THƠ ĐỖ PHỦ - BÀI 57, 58 và 59
Thầy Dương Anh Sơn
Bài 57
VỊNH HOÀI CỔ TÍCH (Kỳ nhất) 詠懷古跡 (其一)
DỮU TÍN GIA 庾信家
Chi ly đông bắc phong trần tế, 支離東北風塵際,
Phiêu bạc tây nam thiên địa gian 漂泊西南天地間.
Tam Hiệp lâu đài yêm nhật nguyệt, 三峽樓臺淹日月,
Ngũ Khê y phục cộng vân san. 五溪衣服共雲山.
Yết Hồ sự chủ chung vô lại, 羯胡事主終無賴,
Từ khách ai thời thả vị hoàn. 詞客哀時且未還.
Dữu Tín bình sinh tối tiêu sắt, 庾信平生最蕭瑟,
Mộ niên thi phú động giang quan. 暮年詩賦動江關.
Đỗ Phủ 杜 甫
Dịch nghĩa:
Phiêu bạc giữa chốn gió bụi vùng đông bắc – Rồi trôi dạt trong khoảng trời đất vùng tây nam.- Những lầu đài vùng Tam Hiệp dãi dầu dưới mặt trời và mặt trăng,ngày và đêm – Áo quần người vùng Ngũ Khê hòa cùng với mây núi (c.1-4) – Người đứng đầu dân Yết Hồ rốt cùng đều giảo hoạt ,gian xảo – Khách làm thơ thương xót cho cái thời vẫn chưa trở lại – Suốt đời, Dữu Tín rất buồn bã, rầu rĩ – Khi tuổi về chiều, thơ phú đã làm cảm động đến các con song và chốn quan ải (c.5-8).
Dịch thơ:
NGÂM THƠ NHỚ DẤU XƯA (Bài 1)
NHÀ DỮU TÍN
Chia lìa gió bụi bắc đông,
Tây nam trời đất ruổi rong dãi dầu!
Ngày đêm Tam Hiệp phơi lầu,
Ngũ Khê quần áo lẫn màu núi mây.
Rốt cùng chúa Yết xảo thay!
Khách thơ, thời thế chưa quay về nào.
Suốt đời Dữu Tín buồn sao!
Tuổi già thơ phú động vào ải sông.
Chú thích:
- chi ly 支離: tan tác, chia lìa, tạp loạn, không rõ ràng....
- phong trần tế 風塵際: ở giữa chốn gió bụi...
- Tam Hiệp 三峽: còn gọi là Tam Giáp .Vùng đất gồm Tây Lăng Hiệp, Vu Hiệp và Cù Đường Hiệp nằm giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc, Trung Hoa.
- yêm nhật nguyệt 淹日: ngâm lâu, dãi dầu cùng ngày đêm, cùng trời trăng...
- Ngũ Khê 五溪: Khê nằm giữa Hồ Nam và Quý Châu bên Trung Hoa gồm Hùng Khê, Hoành Khê, Tây Khê, Vu Khê và Thần Khê với năm bộ lạc ít người sinh sống. Đây chỉ các bộ tộc cuộc sống còn man
dã, đơn giản nơi các khe động vùng núi non có tập tục khác với dân tộc Hán.
- Yết Hồ 羯胡: một nhánh của dân tộc Hung Nô ở vùng Sơn Tây. Đây chỉ loạn An Lộc Sơn, Hầu Cảnh thời Đường Minh Hoàng và triều Lương. Đó là hai tên phản chúa có gốc gác là người Hồ hay còn gọi là Hung Nô.
- Sự chủ 事主: người đứng đầu chủ trì một công việc, ở đây là chúa tộc Yết Hồ; nghĩa khác là hầu hạ, đương sự....
- từ khách 詞客: người khách làm thơ phú, người làm các bài thơ thể từ là một thể văn có từ trước thời Đường như Sở Từ của Khuất Nguyên, phát triển mạnh thời nhà Tống bên T. H. theo lối nhạc phủ xưa, có câu dài câu ngắn không nhất định, chẳng hạn như “Đường thi Tống từ 唐詩宋詞”. Từ khúc 詞曲 là lối văn cũng có thể dùng để hát.
- Dữu Tín 庾信: nhà thơ nổi tiếng của triều nhà Lương sinh thời Nam Bắc triều bên Trung Hoa, chuyên làm thể loại “từ phú”, khi đi sứ đến triều Chu, bị giữ lại nhưng vẫn luôn nhớ về quê cũ làm ra bài “Ai Giang Nam phú”.
Bài 58
VỊNH HOÀI CỔ TÍCH (Kỳ nhị) 詠懷古跡(其二)
TỐNG NGỌC GIA 宋玉家
Dao lạc thâm tri Tống Ngọc bi, 搖落深知宋玉悲,
Phong lưu nho nhã diệc ngô si (sư). 風流儒雅亦吾師。
Trướng vọng thiên thu nhất sái lệ, 悵望千秋㇐灑淚,
Tiêu điều dị đại bất đồng thì. 蕭條異代不同時。
Giang sơn cố trạch không văn tảo, 江山故宅空文藻,
Vân vũ hoang đài khởi mộng ti (tư). 雲雨荒臺豈夢思。
Tối thị Sở cung cầu dẫn diệt, 最是楚宮俱泯滅,
Chu nhân chỉ điểm đáo kim nghi. 舟人指點到今疑。
Đỗ Phủ (năm 766) 杜 甫
Dịch nghĩa:
Hiểu sự tàn rụng sâu sắc sẽ hiểu nỗi thương đau của Tống Ngọc – Phong cách nho nhã thanh cao (của ông) đã là bậc thầy của tôi – Một lần buồn bã ngóng về ngàn năm trước mà đau lòng, nước mắt tuôn trào – Nỗi buồn sầu héo hon khác đời, không cùng thời (c.1-4) – Sông núi, nhà xưa không còn vẻ đẹp đẽ, hoa lệ! – Mây mưa nơi đài hoang phế sao lại chỉ là giấc mộng trong nỗi nhớ thương!? - Đúng hơn cả là cung điện nhà Sở đều đã tan tành. – Người đi thuyền chỉ dấu tích đến nay vẫn còn ngờ! (c.5-8)
Dịch thơ:
NGÂM THƠ NHỚ DẤU XƯA (Bài 2)
NHÀ TỐNG NGỌC
Rụng tàn Tống Ngọc xót xa,
Vẻ phong nhã ấy cũng là thầy tôi.
Ngàn thu buồn ngóng lệ rơi,
Héo hon đổi khác ,thời kia chẳng cùng!
Không còn nhà đẹp, núi sông,
Mây mưa đài phế nghĩ cơn mộng bày.
Đúng là cung Sở tàn phai,
Người đi thuyền chỉ, đến nay vẫn ngờ!
Chú thích:
- Dao lạc thâm tri 搖落深知: hiểu biết sâu xa (thâm tri) sự tàn rụng của cây cỏ, hoa lá (dao lạc).
- Tống Ngọc 宋玉: Ngọc còn có tên là Tử Uyên 子渊 (khoảng 298-222 TCN) ,người nước Yên 鄢 (nay là Nghi Thành 宜城, Hồ Bắc 湖北,T.H). Ông rất chuộng tư tưởng Lão Trang ,là đệ tử của Khuất Nguyên 屈原, từng phò Sở Khoảnh Tương Vương 楚顷襄王 . Ông rất giỏi từ phú sau Khuất Nguyên, nổi tiếng ngang Đường Lặc 唐勒 ,Cảnh Sai 景差. Các tác phẩm còn lại của ông nổi tiếng nhất là “Cửu Biên 九辨 ” bày tỏ lòng thương tiếc thầy ông là Khuất Nguyên bị sàm tấu phải đi đầy và quyên sinh tại sông Mịch La. Ngoài ra còn có “ Phong Phú 風赋,“, ”Cao Đường Phú 高唐赋,”, ”Đăng Đồ Tử Hiếu Sắc Phú 登徒子好色赋 “ còn sót lại và nhiều tác phẩm thất truyền khác nữa.
- Phong lưu nho nhã 風流儒雅: phong cách ,dáng dấp thanh cao, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng.v.v...
- không văn tảo 江山故宅空文藻: không còn nét đẹp đẽ, hoa lệ.
- vân vũ hoang đài 雲雨荒臺: trong bài “Cao Đường Phú” của Tống Ngọc có kể lại chuyện Sở Tương Vương cùng đi chơi ở núi Vân mộng gặp người con gái đẹp xưng là thần nữ ở Vu Sơn đi lại chốn Dương Đài để “sớm làm mây, tối làm mưa” (Triêu vi hành vân, mộ vi hành vũ, triêu triêu mộ mộ Dương Đài chi hạ)....
Bài 59
VỊNH HOÀI CỔ TÍCH (Kỳ tam) 詠懷古跡 (其三)
VỊNH CHIÊU QUÂN 詠昭君
Quần sơn vạn hác phó Kinh Môn, 群山萬壑赴荊門,
Sinh trưởng Minh Phi thượng hữu thôn. 生長明妃尚有村。
Nhất khứ Tử Đài liên sóc mạc, ㇐去紫臺連朔漠,
Độc lưu thanh trủng hướng hoàng hôn. 獨留青塚向黃昏。
Hoạ đồ tỉnh thức xuân phong diện, 畫圖省識春風面,
Hoàn bội không quy nguyệt hạ hồn. 環珮空歸月下魂。
Thiên tải tỳ bà tác Hồ ngữ, 千載琵琶作胡語,
Phân minh oán hận khúc trung luân. 分明怨恨曲中論。
Đỗ Phủ (năm 766) 杜 甫
Dịch nghĩa:
Đi qua nhiều nhóm núi non ,muôn ngàn khe suối đến Kinh Môn – Vẫn còn đây thôn xóm nơi Minh Phi sinh ra và lớn lên – Một lần ra đi , Tử Đài nối liền với vùng sa mạc phía bắc – Chỉ còn lại mồ mã xanh cỏ hướng về chiều tà (c.1-4) – Xem xét bản vẽ (vua nhà Hán) mới biết dáng dấp khuôn mặt trong gió xuân – Không còn vòng ngọc đeo trước ngực ,hồn theo vầng trăng quay trở về - Ngàn năm (vẫn còn) sáng tác tỳ bằng điệu Hồ - Xét khúc ca ,rõ ràng là nỗi oán hận (của nàng Chiêu Quân) bày tỏ bên trong (c.5-8).
Dịch thơ:
NGÂM THƠ NHỚ DẤU XƯA (Bài ba)
VỊNH CHIÊU QUÂN
Muôn khe núi đến Kinh môn,
Minh Phi từng sống, xóm thôn vẫn còn.
Tử Đài cát bắc một lần,
Mồ xanh còn lại theo vầng tà dương.
Xem tranh, nhận mặt gió xuân,
Hồn về vòng ngọc chẳng còn dưới trăng.
Tỳ bà Hồ điệu ngàn năm,
Khúc ca oán hận rõ ràng bên trong!
Chú thích:
- Chiêu Quân tức Vương Chiêu Quân 王昭君: tức Minh Phi, sống ở thời Tây Hán, con của một thường dân ở vùng Nam Quân(Hồ Bắc) được nhận vào cung làm gia nhân tử của Hán Nguyên Đế Lưu Thích nhưng không được nhà vua để ý do không hối lộ để có sự đề bạt của nhiều thứ bậc quan gia trong cung cấm, trong đó có họa sĩ Mao Diên Thọ đã vẽ dung nhan nàng xấu xí để vua không biết đến! Khi Thiền Vu đứng đầu Hung Nô là Hô Hàn Tà sang triều cống và cầu thân, do ở lâu trong cung không được đoái hoài, Vương Chiêu Quân đã tự đề cử là một trong năm người được chọn để sang Hung Nô làm vợ Thiền Vu. Khi lên điện vua trình diện và từ biệt, vua Hán mới nhận thấy vẻ đẹp vượt bậc của Chiêu Quân nhưng không thể xóa bỏ lệnh đã ban ra! Câu chuyện “Chiêu Quân xuất tái 昭君出塞” để lại nhiều luyến tiếc cho vua Hán và là để tài trong văn chương về vẻ đẹp mặn mà của Minh Phi. Chuyện cũng kể rằng trên đường đi sang đất bắc ngang qua một sa mạc rộng lớn ,nàng vì buồn nhớ quê hương và phận má đào của mình đã sáng tác bài “Xuất Tái Khúc” (còn được gọi là Chiêu Quân oán khúc) khiến cho một con ngỗng trời nghe khúc đàn rơi xuống nên đời xưng tụng nhan sắc của nàng là “Lạc Nhạn 落雁 “ (gọi chung là chim sa). Nhờ sự hy sinh của Chiêu Quân, nhà Hán và Hung nô được yên bình hơn sáu mươi năm.
- Kinh Môn 荊門: tên một ngọn núi ở huyện Nghi Đô, Hà Bắc, Trung Hoa.
- sóc mạc 朔漠: sóc: phương bắc. Hoang mạc hay sa mạc ở phía bắc nơi sinh sống của các bộ tộc Thiền Vu.
- thanh trủng 青塚: mồ mả mọc cỏ xanh. Mộ của Vương Chiêu Quân
tương truyền ở huyện Quy Tuy, huyện Tuy Viễn, T.H. Theo truyền thuyết, cỏ vùng này đều khô ráp và màu bạc trắng ,riêng mộ Chiêu Quân đều xanh tươi...
- tỉnh thức 省識: xem xét và nhận ra, hiểu ra...
- hoàn bội 環珮: vòng ngọc tròn đeo trước ngực....
(Lần đến: THƠ ĐỖ PHỦ bài 60, 61 và 62)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét