Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Trước Cơn Lốc...

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân hữu
Bài viết TRƯỚC CƠN LỐC CỦA XÃ HỘI, NGHĨ VỀ NẾP NHÀ của Tần Hoài Dạ Vũ, tác giả là cựu giáo sư đã hồi hưu. Nội dung nói lên nỗi ưu tư của một nhà giáo chân chính trước sự băng hoại của nên giáo dục hiện nay. Bài viết rất giá trị, xin đừng bỏ qua.
Trân trọng giới thiệu
NHHN



Các nhà xã hội học đang lên tiếng báo động về sự gia tăng những cách ứng xử bạo lực trong đời sống hiện nay. Giở trang báo mỗi ngày, thấy nhan nhản những chuyện đâm chém, giết người cướp của; thậm chí, có những vụ chém nhau vì những lý do “lãng xẹt”, những va chạm cỏn con.

Tại sao lại có tình trạng đó?

Ngoài nguyên nhân chủ yếu là trường học xao lãng chuyện “dạy làm người”, còn có một lý do chính nữa, đó là chuyện lơ là, bỏ quên giáo dục trong gia đình.

Chuyện về một người học trò cũ: Mấy năm trước, gia đình tôi có một chuyến về Trung. Nơi chúng tôi đến đầu tiên là thành phố Huế, quê ngoại của hai con tôi. Để tiện đi lại trong thành phố, chúng tôi thuê một chiếc xe du lịch. Tình cờ, người lái xe lại là chỗ quen biết với gia đình một người học trò cũ của tôi, nay đã là một người thành đạt, một Tỉnh ủy viên, giám đốc Sở NN – PTNT. Buổi trưa ngày thứ hai ở Huế, tôi có hẹn với một người lái đò đến đón gia đình tôi lúc l4 giờ tại khách sạn. Đúng giờ, tôi từ tầng hai xuống phòng tiếp tân của khách sạn, thì thật ngạc nhiên, ngoài người chủ thuyền còn có cả người - học - trò - cũ - quan-chức của tôi. Em đã đến trước đó cả nửa giờ, nhân viên khách sạn có ý muốn điện thoại lên phòng tôi báo tin, nhưng em không cho, bảo để thầy ngủ trưa, và em im lặng ngồi chờ. Nghe kể, tôi thực sự cảm động. Em giữ lễ, một mực tôn trọng giấc ngủ trưa của thầy giáo cũ. Cách xử thế ấy, nhất là ở một quan chức, thật đáng quý. Hai ngày sau đó, lúc nào có thì giờ, em cũng đến ăn cơm chung với gia đình tôi, mà bao giờ cũng gọi điện thoại trước để xin phép. Sự chu đáo, lễ phép của em khiến hai con tôi vô cùng cảm kích.

Hình minh họa (internet)

Và câu chuyện của một người con: Còn trong chuyến về Trung mới đây, tôi tình cờ chứng kiến một cảnh đau lòng.

Một người bạn học từ hồi lớp 6 của tôi là một doanh nhân thành đạt. Chỉ phải cái tội, anh là người trước sau chỉ lo đếm tiền, mà không biết sống với những tình nghĩa thâm trọng. Rồi đùng một cái, anh làm ăn thua lỗ, gần như mất sạch. Hôm ấy, khi tình cờ ngang qua nhà anh, nhìn thấy tôi, anh gọi lại. (Hôm nay trời đi vắng chắc, tôi nghĩ!). Vừa kịp dừng xe, tôi đã nghe con trai anh, một thanh niên khoảng ngoài ba mươi, ăn vận sang trọng, nạt cha tới tấp. Tôi hỏi thăm anh chiếu lệ, rồi vội chạy đi, sợ anh ngượng. Qua một người bạn cùng lớp khác, tôi mới biết một sự thật đau lòng. Từ ngày cạn tiền (phần lớn vì bà vợ đánh bạc), anh bị vợ con coi thường, khinh bạc. Việc tôi tình cờ nghe con trai anh la nạt anh có lẽ là “chuyện thường ngày” ở… cái gia đình chỉ biết có tiền ấy.

Mới tháng trước đây thôi, một buổi chiều tôi cùng hai người bạn học cũ đứng hóng mát, ngắm sông Hàn lúc hoàng hôn ở đoạn cuối con đường Bạch Đằng - một trong số không nhiều những con đường đẹp nhất nước - thì tình cờ, con gái tôi từ TP.HCM gọi điện hỏi thăm. Qua câu chuyện của hai cha con tôi, một trong hai người bạn cũ, vốn là Tổng giám đốc một ngân hàng lớn, đã buột miệng: “Ông thật có phước. Đi xa mà được con gái quan tâm thăm hỏi như vậy thì còn gì bằng. Mà nghe ông trả lời con, mới thấy nó thương ông thiệt và hai cha con ông nói chuyện như hai người bạn. Tôi phục ông và chỉ mơ ước được như ông. Tôi có hai đứa con gái mà chưa bao giờ được chăm sóc như vậy. Ông thật có phước!”. Anh lặp đi lặp lại cái câu “Ông thật có phước” đến hai, ba lần.

Mấy mẩu chuyện vụn vặt tôi vừa kể, thực ra chẳng có ý nghĩa gì với những người ít quan tâm tới vấn đề giáo dục gia đình.

Ngày nay, xã hội càng lúc càng phát triển về mặt kinh tế. Cuộc sống con người có thể đầy đủ hơn, không còn phải quá lo về cái ăn, cái mặc; nghĩa là mức sống đã được nâng lên, nhưng hình như chất lượng sống đang bị kéo sụt xuống, nếu không muốn nói một cách thẳng thắn với nhau là đang có một sự báo động về mặt đạo đức xã hội.

Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của nhà trường, chính sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc dạy dỗ con cái đã góp phần không nhỏ trong sự sa sút đạo đức xã hội. Trong khi nhà trường chỉ lo nhồi nhét kiến thức, và những giáo điều sáo rỗng, mà quên dạy học sinh làm người, thì gia đình lại lơ là việc dạy dỗ con cái, hoặc dạy không đúng cách, khiến hậu quả nhãn tiền là lớp trẻ ngày nay không biết trọng danh dự, thiếu lòng tự trọng, giải quyết những va chạm, vướng mắc bằng cách... “rút dao”. Mà sống trong xã hội làm sao có thể tránh những va chạm. Nên, vấn đề là phải dạy cho con cái chúng ta, ngay từ khi còn bé ở trong gia đình, là không có tình yêu nào được xây dựng trên cơ sở của quyền lực hay tiền bạc. Lấy sức mạnh và tiền bạc để tạo dựng tình yêu thì cũng giống như người ngồi bên lò sưởi lấy củi đốt lửa để giải nghĩa về sức nóng làm ấm mùa đông. Trong khi, thực chất của tình yêu ở con người là ta phải biến chính ta thành thanh củi sưởi ấm cho mọi người. Khi chính tình yêu là sức mạnh thì tình yêu ấy mới thực sự chân thật, bền vững, có giá trị. Nó khác hoàn toàn với việc ta dùng sức mạnh hay tiền bạc để chinh phục, cưỡng chiếm tình yêu.

Tôi xin được lặp lại một ý mà tôi đã có lần viết trước đây: Bertrand Russel, một triết gia người Anh, người đã suốt đời đấu tranh chống lại những tội ác trên thế giới, kể cả việc lập Tòa án Quốc tế xử tội ác chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam trước đây, đã từng cho rằng, để tạo được hạnh phúc thiết thực, con người cần phải được giáo dục để thấm nhuần ý tưởng này, là toàn thể nhân loại chỉ là một gia đình cùng có chung những điều lợi và cái hại với nhau; sự hợp tác quan trọng hơn là sự ganh đua, mà yêu người khác chẳng phải chỉ là bổn phận luân lý, một lời dạy suông người ta chỉ được nghe ở trường học hay ở trong chùa, trong nhà thờ; nó thực ra là con đường (phương Đông gọi là Đạo), là sự lựa chọn (hay có thể nói là một đường lối) sáng suốt nhất để tạo hạnh phúc cho chính mình. Bởi rốt cuộc thì phải nhận ra rằng, trên thế giới này, khi mà cái gì cũng liên hệ mật thiết với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa, con người không thể có hạnh phúc nếu không biết thích ứng với hạnh phúc của người láng giềng, dù mình có ghét họ đi chăng nữa. Mà tại sao lại phải ghét người láng giềng kia chứ? Đó chẳng qua là do cái thói ghen tỵ mà thôi.



 Hình minh họa (internet)

Sống lại còn phải biết tha thứ. Vì chẳng ai ở đời mà có thể tránh khỏi những lỗi lầm, dù nặng nhẹ có lúc khác nhau. Và khi đã biết tha thứ lầm lỗi của người khác, thì tất yếu ta sẽ nhận ra rằng: Trong cuộc đời ta, chỉ có hai câu hỏi quan trọng là, ta thực sự có được niềm vui hay không? Và, ta có mang lại niềm vui cho người khác hay không? Trả lời được hai câu hỏi ấy là ta đã thực sự có hạnh phúc, thực sự cảm nhận được cái ý nghĩa sống đích thực cho cuộc đời ta.

Tất cả những điều ấy ta phải dạy con trong gia đình, ngay từ khi con còn nhỏ. Tạo dựng được tình yêu ở con trẻ, qua giáo dục gia đình, chính là tạo được một nếp nhà. Nếp nhà không tự nhiên mà có, cũng chẳng phải cái gì to lớn, khó khăn. Duy trì bữa cơm gia đình, nơi mọi người thân yêu trong nhà cùng tụ tập quanh một mâm cơm, cùng trao đổi, trò chuyện thân mật chính là tạo sự quan tâm tới nhau, hiểu biết nhau hơn,và qua đó, thấy rõ trách nhiệm đối với nhau. Không có gia đình nào từ bỏ bữa cơm chung của gia đình mà có thể tạo dựng và nuôi dưỡng hạnh phúc được.

Cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết bày tỏ lòng thương con bằng cách cho con thật nhiều tiền, đâu có hay rằng, cho con nhiều tiền khi con còn nhỏ chính là tạo điều kiện cho con hư. Anh bạn học tội nghiệp của tôi đã không biết dạy con, nên khi anh không còn tiền để cho con thì đã bị con nạt nộ. Vì bản thân đứa con ấy chỉ biết đánh giá con người qua đồng tiền; bản thân anh thanh niên bảnh bao tội nghiệp ấy không bao giờ hiểu được rằng, đồng tiền không làm nên giá trị thực của anh ta. Mà làm sao anh ta có thể hiểu được, và cũng chẳng thể trách anh ta, khi chính cha anh ta là một người chỉ thích thú đếm tiền mà quên đi mọi mối giao tình thâm trọng. Nói cụ thể hơn, trong cái gia đình ấy chưa bao giờ có được gia phong, nghĩa là tạo được một nếp sống tốt đẹp trong nhà, từ nhiều năm tháng trước; thậm chí, nếu không sợ nói quá, từ nhiều đời trước.

Còn người học trò quan chức của tôi vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, nhưng bà mẹ là người hiểu biết, dạy con từ cách ăn ở, xử sự, giao tiếp cho đến lòng nhân ái đối với mọi người. Được hấp thụ nếp nhà chan chứa tình thương yêu con người như vậy, nên dù có trở thành một quan chức quyền lực, người học trò cũ ấy trước sau vẫn giữ được nhân cách tốt đẹp đã học được từ mẹ ngay từ những năm tháng ấu thơ. (Mới đây, khi trở về Huế, tôi có gặp lại người học trò cũ ấy, nay đã nghỉ hưu, và em vẫn một mực lễ phép, đã đưa tôi về tận Hương Hồ (Hương Trà), để tôi có dịp thăm mẹ của em, nay đã ngoài 90 mà vẫn còn minh mẫn vô cùng).

Riêng tôi, qua lời khen của người bạn học cũ, vào một buổi chiều bên bờ sông Hàn, thú thật tôi cảm thấy rất đỗi tự hào. May mắn thay, tôi được trưởng thành từ một gia đình nền nếp, mà ông nội tôi, một trong những Nho sinh tham dự kỳ thi Hương cuối cùng của triều đình Huế, vào năm 1916, đã bằng sự nghiêm khắc nhưng chan chứa tình thương yêu, rèn dạy tôi từng bước đi, cách ăn uống, cư xử sao cho đúng mực, và đã dạy tôi học chữ Hán trước khi dạy cho tôi chữ Quốc ngữ. Tới lượt mình, tôi đã đem những điều học được từ ông nội, từ cha tôi, để dạy lại cho hai con tôi. Chúng tôi hạnh phúc trong sự thương yêu và tôn trọng nhau. 

Giữ nếp nhà thư hương, đó là điều tôi không bao giờ từ bỏ.
TẦN HOÀI DẠ VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét