Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Như Thế Là Cùng



Bà Hạnh trút vội rổ đậu xanh ra giữa sân rồi bước vào nhà. Bé Hương đang nằm trên chiếc chõng tre, mặt đỏ như gấc. Con bé lên cơn sốt từ sáng tới giờ. Thật tội nghiệp! Hôm nay nó lại nghỉ học thêm một ngày nữa, bà Hạnh cũng phải nghỉ cấy hai ngày rồi. Bà cúi xuống hôn trán con thật nhẹ, những giọt mồ hôi trên trán con làm môi bà cảm thấy mằn mặn; nhưng chắc không mặn bằng chính những giọt nước mắt của bà đang lăn xuống.

Bé Hương từ từ mở mắt ra:
          - Mẹ ơi, con khát nước quá!
Bà Hạnh sửa lại đầu con cho ngay rồi bảo:
          - Ngoan, mẹ lấy nước ngay cho con.
Bà Hạnh vói tay sang chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường lấy chai nước nấu chín để nguội rót ra chén cho con rồi tiếp:
          - Mẹ có nhắn dì Ba nhờ dì đi gọi thầy Sáu. Chiều nay thầy Sáu sẽ lại xem mạch và chích thuốc cho con.
         
Tuy nói vậy nhưng trong lòng bà rối bời. Con bịnh thì phải lo đã đành, nhưng còn tiền thuốc cho con thì không đơn giản. Hai năm nay bà không gì để được dư tiền phòng khi khẩn cấp, đủ ngày hai bữa cho con, đủ để con đi học, đã khiến cho bà phải vất vả vô cùng. Người ta nói “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Rau thì bà có thể có, nhưng thuốc thì phải mua bằng tiền. Càng nghĩ bà lại càng xót xa cho cái cảnh “mẹ góa con côi” của gia đình bà và nghiệt ngã hơn nữa là cái cảnh này lại xảy ra trong cái xã hội mà mạng sống của con người nhiều khi không bằng một củ khoai, ký lúa, nhưng dù gì bà cũng phải ráng hết sức. Nếu phải đổi cả cuộc đời để con được bình an bà cũng sẵn lòng. Những giọt nước mắt tiếp tục lăn trên đôi má gầy gò của bà. Bé Hương chợt hỏi:
          - Sao mẹ lại khóc? Có phải vì con không mẹ, có phải vì con làm mẹ vất vả?
          Bà Hạnh đưa bàn tay chận miệng con lại:
          - Ðừng nói bậy. Mẹ có vất vả gì đâu. Chẳng qua mẹ thương con và mẹ chợt nghĩ đến ba của con.
          Bé Hương tiếp:
          - Giá có ba ở đây, ba sẽ lo cho con thêm được nhiều hơn phải không mẹ? Sao ba lâu quá mà chưa được về?
          Bà Hạnh nắm chặt tay con:
          - Ừ đúng vậy. Giá có ba con thì đỡ cho mẹ biết mấy... Bà chợt nghẹn ngào không thể nói thêm được nữa.

Chồng bà Hạnh một thiếu tá y sĩ trong quân đội miền nam, sau tháng 4 năm 1975 ra trình diện và bị đưa đi tù cải tạo ngoài Bắc, 5 năm sau bà được tin ông bị sốt xuất huyết và bỏ mạng trong trại tù. Tuy nhiên bé Hương chưa bao giờ biết là ba của nó sẽ không bao giờ trở về để ôm bé vào lòng. Bà Hạnh vẫn giấu kín câu chuyện thương tâm này với bé Hương. Bà không muốn con mình phải mang mặc cảm mồ côi cha.

Trong làng hồi cư này cũng không một ai biết chồng bà đã chết vì bà chỉ nói là chồng bà "bỏ bà đi nơi khác". Còn bé Hương cũng tin như vậy và mơ ước một ngày được nhìn thấy ba. Mơ ước vẫn ngàn đời là ước mơ, còn sự thực thì không bao giờ đơn giản như mình đã nghĩ. Cái bi đát cho bé Hương: Ba là y sĩ mà con lên cơn sốt lại không có được sự săn sóc cho hợp lý, tình. Ba của bé Hương bị coi là kẻ chiến bại, dường như hiển nhiên, người trong gia đình bé Hương cũng là những kẻ bại trận và cũng sẽ không có được chút đặc quyền trước những kẻ tự xưng mình là kẻ chiến thắng. Người ta có thể phung phí mọi thứ cho cuộc sống xa hoa của kẻ được gọi là “giai cấp vô sản” và không thể dành một viên thuốc để làm giảm cơn sốt của bé Hương, đúng là “ở chỗ nhân gian không thể hiểu”.

Sẽ không có giấy mực nào kể hết được nỗi lòng của bà Hạnh cũng như không có phép mầu nào giúp bé Hương gặp mặt ba. Qua làn nước mắt đọng trên mi, bà Hạnh thấy mọi thứ trên đời không còn được gọi đúng tên, ngay cả cơn sốt của con bà. Bà Hạnh từ từ đứng lên, nhìn con rồi bảo:
          - Con nghỉ khỏe, chốc nữa thầy Sáu sẽ lại. Chắc cũng sắp rồi.
Bé Hương khẽ dạ rồi nhắm mắt lại cố ru giấc ngủ nhưng trong người bé thấy khó chịu quá. bé cứ lăn qua, lăn lại hoài. Bà Hạnh tiếp:
          - Ðể mẹ nấu cho con miếng cháo đậu xanh ăn cho hạ nhiệt. À mà quên, mẹ lấy khăn ướt đắp trán con nhé.
         
Bé Hương gật đầu. Bà Hạnh ra ngoài lấy khăn nhúng nước lạnh, vắt nhẹ rồi mang vào đắp lên trán bé Hương. Xong bà đi xuống bếp nấu cháo cho bé.

Buổi chiều nắng nhạt dần, trên con đường rộn tiếng người cười nói... Cái mệt nhọc của một ngày làm việc cũng tan dần theo màu nắng hoàng hôn. Bà con chuẩn bị cơm chiều và dưỡng sức cho một ngày làm việc khác. Có tiếng chân bước ngoài sân, bà Hạnh bước ra:
          - Chào thầy Sáu, thầy mới đến.
Thầy Sáu trả lời:
          - Vâng, nhưng hơi trễ một chút. Xin lỗi nghe, vì lỡ chuyến xe lam đành phải đi xe ngựa xuống nhà ông tám Thăng bắt mạch cho ông ấy rồi mới xuống đây. Con bé sao rồi?
Bà Hạnh:
          - Nó vẫn còn nóng từ sáng đến giờ. Mời thầy vào. Khổ quá, tôi không biết phải làm sao, mọi sự chỉ biết trông vào thầy.
Thầy Sáu theo bà Hạnh vào trong nhà. Bé Hương nằm trên giường, đôi mắt lừ đừ, thất thần thấy rõ. Thầy Sáu kéo chiếc ghế lại ngồi bên cạnh giường, sờ trán rồi bắt mạch cho bé Hương, thầy nói:
          - Chà con bé nóng quá, bà nấu giùm tôi miếng nước để trụng kim chích thuốc cho nó, để lâu không tốt.
Bà Hạnh chạy vội xuống bếp đun ấm nước. Một hồi sau bà mang nước sôi lên cho thầy Sáu...
Thầy Sáu bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa nói với bà Hạnh:
          - Còn cần ít nhất hai mũi thuốc nữa mới khỏi hẳn, ngày mai tôi sẽ trở lại. Mỗi mũi thuốc là một ngàn đó, mua thuốc chợ đen nên hơi mắc một chút, thầy Sáu thêm vào.
          Bà Hạnh trả lời:
          - Ðược, tôi nhớ. Chào thầy.

Thầy Sáu đi rồi, bà Hạnh thấy tràn về một nỗi lo, ba ngàn đồng! đào đâu ra bây giờ? Lợi tức cả gia đình mỗi năm không tới mười ngàn, bao nhiêu thứ cần phải chi, tới cuối năm là vừa đủ, ấy là nói tới lúc trời thương chứ như bây giờ thấy là kẹt trăm điều. Triệu sợi tơ rối bời trong đầu bà Hạnh. Nghĩ mà hận, hoa mầu làm ra thì bán cho nhà nước giá rẻ mạt, đóng thuế ngập đầu thế mà khi cần thứ gì thì phải mua với giá chợ đen đắt gấp trăm lần, có kêu trời cũng không thấu. Hơi sức đâu còn nữa mà kêu cho tới trời, đành phải ngậm đắng nuốt cay cho hết một kiếp người. Kiếp sau sẽ làm gì nào? “Làm cây thông đứng giữa trời”? Không được, sẽ bị đốn ngay. “Làm viên đá cuội bên đường”? Cũng không xong, sẽ bị lẻ loi. Làm lại kiếp người? Phải đi xứ khác? Nhưng liệu đi xứ khác, có phải khốn cực như ở xứ này không? Thôi đành buông xuôi theo số trời đã định. Mệnh nước còn nổi trôi thì mệnh người làm sao yên được!
          - Mẹ ơi!
Tiếng bé Hương gọi làm bà Hạnh giật mình trở về với thực tại.
          - Gì đó con? Mẹ đến ngay.
Bà Hạnh chạy vào. Bé Hương nói với mẹ:
          - Cho con xin miếng nước, con thấy bụng cồn cào nữa.
Bà lấy nước, đỡ con dậy cho uống.
          - Ðể mẹ hâm lại miếng cháo cho con ăn. Hiện giờ con thấy ra sao, có đỡ hơn không?
Bé Hương:
          - Chỉ sơ sơ thôi mẹ, còn khó chịu nhiều lắm.
Bà Hạnh:
          - Thầy Sáu nói con cần hai mũi thuốc nữa là sẽ khỏe lại, ngày mai thầy sẽ trở lại.
Bé Hương hỏi mẹ:
          - Thuốc có mắc không mẹ?
Bà Hạnh nghe lòng mình thắt lại:
          - Không mắc lắm đâu, thôi con đừng hỏi nữa.
 Bà Hạnh không dám đi sâu vào chuyện này - vô ích - điều cần thiết là bé Hương phải khỏe lại, chuyện tiền thuốc trả cho thầy Sáu sẽ chạy sau, sẽ xin thầy Sáu cho hoãn vài tuần chắc không sao. Cứ hy vọng như vậy.
          - Thôi con rán ăn chén cháo này rồi nghỉ cho khỏe, khỏe lại còn đi học chứ, nghỉ hoài theo sao kịp chúng bạn, bài vở...

Bà Hạnh đút cháo cho con xong, cho con nằm nghỉ, bà quay xuống bếp. Những lời dặn của thầy Sáu lúc ban chiều lại hiện về thật rõ trong đầu bà, giống như là thầy Sáu vẫn còn đâu đây...

Lạ lùng, buổi tối đến, đáng lẽ bé Hương phải đỡ hơn chứ, đã có một mũi thuốc rồi mà! Con bé lại lên cơn sốt dữ dội, miệng bắt đầu nói nhảm, mặt mày từ đỏ sang tái ngắt. Bà Hạnh hoảng hốt, dùng mọi cách để giúp con. Nhưng chỉ có thế, bà không sao làm giảm được cơn sốt quái ác kia. Bà gọi bà con lối xóm đến giúp, nhưng tất cả có đến, cũng đành bó tay. Bà Hạnh gọi dì Ba:
          - Dì Ba à, tôi rối quá; nhờ dì đi gọi giùm thầy Sáu ngay nhé.
Dì Ba tất tả ra đi. Bé Hương tiếp tục nói nhảm. Hơi thở của bé yếu dần. Nước mắt của bà Hạnh lại rơi nhiều hơn, giọng bà càng nức nở hơn trong khi bé Hương như lịm dần, mắt lờ đờ cố gượng nhìn lấy mẹ. Bà Hạnh nắm lấy tay con:
          - Hương ơi! rán lên con, thầy Sáu sắp đến, con không được bỏ mẹ nhé! Mẹ chỉ còn có mình con thôi!
Bé Hương nhìn bà, có lẽ nó đã nghe trọn tiếng của mẹ kêu gào nhưng con bé không thể thốt lên lời nào. Hơi thở của nó bắt đầu đứt quãng, nước mắt nó chợt ứa ra, chắc nó hiểu được điều gì sắp xảy ra cho nó. Ôi cuộc đời của nó chỉ có mười bốn năm sao? Nhìn con thở thoi thóp, bà Hạnh càng gào to hơn:
          - Ơi, bà con ơi! giúp giùm con tôi, sao nó kỳ thế này nè? Nó sắp bỏ mẹ nó rồi sao? Trời ơi!, Phật ơi! cứu độ giùm con tôi với! Nó không thể bỏ tôi sớm như thế.

Tiếng bà Hạnh càng gào to hơn thì quãng đứt của hơi thở bé Hương càng dài ra - Trời ơi sao nhẫn tâm như thế!

Bà con lối xóm xúm giựt tóc mai cho bé; niềm hy vọng cuối cùng là thầy Sáu, nhưng giờ này dễ gì thầy đến kịp. Tiếng gào, tiếng la, tiếng an ủi, tiếng cầu nguyện vang lên... Bé Hương vẫn mệt hơn. Dường như con bé sắp vĩnh biệt mọi người. Nó đang khóc. Nước mắt nó trào ra. Bà Hạnh thét lên rồi ôm con vào lòng, bé Hương trợn trừng mắt nhìn mẹ, và hỡi ôi! đó là cái nhìn cuối cùng về người!!!

Bà Hạnh thấy mình như điên dại. Tiếng la của bà át cả một vùng trời nhưng chắc không thoát ra khỏi vùng trời của làng hồi cư nên không ai biết. Còn trời đất? những tiếng than kiểu này chắc các ngài nghe cũng đã quen tai hàng ngày!
          - Thế là hết! bà Hạnh than lên. Con lại bỏ mẹ nữa rồi, người đi trước phải là mẹ chứ sao lại là con. Trời ơi! khốn nạn cho tôi quá!
Tiếng thầy Sáu vọng vào từ ngoài sân:
          - Sao rồi, con bé sao rồi? mới chích thuốc hồi chiều mà sao lạ vậy?
Thầy chạy đến giường bệnh chỉ để kịp thấy cái cảnh chia ly.
Bà Hạnh nghẹn ngào:
          - Nó đi rồi!
          Thầy Sáu ứa nước mắt, đưa tay sờ mũi, ngực con bé, thầy lắc đầu:
          - Âu cũng là số mệnh nó ngắn quá. Nhưng vô lý thật, sốt như thế, thuốc như vậy mà sao con bé lại đi, nó phải khỏe hơn chứ. Hay là...
Bà Hạnh chợt hỏi:
          - Là sao hở thầy?
Thầy Sáu:
          - Không có gì! tôi cũng không hiểu tại sao nữa.  Thành thật chia buồn với bà, và nữa, tiền thuốc tôi không lấy đâu, thôi bà hãy để lo hậu sự cho bé.  Rồi thầy bước ra ngoài, nước mắt thầy ứa thêm ra, thầy không dám nhìn bé Hương và bà Hạnh nữa. Bà Hạnh như không còn nghe nổi những lời vừa rồi của thầy Sáu, bà ôm chặt con vào lòng dường như không bao giờ muốn xa bé...

Thầy Sáu đi nhanh ra ngõ, đưa tay quẹt nước mắt lẩm bẩm chửi thề:
          - "Mẹ kiếp"! chẳng lẽ tụi nó bán thuốc giả cho mình mà mình không biết. Thứ gì ở đây, bây giờ, cũng có thể giả, nhưng cái chết của bé Hương thì không thể giả được. Trời ơi! khốn nạn như thế là cùng!

Trần Hoàng Phước Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét