Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

'Thiện Ác Hữu Báo' Là Thiên Lý, Nhưng Biết Sám Hối Kịp Thời Vẫn Có Thể Tránh Được Tai Ương

 

Ảnh: unsplash.com.

'THIỆN ÁC HỮU BÁO' LÀ THIÊN LÝ, NHƯNG BIẾT SÁM HỐI KỊP THỜI VẪN CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC TAI ƯƠNG
San San 

Bạn có tin rằng ‘Thiện ác hữu báo’? Trong văn minh 5.000 năm của người Á Đông, đạo lý kính Trời tín Thần và thiện ác hữu báo đã cảm hóa rất nhiều người trên thế gian. Vì sao cổ nhân lại không ngừng nói với người đời sau về những đạo lý này?

Sách ‘Thái thượng cảm ứng thiên’ có viết: “Họa phúc không cửa, do người tự vời. Thiện ác báo ứng, như bóng theo hình”. Hầu Giám tham ô bị Trời phạt tước mất chức quan. Vào thời nhà Tống, Hầu Giám làm quan huyện lệnh Giang Hạ, có một người bạn là tăng nhân. Mỗi khi rảnh rỗi ông lại đến thăm vị tăng nhân này. Mỗi lần ông đến thì đều thấy tăng nhân đã chuẩn bị trà nước sẵn để đợi. Nhưng có một lần Hầu Giám đến thăm vị tăng nhân nhưng lại không thấy bạn chuẩn bị sẵn trà nước nên ngạc nhiên hỏi nguyên nhân tại sao. Tăng nhân nói: “Mỗi lần Hầu Công sắp đến, Thần Thổ Địa ắt sẽ thông báo trước cho tôi, do đó tôi mới chuẩn bị trà nước trước để đợi. Nhưng lần này ngài đến, Thần Thổ Địa lại không thông báo trước, do đó tôi mới không kịp chuẩn bị, khiến cho việc tiếp đãi không được chu đáo”. Sau khi nghe xong Hầu Giám tỏ ra vô cùng kinh ngạc liền nhờ bạn hỏi Thần Thổ Địa nguyên nhân. Đêm đó tăng nhân mộng thấy Thần Thổ Địa nói với ông rằng: “Hầu Sinh vốn được sắp đặt làm tể tướng, ta thuộc sự cai quản của ông ấy, do đó thường đến thông báo. Gần đây, ông ấy nhận hối lộ 60 lạng bạc của một người họ Hồ, vì vậy nên đã bị định đoạt, Thiên đình đã cắt bỏ chức tể tướng của ông ấy, quan chức của ông ấy chỉ làm đến chức giám tư thôi, không có quan hệ cai quản gì với ta, do đó, ta mới không thông báo”. Tăng nhân kể lại sự tình, Hầu Giám vô cùng xấu hổ. Sau này, quả nhiên Hầu Giám chỉ làm quan đến chức giám tư, và rất nhanh sau đó ông bị cách chức.

Thượng Thiên tạo ra sinh linh vạn vận, và ban cho mỗi sinh mệnh bản tính thiện lương, còn việc có giữ được sự thiện lương ấy hay không còn do lựa chọn của mỗi người. Hành thiện thì có thể đắc phúc, hành ác thì sẽ gặp họa, nếu kịp thời sửa chữa lỗi lầm, nỗ lực hết mức để hướng thiện, thì có thể chuyển họa thành phúc. Thượng Thiên là chúa tể thưởng thiện phạt ác, ban phúc giáng họa, thiện ác trong tâm là căn nguyên để mỗi người nhận về quả phúc hay quả nghiệt. 

Gần đây, trên trang mạng Minh Huệ Nét có đăng một bài viết về câu chuyện của một vị trưởng đồn cảnh sát, nhờ sám hối kịp thời bằng hành động cụ thể mà khỏi bệnh ung thư. Bài viết có tiêu đề như sau: “Câu chuyện về một trưởng đồn cảnh sát: Hối cải bằng hành động cụ thể, tai họa được tiêu trừ”. Nội dung nguyên văn của câu chuyện là:

Sau khi được bổ nhiệm làm trưởng đồn cảnh sát, ông C đã theo sát chính sách bức hại Pháp Luân Công. Không chỉ phạt tiền, ông C còn ra lệnh cho cấp dưới giám sát, theo dõi, bắt giữ và tống các học viên Pháp Luân Công vào trại cải tạo lao động. Vì vậy, nhân viên ở đồn cảnh sát này luôn bận rộn với việc bức hại các học viên. Bản thân ông C cũng được cục cảnh sát thành phố trao tặng danh hiệu “Cán bộ tiên tiến” và đề bạt thăng chức vì tích cực tham gia cuộc bức hại.

Tuy nhiên, đúng trong thời gian chờ thăng chức, ông C bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Ông C vô cùng sợ hãi và tuyệt vọng. Nghĩ lại việc mình đã làm trước đây, ông chợt nhớ đến những học viên Pháp Luân Công từng cố gắng thuyết phục ông không tham gia vào cuộc bức hại nữa. Họ nhắc ông câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Ông tự hỏi liệu kết quả chẩn đoán ung thư dạ dày có phải do ông tham gia vào cuộc bức hại hay không.

Không do dự, ông C đến văn phòng ngay đêm đó, lén lấy hết sách Pháp Luân Công, đĩa quang, và tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công đã tịch thu từ các học viên mang về nhà. Ông nghiêm túc đọc từng tài liệu một. Càng đọc, càng nhận thấy Sư phụ Pháp Luân Công giảng rất tốt, rất có đạo lý, Pháp Luân Công dạy các học viên trở thành người tốt và cuộc bức hại là sai trái. Ông bắt đầu hối hận về những việc mình đã làm với các học viên.

Trong thời gian chờ phẫu thuật, ông C cũng đã xem các đĩa DVD tịch thu từ các học viên trước đó và trò chuyện với một học viên về những thắc mắc của mình. Dần dần, ông đã hiểu ra rằng Pháp Luân Đại Pháp là Phật Pháp, có nội hàm rất thâm sâu và chỉ có lợi cho xã hội.

Kể từ đó, ông C không còn bức hại các học viên nữa, mà bắt đầu hành động để chuộc tội. Khi có người chỉ điểm tố giác các học viên với ông, ông giả bộ không nghe rõ. Khi cấp dưới xin thêm xe để đưa các học viên bị bắt về đồn cảnh sát, ông trả lời: “Lấy đâu ra xe? Thôi khỏi đi, thả đi.” Với những học viên địa phương trước đây bị bắt nộp phạt, ông đã gọi điện cho họ đến nhận lại tiền. Khi một học viên cao tuổi sắp bị đưa vào trại lao động, ông đã sử dụng các mối quan hệ của mình để giúp bà được về nhà với lý do bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh. Ông C đã làm nhiều việc tương tự như vậy.

Một hôm, ông C đột nhiên nhận ra cơn đau dạ dày của mình đã biến mất. Ông không chỉ cảm thấy ăn ngon miệng mà còn lấy lại được sức lực. Ông rất mừng và chia sẻ câu chuyện này với trợ thủ là ông Đường đã làm việc lâu năm tại đồn cảnh sát này.

Ông Đường mỉm cười và nói với ông C: “Không chỉ mình anh đâu. Anh biết vì sao hai vị trưởng đồn tiền nhiệm trước anh không tích cực bức hại Pháp Luân Công không?”

Ông Đường kể rằng cả mẹ và chị dâu của vị trưởng đồn thứ nhất đều là học viên Pháp Luân Công. Anh ấy thường bảo chúng tôi rằng những người tu luyện Pháp Luân Công đều là người tốt, nếu ai cũng tu luyện Pháp Luân Công thì quốc gia đã không hủ bại. Mẹ anh ấy cũng luôn dặn anh ấy cho dù có mất việc cũng không được làm việc thương thiên hại lý này, hễ làm là bà từ quan hệ mẹ con. Anh ấy nghe lời mẹ và sau đó đã được thăng chức lên cấp tỉnh.

Vị trưởng đồn thứ hai là ông Tần. Ông Tần thậm chí gần như không tham dự vào cuộc bức hại, còn hay nói câu ngạn ngữ cổ: “Trên đầu ba thước có thần linh”, phải làm việc thiện, tích đức cho con cháu. Một năm sau, ông ấy rút về làm các việc nội bộ. Sau mới biết, hóa ra cả con trai và con dâu của ông đều là học viên Pháp Luân Công. Nghe lời khuyên của các con, ông Tần đã xin nghỉ hưu sớm. Do chính sách thay đổi, lương hưu của ông thậm chí còn cao hơn cả tiền lương của ông lúc đương nhiệm.

Người xưa nói: “Người nói thì thầm, Trời nghe như sấm. Trong phòng tối làm chuyện mờ ám thì mắt Thần nhìn như điện”. ‘Dịch kinh – Khôn quái – Văn ngôn’ viết: “Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương”. Đạo Trời rất công bằng, ‘Thiện ác hữu báo’ là Thiên lý. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, trồng mầm thiện lương thì gặt về thiện quả, gieo mầm ác nghiệt thì gặt về nghiệp chướng và chịu sự trừng phạt của Thiên Thượng. 

Một người nếu đã hành ác nhưng biết sám hối và sửa chữa lỗi lầm, bù đắp lại tội lỗi kịp thời thì vận mệnh vẫn có thể cứu vãn. Người nếu biết tích đức thì phúc ấm để lại cho đời sau, người làm ác sẽ mang họa cho con cháu. Theo thiện hoặc hành ác, không chỉ liên quan đến phúc đức bản thân, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến người thân. Nhớ câu: “Lòng người sinh một niệm, Trời Đất đều sáng tỏ, thiện ác nếu không báo, càn khôn ắt vị tư.”

San San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét