Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Cây Trứng Cá Ơi



Không biết từ thuở nào? bắt nguồn từ đâu? Trên những con đường, trước những ngôi nhà ở quê hương mình thường có những tàng cây trứng cá, tàng cây che mát rượi những ngày hè, hoa trái mộng những ngày xuân. Và thường cũng là bóng mát cho những cuộc hẹn hò không thể nào quên trong quá khứ!

Ai đã trồng cây trứng cá che một kỷ niệm lớn lao này?, hổng biết!… Trước căn nhà nho nhỏ, có cô bé xinh xinh, hay tung tăng trước ngõ, và cái hồn nhiên ấy vẫn miệt mài như cây trứng cá xanh tươi, hồn cô bé trải rộng như một đồng cỏ thênh thang. Cô bé có mái tóc demi garcon ngộ nghĩnh. Cô bé có chút tinh nghịch chứa cái dễ thương của một vùng trời thơ trẻ.

Mỗi ngày cô bé đến trường, rồi thì “Em tan trường về, trường tan em về...”, cứ thế, và cứ thế, cô bé đã tự mình ghi sâu vào tâm hồn người khác, không chút bất ngờ hay vội vã, một cảm mến dần tràn lên, và người anh ấy bắt đầu để ý đến cô bé…

Năm cô bé vào lớp chín, ái chà! “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” làm cho anh ấy thêm bối rối mỗi lần cô bé bước ra khỏi nhà để đến lớp. Thế là, anh cứ bối rối bước chân theo lối “Ngọ” trên con đường phố nhỏ mà lòng cứ lâng lâng: “tôi buồn mà không hiểu vì sao tôi buồn”…, mỗi khi “trời nhẹ lên cao”.

Anh ấy đã bao lần theo chân cô bé rồi nhỉ? Đã có “trăm lần thương, vạn lần sầu” chưa hở?, chỉ có trời mới hiểu! và cô bé thì vẫn còn hồn nhiên dù đôi khi cũng thấy có chút má ửng hồng khi biết có tiếng chân người đi theo. Không nhìn lại nhưng cô bé cũng có chút thấu hiểu là những bước chân theo mình có cái gì không được tự nhiên, đôi lần cô bé mỉm cười tinh nghịch.

Anh ấy cứ lại phải thả thuyền hồn mình trên dòng sông mộng mơ, mắt cô bé vẫn nhìn anh tinh nghịch. Khi mỗi đêm về, nhắm mắt là tìm thấy ngay dáng em thấp thoáng dưới tàng cây trứng cá, em đi ra, em đi vào, thế là anh ấy đã có nhiều đêm không ngủ và ước ao: “ước gì nhà mình chung vách…” ( không biết anh ấy có đủ can đảm để đục vách chui qua?)

Thời gian trôi qua, cô bé bây giờ lớn hơn cô bé hôm qua, cô bé biết thẹn thùng, biết ngại ngùng khi anh ấy nhìn thẳng vào cô bé. Rồi một lần, hai lần… và nhiều lần cô bé nhìn lại. Cô bé thấy mình khác lạ, cô bé thấy tim mình đập mạnh, bước chân vụng về, và có lần nằm nhìn lên trần nhà, cũng biết có chút mộng mơ. Cô bé sắp rời xa cái ngây thơ của thời tuổi nhỏ! Cô bé biết rung động, anh ấy đã làm cho cô bé rung động thật rồi!

Cây Trứng Cá

Những ngày xuân trôi qua chầm chậm, hoa trứng cá đã tàn, trái trứng cá chớm ra. Anh ấy và cô bé đã có những ngày xuân tươi thắm. Anh ấy như vừa tìm được dòng sông định mệnh; và cô bé, dường như “tình trong như đã”,  khung trời hạnh phúc bắt đầu hiện hữu bằng những nụ cười trao nhau thân thiện. Bước chân không còn vụng về, bóng người không còn xa lạ. tàng cây trứng cá bây giờ thật đáng yêu!

Ngày hè đến, trái trứng cá bắt đầu chín và tình anh ấy cùng cô bé cũng đã chớm nở. Rất tự nhiên, tàng cây trứng cá là “chứng nhân” cho một cuộc tình thánh thiện. Những đêm hè, thành phố lặng yên, bóng người thưa thớt, nhưng những tiếng thầm thì yêu nhau thì dài vô tận. Anh ấy và cô bé đã góp phần làm cho vũ trụ này huy hoàng hơn vì những ánh sao tình yêu mà họ với lấy cứ tiếp tục ngời sáng, vô cùng!

Em vẫn áo trắng trên sân trường và anh thì lòng vấn vương trước cửa lớp. Anh sắp ra trường, em còn ở lại thêm hai năm nữa. Có dài lắm không hỡi người yêu dấu? Và rồi tàng cây trứng cá, nơi chúng ta thường hẹn, có ghi lại đủ những gì ta ước hẹn? Tháng ngày trôi qua không chờ đợi, liệu ngày mai rồi sẽ ra sao, thôi đành “Que sera sera! - Whatever will be will be!”.

Mùa hè cuối cùng thời trung học của anh ấy đã đến, “nỗi buồn man mác”, trong ngậm ngùi chia tay mái trường mang nhiều kỷ niệm. Rồi anh “một đời rong ruổi”, em còn ở lại. Hồn em vẫn thênh thang như thảo nguyên bát ngát mà trong đó chỉ còn bóng hình của một tàng cây trứng cá, duy nhất một tàng cây trứng cá vạn niên!

Ngôi trường thơ mộng cạnh dòng sông hiền hòa đầy lục bình trôi, con đường xinh nhỏ; tàng cây trứng cá xanh tươi, ngày xuân hoa nở, ngày hè rực rỡ, trái chín đầy, mọng ngọt, ngọt như môi em với nụ hôn đầu của thuở xưa xa. Và rồi không biết bây giờ, những người xưa ấy có hát bài “ mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”?

Trần Hoàng Phước Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét