Khi trẻ em bị bắt nạt, làm thế nào để có thể giúp trẻ từ bỏ tâm lý trả thù? (Ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải là nhân vật trong bài viết này) (Ảnh: Fotolia)
Kinh Nghiệm Của Giáo Viên: GIÚP TRẺ BUÔNG BỎ TÂM LÝ TRẢ THÙ
Xuân Hoàng biên dịch
Dưới ảnh hưởng của bầu không khí bất hảo trong xã hội hiện đại, việc bồi dưỡng cho học sinh những giá trị đạo đức đúng đắn là điều vô cùng cấp bách. Ở trường học sẽ thường có một số học sinh nghịch ngợm, khiêu khích và quấy rối các học sinh khác, tạo thành gánh nặng tâm lý nặng nề cho những học sinh bị quấy rối.
Những học trò nghịch ngợm đó thường có tâm lý méo mó, thường lấy việc giễu cợt, nhục mạ người khác làm thú vui, không nghe lời dạy bảo của giáo viên. Còn những học sinh bị lăng nhục thì sao? Các em thường cảm thấy bực bội, oan ức và tức giận bất bình. Khi không thể trút bỏ sự bất mãn của bản thân, các em sẽ nghĩ đến việc chống lại những học sinh quấy rối kia theo cách riêng của mình. Kết quả là tạo ra một vòng luẩn quẩn, không khí trong lớp học cũng trở nên u ám, kéo bè kết phái mà cãi lộn, phá hủy bầu không khí học tập. Dưới tình huống này, làm thế nào để giáo viên có thể hướng dẫn học sinh một cách hữu hiệu và đúng đắn?
Một đêm nọ, tôi nhận được tin nhắn từ nữ sinh Z, nói rằng em ấy đang chán nản đến mức không muốn đến trường. Tôi lập tức gọi cho em để hỏi han xem chuyện gì đang xảy ra. Z nói rằng có một nam sinh trong lớp bắt nạt em hàng ngày, thậm chí còn gọi vòng ngực “81” khi em khám sức khỏe là biệt danh của em, khiến các bạn trong lớp chế giễu, làm em rất xấu hổ, không còn tâm lý học tập. Z nói: “Thực tế là em cũng có thể đặt biệt danh cho cậu ta để sỉ nhục cậu ta. Trong lớp cũng có bạn chơi thân với em, tụi em có thể cùng nhau đối phó với cậu ta.”
Tôi biết nam sinh đó là một học sinh rất thích bày trò quậy phá, dù tôi có bảo thế nào thì cậu cũng không nghe. Nghe Z nói xong, tôi hỏi em ấy: “Nếu em làm vậy, cậu ấy rất có thể sẽ lại tìm mấy đàn anh đến đối phó em, rồi hai người lại đánh nhau phải không?”. Z bất lực nói: “Chỉ có thể như vậy thôi, không thì em nuốt không nổi cục tức này! Bây giờ cậu ta ngày nào cũng diễu võ giương oai trước mặt em, giống như một tên lưu manh vậy. Em muốn trở nên lưu manh hơn cậu ta, chọc cho cậu ta tức chết!”. Thấy tâm lý của học sinh Z như vậy, tôi thầm nghĩ mình nên làm thế nào để khuyên bảo em ấy đây? Làm thế nào mới có thể thay đổi suy nghĩ ăn miếng trả miếng này? Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng trong điển tích Trung Quốc, bèn nói với Z rằng:
“Hàn Tín là một thống soái nổi tiếng của triều đại Tây Hán, ông cùng với Tiêu Hà và Trương Lương là ba anh hùng của nhà Hán. Hàn Tín từ nhỏ đã thích luyện võ, vì mồ côi cha mẹ, ông phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó và bị người đời miệt thị. Vì luyện võ nên Hàn Tín luôn mang bảo kiếm trên mình. Có lần trên đường phố đông đúc, Hàn Tín bị một tên lưu manh chặn lại và nói: ‘Ta thấy ngươi ngày nào cũng mang theo kiếm, nếu ngươi có gan thì rút kiếm ra chém đầu ta đi, nếu không dám thì chui qua háng của ta’. Người đi đường lập tức vây quanh, chờ xem màn chế giễu này.”
Nói đến đây, tôi dừng lại và hỏi Z: “Nếu là em, em sẽ làm gì?”. Z nói: “Nếu là em, em sẽ đánh nhau với hắn ta, sao hắn ta dám sỉ nhục em như vậy.”
Tôi cười rồi kể tiếp: “Lúc ấy chỉ thấy Hàn Tín nhìn hắn ta chằm chằm hồi lâu, không nói một lời, rồi cúi đầu chui qua háng của hắn trước mặt mọi người. Những người vây quanh cười ầm lên, nói rằng Hàn Tín là kẻ hèn nhát như một con chuột, Hàn Tín cũng bỏ đi mà không giải thích gì. Trong lịch sử Trung Quốc, đối với một nam nhân, việc chui qua háng là một điều vô cùng nhục nhã, là một hành động hèn nhát. Nhưng Hàn Tín, vốn bị người khác gọi là kẻ hèn nhát, về sau lại là người đã trợ giúp Lưu Bang đánh bại ‘Chiến thần’ Hạng Vũ, và là công thần thành lập triều Hán. Em nói xem, ông ấy làm sao có thể là kẻ nhát gan?”.
Z nghi ngờ hỏi: “Hàn Tín đã dũng cảm như vậy, tại sao lúc đó lại không dám chém tên lưu manh kia?”.
Tôi giải thích rằng: “Tô Đông Pha trong ‘Lưu Hầu Luận’ có nói: ‘Những người được gọi là hào kiệt trong thời cổ đại tất có đức tính vượt trội hơn người khác, con người có tình, cho nên có chỗ không thể nhẫn được. Thất phu chịu nhục, rút kiếm tương đấu, đánh tới đánh lui, đây không phải là dũng cảm. Trên đời có bậc đại dũng, gặp việc bất ngờ vẫn không sợ hãi, gặp chuyện vô cớ thêm cũng không tức giận, điều này có nghĩa khả năng khống chế của người này rất lớn, mà ý chí cũng rất xa’. Ý tứ là nói một dũng giả thực sự là người có thể chịu đựng những điều mà người bình thường không thể chịu được, thay vì tranh đấu với người khác khi bị sỉ nhục, họ có chí hướng cao lớn và cảnh giới cao hơn người bình thường, sẽ không tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt.”
Sau đó tôi hỏi Z: “Vậy nên khi em bị sỉ nhục, có nhất thiết phải từ bỏ đạo đức của mình và trở nên giống như họ, cũng đi sỉ nhục người khác sau một phút tức giận hay không? Em cũng muốn trở thành loại người lấy việc sỉ nhục người khác làm thú vui hay sao?”. Z thấp giọng nói: “Không, em không muốn trở thành kẻ sỉ nhục người khác”. Tôi cười nói: “Đúng vậy, nếu đi trên đường em gặp một người phụ nữ ngang ngược mắng em, lẽ nào em đi chửi nhau với bà ấy sao? Cô tin em sẽ không làm vậy, bởi vì em không cùng cảnh giới đạo đức với họ, tại sao lại phải cư xử giống họ, em nói xem có phải vậy không?”
Ở đầu dây điện thoại bên kia, Z im lặng một lúc, rồi đột nhiên vui vẻ nói: “Cô ơi, em hiểu ra rồi, em biết phải làm sao rồi. Cứ để cậu ta nói đi! Tại sao em phải quan tâm đến cậu ta và xử sự giống cậu ta chứ? Giống như câu ‘Vật họp theo loài, người chia theo nhóm’, em với cậu ta không giống nhau! Cảnh giới của em cao hơn cậu ta. Ai có con mắt tinh tường nhìn thoáng qua sẽ biết cậu ta đang bắt nạt em, sẽ đứng về phía em, hihi, em đi làm bài tập đây ạ”. Nghe tiếng cười vui vẻ của Z, tôi biết nút thắt trong lòng em đã được mở, tôi cũng thực sự mừng cho em ấy.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, các em sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn và tranh đấu. Nếu không xử trí tốt, nhiều trẻ ngay từ nhỏ sẽ dưỡng thành tâm lý trả thù hoặc khuynh hướng bạo lực, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Chúng ta có thể thông qua văn hóa truyền thống để hướng dẫn cho học sinh, giúp các em hiểu rằng “Nhẫn” không phải là hèn nhát, mà là thể hiện của ý chí kiên cường, là thể hiện cảnh giới đạo đức của một cá nhân, chỉ có người như vậy mới có thể làm nên đại sự, tấm lòng cũng rộng lớn.
Tất nhiên, đối với những trẻ em chuyên bắt nạt, ức hiếp người khác thì càng phải kiên nhẫn dạy bảo, giúp các em sửa sai. Giúp các em trau dồi đạo đức, đồng cảm với người khác, không gây tổn thương cho người khác vì những lời nói hoặc việc làm sai trái của mình, không gây nên bóng đen tâm lý hoặc khơi dậy lòng oán hận ở người khác, như vậy thì cuộc sống của các em mới có thể được hạnh phúc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét