Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Góa Phụ Trinh Tiết

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Truyện ngắn GÓA PHỤ TRINH TIẾT, tác giả Hoàng Hương Trang. Hoàng Hương Trang là bút hiệu của cô Hoàng Thị Diệm Phương, cựu giáo sư Nguyễn Huệ trước 1975. Cô sáng tác và đã phát hành nhiều Tuyển Tập về Thơ, Văn, Nhạc. Được nhiều giải thưởng giá trị về văn học. Cô hiện đang sinh sống tại Saigon. Sức khỏe khá tốt. 
Trân trọng giới thiệu
NHHN


Hình minh họa - Internet

Cuối cùng chỉ còn lại mảnh vườn xơ xác, ngôi nhà rộng thênh thang trống rỗng, và bóng dáng vật vờ của một người đàn bà khô héo, đó là con dâu của cụ Phan.

Cụ Phan người Tàu, nghe đâu chạy lánh nạn từ mạn Quảng Đông sang Việt Nam, rồi định cư luôn, lấy vợ Việt, làm ăn khá giả. Cứ nhìn ruộng vườn nhà cửa của cụ thì rõ.

Tuy cụ lấy vợ Việt Nam, cách ăn nết ở đã hoàn toàn Việt hóa theo vợ, nhưng cũng còn sót lại những nét riêng của người Hoa cụ còn giữ lại, đặc biệt như những món ăn chỉ riêng người Hoa mới có. Ngày Tết đoan ngọ cụ cúng lễ lớn, có chè trứng đỏ, chè phù chúc, thịt quay, bánh bao... là những thứ không có trong mâm cúng của người Việt. Ngày Tết bao giờ trước cửa nhà cụ cũng có đôi câu đối chữ Hán rất đẹp. Cụ còn giữ tục lệ của người Tàu, tặng phong bao giấy đỏ cho bất cứ ai mang quà tặng đến nhà.

Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần nhà có giỗ, mẹ tôi thường sai mang xôi, chè, bánh trái biếu nhà hàng xóm. Bao giờ tôi cũng dành phần bưng sang biếu cụ Phan để được cụ cho một phong bao đỏ.

Cụ làm ăn tấn phát, tậu nhà cửa to lớn, đời sống sung túc nhưng bà Phan chỉ sinh cho cụ có mỗi cậu con trai độc nhất. Cậu cả được nuông chiều rất mực. Nhưng hình như ông Trời bất công, cho hai cụ tiền của phong lưu huy hoắt, nhưng chỉ cho một quý tử yếu ớt, mảnh mai như con gái.

Đến cải tuổi đang ăn học, sung sướng trong cái cơ ngơi giàu có của cha mẹ, bỗng cậu cả lăn đùng ra ốm. Thôi thì đủ thầy đủ thuốc, đủ sâm nhung quế phụ. Hai cụ ngày đêm chăm sóc cho cậu con trai vàng ngọc, hai cụ vẫn thường vái Trời Phật phù hộ độ trì cho mai sau lấy vợ sinh con đàn cháu đống. Cậu cả vốn từ nhỏ đã ốm yếu mảnh khảnh so với lũ trẻ trong xóm, nay lại càng gầy đét xanh xao hơn. Cậu nằm liệt cả tháng trong phòng bệnh, chỉ uống thuốc bắc, ăn cháo loãng. Ông bà Phan rầu rĩ lo lắng hết sức, nghe giới thiệu thầy giỏi ở xa mấy cũng cho người đi rước về chữa bệnh cho cậu cả. Thuốc thang gì quý hiếm mấy cũng đi kiếm cho bằng được, không ngại tốn kém; thế mà cậu cả cũng không bình phục.

Một hôm có ông thầy Tàu từ Hội An ra khám bệnh bốc thuốc. Ông bàn luận suốt cả ngày với cụ Phan, hai người nói toàn tiềng Tàu với nhau. Đã lâu lắm cụ Phan không nói tiếng Tàu với ai cả, nay bàn cãi rất sôi nổi, cuối cùng ông thầy Tàu khuyên cụ:

- Người Hoa chúng ta có tục cưới Xung Hỷ, cưới vợ co con trai nó vui mừng mà khỏi bệnh.

Đã bao năm rồi sống ở dất Việt, lấy vợ Việt, cụ Phan tưởng chừng đã quên hết những tục lệ của quê hương. Nghe nhắc lại tục cưới Xung Hỷ, cụ vui mừng chấp nhận, liền cho bà Phan tìm cách hỏi xem cậu cả đã có tình ý gì với cô gái nào chưa để lo việc cưới hỏi.

Xưa nay vốn hiền lành, chăm lo học hành, ít khi la cà đàn đúm bạn bè, cậu cả chỉ quen một cô bạn gái cùng học chung lớp, nhà nghèo ở bên kia sông. Cha mẹ cô quanh năm lam lũ trồng bắp, trồng khoai ở bãi đất bồi, họ chỉ có cô con gái duy nhất, nên cố gắng cho con ăn học mong sau này đỡ vất vả hơn cha mẹ.

Cậu cả ao ước được sánh duyên cùng cô bạn ấy, nhưng ngại nhà cô nghèo quá, chẳng biết cha mẹ có bằng lòng không? nay nhân dịp mẹ ngỏ ý trước về tục cưới Xung Hỷ theo tục lệ quê nội, cậu vui mừng xin mẹ hỏi xem cô bạn gái bên sông ấy có bằng lòng không?

Ơn trời phù hộ, cha mẹ cô gái đã bằng lòng. Riêng cô gái mười bảy tuổi xinh đẹp, nết na ấy, thật lòng lâu nay cũng có cảm tình tốt với người bạn trai cùng lớp hiền lành, chăm học. Họ chưa hề có tình ý gì với nhau, nhưng cả hai đều có cảm tình và quý mến nhau vì họ cùng là học trò giỏi. Họ cũng đã hiểu nhau khá nhiều, hàng ngày gặp gỡ, chung lớp, chung trường không còn lạ lẫm gì nữa, ở cái tuổi mới lớn, dù chưa có tình ý riêng tư cũng không thể không so sánh, lựa chọn một đối tượng trong những bạn bè...

Đám cưới được tổ chức trọng thể, tuy chỉ có một mình cô dâu mà không có chú rể đang ốm nặng, không thể dự lễ cưới của chính mình được. Sau tiệc tùng, nghi lễ rình rang, lễ hợp cẩn của đôi trẻ chỉ đơn giản có một ly rượu, một chén sâm. Ly rượu do cô dâu uống thay chồng và chén sâm chú rể uống thay rượu hợp cẩn. Và đôi trẻ nên vợ nên chồng trên danh nghĩa. Cô bạn gái bên sông bây giờ là mợ cả lo săn sóc thuốc thang tận tình cho cậu cả. Thỉnh thoảng, giữa những cơn mệt vì bệnh, cậu cả cầm tay vợ, nói thều thào:

- Anh cám ơn em đã bằng lòng làm vợ anh, anh mong cho chóng lành mạnh để thương yêu em đúng nghĩa vợ chồng.

Mợ cả chỉ thẹn thùng đáp:

- Chúng ta còn tương lai dài... anh cứ lo dưỡng bệnh cho mau mạnh khỏe để cha mẹ mừng.

Nhưng trời đã không cho đôi vợ chồng trẻ ấy sống hạnh phúc bên nhau trong cảnh giàu sang của cha mẹ. Lễ cưới Xung Hỷ chưa được bao ngày thì cậu cả đã trút hơi thở cuối cùng trong tiếng khóc nghẹn ngào của người vợ trẻ, của cha mẹ tưởng chừng ngã quỵ trước cái chết tức tưởi của đứa con trai duy nhất.

Tội nghiệp mợ cả, mới 17 tuổi đã thành quả phụ! Cô gái xinh đẹp chưa một lần nếm mùi vị hạnh phúc vợ chồng, đã phải áo tang, khăn chế, âm thầm lặng lẽ phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Dễ chừng đã gần 40 năm qua, tôi mới có dịp vế lại quê nhà, ở lại một thời gian khá dài. Những lần trước chỉ đi về vội vàng vài hôm, không kịp thăm viếng những nhà hàng xóm cũ. Lần này lo xong việc nhà, được buổi rỗi rãi tôi la cà tìm thăm lại những nhà quen cũ ngày trước. đa số họ không còn ở con đường xưa ấy nữa. Một vài nhà quen chỉ còn con cháu mới lớn lên, không biết tôi là ai.

Qua xóm Vườn Dâu, thấy cái cổng gạch đồ sộ rêu phong vẫn còn nguyên vẹn, bờ tường xây gạch vồ vẫn đứng vững với thời gian, tôi bất chợt nhớ đến ông bà Phan, thử gõ cửa vào thăm. Một bà lão gầy khô ra mở cổng, trông nét mặt có vẻ quen quen, nhưng tôi không đoán được bà lão này là ai?

- Thưa bác, có phải đây là nhà cụ Phan ngày xưa không?

Bà lão ngước mắt nhìn tôi ngạc nhiên:

- Phải, nhưng các cụ mất lâu lắm rồi, cô là ai mà biết hai cụ tôi hồi xưa?

Tôi không trả lời câu hỏi ấy vội, mà hỏi lại bà lão:

- Thế... bác là gì của ông bà Phan? Ngày xưa tôi không thấy bác ở đây.

- Dạ... tôi là con dâu...

Tôi ngớ ngẩn ra:

- Thế ra bác... à chị... là chị Lan ở bên kia Bãi Bồi, là vợ anh cả con ông bà Phan đây sao? Chị Lan, tôi là hàng xóm của ông bà ngày xưa, hồi đó khi nào kỵ giỗ, mẹ tôi sai bưng xôi, chè, bánh trái sang biếu ông bà, bao giờ cũng được ông lì xì cho một phong bao đỏ. Tôi chỉ kém chị mấy tuổi thôi. Hồi đám cưới anh cả, chị 17, lúc đó tôi khoảng 13, 14 là cùng, còn chạy đi xem đám cưới, rước dâu bằng thuyền từ bên kia sông...

Chị cầm tay tôi, cười móm mém, héo hắt:

- Cô vẫn còn nhớ chuyện xưa? Mời cô vào nhà đã.

Bàn tay lạnh lẽo, gầy xương bám chặt vào tay tôi, tưởng chừng như bàn tay một bà lão vịn tay nhờ tôi dẫn qua đường.

Bộ quần áo nâu nhạt như y trang một bà làm công quả ở chùa, làn tóc bạc thưa thớt búi sau gáy, lưng hơi còng, bước đi chậm chạp, nhẹ như con người bằng sương khói...

Ôi! đó là chị Lan xinh đẹp đám cưới năm 17 tuổi đó sao?
Dạo ấy tôi còn chạy đi xem rước dâu qua sông. Chị dịu dàng trong chiếc áo dài hồng phấn, đứng trê đò, tay cầm dù hoa, mái tóc kẹp nơ nhung sau gáy, cài vòng hoa lấp lánh kim tuyến trên đầu, cổ chị đeo chuỗi ngọc phỉ thúy và dây chuyền vàng, tay đeo xuyến và vòng cẩm thạch. Trông chị đẹp lộng lẫy như một cô tiên hay nàng công chúa từ thủy cung vừa rẽ nước lên bờ.

Trên bến, nhà trai chờ đón sẵn, pháo nổ vang. Chị bước lên xe kéo phủ màn ren đỏ, chiếc xe kéo thuở xưa ấy, người phu xe mặc áo nẹp điều, đội nón quai đỏ, cầm hai càng xe sơn đen bóng, xe chạy chầm chậm, hàng xóm đổ xô ra xem, ai cũng trầm trò khen cô dâu xinh đẹp quá!

Hai cô phù dâu mặc áo dài màu hoa lý ngồi chung trên một xe kéo khác, chạy sau xe chị, rồi họ đàng trai, đàng gái lên xe cả dãy dài.

Đám cưới chị to nhất xóm hồi đó, biết bao cô gái mơ ước có được cái đám cưới sang trọng đẹp đẽ như chị...

Hôm nay, ngôi nhà rộng rãi nhưng sao trống vắng quá, căn giữa là bàn thờ, đầy cả bát nhang, bài vị, chuông mõ. Bộ lư đồng và cặp chân đèn rất lớn đánh bóng sáng loáng, nổi bật những nét chạm tinh vi. Trên bàn thờ, phía trong cùng là bức hình thờ ông bà Phan và cậu cả, phía bàn trước là ảnh tượng Phật Bà Quan Âm, mùi nhang trầm thơn ngát, một nỗi quạnh vắng bao trùm. Tôi hỏi chị:

- Chị ở đây với ai? Các cháu đã lớn cả rồi chứ?

Chị nhìn tôi ngậm ngùi:

- Chắc là cô quên rồi, hồi ấy đám cưới là cưới Xung Hỷ theo tục lệ người Hoa mà thôi. Tôi và anh ấy chưa thành thân thì anh đã qua đời. Rồi tiếp theo cha mẹ chồng tôi cũng lần lượt khuất bóng, thế là tôi ở đây lo thờ phụng cha mẹ anh cả và người chồng chỉ có đám cưới mà chưa hề ăn ở với nhau một lần. Phong tục mình hồi xưa, như thế tôi đã là con dâu nhà họ Phan rồi.

Chị rót nước trà mời tôi. Nhìn chiếc nhẫn trong ngón tay áp út của chị, chiếc nhẫn lỏng lẻo, chị phải quấn bằng chỉ đỏ mặt trong cho đừng tuột ra khỏi ngón tay. Có lẽ đó là nhẫn cưới chị đeo từ ngày ấy. Tay chị đã gầy khô nhưng chị vẫn đeo chiếc nhẫn cũ kỹ quấn thêm chỉ đỏ cho vừa ngón tay. Nhấp hớp trà thơm mùi hoa mộc, tôi thầm nghĩ: "Tội nghiệp chị Lan, một quả phụ vẫn còn trinh tiết!"

Tôi xin phép chị thắp hương trên bàn thờ rồi ra về.

Chị tiễn tôi ra cổng, vẫn bước đi nhẹ nhàng như sương khói. Quay lại nhìn cái dáng gầy như một ngọn lá khô, tôi cầm tay chị thật lâu, nghĩ rằng lần sau trở lại chắc gì đã còn gặp được người quả phụ trinh tiết ấy nữa!

Hoàng Hương Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét