Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Nhớ Một Chiều Xuân


VỀ BÀI HÁT 'NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN', SÁNG TÁC CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Chu Tất Tiến

Trong số hơn 100 sáng tác tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “Nhớ Một Chiều Xuân” là bài duy nhất gây tranh cãi, vì trong đó có một câu “Người yêu dấu bên bờ thành Viên.” Một số người cho rằng “thành Viên” trong câu hát này là thành Vienna của tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Một tờ báo còn viết rõ ràng rằng “người đẹp thành Viên” là ở Mỹ, mà ở Mỹ có thành phố Vienna, thuộc Georgia, khi ông đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ: “Bài hát được sáng tác vào khoảng cuối năm 1957 khi Nguyễn Văn Đông được cử đi du học tại Hoa Kỳ trong khóa học Chỉ Huy Tham Mưu Sơ Cấp, nơi ông đã gặp được nàng thơ ngoại quốc làm ông say đắm. Tiếng đàn của chàng Trung Úy Việt Nam cũng lấy đi trái tim thiếu nữ của nàng – Một vị tiểu thư bản xứ. Chàng đã vì nàng mà nguyện đánh đàn, cất lên từng tiếng ca của bài hát mà nàng yêu thích,… nhưng chỉ dừng ở đó, kết thúc hoàn toàn sau khóa tu nghiệp của Nguyễn Văn Đông”… (Nước Mỹ có tới ba thành phố mang tên Vienna, nhưng chỉ có ở tiểu bang Georgia mới có Vienna coi như gần trung tâm Huấn Luyện Quân Sự)

Gần đây, theo dõi buổi nói truyện của tôi trên đài TV về Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, một số vị  trên Facebook đã cho rằng tôi nói sai khi tôi xác nhận rằng “người yêu dấu bên bờ thành Viên” là một người đẹp Áo Quốc. Vài người đã khẳng định là tôi “bịa” cho vui.

Để có thể xác định “bờ thành Viên” thực sự ở đâu theo lời kể của chính Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, người viết bài này xin trình bày sự khác biệt về địa lý nhân văn của hai nơi: Vienna, Georgia, Hoa Kỳ và Vienna, Áo Quốc.

Trước hết, Vienna, Georgia, Hoa Kỳ, là một thành phố nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Wikepedia cho biết: Con sông Flint River chảy qua Vienna là một con sông nhỏ, không có một cảnh nào đẹp, thơ mộng để có thể làm chỗ cho hai người yêu nhau gặp gỡ. Thực tế, con sông này là tai họa của thành phố vì mấy trận lụt đã xảy ra khi mưa nhiều, may mà vì thành phố không đông dân, nên không gây chết người. Dọc theo bờ sông, không có những chỗ dành cho du lịch, ngắm cảnh, vậy thì làm sao quyến rũ được người nhạc sĩ hẹn hò ở bên bờ sông này?

Dân cư ở thành phố này vào năm 2010 chỉ có 3,789 người, nghĩa là có 693 người trong một dặm vuông, nghĩa là rất thưa. Nếu tính theo tỷ lệ gia tăng dân số tại nơi này là từ 1.1% đến khi cao nhất là 6.6%, trung bình là 3.85%, thì đại khái cách đây 53 năm, dân số ở Vienna là dưới 500 người! Kiếm đâu ra một người tình, nhân tài nào cho người nhạc sĩ yêu mến?

Về vấn đề thu nhập tài chánh: Thu nhập bình quân vào năm 2010 là $27,580! Với số tiền hàng năm của năm 2010 là dưới $30,000 và tốc độ lạm phát trung bình 4% một năm, như thế thì cách đây 53 năm, một gia đình trung lưu chỉ kiếm được khoảng chục ngàn đô la mà thôi. Vậy thì sinh hoạt văn nghệ không có chỗ đứng ở đây. Và như vậy, không thể có một ca sĩ người Mỹ Trắng nào nổi tiếng, tài sắc vẹn toàn để Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông gặp gỡ trong một buổi trình diễn văn nghệ nào đó, nhất là về sắc tộc: Người da trắng chiếm 19.9% còn người da đen là 78.5%! Nếu tin theo bài báo trên, Trung Úy Nguyễn Văn Đông hồi năm 1957 sẽ không thể kiếm được người tình nào (hiểu ngầm là da trắng) xinh đẹp đến nỗi mà nhiều chục năm sau, ông còn mơ tưởng. (Hồi đó, có ai dám nghĩ đến chuyện yêu một người da đen?) 

Cũng theo bài báo, Trung Úy Nguyễn Văn Đông khi đi thụ huấn tại Hoa Kỳ vào năm 1957, đã gặp người đẹp trong vùng này? Thực tế, vì địa lý chính trị nhân văn như trên, cho đến ngày hôm nay, vẫn không có một trung tâm huấn luyện quân sự nào ở Vienna, Georgia, mà chỉ có ở Fort Benning, cách Vienna 1 tiếng rưỡi lái xe trên xa lộ. Hồi đó, Trung Úy Nguyễn Văn Đông, đang đi tu nghiệp, nghĩa là phải tuân theo chỉ định của nơi tu nghiệp, ngày thụ huấn 8 tiếng, làm sao có phương tiện đi lại để hẹn hò người tình ở khoảng cách xa như vậy?

Thêm một yếu tố nữa: Sinh ngữ và sự giao thiệp. Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông được huấn luyện Quân Sự cũng như về âm nhạc từ người Pháp. Ông nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Còn về tiếng Anh, thì những năm 1957, không thể lưu loát bằng tiếng Pháp được. Chỉ có thể đủ dùng tiếng Anh để nghe, hiểu, và trả lời, nhất định không thể dùng để... nói chuyện ái tình với một người Mỹ trắng, nhất là một ca sĩ nổi tiếng, mà thời gian ấy, đa số còn ngơ ngác với địa danh Việt Nam, không biết Việt Nam nằm ở chỗ nào trên quả địa cầu. (Năm 1967, cá nhân tôi đi tu nghiệp ở San Antonio, Texas, nhiều người Mỹ còn hỏi tôi: “Who are you? Where do you come from? Where is Vietnam?”…)

Yếu tố sau cùng về Vienna, USA: Theo Wikepedia, Trung Úy Nguyễn Văn Đông, năm 1957, đi tu nghiệp quân sự tại Hawaii! Hồi đó, chỉ nghĩ đến chuyện đi từ Hawaii sang Vienna, Georgia, cũng giống như chuyện Peter Pan, phải có cánh bay một mình thì mới có thể thực hiện được.

Ngược lại, theo lời kể của chính Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông với người “đệ tử” về sáng tác tân nhạc cũng như Vọng Cổ là cá nhân tôi, thì những năm vào giữa những thập niên 1950-1960-1970, với tư cách là Trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân, Trưởng Ban Ca Nhạc Tiếng Thời Gian, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Toàn Quốc, ông đã từng dẫn phái đoàn văn nghệ sang Âu Châu trình diễn. Từ những cơ duyên đó, ông đã gặp lại các vị Giáo Sư Âm Nhạc người Pháp là những người Thầy từng dạy ông Âm Nhạc khi ông còn trẻ, và đã được các vị này trao tặng Bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Âm Nhạc Viện Pháp. Từ đó, mà ông có dịp gặp gỡ những ca nhạc sĩ nổi tiếng của Âu Châu, trong đó có “người đẹp thành Vienna, Áo Quốc.”

Vienna là thành phố tuyệt đẹp pha trộn giữa những truyền thống cổ kính với những kiến trúc hiện đại. Vienna cũng là trung tâm của văn hóa, của những lâu đài vàng chói, các tiệm cà phê tuyệt ngon, những quán rượu vang ấm áp với những chai rượu cả vài chục năm, và đặc biệt là các buổi hòa nhạc “Waltzes – Valse” làm say lòng du khách.

Tại trung tâm âm nhạc này, người mê âm nhạc sẽ được thưởng thức các giai điệu trữ tình cổ điển đồng thời với các nhịp điệu sôi nổi của nhạc thời đại. Từ Vienna, du khách có thể lên thuyền đi ngược dòng sông Danube, để chiêm ngưỡng một khoảng không gian thiên nhiên tuyệt đẹp hai bên bờ sông, gợi hứng cho bản nhạc bất hủ, “Blue Danube” đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới trình bày. Có thể từ đó, trong khi sánh vai bên “người yêu dấu,” lênh đênh trên con tầu dọc sông Danube, mà Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông đã cảm hứng mà viết nên câu: “Người về còn nhớ khúc hát. Người yêu dấu bên bờ thành Viên.”

Hãy tưởng tượng một sáng nào đó, trong khoang một con tầu nhỏ, chạy êm êm trên dòng nước xanh, trong khi du khách say mê thưởng thức những cảnh rừng xanh bát ngát hai bên bờ, điểm thoáng những mái nhà ngói đỏ, những chiếc cầu nhỏ bé nhô ra từ bên những cánh rừng hoa, những con thuyền buồm nằm yên lặng cạnh bến, những cánh chim bay lạc trong bầu trời xanh bao là, và bên tai là những âm điệu réo rắt của những chiếc đàn violon do một nhóm nhạc sĩ trong trang phục cổ điển của Âu Châu trình diễn. Có thể có một giọng hát Tenor âm vang theo tiếng đàn… thì người có tâm hồn khô khan đến mấy cũng phải thấy lòng mình tự dưng ướt át theo giòng Danube… nói chi đến người nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông…

Như thế, “người yêu dấu bên bờ thành Viên” phải là một người đẹp, một ca sĩ tài sắc vẹn toàn, quê hương ở thành Vienna, Áo Quốc, mà Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, khi ấy đã có cấp bậc cao, đã nổi danh về âm nhạc, yêu quý.

(Ngày 23 tháng 3, 2021)
Chu Tất Tiến

Xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm Nhớ Một Chiều Xuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét