Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Theo thông lệ, NHHN dành tháng năm cho chủ đề Mẹ để tôn vinh, cảm tạ, và tưởng nhớ đến tất cả các bà mẹ đang còn hiện hữu hoặc đã qui tiên.
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô và quý Anh Chị bài NGƯỜI MẸ TẬT NGUYỀN của nhà văn Hoàng Hương Trang. Hoàng Hương Trang là bút hiệu của cô Hoàng Thị Diệm Phương, cựu giáo sư Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên trước 1975.
Trân trọng giới thiệu
NHHN
Lúc tôi còn bé đã thấy mẹ tật nguyền. Mặt mẹ đầy thẹo nhăn
nhúm, cổ mẹ bị da kéo vẹo sang một bên. Khi mẹ tắm hay thay áo, tôi thấy lưng mẹ
gù, đầy vết nhăn nheo, chỗ nâu, chỗ xám, chỗ đỏ.
Tôi sống với mẹ đã quen nên không sợ, chứ trẻ con trong xóm
sợ mẹ lắm, chúng thường gọi mẹ là "Bà gù bán xôi".
Vâng, mẹ gù và đầy vết thẹo như thế, nhưng suốt đời đã gánh
xôi đi bán từ sáng tinh mơ đến trưa đứng bóng để kiếm tiền nuôi tôi ăn học.
Lên trung học, tôi bắt đầu xấu hổ khi bạn bè gọi mẹ là
"Bà gù bán xôi". Khi nào mẹ bán xôi hết sớm, mẹ lại gánh quang gánh
không đến trước cổng trường đón tôi, như hồi tôi còn học mẫu giáo hay tiểu học.
Nhiều lần tôi năn nỉ mẹ đừng đến cổng trường, rồi giận dỗi mẹ,
rồi nặng lời với mẹ. Mẹ không đến cổng trường đón tôi nữa, nhưng lại đứng nấp
sau gốc cây bằng lăng bên kia đường, chờ cho tôi đi về hướng nhà một đỗi, rồi mẹ
thủng thẳng gánh quang gánh đi theo. Có lần mấy đứa bạn đột ngột quay lại, bắt
gặp mẹ lẽo đẽo theo tôi như thế, chúng bá vai nhau cười thật to chế nhạo tôi:
- Ồ kìa, bà già gù của mày vẫn cứ theo gót mày kìa!
Tôi xấu hổ và giận mẹ lắm, trưa ấy nhất định không thèm ăn
cơm, bắt mẹ phải hứa không được đến trường tôi nữa, tôi khóc lóc:
- Con không muốn mẹ đến đón con ở cổng trường, cũng không muốn
mẹ cứ theo lẽo đão như thế, con xấu hổ lắm. Đó, mẹ thấy không, ba mẹ của các bạn
con đều đi xe "xịn", ăn mặc sang trọng đến đón con họ. Còn mẹ thì...
tật nguyền như thế... lại quang gánh đùm đề như thế... bộ mẹ muốn bạn bè cứ chế
nhạo con hoài sao?
Những lần tôi giận dỗi và nặng lời như thế, mẹ chỉ im lặng,
cái cổ vốn đã ngoẹo sang một bên, hình như lại ngoẹo nhiều hơn, mẹ chỉ lặng lẽ
đưa tay áo lên gạt nước mắt.
Có lúc tôi hỏi 'ba đâu?". Mẹ chỉ lên tấm ảnh trên bàn
thờ mà bảo:
- Ba con bị tai nạn ở nhà máy, đã mất từ khi con mới ba
tháng tuổi. Trước lúc ba con trút hơi thở cuối cùng, mẹ đã hứa sẽ nuôi con khôn
lớn nên người, dù có phải buôn gánh bán bưng cực khổ mấy cũng sẽ cho con ăn học
đàng hoàng.
Nhiều lúc tôi hỏ mẹ rất vô tư và độc ác:
- Hồi ba cưới mẹ, mẹ đã xấu xí như vậy sao? Mẹ chỉ cười rất
hiền lành để tránh những câu hỏi của tôi. Có điều là tôi luôn nghĩ rằng có lẽ mẹ
luôn xấu xí tật nguyền từ nhỏ, chẳng bao giờ tôi hỏi mẹ vì đâu mẹ bị tật nguyền
như thế?
Tôi cứ ăn cứ học, cứ vô tư chơi đùa với bạn bè. Mẹ thì cứ lo
cho tôi những bữa ăn ngon, cứ lo cho tôi đủ tiền để mua sách vở, quần áo, giày
dép không thua kém bạn bè.
Tôi càng lớn càng xin đẹp, trắng trẻo, hồng hào, duy chỉ có
một nửa bàn chân có một vết thẹo nhăn nhúm, tôi luôn mang bít tất, đi giày, để
che dấu khuyết điểm này.
Năm lên đại học, tôi vừa học vừa đi làm, không phải vì một
lý do nào xa xôi cả, mà chỉ là muốn sẽ cố làm cho nhiều tiền, rồi thì không cho
mẹ đi bán xôi nữa. Khi nào có đủ tiền rồi, tôi chỉ để mẹ ở nhà nấu cơm, giặt giũ,
trông coi nhà cửa là được rồi, như thế mẹ khỏi phải ra đường, khòi ai thấy mẹ tật
nguyền.
Tôi cũng đã có vài bạn trai theo đuổi, tán tỉnh. Tôi tự biết
mình có nhiều ưu điểm hơn các bạn gái khác, tôi học giỏi, có việc làm, tôi xinh
đẹp... Nhưng nhiều khi nghĩ đến sau này, tôi đưa một người bạn trai nào đó về
nhà... ôi, tôi không dám nghĩ tiếp... làm sao có bạn trai nào nhìn thấy mẹ tôi
mà không dội ngược ra cửa? Chỉ nghĩ đến đó tôi đã vô cùng đau khổ, và tư
nhiên... hận mẹ vô cùng... giá không có mẹ... giá mẹ đừng tật nguyền...
Bà Bảy bán bún riêu đầu xóm hớt hơ hớt hải đập cửa:
- Cô Diệp ơi, cô Diệp! Cô có nhà không?
Đang cuẩn bị đi làm buổi tối, tôi không hiểu có chuyện gì mà
bà Bảy gọi cửa gấp gáp thế. Tôi vừa mở cửa, bà Bảy đã ập ngay vào nhà, nắm lấy
tay tôi:
- Cô Diệp đi mau lên! Bà Hai đang cấp cứu ở bệnh viện, bà bị
nặng lắm, nhanh lên kẻo... không kịp gặp...
Tôi bủn rủn cả người:
- Vì sao bà Bảy biết mẹ cháu bị...
- À! tôi đang đi mua mấy món ở chợ, thấy người ta xúm đông
xúm đỏ chỗ người bị nạn, chạy lại nhìn thì ra là bà Hai, trời ơi, máu me lênh
láng, nằm bất động, họ chở vào bệnh viện rồi... ghê quá! Tôi lay gọi mà bà
không biết gì nữa cả, quang gánh văng ra lề đường...
Diệp vớ lấy cái túi xách rồi chạy ra đường thuê xe chở đến bệnh
viện cấp cứu. Tâm trạng Diệp lúc này thật hỗn độn. Vừa lo lắng, bồn chồn, nhưng
cũng vừa xen lẫn một chút vui mừng... Diệp đã nhiều lần ước muốn... giá không
có mẹ đó sao? Mẹ chỉ là một vật cản trước mặt cô, đã bao lần làm cô xấu hổ với
bạn bè, đã bao lần cô giận mẹ và tự nhủ "sao mẹ người ta đẹp đẽ thế... còn
mẹ mình thì... trông khủng khiếp quá!"
Trước đây còn chưa đi làm kiếm được tiền còn cần đến mẹ, còn
giờ đây, cô đã có thể tự lập. Diệp cảm thấy hình như... không cần mẹ nữa!
Trên băng ca, mẹ nằm im lìm, cổ ngoẹo sang một bên, người đẫm
đầy máu, mắt mẹ nhắm nghiền...
Diệp cố lay gọi mẹ mà không được. Cô khóc đến nghẹn lời. Khi
cô y tá ngang qua, co hỏi:
- Cô ơi, mẹ cháu có sao không? Có tỉnh lại không cô?
Cô y tá không trả lời Diệp mà chỉ nói nhanh:
- Đi đóng viện phí ngay đi, đưa lên phòng mổ cấp cứu bây giờ!
Diệp chạy đi đóng viện phí. Khi trở lại thì họ đã đẩy mẹ vào
phòng mổ. Cô đành đứng ở ngoài, lòng nóng như lửa đốt. Cô có cảm giác mình vừa
khóc giả dối, mình vừa mong không có mẹ nữa. Thật tình thì mình thương mẹ,
nhưng có một người mẹ tật nguyền như thế, làm sao mình còn vươn tới tương lai,
hạnh phúc?
Cô nhân viên thu viện phí đi qua bảo:
- Nghe người ta nói bà cụ đi bán xôi phải không?
- Dạ, mẹ cháu bán xôi...
Giọng cô thu ngân thấp xuống:
- Như vậy là thuộc thành phần nghèo, em về đem sổ hộ khẩu ra
phường xác nhận là người già nghèo, bệnh viện sẽ cho giảm viện phí, bệnh cụ nặng
đấy, có cứu được cũng chữa khá lâu, giảm được viện phí cũng đỡ tốn hơn nhiều...
em ạ!
Diệp trở về nhà, cô mở tung mấy hộc tủ để tìm sổ hộ khẩu. Chẳng
biết mẹ cất giấy tờ ở đâu? Tìm đến ngăn tủ dưới bàn thờ thì cô bắt gặp một bao
đầy những giấy tờ cũ kỹ, ố vàng; vài tấm ảnh rơi ra, Diệp ngồi xuống đất, tò mò
lật xem từng tấm ảnh...
- Ai đây? Có phải là ba? Giống ảnh thờ quá! Và bên cạnh là mẹ
chăng? Sao mẹ lại đẹp thế này à? Cô lật mặt sau, đúng là có ghi tên ba mẹ và
ngày chụp chỉ trước năm sinh của cô một năm.
Cô bồi hồi xúc động tự nhủ, hóa ra trước đây mẹ đẹp thế này
sao, lâu nay mẹ không hề cho mình xem những tấm ảnh này.
Cô lần giở thêm một số giấy tờ, một tờ báo cũ văng ra, cô nhặt
lên, lẩm nhẩm đọc cái tít lớn trên báo: "Một người mẹ đã hy sinh cả thân mình
để cứu đứa con thơ trong trận hỏa hoạn..." bên cạnh đó là tấm ảnh đăng kèm
bài viết, trong ảnh, một bà mẹ ôm chặt đứa con, ấp nó vào ngực, lưng bà mẹ còng
xuống che chở cho con, và lửa cháy xém cả tấm lưng, tóc của bà cũng bị cháy gần
mất cả. Diệp đọc bài báo, nước mắt không cầm được cô run lên:
- Mẹ, mẹ ơi! Chính mẹ đã cứu con khỏi cơn hỏa hoạn, mẹ chịu
cho lửa cháy đến tật nguyền suốt đời để cho con được sống, được xinh đẹp, con
chỉ bị lửa xém một nửa bàn chân, nếu không có mẹ, có lẽ con đã bị tật nguyền suốt
đời... Mẹ ơi, thế mà bao lâu nay con không hề biết, con đã hận mẹ, đã xấu hổ vì
mẹ, con đã mong cho... đừng còn mẹ nữa... Trời ơi, con thật tội lỗi, con thật
vong ân. Mẹ ơi, nếu mẹ có mệnh hệ nào con sẽ ân hận suốt đời. Diệp lảo đảo đứng
dậy, thắp ba nén nhang lên bàn thờ ba rồi cúi đầu khấn nguyện:
- Ba ơi, xin ba phù hộ cho mẹ qua cơn nguy kịch, xin ba cứu
mẹ. Ba ơi, nếu mẹ không còn nữa con biết làm sao để tạ lỗi với mẹ? Ba ơi, xin
ba thương mẹ, thương con, ba phù hộ độ trì cho mẹ...
Cửa phòng mở rộng, vị bác sĩ bước vội ra hỏi:
- Ai là thân nhân của bà cụ bị tai nạn? Diệp vội vàng thưa:
- Dạ, cháu ạ, mẹ cháu có sao không thưa bác sĩ?
- Bà cụ như được một phép mầu nào cứu sống đấy nhé. Đã qua
cơn nguy kịch rồi, nhưng chóng lắm cũng cả tháng nữa mới lấy lại sức khỏe. Tội
nghiệp bà cụ, người đã đầy thương tích cũ nay lại thêm thương tích mới.
Diệp nói trong nước mắt:
- Cháu cám ơn bác sĩ đã cứu mẹ cháu. Rồi cô xin phép vào
thăm mẹ. Mẹ chưa hồi tỉnh nhưng nhịp thở đã ổn định. Diệp ôm lấy mẹ, thều thào
trong nước mắt:
- Mẹ ơi, con đây, con của mẹ đây, con sẽ không bao giờ để
cho mẹ phải như thế này nữa ạ.
Trên gương mặt đầy thẹo nhăn nheo, tuy chưa hồi tỉnh hẳn, nhưng
hình như bà đã nghe thấy những lời ấm áp chân tình của con gái, hình như bà
đang mỉm một nụ cười.
Cô Hoàng Hương Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét