Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Bếp Lửa Chiều

GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Trước tin buồn thầy Trần Tiến Toản giã biệt đồng nghiệp và học trò về an nghỉ trong cõi Vĩnh Hằng. Để lại cho các thành viên trong đại gia đình Nguyễn Huệ niềm thương tiếc vô cùng. 
Chị Huyền Chiêu, tác giả đoản văn BẾP LỬA CHIỀU tâm sự: Thật buồn nghe tin thầy Trần Tiến Toản qua đời. Thầy đã trở thành người của muôn năm cũ.
Và chúng ta đã bước lên vị trí thế hệ già nhất của cựu học sinh Nguyễn Huệ.
Chẳng còn tương lai nhưng chúng ta "giàu có" quá khứ.
Ngồi nhớ lại những kỷ niệm xa xôi rồi kể cho nhau nghe biết đâu cũng là niềm vui của những chiếc lá cuối mùa.
Trân trọng gới thiệu
NHHN


Tranh "Quê Nghèo"của Huyền Chiêu

"Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay"
(Nguyễn Bính)

Có phải buổi chiều làm người ta nhớ nhà hơn buổi sáng?
Có phải làn khói cơm chiều tỏa lên từ mái tranh nghèo làm mình nhớ quá ngày còn thơ bên dáng mẹ hiền.

Có phải vì "lúc chiều về là lúc yên vui" (*), khi mình nhìn thấy xa xa bóng mục đồng dẩn trâu về chuồng.

Có phải vì ngôi sao hôm mọc trên nền trời xanh thẩm đang nhìn xuống, mang đến cho mình một nổi buồn sao quá dịu ngọt.

Không đèn điện, không radio, không TV, chỉ có ngọn đèn dầu leo lét đặt trên bàn mà sao những buổi tối chỉ có tiếng ếch nhái kêu cứ còn hoài trong ký ức?

Hồi nhỏ, nhớ có vở cải lương tên "Bếp Lửa Chiều Ly Biệt" .

Nhớ chiếc xe lam rao tuồng chạy qua xóm phát tờ rơi. Không được xem tuồng nhưng hai chữ "Ly Biệt" đã làm cho lòng mình rưng rưng lo sợ.

Có phải rồi có lúc mình phải rời xa "Bếp Lửa Chiều" của mẹ?

Từ thuở nhỏ mình đã yêu lửa. Chẳng phải lửa là phản ứng hóa học tuyệt vời, huyền ảo nhất, gần gủi nhất với mình sao? Nhớ lắm hình ảnh của đống củi khô mẹ chất bên chái bếp, nhớ lắm dáng mẹ cầm rựa chẻ làm ba, làm tư thanh củi cong queo.


Mẹ kể "Hồi mẹ còn nhỏ vẫn thường theo người lớn lên rừng hái củi. Người lớn chặt cây to, mẹ gom những cành nhỏ gánh về cho bà ngoại nấu cơm. Rừng đẹp lắm, có suối chảy, có trái dâu, trái đỏ, trái xay tha hồ hái." Mình nghe mà ước gì được đi hái củi.

Nhóm lửa là điều thú vị nhất đối với mình thuở đó nên mình hay xin mẹ được làm công việc này.

Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ cái cảm giác mắt cay xè khi thổi hoài lửa không bùng lên và chỉ có khói bay đầy gian bếp.

Và đẹp làm sao khi bếp lửa hồng rực sáng.

Thuở ấy mẹ nấu cơm trong nồi bằng đồng. Nấu canh, kho cá trong niêu bằng đất.
"Lọ nghẹ" là chữ trẻ nhỏ bây giờ không hiểu nhưng đối với mình thật quen thuộc khi vào bếp.

Buổi chiều đi làm đồng về, cha xổ từ trong "đụt" (**) ra một mớ cá. Mẹ chạy ra vườn hái nắm lá me, vài trái khế. Mẹ sai mình ra bụi tre bẻ vài đọt măng vòi. Đi ngang qua mương nước mình không quên nhổ một tàu môn.

Mấy con cá lóc nhỏ mẹ nấu canh chua, còn lại mớ cá sặc, cá rô mẹ kho với ớt bột nêm lá lốt xắt nhỏ.

Mâm cơm chiều được dọn ra giữa sân. Cả nhà bên nhau trong màu trời xâm xẩm tối.
Tô canh chua ấy không có bột ngọt. Ớt bột kho cá thuở ấy không trộn phẩm màu công nghiệp.

Cơm nóng hổi, cá kho béo ngậy cay cay hăng mùi lá lốt.
Nhớ quá đi thôi, bếp lửa chiều quê cũ.
Nhớ câu thơ của Phạm Hữu Quang :

“Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”

Tôi tin rằng tiếng cơm sôi trong câu thơ của Phạm Hữu Quang là từ một nồi cơm nấu  trên bếp lửa củi chứ không phải nấu từ nồi cơm điện.

Chao ôi, còn đâu nữa những bóng mẹ hiền ngồi chẻ củi.
Còn đâu nữa làn khói lam chiều trên mái nhà tranh.

Có bộ tộc người Rục sống trong hang đá trên núi cao. Bộ tộc này sắp tuyệt chủng.
Người Kinh phát hiện ra, mang họ về xuôi, xây nhà gạch và tập cho bộ tộc hoang dã này làm quen với đời sống văn minh.

Nhưng sau đó, nhóm người này lại bỏ trốn lên núi, trở về hang đá cũ.

Làm sao họ quên được tiếng thác reo, chim kêu, vượn hú. Làm sao họ quên được ngọn lửa rừng đêm rực sáng. Biết bao hecta rừng đã bị phá. Người miền núi khốn khổ vì không còn rừng chứ không phải vì họ không biết cách sống văn minh.

Họ không hạnh phúc nếu phải xa rừng, hoang mang lạc lõng như người nông dân bị bứt rời khỏi mảnh đất của tổ tiên để lại, u sầu như con thú hoang bị mang về sở thú.
Bếp lửa củi bây giờ đã dần đi vào ly biệt!

Đã không còn ai đi hái củi. Nông thôn bây giờ cũng chỉ dùng lò ga.

Nồi đồng đã tuyệt chủng, trẻ em chỉ nhìn thấy nồi cơm điện, chảo chống dính, bếp điện từ… Nếu đi lạc trong rừng không biết chúng có biết cách nhóm lên một ngọn lửa để mưu sinh?
Ngọn lửa ấm cúng ngày nào bị lãng quên nhưng ngọn lửa hung bạo của "thời văn minh" đang tấn công đất nước tôi từ tứ phía. Ngày nào trên báo cũng có đăng tin những vụ cháy nhà, cháy xưởng, cháy rừng, cháy xe đò, xe máy. Ngay cả tàu đang chạy trên biển cũng cháy.

Tiếc quá đi ngọn lửa yêu dấu ngày nào.

Ngọn lửa trong tuổi thơ tôi không bao giờ làm cháy nhà, cháy rừng, cháy xe cộ…
Ngọn lửa trong những mái tranh nghèo ngày ấy chỉ dìu dịu đủ làm nồi đồng cho mình những miếng cơm cháy ngọt bùi.

Hè này cháu nội tôi về thăm, tôi sẽ dẫn cháu vào chơi trong rừng, dạy cháu gom củi khô tự nấu một nồi cơm bằng ngọn lửa do chính mình nhen nhóm.

Huyền Chiêu
Tháng 5 2017

(*) Trong Nương Chiều. Phạm Duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét