Minh họa: jr-korpa-unsplash
NHỮNG NGƯỜI LÀM ĐẸP CUỘC ĐỜI
Trần Nghi Hoàng
Bây giờ thử nói chuyện những người làm đẹp cuộc đời. Ngôn ngữ bình thường và bình dân gọi họ là những người điên! Những người điên thuộc dòng điên hiền lành và thơ mộng!
Có mấy ông bạn bảo: “Tại sao ông cứ hay viết về những tên “điên”, những tên “bụi đời” ngoại quốc? Trong cộng đồng người Việt Nam ta, thiếu chi những người “điên”, những người “bụi đời”?” Câu hỏi này làm tôi hơi khó chịu. Đã là người “điên”, người “bụi đời” thì quốc tịch là một thứ dấu ấn không cần thiết.
Những người “điên” là tác phẩm tuyệt vời cuối cùng của Thượng đế. Tôi có một ông bạn họa sĩ, ông này đã hơn một lần bị… đưa đi thi để lấy lisence vô cõi bình yên, tức là lisence điên. Ông không passed được ba cái test, ông rớt. Nhưng sau đó ông vẫn tuyên bố: “Những người điên là những người có chung một quốc tịch, đó là quốc tịch người.”
Thỉnh thoảng ông vẫn còn vẽ tranh, vẽ xong lại bôi đi hết. Đôi lúc ông cũng viết văn làm thơ. Xong lại vứt vào sọt rác. Bạn bè hỏi: “Tại sao ông viết chi rồi lại vứt vào sọt rác?” Ông trợn mắt: “Cái gì của sọt rác thì vứt vào sọt rác. Hỏi gì ngu vậy?”
Cách đây mấy hôm, tôi gặp lại ông bạn họa sĩ trong một quán cà phê, ông… phỏng vấn tôi: “Ê ông! Lương “điên” bao nhiêu một tháng vậy ông? Hồi trước tao có đi thi thử, nhưng cũng chưa rõ lương bổng nó ra làm sao cả.”
Tôi vỗ vai ông bạn họa sĩ “điên hụt”: “Cái thời mà ông đi thi thử, hình như lương nó khoảng trên 300 đô một tháng. Qua ba năm rồi, vật giá leo thang, chắc “ngành điên” bây giờ cũng đã tăng lương. Tao nghĩ, có thể lên tới 400 đô, hoặc hơn rồi ông à!”
Ông bạn họa sĩ gật gù: “Coi vậy mà ngành điên cũng phát triển dữ há!”
Có thời tôi lưu lạc tới một làng nhỏ thuộc tiểu bang Pennsylvania, làng Lancaster. Lancaster là một làng rất phồn thịnh về ruộng bắp và nhà thờ. Cứ ba cái ruộng bắp là có một cái nhà thờ, hoặc 20 ngôi nhà cư dân là một nhà thờ. Vì có nhiều nhà thờ nên dân Việt Nam được bảo trợ ở Lancaster cũng khá đông. Đó là theo đạo lý, cứ mỗi nhà thờ sponsor ít ra một gia đình người Việt tị nạn (nhân danh một người Việt tị nạn, tôi xin thành thật tạ ơn những nhà thờ).
Minh họa: jr-korpa-unsplash
Trong cộng đồng người Việt ở Lancaster, có khá nhiều những người “điên” rất dễ thương. Thí dụ như một anh độc thân tên là Quới. Lúc tôi biết anh thì anh chưa có “lisence điên”, nhưng anh đã chứng tỏ được là người có đầy đủ khả năng để vào cõi bình yên. Anh đi làm thường bị đuổi vì lý do… có đầu óc sáng tạo.
Anh là thợ sơn, chuyên sơn nhà. Anh có một ông supervisor, ông này đi lãnh mối vòng vòng rồi cắt cử anh và những người thợ khác đi sơn. Nhưng cứ như là ông supervisor bảo anh sơn cái nhà màu xanh thì anh lại âm thầm sơn nó ra màu đỏ. Anh lý luận rằng thì là cái nhà này sơn màu xanh nó không có… thẩm mỹ. Cỏ cây chung quanh nhà đã mầu xanh, nếu sơn cái nhà mầu xanh luôn, nó bị chìm đi, không có nổi. Anh Quới cứ tà tà phát triển óc sáng tạo của mình như vậy, đến nỗi người supervisor (cũng là con chiên của nhà thờ sponsor anh Quới) không sử dụng nổi… tài năng lớn của anh.
Người supervisor đành nén lòng mà đưa anh qua cơ quan xã hội, để cơ quan này lo cho anh. Cơ quan xã hội sau khi hỏi cơ do ngọn ngành, lại thấy khả năng anh nó hạp với Mental Hospital hơn, nên họ buộc lòng chuyển hồ sơ anh qua cơ quan này.
Sau mấy phùa interview và probation, mà anh Quới đã passed một cách dễ dàng, anh được mấy vị bác sĩ cùng đồng ý cấp cho anh cái lisence “điên” nhưng thuộc ngành tự do, tức là chưa nhập ngạch, khỏi phải ở “nội trú” trong Mental Hospital. Cơ quan xã hội và nhà thờ sponsor anh cùng hợp tác kiếm cho anh một cái apartment. Một gia đình con chiên trong nhà thờ anh lãnh nhiệm vụ kiểm soát… đời sống thường nhật của anh.
Thế là kể từ khi công thành danh toại, đỗ đạt vinh quy, anh Quới cứ tháng tháng lãnh lương “điên” và ngày ngày đi shopping.
Cái vụ ngày ngày đi shopping của anh Quới mới thật là ly kỳ. Anh Quới chưa từng bao giờ có xe, cũng như chưa từng bao giờ có bằng lái xe. Anh chuyên trị đi bộ và xe bus. Lương “điên” lãnh ra anh Quới mua ngay một cái thẻ đi xe bus cho cả tháng.
Ấy vậy là ngày ngày anh cứ leo lên xe bus, mò đến một shopping center nào đó, đi phom phom vô cái auto parts department, lục lọi tìm mua mấy món đồ sửa auto.
Căn phòng của anh cứ là la liệt bù-long, mỏ lết, con đội. Hỏi không có xe mà sao mua đồ nghề sửa xe chi vậy? Anh nhún vai cười nhếch kiểu khinh bỉ thằng cha hỏi câu ngu, rồi trả lời: “Tôi mua sẵn để mai mốt có xe, lỡ nó hư thì có dụng cụ để mà sửa. Ông biết chuyện thằng cha mua trâu xong rồi không có tiền mua dây cột trâu không? Tôi mua dây cột trâu trước ông à. Chứ mua trâu mà không có dây cột, nó bỏ đi mất thì là ngu mà uổng thấy bà!”
Mấy lúc sau đó anh Quới gặp được một người bạn đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu là anh Điền. Nghe đâu anh Điền này có lisence điên trước anh Quới khá lâu. Nhưng anh Điền lại có một style khác, không đi shopping để mua đồ nghề sửa xe như anh Quới. Anh ngày ngày cũng đi shopping cùng anh Quới, nhưng lại mò vô mấy tiệm quần áo cũ hay on sale để mua áo jacket và cà vạt.
Anh chuyên trị quần short cut hoặc xà lỏn, nhưng phần trên thì luôn cà vạt jacket đàng hoàng. Hỏi “Sao sơ mi cà vạt jacket mà lại đi với xà lỏn, không có “ăn thua” gì với nhau hết vậy?”Anh trả lời “Thiên hạ nhìn nhau, chỉ nhìn từ mặt tới vai thôi; có bao giờ nhìn xuống tới chân đâu. Vả lại, tục ngữ có câu: Xem mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon. Mình chỉ cần trình diễn phần từ bụng trở lên tới đầu cho thiên hạ… nể thôi. Khúc dưới, cần gì!”.
Đôi bạn chân tình ăn ở cùng nhau coi mòi hợp tính hợp tình, chưa từng bao giờ thấy có xích mích như những cặp nạn bè tỉnh táo khác ở chung. Tiền lương điên của ai, người đó… cứ tự do sử dụng. Tiền nhà tiền ăn chia hai. Còn dư thì của anh Điền mặc anh Điền đi mua sơ mi cà vạt jacket, của anh Quới mặc anh Quới đi mua đồ nghề sửa xe hơi. Ngày ngày hai người bạn cứ đề huề cùng nhau leo lên xe bus đi tới shopping center. Tới nơi, hai anh chia tay người nào việc nấy. Anh Quới cứ tiếp tục vô auto parts department và anh Điền cứ tà tà lượn quanh mấy tiệm quần áo cũ hoăc on sale. Đúng giờ hẹn thì gặp nhau ở chỗ bồn nước hay tiệm McDonald’s rồi cùng nhau thơ thới hân hoan ra về.
Đời đẹp như mơ, có gì đâu mà thắc mắc, phải không?
Minh họa: jr-korpa-unsplash
Phần “Những người làm đẹp cuộc đời” coi như tạm xong. Tôi nói “coi như tạm xong” là vì nếu muốn… viết tiếp về họ, tôi có thể cứ tà tà viết hoài xuân hạ, thu đông không dứt. Mà viết nhiều về những “người này” quá, lỡ những “người tỉnh” đâm mê, đòi đi thi lấy lisence điên hết thì… cán cân xã hội sẽ bị nghiêng lệch; tôi sẽ thành người có tội với nhân loại, không nên.
Các bạn cứ thử tưởng tượng. Nếu xã hội mà chúng ta đang sống toàn là những người tỉnh táo không thôi, không lọt một anh điên nào vô hết, hoặc ngược lại, thì nó sẽ ra sao? Nếu xã hội này mà toàn là những người tỉnh táo, gióp giếc sẽ khó tìm hơn vì những người tìm việc sẽ đông hơn. Giới chính trị thương mại sẽ khổ sở hơn vì có nhiều đối thủ hơn. Giới lường gạt bịp bợm sẽ khó… hành nghề hơn vì… đồng nghiệp sẽ đông lên…; giới chuyên viên tán đào sẽ vất vả hơn vì nhiều vương tôn công tử hơn… v.v và v.v…
Nhờ những người điên mà… xã hội khả dĩ được thăng bằng. Những người điên là những người đứng ngoài, đứng trên những tranh chấp thường tình của xã hội con người.
Họ sống… chơi chơi giữa những người tỉnh. Họ sống giễu giễu nhưng rất thật để nhìn những người tỉnh quay quắt giữa những lo âu, phiền não và lừa bịp, giành giật, giết hại nhau. Họ cười cười những cái mà nhiều khi người tỉnh khóc thét. Học lại khóc nức nở trước những sự việc mà người tỉnh cho là tức cười… và đang cười một cách rất là quằn quại. Chính thái độ sống “điên điên” không thái độ này của những người “điên” đã làm cân bằng được những cái “thái quá” của xã hội con người tỉnh.
Mùa thu đã trôi qua và giờ là những đêm trời trở lạnh. Mùa thu là của những người điên mơ mộng. Những người điên thường lên cơn vào mùa hè và mơ mộng vào mùa thu. Có một người điên đã nói với tôi: “Mùa thu là mùa để tưởng tượng và ngơi nghỉ. Vào mùa thu, tôi ngủ rất ít. Tôi tiếc từng giây phút của mùa thu”.
Ôi, một người điên lãng mạn! Một người điên thi sĩ hơn thi sĩ. Tất cả những người điên đều là thi sĩ. Họ là những thi sĩ không thèm (hay không cần thiết) phải làm thơ. Họ là những tâm hồn gần gũi với thực tại tinh khiết nhất.
Cầu mong Thượng đế che chở cho những người “điên”. Và cầu mong những người điên tiếp tục “điên” trong thế giới hạnh phúc của họ.
Trần Nghi Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét