Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Tái Hiện Hình Ảnh Vua Quang Trung Trong Lễ Hội Đống Đa

 

Tái hiện bối cảnh anh hùng Nguyễn Huệ lập đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

TÁI HIỆN HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG TRONG LỄ HỘI ĐỐNG ĐA 
Nguyễn Hiền 

Vai diễn Vua Quang Trung được anh Vũ Mạnh Linh - Nhà hát Tuồng trung ương - tập luyện trong vòng 15 ngày trước khi trình diễn trước người dân thủ đô trong lễ hội gò Đống Đa năm 2023.

Sáng 26-1 (tức mùng 5 Tết), hàng ngàn người dân thủ đô đã cùng nhau có mặt từ sáng sớm để tham gia lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội) sau hai năm tạm dừng tổ chức vì dịch COVID-19.

Ngoài nghi lễ rước kiệu truyền thống, màn tái hiện trận thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa đã mang đến cho người dân không khí hào hùng của ngày Tết năm 1789.

Trong vai người anh hùng áo vải cờ đào, anh Vũ Mạnh Linh - Nhà hát Tuồng trung ương - cho biết cái khó của vai diễn này là phải sống được với tâm lý, cử chỉ của nhân vật, đặc biệt là thể hiện được thần thái của một vị hoàng đế.

"Khi được thể hiện hình tượng vua Quang Trung trong lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa, mình cũng như những người dân có mặt tại đây hôm nay rất hân hoan, hạnh phúc.

Trong vở diễn mình ấn tượng nhất với chi tiết khi Hoàng đế Quang Trung chiến thắng đã mang một cành đào từ đất Bắc về tận Phú Xuân để tặng cho hoàng hậu Ngọc Hân.

Điều đó cho thấy tình cảm đặc biệt mà nhà vua dành cho hoàng hậu của mình", anh Mạnh Linh chia sẻ.

Người dân thủ đô nô nức check-in cùng "vua Quang Trung và hoàng hậu Ngọc Hân" tại lễ hội gò Đống Đa năm 2023 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sau khi kết thúc vở diễn, rất đông người dân đã háo hức, chờ đợi được chụp ảnh kỷ niệm cùng "vua Quang Trung" trong ngày kỷ niệm đặc biệt này.

Được con gái đưa đến tham gia lễ hỗi, bà Đào Thị Đề (quận Hà Đông, Hà Nội) thấy lễ hội năm nay rất ý nghĩa, các diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã giúp bà cảm nhận được không khí hào hùng năm xưa.

"Tôi rất ấn tượng với vai diễn Vua Quang Trung. Các diễn viên đã tái hiện sống động không khí của trận đánh năm xưa, khiến cho quân Thanh xâm lược tan tác hết cả", bà Đề nói.

Các diễn viên Nhà hát Tuồng trung ương tái hiện không khí hào hùng mùa xuân năm 1789 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Là thành viên Gen Z duy nhất trong đoàn rước kiệu tại lễ hội gò Đống Đa năm 2023, bạn Hoàng Nguyễn Liên Nga (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết các thành viên trong đoàn rước kiệu hầu hết là các bà, các mẹ đã có tuổi. Cô may mắn được tham gia hoạt động ý nghĩa này qua sự giới thiệu của mẹ từ khi còn học cấp III.

"Khi mới tham gia lần đầu mình đơn giản chỉ là đi theo mẹ, các bà. Các mẹ nhờ làm gì thì mình làm đó. Nhưng cứ qua mỗi năm như vậy mình lại hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Trước đây, tuy đã được học qua sách vở nhưng những gì mình hiểu về trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa vẫn còn rất mơ hồ. Việc tham gia vào đoàn rước kiệu đã khiến mình tò mò hơn và tìm hiểu thêm về vị vua áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Mình hy vọng rằng trong những năm tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tham gia vào đoàn rước kiệu hơn để nét đẹp truyền thống này sẽ được tiếp cận nhiều hơn tới thế hệ trẻ", Liên Nga chia sẻ.

Lễ hội gò Đống Đa năm 2023 sẽ diễn ra trong cả ngày 26-1 với nhiều hoạt động hấp dẫn trong phần hội để phục vụ nhu cầu du xuân của bà con. Ban tổ chức dự kiến, năm nay có hơn 10.000 người tham gia lễ hội.

Lễ rước kiệu Vua Quang Trung và kiệu hoàng hậu Ngọc Hân trong lễ hội - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân thủ đô dâng hương tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng nghĩa sĩ trong trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Biển người tham gia lễ hội gò Đống Đa năm 2023 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét