Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài CẢM XÚC TUY HÒA của đồng môn Lương Lệ Huyền Chiêu. Tác giả đưa thầy trò chúng ta trở về với những kỷ niệm êm đẹp của một thời sống dưới mái trường Nguyễn Huệ và thành phố Tuy Hòa mến yêu
Xin cám ơn bạn Huyền Chiêu rất nhiều
Trân trọng giới thiệu
NHHN
Ấn tượng đầu tiên của tôi về
thành phố Tuy Hòa là cây cầu Đà Rằng.
Tôi đến Tuy Hòa lần đầu năm 12
tuổi và khi tàu lửa thét vang dõng dạc báo tin tàu sắp qua cầu, tôi đã choáng
ngợp vì dòng sông Đà Rằng rộng mênh mông khác với dòng sông Dinh bé xíu ở Ninh
Hòa quê tôi.
Cát ơi là cát. Ở Tuy Hòa nơi
nào cũng đầy cát.
Thành phố Tuy Hòa không có
lũy tre bao quanh, thay vào đó trên
những đụn cát cháy nắng rất nhiều bụi bàn chải mọc ken dày như những bàn
tay chìa ra đầy gai.
Tuy Hòa là một thành phố rất
mới.
Khoảng năm 1957 (tôi không
nhớ rõ chính xác năm) Tổng thống Ngô Đình Diệm thuyên chuyển ông Hồng Dũ Châu
lúc đó đang làm tỉnh trưởng Phan Rang về nhận công tác tái thiết tỉnh Phú Yên
và xây dựng thành phố Tuy Hòa. Là phụ tá của ông Hồng Dũ Châu ở Phan Rang, ba
tôi, ông Lương Trấp, cũng theo về tòa tỉnh Phú Yên với chức vụ Trưởng Ty Hành
Chánh.
Năm 1961 tôi ra Tuy Hòa sống
với ba tôi và được vào học lớp đệ lục trường Nguyễn Huệ.
Lúc ấy thành phố mới Tuy Hòa
vừa hình thành xong.
Có lẽ trước đây chốn này chỉ
là một bãi cát hoang nên sáu con đường
được phóng thẳng băng song song xuống tận biển.
NHÀ Ở ĐƯỜNG SỐ 3
Tôi sống ở ngôi nhà mang số
23 Lê Thánh Tôn còn gọi là đường số 3.
Bên cạnh nhà tôi có một tiệm
Bi Da mang tên Miền Nam .
Thật may mắn. Trong nhà Miền Nam có
một cô bé bằng tuổi tôi rất xinh xắn, thân thiện.
Cô tên Hồ Thị Bích Thủy. Tôi
rất biết ơn, rất nhớ gia đình bác Long ba mẹ của Thủy đã thương tôi, giúp đỡ tôi
rất nhiều trong những năm xa mẹ.
Trước nhà tôi có con đường
ngắn ngủn nối đường Lê Thánh Tôn và đường Trần Hưng Đạo. Có lẻ vì nhỏ bé nên nó
được mang tên một ông quan nhỏ tên Cao Thắng.
Nhà Thầy Trần Tiến Toản, nhà
chị Quý Đức Thịnh, nhà chị Ngọc Hoan, chị Thanh Vân ở kề nhau trên con đường bé
nhỏ này.
Có một cậu bé khoảng 10 tuổi,
em chị Thanh Vân, ra dáng công tử hay mặc bộ Pyjama kẻ sọc, ngày nào cũng qua đánh
bi da ở tiệm Miền Nam.
Mấy chục năm quên bặt bổng
nhờ trang Nguyễn Huệ mới nhận ra bây giờ cậu bé chính là nhà văn Lê Nam Sơn bút
danh Sông Lô (Sao không là Sông Đà Rằng nhỉ?)
Không ngờ bạn mình bây giờ
viết hay đến vậy.
TRUNG TÂM THÀNH PHỐ
Ngã Năm là trung tâm thành
phố Tuy Hòa.
Buổi tối tôi hay bát phố Tuy
Hòa để ngắm nhìn những tủ gương của các tiệm tạp hóa.
Ngược lên đường Trần Hưng Đạo
tôi lần lên công viên ngồi nghe tiếng loa phát ra từ rạp xi nê Diên Hồng. Loa
khá cũ kỹ, nhạc nghe rèn rẹt, tối nào cũng chỉ mấy bài hát cũ mèm. Nhưng không
sao, có nhạc loa mới làm cho thành thị
khác với thôn quê chỉ toàn tiếng ếch nhái.
Thỉnh thoảng thành phố Tuy
Hòa rộn ràng khi có đại nhạc hội từ Sài Gòn về diễn.
Nhà tôi gần phòng ngủ Tân
Hiệp và tôi đã nhìn thấy Kim Cương, Trần Văn Trạch, Phương Dung, La Thoại Tân… đi ăn
phở ở tiệm phở Tân.
Thích nhất là những tiệm bán
guốc gỗ. Vui làm sao được chon một bộ quai vừa ý rồi ngồi chờ người bán guốc
cầm cái búa nhỏ xíu đóng cho mình một đôi guốc mới.
Nón lá và guốc gỗ của thời đi
học, nhớ quá đi thôi.
Đi dạo trở về, định vào tiệm
Miền Nam
tìm Thủy bỗng thấy Thầy Gạch và Thầy Bông đang đánh bi da vậy là mình lui ra.
Hồi đó học trò rất sợ, không dám chạm mặt thầy.
MÓN ĂN TUY HÒA
Tôi mù tịt về phần này do
hoàn cảnh. Tôi ra Tuy Hòa sống với ba tôi trong một ngôi nhà không có mẹ và
không có… bếp. Hai bố con hàng ngày đi ăn cơm tháng ở một tiệm ăn trên đường
Cao Thắng. Tiệm ăn Bắc Việt do ông chủ
người Bắc nấu nên tôi cũng chẳng biết mâm cơm của người Tuy Hòa có mùi vị ra
sao.
Tuy nhiên tôi biết cá ở biển
Tuy Hòa không ngon như cá ở quê tôi. Cá chiên lúc nào cũng hôi mùi rún. Hay ông
chủ tiệm mua cá rẻ tiền về chiên cho khách ăn?
Nhưng thịt bò ở Tuy Hòa ngon
và rẻ vì bò được nuôi ở miền đồng cỏ Sơn Hòa rất nhiều, rất béo tốt.
Có một món mà trước đây tôi
chưa từng được nếm nhưng xuất hiện rất nhiều ở Tuy Hòa. Thịt Dông. Tuy hòa là
xứ cát nên có nhiều Dông. Thịt Dông được băm nhỏ với hành tiêu muối nấu cháo
hay chiên dòn cuốn bánh tráng rau sống. Tôi có ăn thử rồi nhưng không dám ăn
lần thứ hai vì sợ .
Bánh tráng Tuy Hòa rất ngon và
người Tuy Hòa không chấp nhận bánh tràng
ở chỗ khác làm. Ở sân ga, bến xe cứ thấy người khách nào xách một bao cả chục
ràng bánh tráng tôi biết ngay người đó là dân Tuy Hòa.
Củ sắn nước ở Tuy Hòa mọc
trên cát nên ngon ngọt, dòn rụm. Củ sắn gọt vỏ chấm muối ớt là món ưa thích của
trẻ nhỏ.
Có một thứ trái cây mà chỉ
đến Tuy Hòa tôi mới biết. Đó là trái sim.
Thật vui khi lang thang trên
Núi Nhạn gặp được một bụi sim tím.
Ôi Tuy Hòa, sao quá nhiều thứ để mình thương nhớ!
TRƯỜNG NGUYỄN HUỆ
Thành phố Tuy Hòa mọi công
trình đều được xây mới. Nhà thờ Thiên Chúa, nhà thờ Tin Lành, rạp xi nê, tòa
hành chánh tỉnh… đều mới mẻ không hiểu sao trường Nguyễn Huệ trên đường số 6
quá cũ kỷ. Nhưng chính nhờ mái ngói rêu
phong, tường vôi vàng loang lổ, ngôi trường có vẻ đẹp của thời gian.
Thành phố mọc trên cát nên
mùa hè Tuy Hòa rất nóng và khi gió Nam rộ về gió tha hồ mang cát thổi
lật tung cả nón của các cô học trò nhỏ.
Tuy Hòa mùa đông lạnh khiếp.
Nhớ Bích Thủy có lần dạy tôi đan một chiếc khăn quàng cổ. Chúng tôi bắt đầu
biết làm dáng.
Con đường đến trường luôn
mang đến cho mình nhiều cảm xúc. Vui vì sắp được gặp bạn bè, lo vì sợ thầy dò
bài, thú vị vì giờ học đâu có bao giờ giống nhau. Hôm nay luôn khác với hôm qua
và ngày mai.
Năm đệ tứ thật buồn khi phải
rời xa ngôi trường Nguyễn Huệ cũ để đi học ở trường Nguyễn Huệ mới . Ngồi trên
phòng học tầng hai có thể nhìn ra cánh đồng phía sau trường thoáng và đẹp nhưng
tôi vẫn thích ngôi trường cũ hơn.
Lúc này tôi thường đi bộ đến
trường cùng chị Ngọc Hoan.
Chị Ngọc Hoan hiền lành vui
vẻ nhưng chị ra đi quá sớm. Nhớ và thương chị rất nhiều.
Học ở trường Nguyễn Huệ thật
vui vì học sinh của trường đa dạng như hiệp chủng quốc.
Ngoài học sinh bản địa, chăm
chỉ hiền lành, chất phác còn có con cái các công chức thường là người Huế như
Hoàng Ánh, Kim Chi, Thu Cẩm, Phạm Minh Xuân, Nhật Khánh, Ngọc Điệp, Ngọc Anh…
Các anh chị “Bắc Kỳ Di Cư”
cũng làm cho sân trường thêm nhiều màu sắc .
Các anh chị học lớp lớn, tôi
chỉ nhớ những người nổi bật gây nhiều ấn tượng như anh Đức Hiền, chị Tấm, chị
Thanh, Chị Quý, chị Hằng, Anh Tuấn, Mai Hương…
Trong “Nam” ra có anh Hồ Châu
Sơn, Bích Thủy, chị Phan Kiều Oanh, chị Thúy Oanh, Bình Minh và tôi…
Ngôi trường là nơi vui nhất
và cũng là nơi buồn nhất vì ngoài bác cai trường, đâu có ai được sống suốt đời
với ngôi trường thân yêu của mình.
Tất cả đều phải ra đi
Tất cả đều phải bỏ lại.
CẢM XÚC NGÀY TRỞ LẠI.
Tôi đã về tìm lại Tuy Hòa
nhiều lần
Tôi đã bước đi trên con đường
số 6.
Nhà cửa ken dày. Không còn
những hàng dương đứng u buồn hai bên đường.
Không còn bóng dáng những
người bạn thời thơ dại.
Tôi đã trở lại đường số 3.
Ngôi nhà của tôi đã đổi chủ.
Không còn tiệm bida Miền Nam .
Không còn bóng ai nón trắng che
nghiêng tóc thề.
Đâu tiếng guốc khua buồn buồn trên ngõ vắng.
Con người bây giờ sao hối hả và xa lạ
Và những nụ cười thân thiện ngày nào bây giờ bị che kín dưới khẩu trang.
Con người bây giờ sao hối hả và xa lạ
Và những nụ cười thân thiện ngày nào bây giờ bị che kín dưới khẩu trang.
Tìm đâu thấy xương rồng, bàn
chải!!!
Hoa sim có còn tím trên Núi
Nhạn?
Thôi thì cũng còn đó núi Chóp
Chài xa xa.
Còn đó dòng sông Đà Rằng mênh
mông mùa nước lũ.
Huyền Chiêu
Tháng sáu 2017
Thầy Đỗ Ngọc Cư, Trần Thị Tấm, Nguyễn Thị Thanh
Nguyễn Thị Cúc, Lưu Phúc Phương, Phan Ái Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét