Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Tiếng Cười Để Lại



Cách đây không lâu có người làm quen với mình trên Fb: “ Quang có biết Nguyễn Trọng Thạch trường Bồ Đề này không? Thạch lùn. Quang học Nguyễn Huệ ít qua Bồ Đề chắc không biết Thạch. Mình lùn, nên có biệt danh là Thạch lùn, chuyên lên sân khấu diễu hề, thường đóng chung với nàng Đức. Còn Quang có phải hồi trước hơi… đen… ( xin lỗi, nói hồi xưa) thường đi bên trái của Minh Vui (Minh Vui đi giữa). Nếu đúng thì có 1.000 chuyện của đám bạn ngày xưa thuộc thâm cung bí sử…hi… ( chuyện kể sau 40 năm). Mình nín cười không nổi với tay này, sau điều tra mới biết Thạch hồi xưa đi học hài có tiếng ở trường Bồ Đề.

Mình có chút áy náy là Thạch biết rất rõ về mình trong khi mình không biết chút gì về Thạch. Biết mình ngày trước ra sao, chơi thân với ai, nhớ cả đuôi mắt của cô bạn rất xinh, tiết lộ cái tên một thời đắm đuối vì đuôi mắt này… Sau màn chào hỏi ấn tượng là những tiếng cười bùng nổ. Thạch xuất hiện kéo theo mấy người bạn thân của Thạch. Bọn mình hay đùa nhưng phải nói thua xa mấy lão tướng. Họ chọc phá, đối đáp nhau bằng thứ ngôn ngữ giống hệt mấy chú nhóc lớp 6, lớp 7 chứ không phải mấy ông nội, ông ngoại đang ngấp nghé ngưỡng tuổi 70.

Đúng như lời Thạch nói, 1.000 chuyện thâm cung bí sử, những giai thoại một thời Nguyễn Huệ, Bán Công, Bồ Đề, Đặng Đức Tuấn, Thánh Guise, Hướng Đạo, Phật Tử của Tuy Hòa lần lượt được bật mí. Bốn mươi năm trước ai theo ai, mấy cây si thuở ấy giờ cắm rễ, lưu lạc phương trời nào. Điểm mặt lứa tuổi cùng thời ai còn, ai mất. Những giờ học vui nhộn, những đêm lửa trại không thể nào quên. Mọi ngóc ngách của Tuy Hòa như cái hang âm phủ cạnh lối mòn lên núi Nhạn ở chùa Kim Long, xóm Tân Hiệp ở đường Cao Thắng, xóm Mười Tám Gian trên quốc lộ… Mình cảm giác cái thị xã nhỏ ngủ quên ngày nào bừng tỉnh giấc vì những trận cười của họ.

Buồn cười nhất là cách xưng hô của Thạch và mấy người  bạn. Ngoài hai tiếng mày tao, họ còn gọi nhau bằng từ “già” rất dễ thương như già Thạch, già S, già N, già A, già T… Cánh phụ nữ tụi mình cứ rỉ tai nhau, cười ngất trước những trận khẩu chiến không thể nào tếu hơn. Bất cứ đề tài nào nghiêm chỉnh, lãng mạn đến đâu đều bị họ biến thành những trận cười. Có lần Thạch sáng tác một bài thơ rất hay:

                                          nhớ quá quê tôi,
                                          nhớ thôn Phú Nhiêu,
                                          nhớ làng Hòa Mỹ,
                                          nhớ con trâu đen,
                                          nhớ trẻ mục đồng,
                                          nhớ chiều nắng cháy,
                                          nhớ buổi tắm ao,
                                          nhớ hàng giậu thưa,
                                          nhớ đàn em nhỏ,
                                          nhớ mẹ lưng còng,
                                          nhớ cha tóc bạc,
                                          nhớ quá quê tôi.

Đọc xong, mình chưa kịp khen cách dùng từ mộc mạc nhưng giàu hình ảnh và đậm chất trữ tình của Thạch thì xuất hiện ngay hai bài thơ họa theo tức cười không chịu nổi:

- Nhớ ngày xưa ấy, nhớ mượn tiền Khanh, nhớ sao không trả, nhớ rồi xù luôn, nhớ gì mà nhớ!
- Nhớ sao không nhớ, nhớ chiều dạo phố, nhớ sáng café, nhớ ai lẽo đẽo, nhớ tà áo bay, nhớ đôi mắt đẹp, nhớ làn da nâu, nhớ ơi là nhớ!

Tiếp sau phần họa thơ là những câu tố khổ nghịch ngợm làm mình cười đau cả bụng quên cả ý định comment trước đó. Rồi mình loáng thoáng nghe Thạch bị bệnh, nhưng ngay đến bệnh tình của bản thân Thạch cũng lý giải một cách hài hước: “ ra khỏi nhà thương mà nói là ra viện, mày làm như tao là viện sĩ hàn lâm, từ trong viện hàn lâm đi ra vậy?” Chuyện sinh tử mà Thạch xem nhẹ tênh, còn bỡn cợt như thế, thành thử cách đây một tuần đọc dòng chữ "Thắp nhang cho Trọng Thạch" trên FB mình không tin. Lẽ nào? Nhưng cái tên Trọng Thạch ở Tuy Hòa hơi hiếm hoi và khi đọc tiếp mấy dòng chia buồn mình mới tin người mất là Thạch.

Đi hay ở là chuyện thường tình đối với lứa tuổi bên kia triền dốc cuộc đời. Nhưng việc Thạch đi nhanh quá làm mình hụt hẫng. Ủa! mới cười đây mà! Từ nay hết vui rồi sao? Không có sự tung hứng của Thạch, tiếng cười chắc sẽ mất đi nhiều ý nghĩa giống như rượu ngon không có bạn hiền! Mà bạn bè chiếm vị trí nào như Thạch từng bộc bạch: "Ở đâu cũng vậy, nước nào cũng vậy, cũng những cậu học trò rụt rè có những bài thơ ngốc nghếch, những câu đùa vụng dại và cuối cùng mang theo những bóng hình ngày cũ, đẹp vĩnh viễn không phai mờ trong tâm thức".                   

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn thế hệ 5X Tuy Hòa chia tay vĩnh viễn hai người: Phạm Phú Trực năm ngoái và giờ là Nguyễn Trọng Thạch. Trực thì mình biết từ nhỏ, ngoài những vướng bận nhân gian còn để lại vô số tấm ảnh nghệ thuật. Còn Thạch, người bạn mới nhưng có chung muôn vàn ký ức cũ để lại những gì? Một tâm hồn sâu sắc và tiếng cười lạc quan, phải không già Thạch?

QUANG ĐẶNG  
                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét