Bí ẩn 3000 năm luân hồi của công chúa Ai Cập. (Ảnh getty)
BÍ ẦN 3000 NĂM LUÂN HỒI CỦA CÔNG CHÚA AI CẬP
Minh Tâm biên dịch
Văn minh Ai Cập chứa đầy màu sắc huyền bí, trong đó kim tự tháp luôn là ẩn đố chưa được giải đáp. Ẩn mình giữa đại kim tự tháp Khufu ở thủ đô Cairo là một căn phòng bí mật. Căn phòng không có xác ướp, cũng không có tượng Thần, duy chỉ có một cỗ quan tài trống bằng đá hoa cương nằm ở đó, lặng lẽ nép mình theo tháng năm. Nếu không phải là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các Pharaoh, vậy thì cỗ quan tài bí ẩn ấy có ý nghĩa gì?
Quan tài đá
Erzsébet Haich, còn gọi là Elisabeth Haich (1897-1994), là thiền sư yoga người Hungary nổi tiếng tại châu Âu vào thế kỷ XX. Trong cuốn tự truyện “Initiation”, Erzsébet tiết lộ rằng cỗ quan tài trống rỗng trong mật thất kim tự tháp là để khảo nghiệm người tu luyện vào thời ấy. Bởi vì trong một kiếp luân hồi tại Ai Cập cổ đại, Erzsébet cũng từng nằm trong cỗ quan tài như thế.
Cuốn sách Initiation của Elisabeth Haich có bán trên Amazon.
Lúc ấy, Erzsébet là nàng công chúa nhỏ xinh đẹp, con gái của một vị Pharaoh vĩ đại. Nàng sống trong tình yêu thương của vương triều, bên cạnh nàng có vua cha, Đại tư tế Ptahhotep - người thầy tâm linh vĩ đại của Ai Cập, con trai nuôi Bo-Ghar - cậu bé mà nàng từng cứu vớt bên bờ biển, và sư huynh Ima - người bạn thân thiết nhất của nàng trong đền thờ.
Đúng vào ngày công chúa tròn 16 tuổi, Pharaoh hỏi nàng rằng con muốn món quà gì? Nàng nói: Con muốn được “nhập môn”.
Người Ai Cập cổ đại rất sùng bái tu hành, người tu hành đạt đến trình độ nhất định sẽ có năng lực câu thông với Thần linh, do đó được làm Tư tế là vinh diệu vĩnh hằng. Đại Tư tế nắm trong tay cây quyền trượng có thần lực cải tử hoàn sinh. Thậm chí, ngài còn có thể sử dụng năng lượng trong Hòm giao ước để tạo ra mưa gió sấm sét, điều khiển thời tiết.
“Nhập môn” chính là cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt cho những ai muốn chính thức trở thành Tư tế. Người được khảo nghiệm sẽ bị nhốt trong cỗ quan tài đá ở kim tự tháp, trải qua các loại huyễn cảnh đầy mê hoặc, chỉ những ai có tín niệm kiên định, dám buông bỏ tự ngã mới có thể nhìn thấu ảo ảnh, vượt qua khảo nghiệm. Nhưng nếu mê trong huyễn cảnh mà không thể thoát ra, người ấy sẽ chết trong quan tài đá, linh hồn tiến nhập vào luân hồi, ảo ảnh cũng biến thành thực tế, trở thành con đường nhân sinh mà họ phải trải qua các kiếp sống luân hồi. Do đó có thể nói khảo nghiệm “nhập môn” là vô cùng hung hiểm.
Pharaoh vô cùng yêu thương con gái nên tất nhiên sẽ không đồng ý. Nhưng cô gái nhỏ tâm ý đã quyết, quay người đi cầu xin Đại tư tế Ptahhotep. Sau nhiều lần cầu xin, Đại tư tế bất đắc dĩ đành phải đáp ứng.
Vào ngày khảo thí, những người thân yêu bên cạnh công chúa đều khóc như sinh ly tử biệt, trong đó con trai nuôi Bo-Ghar đôi mắt nhạt nhòa chan chứa lệ rơi. Nhưng điều ấy không thể ngăn cản nàng bước vào quan tài đá. Kết quả khảo nghiệm sẽ ra sao? Liệu nàng có thể bình an bước ra ngoài hay không?
Đại tư tế Ptahhotep. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)
Khảo nghiệm nhập môn
Tiểu công chúa hồn nhiên ngây thơ, tâm thái thuần tịnh, vậy nên trong hai lần khảo nghiệm đầu tiên nàng có thể dễ dàng vượt qua nỗi sợ hãi, chống lại sự cám dỗ của cao lương mỹ vị và những món ăn ngon.
Vào lần khảo nghiệm tiếp theo, một người đàn ông xuất hiện trong bóng tối, khuôn mặt anh ta mơ hồ không rõ ràng, nhưng giọng nói lại đầy ám ảnh khiến người ta không thể nào quên. Anh ta nói rằng anh và nàng là một nửa của nhau, nhưng lại phải chia lìa trong vườn Địa Đàng, và rằng anh đã tìm kiếm nàng từ rất lâu rồi. “Hãy để hai ta hợp nhất trong lời chúc phúc của Thần, nàng là cô dâu duy nhất của ta trên Thiên Đàng”. Tiểu công chúa kiên định cự tuyệt lời mời của anh, và rồi người đàn ông biến mất trong sương mù dày đặc.
Chớp mắt một cái, tiểu công chúa đã thấy mình là một bà lão già yếu, chân chậm mắt mờ, bà đi khắp nơi hỏi hết người này đến người khác: “Ông bà có thấy con tôi đâu không?”.
Lại chớp mắt một cái, nàng phát hiện trên thân nàng là loại trang phục kỳ quái, hoàn cảnh xung quanh cũng trở nên kỳ dị lạ thường: Những chiếc hộp sắt bon bon chạy trên đường, thuyền bè phun khói đen trên sông, đôi lúc trên bầu trời còn có những con chim sắt khổng lồ bay qua bay lại.
Đột nhiên một người trẻ tuổi bước đến. Chẳng phải cậu ấy chính là Bo-Ghar, mới ban nãy còn khóc lóc đó sao? Cậu bé lớn bổng đến mức này từ khi nào vậy? Điều khiến nàng càng bối rối hơn nữa là, sư huynh Ima lại gọi nàng bằng “mẹ”, còn sĩ quan chỉ huy Thiss-Tha trong vương triều Ai Cập thì trở thành cha nàng. Kỳ lạ hơn nữa là, chồng nàng trong kiếp sống ấy lại chính là người đàn ông mờ ảo trong sương mù dày đặc.
Nàng lắc đầu tự nhủ: Đây là huyễn cảnh, chỉ là huyễn cảnh, ta cần phải vượt qua. Nhưng hết thảy đều diễn ra vô cùng chân thực, vô cùng sống động, sao có thể gọi đó là ảo giác? Nàng cùng với những người thân yêu đang trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Ngày nào cũng có người chết, cái đói và hoảng loạn bao trùm khắp nơi. Có lúc vì để bảo vệ gia đình, nàng phải dũng cảm dấn thân vào hiểm nguy, liều mạng sống của mình.
Trải qua trăm ngàn cay đắng, cuối cùng chiến tranh cũng kết thúc. Đêm hôm ấy, nàng quỳ trước giường của Ima và chắp tay cầu nguyện, hy vọng Đấng Tối Cao sẽ giúp con trai nàng tìm lại niềm tin đã mất… Đột nhiên xung quanh bừng sáng, một chiếc thang với bảy bậc hiện ra trước mắt nàng. Lại trải qua hai lần khảo nghiệm nữa, cuối cùng nàng cũng leo lên bậc thứ bảy, cũng chính là bậc thang cao nhất. Nàng phát hiện bản thân đã hòa vào vũ trụ hợp thành một thể, cảm giác ấy vô cùng kỳ diệu, vô cùng thiêng liêng.
Đột nhiên, tiếng gọi của Đại tư tế Ptahhotep vang vọng từ một nơi rất xa xôi, kéo nàng trở lại hiện thực. Thì ra nàng đã vượt qua khảo nghiệm.
Nhưng Đại tư tế Ptahhotep vẫn cẩn thận dặn đi dặn lại rằng: Con chớ buông lơi, nếu sau khi nhập môn mà lại phạm sai lầm rớt xuống, vậy thì cũng tương đương với chưa vượt qua khảo nghiệm, con sẽ phải đích thân nếm trải hết thảy mọi huyễn cảnh trong luân hồi, muốn nhập môn lần nữa sẽ rất khó. Hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!
Người đàn ông tóc đỏ
Công chúa nhỏ không để tâm vào lời căn dặn của người thầy Ptahhotep, nàng mừng rỡ vì từ nay đã chính thức được làm nữ Tư tế, bắt đầu công việc tại phòng tiếp tân trong ngôi đền. Đồng thời nàng vẫn tiếp tục sứ mệnh công chúa của mình, bởi vì mẫu thân qua đời từ sớm, nàng cần thay mẹ đồng hành cùng vua cha Pharaoh trong mọi nghi thức của vương triều.
Hôm ấy, triều đình tiếp đón sứ đoàn ngoại quốc, trong đoàn có một vị sĩ quan cấp cao với mái tóc đỏ. Ngoại hình của anh ta không đáng để mắt đến, nhưng khi anh ta mở miệng lại khiến nàng sững sờ không thốt nên lời. Bởi vì đó là giọng nói của hình bóng mơ hồ mà nàng đã thấy trong quan tài đá. Tuy nhiên, hôm nay khi diện kiến bản quốc, anh ta lại tỏ ra ngạo mạn và xấc xược một cách vô lý, chính điều ấy khiến nàng cảm thấy khó chịu trong lòng.
Đến tối, người đàn ông tóc đỏ đến phòng tiếp tân của nàng, xin được giải đáp thắc mắc. Mặc dù cuộc gặp của hai người chỉ toàn là tranh luận, nhưng vẫn không ngăn cản anh ta đến mỗi ngày. Dần dần, nàng công chúa nhỏ bắt đầu quen với sự hiện diện của vị khách ngoại quốc, hình ảnh anh ta dần dần len lỏi trong tâm trí, thậm chí nàng còn sẵn lòng cho anh ta đi cùng trên chiếc xe sư tử kéo của mình, nàng tự hào khoe rằng những con sư tử ấy được điều khiển bằng sức mạnh tâm linh.
Thời gian cứ thế trôi qua, rồi cũng đến lúc đoàn sứ giả phải hồi hương. Người đàn ông đến từ biệt lần cuối, anh thổ lộ rằng anh đã trở thành nô lệ của trái tim nàng, và rằng anh không biết sau này sẽ sống ra sao khi không có nàng bên cạnh. Đến lúc này công chúa nhỏ mới phát hiện ra rằng trái tim nàng đang loạn nhịp. Vào khoảnh khắc ấy, giữa hai người đã bùng lên ngọn lửa, lửa rực cháy lan ra khắp gian phòng, còn ý thức của nàng thì chìm trong mơ màng.
Anh thổ lộ rằng anh đã trở thành nô lệ của trái tim nàng. (Miền công cộng)
Mãi sau khi tỉnh dậy, nàng hối hận khi nhận ra mình đã phạm lỗi lầm không nên phạm phải. Nàng loạng choạng chạy ra khỏi phòng, chỉ thấy sư huynh Ima đang dựa lưng vào tường trong bóng tối, anh nhìn nàng với ánh mắt thất vọng tràn trề rồi lặng lẽ quay người bỏ đi.
Sau này có vị tư tế nói với tiểu công chúa rằng, Ima đã mất kiểm soát, bởi vì anh không đặt tín tâm tu luyện vào Thần mà là đặt lên thân của một người con gái. Anh thất vọng cực độ đến nỗi không bao giờ còn muốn sống trong ngôi đền này nữa, để giờ đây, nàng vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được Ima.
Rất nhanh chóng, nàng phát hiện sức mạnh tâm linh của mình đã mất. Nàng chạy đi tìm Đại tư tế nhờ giúp đỡ, nhưng ngài cũng đành lực bất tòng tâm. Nàng công chúa nhỏ đáng thương như rơi vào vực sâu muôn trượng, tâm hóa tro tàn. Trong lúc tuyệt vọng nàng đã chạy vào vườn sư tử. Những con sư tử là biểu tượng cho sức mạnh, nàng đã từng điều khiển được chúng theo ý muốn, nhưng hôm nay sức mạnh tâm linh của nàng đã mất, nàng không thể khống chế sư tử được nữa.
Những con sư tử thấy thân thể chủ nhân tỏa ra thứ mùi kỳ lạ, chúng nhảy chồm về phía nàng. Công chúa hốt hoảng quay người bỏ chạy… Đó là ký ức cuối cùng về kiếp ấy, cũng là cơn ác mộng lớn nhất thời thơ ấu của Erzsébet.
Bà lão ăn xin
Sau 3000 năm luân hồi, đến đời này công chúa nhỏ chuyển sinh thành Erzsébet Haich, còn người đàn ông tóc đỏ năm xưa lại trở thành chồng của bà. Chồng bà rất ân cần chu đáo và quan tâm tới vợ, tình cảm của hai người cũng vô cùng hòa hợp. Thế nhưng trong tiền kiếp, ông lại là kẻ háo sắc, bạc nghĩa bội tình.
Lúc ấy, Erzsébet chỉ là một cô hầu gái làm công việc lau dọn trong trang viên, ngày qua ngày cô phải lau sàn không ngừng nghỉ. Một ngày nọ có chàng trai anh tuấn cưỡi ngựa đến trang viên, và cô hầu gái ngây thơ đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đêm ấy, chàng thanh niên đến căn phòng của cô, từ đó về sau anh luôn lấy danh nghĩa đi săn để có cớ đến thăm. Rất nhanh chóng cô mang thai và sinh ra một bé gái xinh đẹp như thiên thần. Thế nhưng chàng thanh niên lại rũ bỏ trách nhiệm, một mực phủ nhận là cha đứa trẻ, sau đó anh ta cũng biến mất.
Cô hầu gái tội nghiệp một mình làm việc để nuôi con. Nhưng đứa trẻ lại không thấu hiểu nỗi cực khổ của mẹ, vì không chịu được cuộc sống nghèo hèn, con gái cũng rời bỏ cô mà đi. Mất con là mất đi hy vọng, cuộc đời cũng không còn ý nghĩa. Cô điên cuồng đi khắp nơi tìm con, những gì xảy ra giống hệt như ảo giác năm ấy. Đến đâu cô cũng hỏi, hỏi hết người này đến người khác: “Ông bà có thấy con tôi đâu không?”.
Rất nhiều năm trôi qua, đứa trẻ vẫn bặt vô âm tín. Lòng cô đã nguội lạnh như tro tàn, dần dần cô trở thành bà lão ăn xin trên đường phố.
Một ngày như thường lệ, khi bà đang ngồi trên những bậc thang sầm uất nhất nhì trong thành phố chờ đợi sự bố thí của những người qua đường thì một lão ăn mày xuất hiện. Lão ta có khuôn mặt đầy nếp nhăn, bàn tay thô ráp nứt nẻ, đôi chân đau đớn cố lê lết đến ngồi ở bậc thềm phía bên kia. “Nhưng đây là địa bàn của tôi mà!”, bà nhìn lão ta bằng cặp mắt căm ghét, lạnh lùng đuổi lão ra chỗ khác. Lão ăn mày ngại ngùng xấu hổ đứng dậy định rời đi. Nhưng đúng vào khoảnh khắc hai ánh mắt gặp nhau, họ đột nhiên nhận ra nhau.
Thì ra lão ăn mày kia chính là chàng thanh niên tuấn tú năm xưa. Thanh xuân đã trôi qua, một đời đã trôi qua, họ gặp nhau khi không còn lại gì, muốn làm lại thì đã quá muộn màng… Bao nhiêu năm lưu lạc bôn ba bà luôn muốn tìm lại người đàn ông ấy, thật không ngờ lại gặp nhau trong tình cảnh éo le đến phũ phàng…
Và như thể đã thỏa được tâm nguyện cả đời, bà nhắm mắt và trút hơi thở cuối cùng.
Cô trở thành bà lão ăn xin trên đường phố. (Ảnh minh họa: pixabay)
Hôm ấy, khi Erzsébet kể lại câu chuyện trong giấc mơ, chồng bà bỗng run lên và nói: “Đợi đã, để anh kể hết câu chuyện này”. Ông nhớ ra rằng mình chính là chàng thanh niên bội bạc từ tiền kiếp. Lúc đó anh ta chơi bời phóng túng, hoang đàng vô độ, rất nhanh đã mất hết tất cả. Với hai bàn tay trắng anh buộc phải rời khỏi lãnh địa, đi lưu lạc khắp nơi. Sau này khi anh quay lại tìm hai mẹ con thì mới biết họ đã sớm rời đi rồi. Dần dần, bạn bè bỏ rơi anh, người người xa lánh anh, ai cũng ghét bỏ anh, cuối cùng anh lang thang lưu lạc và trở thành lão ăn mày.
Chồng bà cảm thán nói rằng, ông có lẽ đã rút ra bài học giáo huấn từ tiền kiếp, vậy nên đến đời này ông đã không thích sống trụy lạc phóng túng, chỉ biết vùi đầu vào học tập. Đến khi trưởng thành ông luôn cần cù siêng năng, cũng rất quan tâm săn sóc cho gia đình, trở thành người hoàn toàn khác so với tiền kiếp.
Ima
Có câu nói rằng: Không phải người nhà thì không vào gia tộc. Con trai của Erzsébet là Gedeon Haich cũng có thể nhớ được tiền kiếp một cách rõ ràng.
Khi mới 4-5 tuổi, cậu bé thường hay vẽ người với làn da màu nâu sẫm. Đến năm 6-7 tuổi, cậu bắt đầu kể rằng cậu đã có vợ con, và rằng “họ đều màu đen, hoàn toàn khỏa thân nửa người”. Họ sống giữa rừng rậm trong những túp lều lợp mái hình nón, dùng cung tên và boomerang để săn bắn và dùng thuyền độc mộc để di chuyển trên sông. Lúc ấy, Gedeon chưa từng đọc bất cứ thư tịch gì liên quan đến châu Phi nhưng lại miêu tả cuộc sống của người da đen bản địa sống động y như thật. Sau khi gia đình mua thuyền, cậu không cần dạy mà vẫn biết chèo. Năm 15 tuổi, Gedeon có một chiếc trống lớn, cậu đánh trống rất có khí thế, vừa đánh vừa khóc, nói rằng đó là âm thanh của quê hương.
Trường hợp của Gedeon sau này đã được đưa vào sách của Tiến sĩ Ian Stevenson, một chuyên gia trứ danh nghiên cứu về luân hồi. Vì chuyển sinh giữa các chủng tộc khác nhau, khoảng cách rất xa xôi, nên Gedeon là trường hợp đặc biệt và thường được nhắc tới như một ví dụ điển hình.
Thông qua cái nhìn tâm linh, Erzsébet nhận ra Gedeon chính là sư huynh Ima thời Ai Cập cổ đại. Sau khi Ima chạy khỏi ngôi đền, anh đã đến sống với bộ lạc người da đen. Tại đây anh giúp họ trị bệnh và dạy cho họ rất nhiều điều về văn hóa. Những người thổ dân giống như trẻ thơ sùng bái anh, tôn thờ anh. Dần dần anh yêu mến bộ lạc này, anh hòa vào cuộc sống của họ, cũng lấy vợ sinh con, tiếp tục sinh sống cho đến cuối đời. Sau này anh luôn chuyển sinh ở nơi ấy, đến mức gần như đã quên bản thân mình là ai, nhưng duyên phận cuối cùng vẫn đưa anh trở lại bên thân nàng công chúa nhỏ mà anh luôn khắc ghi trong lòng.
Con trai nuôi Bo-Ghar đời này thác sinh đến Ấn Độ, trở thành đại sư yoga nổi tiếng – Selvarajan Yesudian. Trong chuyến du lịch đến Hungary, Bo-Ghar có cơ duyên gặp lại Erzsébet, hai người vừa gặp mà đã như quen biết từ lâu. Họ bắt tay vào mở trường yoga, dạy cho thế nhân phương pháp thiền định của người Ai Cập cổ, có rất nhiều người theo học và gọi họ là những Đạo sư tâm linh.
Sau này Thế Chiến thứ hai bùng nổ, Erzsébet phát hiện tất cả những gì bà từng trải qua trong chiến tranh chính là huyễn cảnh cuối cùng trong cỗ quan tài đá. Biết bao cảm xúc trào dâng mãnh liệt, bà tự hỏi: Đời này có thể khôi phục ký ức, liệu có phải bà lại lần nữa vượt qua khảo nghiệm, đã nhập môn rồi?
Sau chiến tranh, Erzsébet ghi chép lại những ký ức từ tiền kiếp trong cuốn tự truyện có tên "Initiation". Cuốn sách dù đã gấp lại nhưng vẫn luôn vang vọng câu hỏi: Ta là ai, là Erzsébet Haich hay công chúa của vương triều Ai Cập? Hiện thực là giấc mơ, hay giấc mơ đã trở thành hiện thực? Liệu nàng công chúa năm xưa vẫn còn nằm trong quan tài đá và khảo nghiệm chỉ mới bắt đầu, hay tất cả đã trở thành ký ức? Ảo ảnh và thực tế, đâu mới là hiện tại? 3000 năm trước, 3000 năm sau, ta là ai?
Theo Phù Dao - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét