Táo Quân cưỡi chép vàng. (Tranh Mona-ETViet)
Cuộc Phiêu Lưu Ngày 23 Tháng Chạp: CÂU CHUYỆN CỦA MỘT CHÚ CÁ CHÉP HÓA RỒNG
Nguyên Phong
(Mến tặng hết thảy những chú cá chép vẫn bơi ngược dòng!)
Câu chuyện phiêu lưu của một chú cá chép từ ngày lễ cúng Táo quân để lại bao suy ngẫm thú vị về ý nghĩa của sinh mệnh và cuộc sống
Trong hồ nước gặp được quý nhân
Bộp!
Một vật lạ từ thành cầu rơi xuống mặt hồ. Nước bắn tóe lên. Cái vật lạ màu cam kia nằm đờ ra trên mặt nước vài giây rồi sau đó cong mình cựa quậy, rồi cái mang phập phồng, vây và đuôi ve vẩy. Hóa ra là một chú cá chép vàng to cỡ bàn tay người lớn với thân hình mảnh dẻ.
Qua cơn choáng váng, chú nhìn ra xung quanh. Và rùng mình. Có những chú cá vàng khác cũng bị ném xuống nước nhưng giờ nằm ngửa bụng ngáp ngáp vì bị va đập mạnh. Có chú mắc mãi trong túi bóng không ra được đành chờ chết.
Thì ra hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, ngày con người cúng Táo quân. Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi. Lẽ ra phóng sinh đúng cách phải là nâng cá bằng hai bàn tay, rồi nhẹ nhàng thả xuống nước cho cá bơi đi. Nhưng cuộc sống nay khác rồi, con người mới vội vàng làm sao.
Nên có nhiều chú cá xấu số đã không tránh khỏi cái chết.
Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi
Một khối đen sì xô đến, có tiếng gọi giật giọng: “Nhanh. Trốn đi. Đứng đây để chờ bị bắt lại à?”
Trước mặt chép vàng là một chú cá chép đen to lớn, khỏe mạnh. Chép vàng nhìn lên bờ, có mấy người cầm vợt đứng gần mép nước, họ chỉ chờ người trên cầu vứt cá xuống sẽ vợt lại đem bán cho người mua phóng sinh. Chần chừ là sẽ bị bắt lại.
Vả lại gần bờ nước bẩn và nhiều rác, không thở được.
Chép vàng búng nước lấy đà, vọt lẹ cùng chép đen.
Bơi đã xa khỏi bờ, chép vàng mới cất lời:
- Chào đằng ấy, tớ tên Chép Vàng. Còn đằng ấy?
- Dĩ nhiên tớ là Chép Đen. Hì hì
- Đằng ấy ở đâu tới?
Chép Đen vểnh râu, có vẻ đắc ý:
- Tớ ở trong cái hồ này thôi. Cũng được thả phóng sinh như đằng ấy, nhưng lâu rồi. Hình như ngày 23 tháng Chạp của hai năm trước.
- Vậy sao đằng ấy vẫn ở đây?
- Thì đi đâu mà chả thế. Chỗ nào sống được thì tớ ở. Trong cái hồ này có đủ thức ăn, dù tớ bị con người lùng bắt suốt, nhưng tớ tránh được.
Chép Vàng thở dài:
- Còn tớ thì phải làm tròn sứ mệnh của mình.
- "Sứ mệnh gì?" Chép Đen hỏi.
- Tớ đưa các vị Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế. Họ phải cưỡi lên lưng tớ để thăng thiên.
- Tớ có thấy ai đâu?
- Họ ở không gian khác, đằng ấy hiểu không. Có hai ông và một bà. Nhưng giờ ở trong cái hồ nước tù đọng này thì biết thăng thiên làm sao. Chép Vàng chép miệng, bần thần.
Chép Đen tò mò:
- Vậy thì phải ra đâu mới thăng thiên được?
- Ra sông lớn, nơi dòng nước cuộn chảy từ thượng lưu xuống hạ nguồn, như dòng chảy liên tục của thời gian, cũng là đường đi lên thượng giới.
Chép Đen nháy mắt tinh nghịch:
- Ở hồ này có một lối thông ra sông.
- "Thật không?" Chép Vàng háo hức. "Đằng ấy có thể dẫn tớ ra đó được không?"
- "Được thôi, để tớ dẫn đi". Chép Đen trả lời.
Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. (Ảnh: Shutterstock)
Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. Hai chú cá vừa bơi vừa trò chuyện:
- “Sông đó rộng, nước chảy xiết. Tớ đã có lần ra đến đó rồi lại quay về đây. Nói thật, sức vóc như đằng ấy, chẳng biết sẽ bơi thế nào”. Chép Đen nói và ái ngại nhìn thân hình mảnh dẻ của bạn.
- “Tớ cũng không biết. Nhưng đã là sứ mệnh thì tớ sẽ phải làm. Tớ còn phải bơi ngược dòng ấy chứ”. Chép Vàng cũng không giấu được vẻ lo lắng.
- Để làm gì?
Chép Vàng mơ màng:
- Mẹ tớ kể cho tớ câu chuyện từ tổ tiên xa xưa của họ nhà cá chép. Một con cá chép ngoài nhiệm vụ chở các Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế vào ngày 23 tháng Chạp thì cũng phải tìm đường quay về với cội nguồn sinh mệnh của mình.
- "Bằng cách nào?" Chép Đen hỏi.
- Bơi ngược dòng một con sông lớn, rồi vượt thác. Xưa kia tổ tiên cá chép chúng ta đã từng có vị bơi vượt thác Long Môn trên sông Hoàng Hà để hóa rồng và bay lên trời. Đã lâu lắm rồi, từ thời vua Đại Vũ trị thủy.
- Nghe hay nhỉ. Nhưng không biết có thật không?
- “Tớ tin là có thật”, Chép Vàng cả quyết. Ánh mắt nó ngời lên đầy tin tưởng, cứ như linh hồn những cụ tổ oai hùng của loài cá chép đã quay về nhập vào trong nó, lúc ấy thân hình mảnh dẻ của nó toát lên một sức mạnh không ngờ khiến Chép Đen cảm thấy kính nể. Chép Đen nghĩ đến hình ảnh một ngọn thác hùng vĩ, nước đổ sầm sập từ trên cao xuống, một chú cá chép tung mình nhảy lên thật cao hết lần này đến lần khác…
- Được, tớ sẽ đi cùng đằng ấy. Tớ không nghĩ đến hóa rồng, nhưng hẳn sẽ là một chuyến đi thú vị.
Chép Vàng mừng lắm. Nó chưa từng đi đâu ra khỏi ao nuôi cá. Giờ có Chép Đen, một tay tháo vát thế này đi cùng, cơ hội thành công sẽ cao hơn.
So với Chép Vàng trầm lặng mơ mộng, Chép Đen hơi thiếu óc tưởng tượng nhưng giỏi xoay sở, thạo đời, lại hoạt ngôn, đặc biệt là rất nghĩa khí. Trên đường đi, Chép Đen dạy cho Chép Vàng cách kiếm mồi từ phù du trôi ngang dòng nước, từ việc tóm những con tép nhỏ hay thậm chí cả châu chấu, cào cào sa xuống mặt nước. Chép Đen cũng dạy cho Chép Vàng cách tránh những mồi câu, những lưỡi lục của dân câu, những vó, nơm… của vô số những người bắt cá. Chép Đen quả là sự bổ sung tuyệt vời cho Chép Vàng.
“Đằng ấy phải trải nghiệm, va chạm nhiều hơn, đời giờ nhiều cạm bẫy lắm”. Chép Đen thường dặn Chép Vàng như vậy trên đường đi. Và Chép Vàng cũng cố gắng ghi vào lòng những bài học ấy.
Màu nước bắt đầu thay đổi, đôi bạn sắp đi tới lối thông từ hồ ra sông. Chép Đen hào hứng:
- Tớ sẽ thi vượt thác với đằng ấy. Chắc chắn tớ sẽ nhảy lên thật cao, cao hơn đằng ấy cho mà xem.
- Tớ tin là thế, Chép Đen ạ. Đằng ấy sẽ làm tốt hơn tớ.
- “Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. “Lối thông ra sông kia rồi, nước xiết quá, ta lấy đà chuẩn bị nhé. Một, hai… Ối, thả tôi ra, thả tôi ra”.
“Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. (Ảnh: Shutterstock)
Chép Đen đã mắc vào một tấm vó, người ta kéo vó lên, Chép Đen vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Chép Vàng cuống quýt bơi loanh quanh ở dưới mà không nghĩ ra cách nào để giúp bạn.
- “Trốn đi, trốn đi Chép Vàng, họ bắt đấyyy”... Chép Đen gào to.
- “Tớ không đi đâu, tớ phải cứu đằng ấy”. Chép Vàng bật khóc và bất lực nhìn bạn. Chép Đen đã bị kéo lên cao.
- Đằng ấy không cứu được tớ đâu. Đi và làm tròn sứ mệnh của đằng ấy đi. Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa. Đi ngay đi, ở đây nguy hiểm lắm.
Một chiếc lưới được ném vù xuống. Chép Vàng chợt động linh cơ tránh được. Rồi ngoảnh nhìn Chép Đen lần cuối, Chép Vàng gạt nước mắt, phóng ra sông.
Trưởng thành nơi sông lớn
Không ai có thể nhìn thấy nước mắt của một con cá, nhưng ai dám bảo đảm rằng cá không biết khóc? Còn chúng tôi thì biết rằng Chép Vàng đã khóc thảm thiết vì thương bạn. Vả lại, chú còn lo lắng từ nay mất đi sự hỗ trợ của Chép Đen, chú biết xoay sở thế nào nơi sông lớn?
Nhưng rồi Chép Vàng cũng dần bình tĩnh lại. Chú đã bắt đầu chuyến đi một mình, giờ đây chú lại có thêm những kinh nghiệm mà Chép Đen đã dạy chú. Chép Vàng thấy mình cần tự tin hơn.
Phải tiếp tục lên đường.
Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. Cứ bơi một quãng chú lại phải tìm chỗ nghỉ. Thức ăn ở đây cũng khó kiếm hơn, vì nước chảy mạnh nên thức ăn trôi qua rất nhanh, chú phải đớp mồi khẩn trương hơn. Về sau chú cũng biết tìm đến nơi nước lặng hơn một chút, thường là sau những tảng đá lớn ở lòng sông, vừa để kiếm cái ăn, vừa tìm chỗ nghỉ. Dần dần, chú cũng biết kiếm ăn dưới bùn hay bắt con tôm con tép.
Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. (Ảnh: Wikipedia-CC BY 2.5)
Cuộc sống luôn vận động mạnh khiến thân thể chú cường tráng hơn, mạnh mẽ hơn, đôi râu cũng mọc dài ngạo nghễ. Nếu Chép Đen còn sống mà nhìn thấy chú, chắc sẽ rất tự hào.
Chú cũng gặp nhiều loài cá khác và cả cá chép, nhưng phần lớn họ chỉ bơi xuôi dòng. Đôi khi, chú cũng làm quen với những chú cá chép khác để tìm kiếm bạn đồng hành. Nhưng hầu như ai cũng cười nhạo ý tưởng “viển vông” của chú.
Chú chỉ biết một mực ngược dòng tiến lên.
Đã qua Tết Nguyên Đán, có lẽ các vị Táo quân đã rời lưng chú để thăng thiên chầu Đức Ngọc đế và tâu bày kết quả một năm làm việc ở cõi trần này. Giờ này có lẽ họ đã được tạm nghỉ ngơi, nhưng chú Chép Vàng của chúng ta vẫn hàng ngày phải đối mặt với sóng dữ. Và không chỉ có thế, ở trên sông lớn, Chép Vàng dù ít gặp con người hơn, nhưng kẻ thù trong tự nhiên lại nhiều hơn. Chẳng hạn như con giải, rắn và các loài cá lớn.
Mới hôm qua, chú bị một con giải đớp hụt. Nó nằm im ở lòng sông trông như một tảng đá lớn. Chép Vàng định nép vào đó nghỉ ngơi thì con giải thò cái đầu ra táp. Chép Vàng lanh lẹ né được. Hú hồn. Những con giải - loại baba cực lớn ở vùng này có cái mai to như cái chiếu con và có thể cắn đứt gân chân của trâu mộng.
Một hôm, Chép Vàng lọt vào một vùng nước lặng hơn và nông dần đi. Ở đây, đáy sông ít bùn và cứng hơn, hầu như chỉ có cát và đá. Cá tôm cũng thưa thớt. Chép Vàng cảm thấy lo ngại, chú chưa biết chuyện gì đang xảy ra, bèn tới bắt chuyện với một cụ cá nheo đang sửa soạn lên đường:
- Cụ ơi, cụ sắp đi đâu vậy? Cho cháu hỏi thăm đường ạ.
- Chào anh. Anh muốn đi đâu?
- Cháu muốn lên thượng nguồn cụ ạ.
Cụ cá nheo già, da bạc phếch nheo mắt nhìn Chép Vàng tò mò:
- Anh muốn lên thượng nguồn làm gì? Đi làm sao được. Đã lâu lắm rồi có ai đi lên thượng nguồn được đâu.
- Vì sao vậy hả cụ?
Cụ cá nheo thở dài:
- Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. Tôi cũng bị chia cắt với gia đình mình. Họ ở lại phía lòng hồ nằm sau cái đập thủy điện này. Trầm tích, phù sa cũng bị giữ lại phía bên ấy. Anh xem, đáy sông ở đây trơ ra toàn sỏi với đá thôi, sống làm sao được. Ăn gì bây giờ? Khi nào có lũ về hay mùa mưa thì còn đỡ. Còn bây giờ nước cạn thế này, chúng tôi phải bơi về xuôi.
Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. (Ảnh: Getty Images)
Ngừng lại một lát, cụ cá nheo nhìn chú nói tiếp:
- Mà anh cũng nên về xuôi thôi. Đợi đến mùa lũ rồi quay trở lại. Nhưng kể cả vậy thì làm sao anh vượt qua được con đập cao ngất kia. Thôi, về đi. Muốn vượt qua được phải có thần tích. Thời nay làm gì còn thần tích.
Dứt lời, cụ cá nheo quay lưng, lầm lũi bơi về xuôi.
“Thời nay làm gì còn thần tích”. Câu nói đầy chán nản ấy của cụ cá nheo còn làm chú Chép Vàng hụt hẫng, đau khổ hơn hết thảy những bầm dập trên thân xác cho đến lúc này. Chú đã bắt đầu chuyến đi với lòng tin vào truyền thống xa xưa của họ nhà cá chép, về thần tích hóa rồng. Dọc đường, chú đã gặp được Chép Đen, người bạn duy nhất ủng hộ chú. Nhưng liệu Chép Đen có tin vào chuyện hóa rồng hay không? Chú cũng nhớ đến tiếng cười nhạo của các bạn cá dọc đường, trong đó có không ít đồng loại cá chép của chú. Giờ lại thêm lời này.
Nhưng nghĩ lại, chú sẽ không bỏ cuộc. Mẹ vẫn dạy chú: “Trên đời này không mất thì không được. Được thì phải mất.” Và thần tích sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho một kẻ lười nhác và thiếu lòng tin. Vả lại, đằng nào cũng sẽ chết, thà là chết trong dòng nước xiết vì đã sống một cuộc đời có ý nghĩa còn hơn một cuộc sống vô vị nhạt nhẽo trong bùn lầy của ao tù nước đọng.
Chép Vàng vượt vũ môn
Đêm hôm ấy Chép Vàng nhịn đói đi ngủ. Trong giấc mơ, chú mơ thấy mẹ mình và lời ru êm êm của mẹ, lời ru đưa chú về với những tổ tiên oai hùng xa xưa của họ cá chép - những bậc đã hóa rồng. Chú cũng mơ thấy Chép Đen và bạn có hỏi chú rằng đã vượt thác chưa. Chú mơ thấy cả ba vị Táo quân đang chầu Đức Ngọc đế và họ nói rằng: “thần tích sẽ xảy ra với những kẻ mạnh mẽ có đủ lòng tin.”
Chép Vàng bỗng choàng tỉnh dậy vì trời bắt đầu mưa.
Mưa? Giữa tiết hanh khô tháng Giêng này? Ồ! và mưa ngày càng lớn chứ không phải mưa phùn. Một trận mưa rào cực lớn.
Mưa suốt cả mấy ngày, nước dềnh lên nhanh chóng. Nước mưa cuốn theo thảm mục trên rừng chảy xuống dòng sông, phù du lại nhiều lên. Các loài cá tôm lại quay trở lại. Chép Vàng cũng có thể tiến sát đập thủy điện.
Lúc này, lũ trên thượng nguồn đã đổ về sầm sập. Đập thủy điện mở cửa xả mặt khiến nước đổ xuống như một dòng thác cực lớn. Chép Vàng thầm nghĩ: “Cứ như lời kể, xưa kia vua Đại Vũ phải xẻ núi Long Môn cho nước sông Hoàng Hà thoát đi, đó là thuận theo tự nhiên để trị thủy. Còn ngày nay người ta làm ngược lại, xây những con đập cực kỳ to lớn để chắn nước. Nhưng liệu họ có thể chặn được sức mạnh của thiên nhiên không nhỉ?”
Nhưng giờ chú cũng không nghĩ lâu về việc đó nữa. Chú phải chuẩn bị cho việc vượt thác. Ai biết cơn lũ sẽ còn kéo dài đến lúc nào. Chú không thể bỏ lỡ cơ hội Trời cho này được.
Chép Vàng kiếm mồi thật nhanh và dự trữ dưới khe một tảng đá lớn bên bờ nước. Chú ăn đến no nê và bắt đầu tập nhảy.
Rồi tiến đến gần dòng thác nước đang chảy xuống dữ dội, chú bật nhảy thật cao vào dòng thác. Ngày càng cao hơn. Nhưng con đập cao vút thế kia, chú làm sao nhảy tới?
Chép Vàng không nản, chú quay về chỗ cất thức ăn, ăn một bữa no, nghỉ một lúc rồi quay trở lại chỗ thác nước. “Mình phải nhanh lên”, chú thầm nghĩ.
Chép Vàng liên tục nhảy, hết lần này đến lần khác. Chú vừa nhảy vừa rạch thân mình như một chú cá rô, đè lên dòng nước khổng lồ đang ầm ào đổ xuống. 1000, 1001, 1002… chú thầm đếm. “Mình sẽ không bỏ cuộc đâu. Sẽ nhảy đến khi không còn hơi sức. Cùng lắm thì ta lại được gặp Chép Đen ở dưới âm kia”.
Trong đôi mắt đã mờ dần đi của chú hiện lên hình ảnh tinh nghịch thân thương của Chép Đen và lời trăng trối của bạn: “Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa nhé”. Chép Vàng thu hết tàn lực, nhảy lên một cú thật cao…
Quả đúng là:
“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?” (1)
Ở trên Thiên đình, Đức Ngọc đế đang dõi theo chú Chép Vàng, và Ngài đã mỉm cười.
Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. (Ảnh: Shutterstock)
Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. Chú rồng có thân mình dài và lớn như một cây đại thụ, vàng rực như được dát những chiếc vảy vàng khổng lồ lấp lánh có hình dạng như vảy cá chép; cặp râu dài mềm tung bay oai vệ; cặp mắt sáng rực nhìn thấu cả trần gian và âm giới... cùng đôi sừng dài và bộ vuốt to lớn sắc nhọn. Bên cạnh chú rồng vàng đó là hào quang của một chú cá chép đen quấn quýt như một người hộ vệ trung thành. Cả hai song song bay thẳng lên cửa Nam Thiên nơi thượng giới.
Cửa Trời mở ra, quần tiên hoan hỉ chào đón sinh mệnh đã trở về nguồn cội.
Nguyên Phong
(1): Thơ “Cá chép vượt đăng” (Lý ngư bạt hỗ) của thi hào Nguyễn Khuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét