bại con rồng lại ở gần đây. Do đó, Thánh George được coi là vị Thánh bảo trợ của nước Anh.
Vua Richard I của Anh (Vua Lionheart) trên đường đến Jerusalem. (Miền công cộng)
Năm 1222, Hội nghị Oxford tuyên bố ngày 23 tháng 4 là "Ngày Thánh George", và Vua Edward III đã thông qua khẩu hiệu "Thánh George bảo hộ nước Anh" (St. George for England) làm khẩu hiệu xung trận. Năm 1277, người Anh đã thiết kế một "Cờ Thánh George" với chữ thập đỏ trên nền trắng làm quốc kỳ của nước Anh. Trong các đồng tiền đầu tiên của Vương quốc Anh hoặc các vùng lãnh thổ của Anh, cũng thường đúc hình ảnh Thánh George giết rồng.
Trong thời kỳ Phục hưng, nhiều nghệ sĩ đã tạo ra một số lượng lớn các bức tranh, tranh tường và tác phẩm điêu khắc dựa trên những việc làm của Thánh George. Ví dụ: Raphael, Rubens, Gustave Moreau, họa sĩ người Venice Carpaccio, v.v., tất cả đều tạo ra những bức tranh về Thánh George chiến đấu với rồng. Có rất nhiều nhà thờ và tu viện ở các nước châu Âu được đặt tên theo Thánh George.
Sau khi câu chuyện của George lan sang Nga, vào ngày 26 tháng 11 năm 1769, Hoàng hậu Nga Catherine Đại đế đã thành lập Dòng Thánh George. Huân chương này được chia thành bốn hạng, trong đó hạng nhất và hạng hai là huy chương có sao và được đánh dấu bằng dòng chữ "sự phục vụ và lòng dũng cảm". Sau khi Liên Xô cũ tan rã, Tổng thống Yeltsin của Liên bang Nga đã ký một sắc lệnh vào năm 1993 để giữ huy hiệu của George Slaying the Dragon trên quốc huy Nga.
Ghi chú
Thánh George (Theo The Golden Legend):
Thánh George và con ác long. (Miền công cộng)
Dưới triều đại của hoàng đế La Mã cổ đại Diocletian, vào ngày 24 tháng 2 năm 303, vua đã ban hành sắc lệnh đàn áp đầu tiên, buộc các Kitô hữu phải từ bỏ đức tin của họ. Những người theo đạo Cơ đốc hoặc từ bỏ đức tin của họ hoặc bị tra tấn đến chết. Vì các phương pháp bức hại tàn bạo, "Hắc Thập Tự" đã trở thành từ đồng nghĩa với vị hoàng đế này.
George đã chứng kiến sự đàn áp lớn của Đế chế đối với những người theo Đạo Cơ đốc, ông không thể dửng dưng đứng nhìn nỗi đau khổ của nhân dân, nên đã phân tán của cải, sa thải bầy tôi, rồi đến yết kiến nhà vua và tuyên bố mình là người theo đạo Thiên Chúa.
Hoàng đế Diocletian đã ra lệnh xử tử ông. Trước khi qua đời, George đã phải chịu nhiều cực hình, nhưng ông vẫn kiên định và không từ bỏ niềm tin vào Chúa. Cuối cùng, tại Nicomedia (nay là Izmit, Thổ Nhĩ Kỳ), ông bị chặt đầu. Trong hội họa thời Phục hưng, ông được xem như một vị Thánh tử vì Đạo. Ông được bao quanh bởi các vị Thần và nhận được danh hiệu thiêng liêng, và bay vào Thiên quốc.
Trung Hòa
Theo Chương Các - Epochtimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét