Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

AHĐPTĐTTT - Phần Ba, Chương II, Mục I

 


AHĐPTĐTTT - Phần Ba, Chương II, Mục I
Thầy Dương Anh Sơn

Phần Ba

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA NGUYỄN DU VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH


Chương II

TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Mục 1 

CHỮ TÂM VÀ SỰ THỰC CHỨNG
(Đoạn trường ai có qua cầu mới hay)

Có thể nói rằng, những chất liệu cần thiết để Nguyễn Du tạo nên những “tiếng mới về nỗi đoạn trường hay những tiếng mới về nỗi đau như cắt ruột” (Đoạn Trường Tân Thanh) về mặt tư tưởng, đã được hình thành ngay trong những quan niệm của tiên sinh qua những bài thơ chữ Hán. Ít nhiều, những quan niệm về thân phận làm người, về vận và mệnh, nghiệp kiếp... v.v... và đặc biệt là những tư tưởng đạo Phật được mang vào Truyện Kiều không những là phương tiện để tiên sinh trình bày quan niệm của mình trước cuộc đời mà còn cho thấy sự “thực chứng” hay nói khác hơn là sự thấu đạt, thấu ngộ thực sự của Tố Như thông qua câu chuyện nàng Thúy Kiều. Thực vậy, toàn bộ Đoạn Trường Tân Thanh được xây dựng khởi đi bằng tiền đề “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” để dần dần tiến đến ngọn nguồn của vấn đề này, chính là chữ Tâm trong phần cuối Truyện Kiều như đã tìm hiểu ở các phần trên.
Nói khác đi, chữ Tâm là nguyên nhân, là cỗi nguồn của hạnh phúc, khổ đau, sum họp và chia phôi, mê và ngộ bao quanh nhân vật có tên là Thúy Kiều, còn tài mệnh chẳng qua là hậu quả của cái tâm ấy mà thôi.

1-/ Trước hết, cái quan niệm “tài mệnh tương đố” được dùng làm tiền đề khơi mào câu chuyện của nhân vật mang tên Thúy Kiều cũng chính là mối băn khoăn của tiên sinh khi nhìn lại thân phận của mình:

“Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân
Bản vô văn tự năng tăng mệnh
Hà sự kiền khôn thác đố nhân?”
(Tự Thán kỳ nhị / Thanh Hiên Thi Tập)

聰明穿鑿損天真
本無文字能增命
何事乾坤錯妒人
(自嘆 其 二)

(Trí thông minh xuyên tạc hại tính trời, văn tự vốn không ghen ghét số mệnh, tại sao trời đất lại đố kỵ lầm người?)

Tạm dịch thơ:

... Thông minh hại mất tính trời chẳng thôi.
Văn chương nào ghét mệnh đời,
Sao trời đất lại ghen người lầm ai! [1]
(Than Thân, II)

Trong Đoạn Trường Tân Thanh, nàng Kiều đã được mô tả là người vừa có sự thông minh, vừa là người có chữ nghĩa và nhiều tài năng:

“Thông minh vốn sẵn tính trời, (c. 29)
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.”

Và chính sự thông minh cùng tài năng đó sẽ là đầu mối cho cuộc phong trần của nàng về sau như người tướng sĩ đã nhận thấy khi nàng còn thơ ấu:

“Anh hoa phát tiết ra ngoài, (c. 415)
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa.”

2-/ “Tính trời” và sự “vô minh”: “Tính trời” là cái tánh tự nhiên nơi mỗi người, nên Tố Như hoặc nàng Kiều cũng không thể nào gột bỏ được bản chất của mình hoặc thay đổi được cái tính sẵn có ấy. Mỗi người sinh ra đều mang một bản chất của mình một cái mệnh, một cái nghiệp như một thứ chủng tử tiềm tàng bên trong. “Tính” cũng là một thứ chủng tử ẩn tàng bên trong mỗi cá thể như là Nghiệp. Nói khác hơn, rốt cùng Tính và Nghiệp (hoặc Mệnh) cũng chỉ là một, nó là cái Thể thực hữu. Ra khỏi cái Thể là Dụng, là hình tướng biểu lộ ra bên ngoài. Do đó, Tố Như tiên sinh đã nói về mình khi nhận ra được phần nào cái nguyên lý chi phối cuộc đời gian truân là do bởi cái Tính và cái Tướng tác động:

Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn
Mệnh đẵng hồng mao bất tự tri
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng
(Tự Thán I /Thanh Hiên Thi Tập)

性成鶴脛何容斷
命等鴻毛不自知
天地與人屯骨相
(自嘆 其 一)

(Chân hạc tính vốn dài, cắt ngắn sao được, mệnh trời nhẹ như lông hồng mà mình không tự biết. Trời đất phú cho người cái cốt tướng gian truân).

Tạm dịch thơ:

... Cắt sao chân hạc - tính người?
Lông hồng tựa mệnh ta rồi biết chăng?
Đất trời dáng vóc khó khăn... [2]

Một cách tương tự, tiên sinh đã phác họa một nàng Kiều cũng nhận ra được cái tính của mình khi đánh đàn cho Kim Trọng nghe:

.... Rằng: “Hay thì thật là hay! (c.489)
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
So chi những bậc tiêu tao,
Nhột lòng mình cũng nao nao lòng người!?
Rằng: “Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

Dĩ nhiên, nhận ra được cái tính, không có nghĩa là thấu rõ được căn để của mệnh hay là nghiệp, vì “mệnh trời nhẹ như lông hồng mà mình khôngtự biết”. Biết được tức là thấy rõ được cội nguồn đã gây ra cuộc đời “bạc mệnh” của chính mình, của nàng Kiều:

“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn (c. 41 1)
Khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay?”

Hoặc:

“Trông chừng khói ngất song thưa, (c. 571)
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.”

Thúy Kiều nào có biết được “vuông tròn mà hay“ và cũng chỉ “trông chừng”, nhận ra con đường phong trần trong chốn đoạn trường mờ nhạt ẩn khuất đâu đó mà mình sẽ dấn bước, vì nàng là người thông minh và dùng cái thông minh này nhìn vào chính cái “tính trời” (Thông minh vốn sẵn tính trời. c.29) để suy ra số kiếp. Cho nên, nàng Kiều đi vào con đường đoạn trường đau khổ trong “vô minh” và không hề lựa chọn nó bao giờ! Cứ theo Tam Hợp đạo cô, con đường đoạn trường là sự đẩy đưa của vô minh: “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường /lựa chi những chốn đoạn trường mà đi” (c.2265, 2266 - có sách viết là “... lại tìm những chốn đoạn trường mà đi- bản của Đào Duy Anh). Tiếng đàn bạc mệnh và những giấc chiêm bao gặp gỡ Đạm Tiên hoặc những tra vấn về cái tính của mình. v.v... chỉ cho thấy một phần nào đó con đường đoạn trường đó mà thôi.

3-/ Sự thức tỉnh và nhận ra chính mình: Hơn thế nữa, trong mười lăm năm luân lạc, nàng Kiều của Nguyễn Du đã nhiều lần thức tỉnh để nhận ra dần dần chính mình. Sau những cuộc truy hoan hoặc trong những lúc bị đày đọa bởi kiếp phong trần, Kiều đã thấy được cả một số phần đang đè nặng lên cuộc đời mình và ở giữa đó, nàng như một kẻ độc hành trơ trọi để tìm lại hình bóng đích thực của mình. Trí thông minh của nàng tuy là “tính trời”, nhưng cũng chỉ giúp nàng thức tỉnh thấy được mình trong thế giới có phân biệt của tánh (Dụng).
Nó cũng là một thứ tâm, nhưng là vọng tâm, nghĩa là vẫn chưa thấu triệt được bản thể vì cái tâm đích thực tức là chân tính của nàng phải ở trình độ vô phân biệt chỉ khi nàng thức ngộ về sau, còn bây giờ chỉ là bước đầu của sự tỉnh thức:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, (c. 1233)
Giật mình mình lại thương mình xót xa."

Thêm vào đó, chuyển động của vọng tâm sinh ra vô minh, phiền não, nhưng cũng từ phiền não vô minh đó, nàng đã phăng dần đến cõi lòng của mình dù chưa đạt đến tận cội nguồn như về sau:

“Vui là vui gượng kẻo là, (c. 1247)
Ai tri âm đó mặn mà với ai.
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân.
Nỗi lòng đày đọa xa gần,
Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau.”

Trên bước đường phong trần, hình ảnh của một Thúy Kiều ngồi đối bóng sụt sùi “nghĩ thân mà ngậm ngùi cho thân” (c. 1190) cũng là hình ảnh của một Nguyễn Du từng thao thức đêm trường để nhìn lại cuộc đời của mình hầu tìm ra một lối thoát khả dĩ dung hòa được những mối mâu thuẫn bắt gặp trên đường tìm kiếm nơi an trụ đích thực của lòng mình:

Trúc, thạch đa tàm phụ nhĩ minh.
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh,
Mãn sàn trệ vũ bất kham thinh.
(Tống nhân / Nam Trung Tạp Ngâm) [3]

竹石多慚負爾盟
惆悵深宵孤對影
滿床滯雨不堪聽
(送人)

Tạm dịch thơ:

... Thẹn cùng trúc, đá phụ lời thề kia,
Buồn dâng đối bóng đêm khuya,
Nằm sao chịu nổi, nghe mưa dầm dề.
(Tiễn bạn) [4]

4-/ Đi từ “lẽ” vô thường đến “lý” vô thường và thân phận của mình: Mặt khác, khởi đi từ nhận thức:

“Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao” (c. 494)

Thúy Kiều đã thấy được một cách mơ hồ về lẽ vô thường (tẻ vui - sự thay đổi của tâm thức), chẳng qua là do tính tình bẩm sinh mà ra. Và nàng đã bước thêm một bước dài nữa sau nhiều chặng đoạn trường, sau nhiều lần chống chỏi với số mệnh khắc nghiệt cũng như nghĩ ngợi thương xót số phận của mình để đi đến chỗ nhận thức lý vô thường ở một cấp bậc cao hơn:

“Tẻ vui cũng một kiếp người” (c. 1193)

Thấy được cả một mệnh kiếp chi phối đời mình không phải để chối từ nó một cách dễ dàng, vì “đến phong trần, cũng phong trần như ai” (c. 1192- có bản dịch là “bắt phong trần...”). Hơn ai hết, nàng đã ý thức rõ ràng ít nhiều “phận bèo” của mình để chấp nhận nó; chấp nhận để từ đó tìm cách vượt thoát khỏi chốn phong trần, không rời khỏi nó nhưng thấu triệt nguyên lý bên trên chi phối đời nàng. Bởi thế, Nguyễn Du tiên sinh đã để Thúy Kiều trong Đ.T.T.T. khẳng quyết:

“Đục trong thân vẫn là thân” (c. 1423)

Dù tốt đẹp, dù xấu xa, dù đục hay trong, Kiều vẫn là Kiều. Ai hay rằng nhờ đục mới ra trong, nhờ thấy được chỗ mê mờ của mình, nàng mới dễ dàng tiến bước trên con đường tìm lại hình bóng cũ thật sự của mình. Ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng. Thúy Kiều giờ đã nhận ra được “thân” là nơi tạo tác của hạnh phúc cũng như khổ đau, của thanh tịnh và vẩn đục... v.v... Phải chăng đó cũng là thời kỳ mà Nguyễn Du tiên sinh chứng đắc được cái tâm của mình để rồi quan niệm rằng thiền là sự an trụ nơi cái tâm của mình và ngược lại cái tâm an trụ nơi thiền. (Mãn cảnh giai không hà hữu tướng/Thử tâm thường định bất ly thiền (Đề Nhị Thanh Động/THTT) Tuy nhiên ở cấp độ này như là “cỡi trâu về nhà là cỡi tâm về chỗ ban sơ” [5], nghĩa là trâu và người không rời nhau:

“Thử tâm thường định bất ly thiền”
(Đề Nhị Thanh Động)

此 心 常 定 不 離 禪
(題二青洞)

Thấy được trâu (tâm), như cách nói của các thiền sư, nhưng còn phải hàng phục trâu để giắt trâu về nhà. Kiều càng bị đày đọa bao nhiêu thì khả năng chế phục vọng tâm của nàng càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Đến một giai đoạn nào đó, trâu và người cần phải rời nhau. Và giai đoạn rời nhau đánh dấu một bước đi vững chãi hơn:

“Nhớ lời thần mộng rõ ràng, (c. 2621)
Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây”.

5-/ Các chủng tử của thức tâm: “Thần mộng” do Đạm Tiên mách cho Thúy Kiều là những biểu tượng từ các chủng tử của thức tâm nhắc nhở nàng Kiều là đã đến giai đoạn có thể buông xả, lìa bỏ tất cả mọi vô minh, phiền não khổ đau của một cái tâm lưu vong. Đó là giai đoạn chín mùi của tâm thức, của nghiệp quả đã đến giai đoạn chấm dứt. Nhìn lại cuộc đời Thúy Kiều cũng thế, hình bóng chủng tử Đạm Tiên luôn luôn theo sát cuộc đời nàng. Ta không nên hiểu Đạm Tiên theo lối hiểu thông thường khi cho rằng đây là một “bóng ma” hay một oan hồn đeo đuổi đời Kiều. Sự kiện “ma đưa lối quỉ đưa đường” để Kiều tìm “chốn đoạn trường mà đi” (câu 2665 và 2666), chẳng qua chỉ là các hiện tượng của thức tâm mà ra. Mượn quan niệm của duy thức học của đạo Phật, có lẽ ta sẽ dễ dàng nhận rõ tâm thức của Thúy Kiều ở một giai đoạn sinh tử nhiều hơn. Vay mượn một quan niệm để xét về tư tưởng một nhà thơ như Nguyễn Du không có nghĩa là gán ghép cho tiên sinh những gì vay mượn ấy. Ta nên xem đó như là một thứ phương tiện để soi sáng phần nào tư tưởng của tiên sinh mà thôi. Cho nên, có thể xem “thần mộng” như là một thứ chủng tử dù muốn dù không đã có mặt trong cuộc đời Kiều, vì rằng: “tất cả nghiệp nhân đều ở trong A Lại Gia, ngầm chuyển tác động trong A Lại Gia. Khi nào các nghiệp nhân ấy chín tới một giai đoạn phát hiện mới sẽ được bắt đầu và cây nến sẽ bật sáng” [6]. Bởi vậy, giai đoạn nhảy xuống sông Tiền Đường cũng là giai đoạn “tối cần” trên bước đường tìm cầu cái chân tâm của mình. Chỉ trong bước đường cùng của sinh tử, Kiều mới có thể vượt thoát mọi ràng buộc của bao nhiêu khổ đau nơi chốn trầm luân mà Kiều bị đày ải vào. Và cái mầm mống khổ đau ấy được nẩy sinh ngay chính “thức tâm” mà nàng biểu hiện qua tiếng đàn bạc mệnh:

“Khúc nhà tay lựa nên chương (c. 33)
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

6-/ Chết đi để sống lại: Lìa bỏ được những thức tâm huyễn hoặc tai hại, phiền não đó bằng cái chết để được cứu sống nơi Tiền Đường đã được xếp đặt đơn giản theo tình tiết câu chuyện nhưng hàm ngụ một ý nghĩa sâu xa. Phải chăng nhờ cốt truyện của Thanh Tâm Tài tử, nhờ vào cuộc đời ba chìm bảy nổi và nhờ vào cái chết của Kiều có điểm tương hợp với tiến trình tư tưởng của mình đã giúp cho Tố Như soạn ra Đoạn Trường Tân Thanh hướng đến “Âm thanh mới về nỗi đoạn trường”? 
Bạch Ẩn Huệ Hạc, cha đẻ của phái Thiền Lâm Tế Nhật Bản cũng công nhận sự cần yếu của một giai đoạn sinh tử của tâm thức khi ông viết:

“Nếu các ngươi muốn đạt được đạo lý thanh tịnh vô ngã, thì hãy cứ một lần buông tay rơi trên vực thẳm, rồi các người sẽ bừng tỉnh chỗi dậy trở lại và thành tựu bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh” [7]

Sau cái chết mang ý nghĩa như thế, nàng Kiều mới sống lại với một tâm thức mở rộng để sum họp bình thường với Kim Trọng và gia đình với một cõi lòng an vui và một tâm hồn thanh tịnh:

“Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy?” (c. 3208)

Câu hỏi đầy vẻ ngạc nhiên đó của Kim Trọng khi “nghe và thấy” trong tiếng đàn “đầm ấm”, “dương hòa”, vô phân biệt đã là một điều xác tín tiến trình tâm thức của Thúy Kiều. Qua đó, Tố Như đã phác họa một hình ảnh rất phù hợp với tiến trình tư tưởng của tiên sinh như đã đề cập nhiều lần ở các mục trên. Ngoài ra, cõi lòng thanh tịnh của Kiều nay đã đến giai đoạn của một tâm thức đã lắng đọng, đã trở về nguồn cội sau khi đi qua nguyên nhân của “tính trời” “kiếp người“ đã đề cập bên trên. Chàng Kim đã nhận ra chất “thường, lạc ngã, tịnh” của tâm thức Thúy Kiều phát xuất từ cõi lòng đã giải thoát của nàng:

“...... Tẻ vui bởi tại lòng này“ (c.3209)

Đây là sự khai mở trong sáng của một tâm thức đã thực chứng, khác hẳn những năm xưa cũ cùng gia đình êm ấm với một nàng Kiều tâm thức chưa được khai mở. Kim Trọng, kẻ chứng nhân tâm thức đời Kiều đã nhận ra sự thay đổi sâu xa của nàng:

“Trời còn để có hôm nay, (c. 3121)
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn rồi lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.

Đồng thời, khi Nguyễn Du dùng những nhận xét rất quan trọng của Kim Trọng để xác tín sự thực chứng của Thúy Kiều đã đi theo con đường của các thiền sư: “Đạt đạo vô ngôn”, người thấu rõ lẽ đạo sẽ không nói gì, cứ để tự nhiên hoặc người ngoài am hiểu thấu suốt sẽ nhận ra sự thay đổi lớn lao đó. 

7-/ Ý nghĩa của “chữ trinh”: Giữa bao sự khổ đau dày vò của chốn phong trần, tâm thức của Kiều bây giờ đã trở về nguyên vẹn như xưa của “chân diện mục” biểu thị bằng sự trong sáng, trinh trắng của tâm thức. Với Kiều, nàng chỉ nói về mình một cách khiêm nhượng:

“Chữ trinh còn một chút này, (c. 3161)
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.

Sư Tam Hợp đã nhận xét rất xác đáng về con người của Thúy Kiều:

“Lấy tình thân trả nghĩa thâm, (c.2683)
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
Hại một người, cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
Thuở công đức đó ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!” (c.2688)

Một lần nữa, chàng Kim lại xác tín ý nghĩa sự trinh nguyên của một tâm thức lắng đọng trong nội tâm Thúy Kiều:

“Gương trong chẳng chút bụi trần, (c. 3173)
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm”.

Hình ảnh của Thúy Kiều ở giai đoạn tái ngộ cũng tương tự như khi Tố Như đến Phân Kinh Phật Đài với một mối ưu tư tột cùng của tâm thức để rồi nhận ra “kinh không có chữ mới là chân kinh” (Xem: Phần dẫn nhập), ý nghĩa của “chữ trinh” mà Kiều tỏ lộ không còn là một chữ trinh theo nghĩa tầm thường nhưng là tâm thái của một kẻ đã an trụ vào chân tâm trinh nguyên của mình. Nếu hiểu theo một nghĩa tầm thường, hóa ra Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một câu chuyện “phong tình” như bao chuyện “phong tình” khác. Vả lại khi chứng đắc “kinh không có chữ mới là chân kinh”, chính là lúc Tố Như với một tâm thức buông xả không còn chấp trước vào kinh điển đã thấy lại được “bản lai diện mục” của mình và tư tưởng ấy đã được tiên sinh đem vào Đoạn Trường Tân Thanh khi để cho nàng Kiều phát biểu:

Từ rày khép cửa phòng thu, (C.3107)
Chẳng tu thì cũng như tu mới là”

Nói được như thế, có nghĩa là tâm thức Kiều đã thực sự đạt đến “yếu tính của đạo Phật và của Thiền tông trên quan điểm vô phân biệt trí.” Giữa đời sống vợ chồng, nàng giữ vẹn được lòng trinh của mình vì rằng: “lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”. Sống đời sống vợ chồng, tức là “chẳng tu” nhưng chỉ là tình cảm vợ chồng của hai kẻ tri âm, đã “đem tình cảm sắt đổi ra cầm kỳ”, nên vẫn thuận tiện cho việc tu tâm của mình. Giờ đây Thúy Kiều nói rằng: “Sự đời đã tắt lửa lòng” để sống bình thường với người tình tri âm cũ song vẫn vẹn giữ được chữ trinh của mình. Trinh là sự trong trắng, là sự giải thoát và vượt lên những sự tầm thường để có được sự bình thường của đạo. Đức Phật đã dạy các đệ tử: 

Giáo pháp của ta: “Niệm” mà không trụ chấp nơi “niệm”, mới thật là “niệm”.

“Làm” mà không trụ chấp nơi “làm”, mới thật là “làm”.
“Nói” mà không trụ chấp nơi “nói”, mới thật là “nói”.
“Tu” mà không trụ chấp nơi “tu”, mới thật là “tu”.
“Chứng” mà không trụ chấp nơi “chứng”, mới thật là “chứng”.
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương) [8]

Điều này rất phù hợp với giai đoạn kết thúc của tâm thức nàng Kiều: “Chẳng tu thì cũng như tu mới là” (c.3108). Đạt đến giai đoạn đó, quả thật tâm thức của Kiều đã thực chứng được đâu là chân tâm của một kiếp người cũng như khi Tố Như bừng tỉnh khỏi cơn mơ để thấy rằng: “Kinh không có chữ mớilà chân kinh” (Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài - Bắc Hành Tạp Lục). Cái chết của Thúy Kiều nơi sông Tiền Đường, hay cái “Thấy” của Tố Như dưới chân đài mang tên “Phân kinh” cũng chỉ là một ý nghĩa duy nhất để mong cầu được hạnh phúc và an lạc. Và cũng không thể nào đem kinh ra để phân chia, sắp xếp, để tìm thấy áo nghĩa nhà Phật hoặc cuộc đời .Cũng như không thể nào phân tích Vẻ Đẹp của vầng trăng “hơn mười rằm xưa” là thế nào được! Sự thực chứng về lẽ đạo của Nguyễn Du dưới chân Phân Kinh Thạch Đài cũng giống như sự trinh trắng của Thúy Kiều khi đã buông bỏ gió bụi tơi tả của chốn đoạn trường khiến Kim Trọng đã thốt ra từ đáy lòng:

Gương trong chẳng chút bụi trần! (c.3173)

Chỉ dưới cái nhìn thấu suốt như Kim Trọng mới có thể nhận ra sự thay đổi kỳ diệu hay là sự biến chuyển mới mẻ và sáng rỡ của tâm thức Thúy Kiều

8-/ Sự thực chứng: Thêm vào đó, tư tưởng của Nguyễn Du trong ĐTTT cũng tỏ lộ sự thực chứng của tiên sinh khi để cho nàng Kiều “chứng” mà không trụ chấp nơi chứng. Ngoài tiếng đàn của nàng lên tiếng, Kiều đã im lặng để mặc cõi lòng mình buông thả theo tiếng tơ đồng. Tiếng đàn “đầm ấm”“dương hòa” ấy mang một ý nghĩa thật sâu sắc và cho chúng ta thấy được phần nào tâm thức trong sáng của Kiều. Ca ngợi sự trong sáng đó không phải nàng Kiều, nhưng lại là chàng Kim. Nói khác đi, Kiều đã đạt đến giai đoạn an nhiên tự tại mà mỗi tiếng đàn, mỗi lời nói đều là những bằng chứng tỏ rõ sự thôngngộ của Kiều nhưng không có kẻ “chứng quả”. Chứng quả. mà không chấp mình chứng quả mới thật là chứng quả. Tinh thần Bát Nhã ấy hơn đâu hết thể hiện trọn vẹn ý vị qua tiếng đàn “trong”, “ấm”, “lọt tai” và thông suốt của Kiều.
Hơn thế nữa, cái tâm chứng quả ấy xứng danh là “chân tâm”chứ không còn là “vọng tâm”, vì nó không còn phân biệt đâu là “hồ điệp” đâu là “Trang sinh”, đâu là “Thục đế” đâu là “mình đỗ quyên”:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa, (c. 3199)
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên”.

Nếu tượng trưng “Trang sinh”, “Thục đế” là tâm và “hồ điệp”, “mình đỗ quyên” là thức, hoặc sóng và nước, băng với nước, thể dụng thì ngoài tâm không có thức, ngoài sóng không có nước, ngoài thể không có dụng và ngược lại. Cái tâm vô phân biệt mới là chân tâm và nếu không có sự khổ ải đày đọa đời Kiều thì không bao giờ có được một nàng Kiều với tâm thức rộng mở như thế. Nhưng khi Kiều nói:

“... Vì chút nghề chơi, (c. 3211)
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu”

Nàng đã nhìn lại đoạn đường đi qua không phải với sự phân biệt, song với một chứng nghiệm sự thật ở chính bản thân nàng. Chứng nghiệm được sự thật tức là thấu rõ được chân tâm. Thành ra, nhìn một cách rộng rãi hơn, giữa người đánh đàn và tiếng đàn giờ đây đã là một, phi nhất phi nhị khác hẳn với những năm xưa cũ khi nàng vẫn còn nhận ra được tiếng đàn do bởi cái tính của mình: "Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao". Cả hai đã hòa điệu trong một bản đàn của cõi lòng hay cái tâm bình đẳng vô tâm của đạo. Và đạo tự nó viên thành. Gọi là chứng nghiệm, chứng đắc để nói về cái tâm an trụ của Kiều cũng chỉ là một cách gọi vì tột cùng đạo chẳng tu mà cũng chẳng chứng theo tinh thần của Thiền tông. Nhưng không phải là Kiều không tu và không chứng. Bao nhiêu năm luân lạc giữa chốn phong trần đã mài dũa con người của Kiều để chuẩn bị cho một ngày tâm thức mở rộng và việc “tu” của Kiều là gì nếu không phải là sự từng trải mười lăm năm đoạn trường? Đời của Kiều chỉ mang ý nghĩa đích thực nhờ vào kinh nghiệm của những năm tháng đắng cay luân lạc ấy. Gọi là tu cũng được và chẳng tu cũng được. Còn lại ở đó những kinh nghiệm chồng chất và thiền là gì nếu không là mớ kinh nghiệm sống thật đó. Mặt khác, kinh nghiệm mà Kiều thủ đắc cũng không mang vẻ tầm thường và đơn giản chút nào. Sự giao ngộ tâm thức và cuộc sống nếu xét một cách riêng rẽ chỉ là những mảnh vụn rải rác của những suy tư chiếu dội trên sự sống của mình như một sự bắt gặp nửa vời thân phận của mình mà thôi. Dĩ nhiên, Kiều cũng có những lúc bắt gặp bất chợt cả một số kiếp đang bao trùm lấy đời mình, song mỗi lần bắt gặp ấy lại có một ít gai góc của khu rừng vô minh mờ ảo cản trở. Những chủng tử A Lại gia thức (Alayavijnãna) tùy theo nghiệp báo sanh diệt tương tục, tùy theo sự huân tập dần dần xả bỏ những phiền não, những đau thương, những vọng tưởng, mê tâm để thành tâm thanh tịnh. Cho nên, những sự thức tỉnh của Kiều trước thân phận của mình sẽ được A Lại Gia ghi chép, thu nhặt để tiến dần đến chỗ xả bỏ, chuyển thức phân biệt thành trí bát nhã vô phân biệt; không có kẻ đánh đàn và cũng không có tiếng đàn; cả hai đã là một quyện lấy nhau do bởi tâm thức của Kiều đã vượt thoát mọi phiền trược của kiếp đoạn trường.

Thành thử, thiền chính là đời sống, chính là kinh nghiệm nên không có gì để gọi là huyền bí hoặc siêu việt. Huyền bí hoặc siêu việt là những danh từ không đáp ứng đúng với thiền vì rằng “bình thường tâm là đạo” như lời thiền sư Nam Tuyền đã trả lời cho Triệu Châu. [9]

9-/ Cuộc đời Thúy Kiều là sự tra hỏi về thân phận của mình: Ngoài ra, chúng ta có thể tạm xem toàn thể kinh nghiệm của Nguyễn Du trong Đoạn trường Tân Thanh như là sự “tra hỏi về huyền nhiệm của cuộc đời” [10]. Trong sự tra hỏi đó, Kiều đã sử dụng tài trí thông minh để suy lý, tìm hiểu số kiếp của mình, song đồng thời nàng vẫn có những trực giác về số kiếp oái oăm đó:

“Nỗi niềm tưởng đến mà đau, (c. l09)
Thấy người nằm đó biết sau thế nào”

Hoặc:

“Trông chừng khói ngất song thưa (c. 571)
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng”.

Và:

“Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân” (c. 1190)

Hoặc:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh , (c. 1234)
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.”

Cuộc đời Thúy Kiều, nếu xét định rộng rãi hơn, đều đưa vào cùng lúc cả hai tư thái trực giác và suy lý đó để tra hỏi về mệnh kiếp của mình. Kinh nghiệm của Kiều hay của thiền đều dựa trên hai nền tảng cốt yếu:

“Ngoài thì là lý, song trong là tình” (c. 1462)

Dùng “lẽ” hay lý trí, Kiều đã cố gắng chiến thắng hoặc vượt khỏi mối dây oan nghiệt buộc chặt thân phận hồng nhan của mình, nhưng nàng cũng dùng trực giác, hay “tình” ở đây (qua những giấc mộng hoặc sự giao ngộ với Đạm Tiên để dẫn dắt hành động của mình và đến khi cảm nhận được: “Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây” (câu 2622), Thúy Kiều cũng chỉ thi hành tuân theo sự trực giác của mình qua việc “nhớ lời thần mộng rõ ràng” (câu 2621) mà chủng tử Đạm Tiên ngày nào đã gieo vào óc nàng. Dĩ nhiên, muốn đạt “tình” thì phải dùng “lẽ”, nhưng ta nên hiểu rằng “lẽ” chỉ là phương tiện hay cái vòng “ngoài” để giúp ta thấu hiểu được “tình” hay cái vòng “'trong” mà thôi. Nói khác đi, tài trí thông minh của Kiều không hẳn là vô ích trước định nghiệp, song lại có tác dụng đưa nàng tới chỗ nhận thức đến lúc phải buông bỏ cái tài của mình hầu tuân theo “thần mộng” Đạm Tiên nơi sông Tiền Đường để được giải thoát. Thêm vào đó, ta không nên hiểu chữ “tình” theo nghĩa thường mà nên hiểu một cách rộng rãi, chẳng hạn khi đem áp dụng vào việc giải thích tâm thức chứng đắc của Kiều xuyên qua tiếng đàn vô phân biệt của nàng ở giai đoạn tái hợp. Chỉ trong trạng thái vô phân biệt này, chữ “tình”, mới được hiểu rõ đầy đủ ý nghĩa. Lấy “lẽ” để đạt “tình” và lấy “tình” để thấu rõ “tình”; thấu rõ bằng tâm thức vô phân biệt như thế thì ranh giới của lý trí và trực giác hoặc của “lý” và “tình” mới được xóa nhòa. Tự bản chất của “lý lẽ” chính là sự vẩn đục của tri kiến, của vô minh và tự bản chất của sự vẩn đục cũng ngầm chứa sự thanh tịnh bên trong. Nên khi Tố Như viết: “Đục trong thân cũng là thân” thì tự bản chất của thân đã gồm đủ cả trong lẫn đục, tình lẫn ý (câu 1423) Dung hòa được tình và lý, trong và đục vẫn chưa phải là diệt bỏ được hoàn toàn sự đối kháng giữa hai sự kiện đó. Toàn bộ kinh nghiệm của Kiều hoặc của thiền gia đều là những nỗ lực vượt thắng cặp mâu thuẫn song tương sinh đó để chứng được sự huyền nhiệm bằng cái tâm bình thường, không còn phân biệt đâu là lý, đâu là tình, đâu là Trang sinh, đâu là hồ điệp nữa (câu 3199 - 3206). Chỉ dưới tính cách ấy, ý niệm huyền bí hay ý niệm siêu việt (mystique hay transcendance) mới được khai mở, vì rằng: “Huyền bí của đức Phật khởi điểm khám phá ra tính vô thường vô ngã của vạn sự và của chính mình. Nhưng huyền bí của Ngài không phải là một chủ nghĩa huyền bí, và sự nhận định của ngài về tính cách vô nghĩa của vạn sự không phải là một chủ nghĩa hư vô” [11]. Do đó, kinh nghiệm huyền bí sẽ chấm dứt sự huyền bí, khi Kim Trọng khám phá được qua tiếng đàn của Kiều (câu 3209), sự tẻ vui ở đời chẳng qua là do cái tâm mà ra. Trong ý nghĩa của sự bình thường vượt lên trên sự tầm thường, con người sẽ thấy được vạn vật một cách y nhiên như thuở nào mà dưới nhãn quang cạn cợt của họ không thể thấy rõ được nó. Sự thức ngộ của thúy Kiều ở giai đoạn tái hợp là bước đột phá, vén mở chữ tâm thoát ra sự huyền bí khi trên đường tìm kiếm chân tâm. Nỗ lực của Kiều là công sức của chính nàng chứ không do sự “huyền nhiệm” từ bên ngoài nào trợ giúp. Chiến thắng bản thân để “hoa tàn mà lại thêm tươi” dưới cách hiểu của Kim Cương Bát Nhã là con đường diệt khổ mà Thúy Kiều vượt thoát con đường đoạn trường khổ ải! Cũng vậy, ý nghĩa đoạn trường trong cuộc đời Thúy Kiều xét như một kinh nghiệm đã là chất liệu cần thiết để nàng vượt thắng, nhận rõ mặt mũi mình hơn. Và như những kẻ uống trà, mỗi người đều nhận ra được mùi vị nó theo cảm quan, theo tâm thức của mình, nàng Kiều đã uống tách trà kinh nghiệm đó theo chính bản chất của nàng, chứ không phải do sự mặc khải nào từ bên ngoài. Đạm Tiên, kẻ ám ảnh cuộc đời Kiều không nguôi, chẳng qua là hình bóng của những vọng tưởng, của cái tâm hư huyễn do các thức chuyển biến gây nên. Chưa bước qua cầu đoạn trường sẽ thấy tính cách thần bí trong mối giao ngộ của Kiều với đời sống, với chính mình. Và trải qua rồi sẽ thấy mọi sự đều bình thường. Chính vì lẽ ấy, Chân Tịnh Khắc Văn đã nói trong bài thuyết pháp của sư: 
“Khi nói đến Thiền tất cả và tất cả là chứng nghiệm. Cái gì không căn cứ trên chứng nghiệm là ở ngoài Thiền. Vì vậy, học Thiền là phải học từ chính sự sống mà ra, và phải hoàn toàn thâm nhập sự chứng ngộ. Nếu có cái gì còn chưa thấu đáo, đó là mở lối cho thế giới ác quỉ. Cổ đức há chẳng nói rằng vô số tử thi nằm dài trên mặt đất bằng phẳng và những ai đã qua khỏi đám gai góc rậm rạp đều thực sự là những chân nhân”. [12]

* * *

Chính vì thế, ta có thể nói là Kiều đã tu và đã chứng ngay trong nỗi đoạn trường của nàng. Đừng lầm tưởng rằng sự chứng đắc, chứng nghiệm của Kiều có tính cách cao siêu, huyền bí như sự mặc khải đối với tuyệt đối thể hay thượng đế; sự chứng nghiệm đó đã đưa nàng đến bờ giải thoát Tiền Đường để được “sống lại” với một tâm thức trong sáng khởi đi từ số phận lênh đênh của nàng. Thấy được, tức là giải thoát. Giữa “thấy” và “chưa thấy” cách nhau bởi một bờ rào ngăn cản của lý luận, suy lý. Và danh từ thần bí hay siêu việt chẳng qua là kết quả của sự suy lý đẩy đưa lên cao mà thôi vì với đạo Phật, hiểu như một triết lý sống động, “bình thường tâm thị đạo” (cái tâm bình thường chính là đạo ). Còn vấn đề căn bản: Đạo là gì? Chữ tâm mà Thúy Kiều đạt được là gì? Câu trả lời phải học ở nàng Kiều:” Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

[1][2][4] Dương Anh Sơn, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đã đăng trên<ninh-hoa.com> và <nguyenhuehaingoai.blogspot.com>
[3] Quách Tấn ,sđd,trang 128,129.
[5] Daistez T. Suzuki, Thiền luận I, s.đ.d, tr. 613.
[6] Nhất Hạnh , sđd. tr. 53
[7] Daistez T. Suzuki, Thiền luận II, S.đ.d, tr, 151.
[8] Trích lại Thích Thiện Hoa, s.đ.d, tr. 28 và 29.
[9] D.T. Suzuki, s.đ.d, Tập 2, tr. 131.
[10] Thiện Cẩm, Quan niệm giải thoát trong Phật giáo cũ, Sài Gòn, Đa Minh XB, 1970, tr.108.
[11] Thiện Cẩm, s.đ.d, tr. 110.
[12] D.T. Suzuki, s.đ.d, Tập II, tr. 127.

(Lần đến: Phần Ba, Chương II, Mục 2: Tiến trình giải thoát và chứng đắc)

Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét