Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Thầy Tôi - Thầy Trần Tiến Toản

GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Thầy Trần Tiến Toản, cựu Giáo Sư, cựu Tổng Giám Thị trường Nguyễn Huệ vừa mãn phần tại Tuy Hòa, Phú Yên, để lại cho thầy trò chúng ta một nỗi buồn và thương tiếc vô cùng.
NHHN đã giới thiệu bài CHS Nguyễn Huệ Tưởng Nhớ Thầy Tổng Giám Thị Trần Tiến Toản của đồng môn Lê Phan Tuyết, được rất nhiều độc giả vào xem.
Tiếp theo tâm tình đó. Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô và quý Anh Chị bài THẦY TÔI - THẦY TRẦN TIẾN TOẢN của sư huynh và cũng là cựu giáo sư Nguyễn Huệ Huỳnh Bá Củng. Xin chân thành cám ơn tác giả rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu
NHHN


Thầy Hoàng Văn Trí (thứ 2), thầy Trần Tiến Toản (cầm ly bia)

Thầy mất tính tới hôm nay nữa là được 4 hôm (17-21 tháng 5-2017). Dư âm và vang bóng về thầy hãy còn nên tôi ngồi vào bàn phiếm, gõ những con chữ viết về thầy.

Sinh thời, bọn học trò chúng tôi thường gọi với nhau tên thầy là "Anh Tám Toản". Thời đó, thời VNCH, ăn nói chẳng trúng chẳng trật thì người ta hay dùng câu “bỏ đi Tám”. Tám là cái thằng chẳng ra gì. Không biết thầy có biệt danh “Anh Tám Toản” do đâu mà có? Tụi học trò dùng nó với ý thân thương hơn hàm ý ghét ông thầy. Cụm từ nghĩa khác xa danh từ “Tám”.

Học trò sợ ông thầy vì ông là Tổng Giám Thị có cái nét “cọp rằn”. Nhưng lời nói của thầy tếu khiến muốn cười ngất đi được nhưng phải bộ mặt tỉnh bơ của thầy nên phải sợ thôi. Sợ mà không ghét là nét đặc thù của Tổng Giám Thị Trần Tiến Toản. Ngày nay tôi mới hiểu ra cái tương phản nói trên ở thầy là do “văn hóa chửi” người Bắc của thầy. Thầy chửi trò theo cái văn hóa đó.

Cô Minh Châu đã lầm lối chửi đó. Cô dạy anh văn (AV) lớp Đệ Nhị chúng tôi niên khóa năm 1961-1962 rồi đi mất hút. Sau này tôi mới biết cô về dạy AV trường Văn Hóa Quân Đội. Cho tới lúc đó mà cô cũng còn ác cảm thầy Toản về ngôn ngữ chửi của thầy. Ông Trịnh Khán, sĩ quan học viên học AV chuẩn bị đi Mỹ cãi lý sao đó với cô, cô cho là bướng. Cô hỏi “học ở Tuy Hòa hả, đừng bắt chước cái ăn nói của ông thầy Toản”. Tôi nhớ lại năm đó cô ghét bọn con trai lớp tôi vì có đứa lén ném trái cà chua lên bàn chọc ghẹo cô. Một lần cắm trại ở trường Nguyễn Huệ Mới, cô đang ngồi ăn cam thân thiện với đám học trò nữ, thấy bọn con trai chúng tôi đi qua liền nói “bọn nó ăn nói giống ông thầy Toản”. 

Có cái chửi thô tục, miền nào cũng có. Có cái chửi có bài, có bản, có câu, có ca, nhịp nhàng trầm bỗng, nghe rất êm tai, kiểu như nói “tôi yêu bà suốt đời” mà tụi học trò chúng tôi nói là câu của thầy nói với cô, nhưng ngẫm nghĩ có chiều sâu châm chọc thấm thía mà Hà Sĩ Phu gọi là “văn hóa chửi”. Trái với người chửi thô tục thì có cái mặt bặm trợn, người chửi có văn hóa thì cái mặt tỉnh queo trông hiền lành nhưng miệng xổ câu văn tràng giang đại hải và có ý thấm thía. Hình như văn hóa chửi của người Bắc thấm đậm trong tâm hồn thầy nên trong trường hợp nói nghiêm chỉnh, ngôn ngữ này vẫn bộc trực vuột qua cửa miệng của thầy. Có một hôm học trò Tuy Hòa nổi lên đốt chi cảnh sát. Tỉnh về họp với nhà trường. Ông tỉnh trưởng phát biểu rồi đến lượt nhà trường phát biểu. Thầy phát biểu tỉnh queo nói “ông tỉnh trưởng nói người ở trong cái khu của ông ấy”. Trong tiểu khu của ông ấy nói thành “ở trong cái khu của ông ấy”.  Đó là ngôn ngữ tếu trong văn chương “văn hóa chửi”, lối nói tếu châm chọc của thầy Toản. Bản chất của người có văn hóa chửi thì hiền lành và hiếu hòa.

Tôi nhận xét thầy có đức hạnh đó. Hồi Trung Quốc xua quân đánh nước ta, một mặt chính quyền để ý đến cán bộ gốc người Hoa, huy động học sinh và thần dân đi “rào”bờ biển. Một mặt tuyên giáo tụ họp nhóm trí thức chế độ cũ chúng tôi lại để thếch đãi và chuyện trò. Đề cập tới cán bộ lưu dụng. Chính quyền ca ngợi tính hào phóng của Cách Mạng. Đến lượt bọn gọi là trí thức trong tỉnh của chúng tôi phát biểu, thầy phát biểu lưu dụng như thuật dụng mộc. Mộc cái nào cũng dùng được hết. Gỗ tạp thì dùng như thế này, danh mộc thì dùng như thế kia. Đến khi ông Trần Tịnh, cựu nhân viên ở tỉnh đường cũ phát biểu có ý xỏ xiên thầy không biết giữ tiết tháo của kẻ hàng thần. “Hàng thần lơ láo phận mình ra chi”. Hàng thần không vì chút bã lợi lộc mà chịu cúi luồn xin xỏ, mong sự ban ân. Về sau thấy ông vượt biên thật. 

Nhân tiện sau đây tôi post một số hình ảnh về thầy để nhở tưởng tới thầy. Trong số đó có video clip thầy để lộ bản chất hiền hòa chứa đầy tình cảm. Trước thái độ ân cần biết ơn thầy của học sinh khóa chúng tôi, khóa 1956-1962, hễ Tết đến thì thường lại thăm chúc thọ thầy. Mũi lòng thầy đáp lời trong nước mắt: "Thôi từ đây còn có dịp nào nữa đâu để đến với thầy. Thầy Quát ra đi rồi đến lượt thầy, chỉ còn mỗi một mình thầy Nguyễn Đãm". Cái Tết Con Gà vừa rồi là cái Tết Vĩnh Biệt. Cảm thấy thầy già và trò cũng già; Tết đó, cảm xúc tôi dựng video clip Trăng Già nói lên cái kiếp người ngắn ngủi và chẳng có gì để mà ham.

Tuy Hòa ngày 21-5-2017
Ongtampy

Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị xem 2 video dưới đây


Lễ an táng thầy Trần Tiến Toản


Thăm Thầy (Tết Con Gà - 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét