Người dân đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở Thành phố New York, Mỹ, ngày 14/06/2022. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)
TTCK PHỐ WALL KẾT THÚC NĂM 2022 BẰNG KẾT QUẢ TỒI TỆ NHẤT KỂ TỪ NĂM 2008
Quang Nhật
Thị trường chứng khoán Phố Wall ghi nhận mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008. Sau 4 thập kỷ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp, Phố Wall đã không thể đứng vững trước làn sóng bùng phát của lạm phát và đà tăng lãi suất diều hâu của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed).
Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 với kết quả tiêu điều vào thứ Sáu (30/12/2022); khép lại một năm thua lỗ nặng nề.
S&P 500 mất 8 nghìn tỷ USD vốn hoá, Chỉ số S&P 500 (.SPX) đã giảm 19,4% trong năm nay. Chỉ số chứng khoán Nasdaq (.IXIC) nặng về công nghệ giảm 33,1%, trong khi Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (.DJI) giảm giảm 8,9%.
Mức giảm hàng năm (theo tỷ lệ phần trăm) của năm 2022 đã xấu nhất kể từ năm 2008.
Khối lượng giao dịch cũng sụt giảm trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ là 8,5 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 10,79 tỷ cổ phiếu cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Thị trường đổ lỗi cho tình trạng thua lỗ, suy giảm tồi tệ giá hàng hoá trên thị trường chứng khoán Phố Wall là do các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm ché lạm phát của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed). Ngoài ra, các lo ngại về ngại suy thoái kinh tế nhãn tiền ở Mỹ và khắp toàn cầu 2023, chiến tranh Nga-Ukraine và gia tăng lo ngại về các ca nhiễm COVID ở Trung Quốc cũng được giải thích cho đà suy giảm ở Phố Wall.
"Các lý do vĩ mô chính ... đến từ sự kết hợp của các sự kiện: sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra bắt đầu vào năm 2020, lạm phát tăng đột biến, Fed chậm trễ bắt đầu chương trình thắt chặt lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát", cho biết Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research cho biết trên Reuters.
Ông cũng trích dẫn các chỉ số kinh tế cho thấy suy thoái, căng thẳng địa chính trị bao gồm chiến tranh Ukraine, số ca nhiễm COVID gia tăng ở Trung Quốc và những bất ổn liên quan đến Đài Loan.
J. Bryant Evans, cố vấn đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại Cozad Asset Management ở Champaign, Illinois, nói với Reuters rằng: “Thị trường nhà ở đã thực sự chậm lại và giá trị nhà của người dân đã giảm so với mức cao hồi đầu năm nay”. "Điều đó ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người và thực sự ảnh hưởng đến chi tiêu của họ một chút", ông nói.
Tuy nhiên, các dấu hiệu về khả năng phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ đã làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể vẫn cao hơn, mặc dù áp lực lạm phát giảm bớt đã làm tăng hy vọng về việc tăng lãi suất.
Theo khảo sát của Reuters, 65% những người theo dõi trên thị trường tiền tệ cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng Hai; lãi suất điều hành của Fed dự kiến sẽ đạt đỉnh 4,97% vào giữa năm 2023. Nhưng chính Fed lại đưa ra một nhận định tiêu cực hơn kỳ vọng của thị trường, rằng lãi suất điều hành cần vượt 5% và cuộc chiến chống lạm phát của Fed chưa nhìn thấy chiến thắng.
Thông điệp này có nghĩa rằng Fed có thể tăng lãi suất đạt mức lãi suất điều hành thực dương nhằm nhanh chóng kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%. Nếu là lãi suất thực dương, thì lãi suất điều hành lên tới 5 - 6% cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Nhưng kỳ lạ là không một nhà đầu tư, một hãng truyền thông nào đổ lỗi cho sự suy giảm chứng khoán ở Phố Wall cũng như khắp toàn cầu khi lãi suất tăng là do các thị trường này đã cho phép sử dụng đòn bảy quá mức.
Thị trường chứng khoán từ lâu đã méo mó, không còn là nơi thuần tuý hút dòng vốn xã hội nhàn rỗi vào đầu tư dài hạn tại các công ty sản xuất, dịch vụ. Các đòn bảy "margin", các hãng môi giới, dòng tiền quá rẻ đã khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng vay nợ để đầu cơ thay vì đầu tư dài hạn. Đầu cơ đã thúc đẩy giá của cổ phiếu tăng, giảm ngoài giá trị thực của hàng hoá. Thêm vào đó, các quỹ tự doanh, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà môi giới, vốn là một phần của các tập đoàn tài chính khổng lồ, ngày càng có khả năng thổi phồng thị trường bởi sức mạnh tài chính và thông tin.
Các hoạt động đầu tư như vậy khi tăng trưởng thì rất mạnh mẽ nhưng khó lòng chịu đựng nổi sóng gió khi chính sách tiền tệ đảo chiều, tiền trở nên đắt đỏ khiến lợi nhuận đầu cơ không thể bù đắp nổi chi phí. Lúc này, các nhà đầu tư sử dụng đòn bảy quá mức buộc phải bán giải chấp cổ phiếu, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trên thị trường nhờ các làn sóng bán tháo này.
Nhưng như thường lệ, không một ai đổ lỗi cho sự suy giảm của thị trường chứng khoán do hành vi đầu cơ và đòn bảy tiêu cực; tất cả được tạo dựng bởi lòng tham và kỳ vọng vô lý vào lợi nhuận khủng khiếp đến từ đầu cơ. Thật khó khi nhìn ra sai sót của mình.
Quang Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét