Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Đời Cô Lựu

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài ĐỜI CÔ LỰU, do Trần Hoàng Phước Hậu sưu tầm và biên soạn. Đây là một tài liệu rất giá trị.
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị vào xem.
Trân trọng giới thiệu
NHHN



Cô Lựu, người phụ nữ Việt Nam trong bài viết này giờ đây đã về một nơi chốn vĩnh hằng ngoài cõi tạm trần gian, nhưng đáng được chúng ta biết đến nhiều hơn, thương quý nhiều hơn vì đó quả thật là một trong những hoa thơm, trái ngọt tô thắm cuộc đời.

Đây không phải là cô Lựu trong tuồng cải lương nổi tiếng Ông Cò Quận Chín, mà là cô Lựu Trứng Rồng thương mến một thời của các em thiếu nhi Hà Nội.

Với gương mặt trái soan, đôi mắt ướt mộng mơ, làn da trắng mịn, với dáng thanh tao, nụ cười xinh xắn, Lê Thị Lựu, cô giáo trẻ môn hội họa tại trường Bưởi, Hà Nội của thập niên 1930, đã gieo vào tâm hồn các em học sinh thuở ấy bao nhiêu hình ảnh và màu sắc đẹp ngời, không thể phai mờ với thời gian.

Theo lời tự thuật của họa sĩ và những ghi nhận của các bạn họa sĩ cùng thời cũng như của các môn sinh của người, chúng ta biết được một số chi tiết khá thú vị về người.

Lê Thị Lựu cất tiếng khóc chào đời vào mùa xuân năm 1911 tại Bắc Ninh. Cha cô có Tây học, làm công chức thời Pháp thuộc nên gia đình cũng theo chân ông chuyển dời theo các nhiệm sở, từ Thái Bình, đến Nam Định, rồi Hải Phòng, và lên Hà Nội khi cô Lựu vừa lên 14. 

Cả nhà không ngờ là cô bé mảnh khảnh ấy đã đỗ Sơ Học Yếu Lược ngay khi vừa lên Hà Nội, và cương quyết xin theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole Superieure des Beaux-Arts de l'Indochine). Năm 1927 cô đã được nhận vào khoá 3 của Trường Mỹ Thuật. Hai bức tranh sơn dầu của cô, Chân Dung ông Hai và Thiếu Nhi Vườn Chuối, được chọn trưng bày trong kỳ triển lãm tranh chung đầu tiên của toàn trường năm 1930. Hai năm sau đó Lê Thị Lựu tốt nghiệp thủ khoa, đánh bạt tất cả các bạn nam sinh người Việt và người Pháp. Cô được mời làm giáo sư dạy các trường Trung Học Bảo Hộ (Bưởi), Nữ Sư Phạm (Hàng Bài), Ðăng Ten (Ecole Dentellière), và tư thục Hồng Bàng.
        
Trong thời gian Trưởng Trần Văn Khắc cùng các anh em thành lập Đoàn Hướng Đạo Việt Nam đầu tiên, cô Lựu cũng đứng chung vai, sát cánh với các Trưởng và thành lập một đơn vị ngành Ấu cho các em trai nhỏ, đặt tên là Bầy Sói Con Trứng Rồng. Cái tên Trứng Rồng ngộ nghĩnh do cô chọn và đặt cho Bầy Sói Con là một tiếng nói thật dịu dàng mà thật hùng hồn về lòng yêu mến quê hương và niềm tự hào dân tộc của người con gái Việt mảnh mai nhưng đầy cương nghị ấy, người thiếu nữ quyết đem cái tinh túy của nền “Tây học” mà mình tiếp nhận được để làm giàu cho văn hóa nước nhà. 

Lúc đó, người Pháp muốn đem nền giáo dục Tây phương, những phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên - như là phong trào Hướng Đạo, những chương trình thể thao đến với những người trẻ tại bản xứ, nhằm lôi cuốn, hấp dẫn họ, để họ tôn sùng và chấp nhận “mẫu quốc”, làm việc với chính quyền bảo hộ, và quên đi nỗi đau thuộc địa, xa rời văn hoá cội nguồn. Một số người trẻ Việt Nam đã bị lôi cuốn theo chiều hướng ấy. Nhưng may mắn thay, chúng ta cũng có được rất nhiều người trẻ tài hoa, nhanh chóng tiếp nhận nền “Tây học”, nhưng không chấp nhận “mẫu quốc” Phú Lãng Sa, và đã biết khéo léo dùng kiến thức mới để canh tân tổ quốc Việt Nam.

Bầy Sói Con Trứng Rồng nhanh chóng lên đến hơn ba, bốn mươi em. Chung quanh “chị Lựu”, các em tíu tít chạy theo tiếng còi, nối đuôi nhau xếp hàng “rồng rắn lên mây”, và đã bắt đầu biết hát những ca khúc “nhạc Tây lời Ta” hoặc là nhạc Việt mới:

- “Anh em chúng mình cùng nhau kéo đến đây mà hát xướng, nghe tiếng còi cùng nhau kéo đến họp Đàn chơi...” ,
- “ Này này em Sói vểnh tai mà nghe ....”,
- “Nào chúng mình ra quay một vòng hát mà chơi, hòa cao tiếng lên cho nhịp lòng vang khắp nơi, đời có Bầy ta sao bỏ hoài những ngày vui, ...”
- “Vòng quanh đây anh em chúng ta Bầy Sói Nhà Nam vừa khéo, vừa ngoan...”

Tranh dầu của Lê Thị Lựu

Sau đó không lâu, cô Lựu thành hôn với Ngô Thế Tân, một công chức trong bộ thương nghiệp Pháp, và dời vào Sài Gòn dạy ở trường Trung Học Áo Tím (Gia Long) và Mỹ Thuật Gia Ðịnh (gần Lăng Ông, chợ Bà Chiểu). Năm 1938, họa sĩ trở về Hà Nội vì đau nặng. Các bạn trong và ngoài Hướng Đạo đều tưởng cô qua đời, có người nghe nhầm đã thương tiếc đăng phân ưu trên báo.

Lúc này, năm 1939, các bạn của cô Lựu, những nhạc sĩ tài hoa, và cũng là các Trưởng, các tráng sinh Hướng Đạo, đã cùng nhau lập nhóm Đồng Vọng để sáng tác những bài hùng sử ca, sinh hoạt ca tươi vui, lành mạnh cho thanh thiếu niên, và một số bản nhạc tình cảm nhẹ nhàng trong sáng. Nhóm gồm có nhạc sĩ Hoàng Quý là trưởng nhóm, và các nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ, em ruột Hoàng Quý), Canh Thân, Phạm Hổ, Văn Cao, Lưu Hữu Phước v.v... Nhân khi dẫn các em hướng đạo sinh đi chơi, cắm trại, các anh đã viết nên những ca khúc lịch sử tuyệt vời cho thanh thiếu niên:

-       “Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa, oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông cùng núi, và sân đá tường rêu trải gan sương cùng mưa... Với tiếng gió Hoa Lư ơi, đứng oai hùng cùng nước non nhà ...” (Bóng Cờ Lau)
-       “...Nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn, bóng cờ bay phất phới
...Khắp nơi cờ vàng, muôn hồn quân Nam...” (Nước Non Lam Sơn)

Đến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Đằng, thì anh em ta vui ca rằng: con sông Bạch Đằng, êm trôi triền miên, có biết đâu bao năm xưa là mồ quân Nguyên, còn ai không nhớ xưa quân nhà Nam, làm cho quân Nguyên hết khoe khoang...” (Trên Sông Bạch Đằng).

Sau này, nhà văn Duyên Anh đã từng viết về Hoàng Quý như sau:

“Có lẽ, tôi là người yêu mến Hoàng Quý nhất. Trong nhiều cuốn truyện viết về tuổi nhỏ của tôi, tiếng kèn ác-mô-ni-ca của thằng Vũ khơi dậy những dòng nhạc kỷ niệm, tiếng hát của thằng Vọng đưa tôi trở lại chiều quê có bao nhiêu người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên... Tình quê nói hết đời mình không hết, nhưng cất giọng hát Chiều quê của Hoàng Quý tưởng đã được vỗ về, an ủi... Riêng tôi dù đã cạn nước mắt, mỗi khi hát Chiều quê của Hoàng Quý, tôi vẫn rơm rớm lệ... Âm nhạc Hoàng Quý có sức truyền cảm mãnh liệt... Yêu mến Hoàng Quý tôi thấy có bổn phận phải nói cho ai chưa biết Hoàng Quý nên biết về một nhạc sĩ tài hoa, trong sạch và lý tưởng. Một nhạc sĩ tâm hồn Hướng Đạo. Một nhạc sĩ mà tuổi trẻ Việt Nam phải làm sống dậy, tôn vinh và nhạc sử phải đặt ông ở một địa vị xứng đáng. Tôi không muốn chỉ có riêng tôi nhắc nhớ Hoàng Quý trong những cuốn truyện của tôi... "

Duyên Anh (Saigon 12-3-1974)

Năm 1940, vì công việc của chồng, họa sĩ lại “tòng phu” sang Pháp, có lúc sống ở Phi Châu. Bà bắt đầu sáng tác mạnh, và đã có nhiều họa phẩm được triển lãm và đoạt các giải thưởng lớn tại Pháp và tại Châu Âu. Bà sở trường về tranh sơn dầu, đặc biệt những họa phẩm về tình mẫu tử, về trẻ nít sinh hoạt vui vầy, như hình ảnh của Bầy Sói Con Trứng Rồng do bà gầy dựng ngày nào. 

Tranh dầu của Lê Thị Lựu

Bức tranh người mẹ miền sơn cước địu con trên lưng là một trong những tác phẩm lớn của bà lúc bấy giờ, tiêu biểu cho phong cách Lê Thị Lựu.

Trong những năm 1948 -1954, hai vợ chồng bà hưởng ứng phong trào toàn dân kháng chiến chống Pháp, đã thôi không làm công chức cho Pháp nữa, mở một cơ sở tranh nho nhỏ để mưu sinh. 

Năm 1956, chồng bà về Bắc Việt giúp công tác ngoại thương ở bộ Thương Nghiệp nhưng đã nhận ra rằng đất không còn lành nữa, nên cánh chim đã không đậu lại, và đành tiếp tục kiếp tha hương trên đất Pháp, trong căn gác nhỏ giữa Paris cùng vợ và các con.

Thời gian này, họa sĩ Lê Thị Lựu bày tranh thường xuyên ở Galerie Le Chapelin, 41 Faubourg Saint Honoré, Paris và được Giải Nhất (Premier Prix) trong kỳ triển lãm tranh tại Salon de l'Union des Femmes Peintres, Sculpteurs et Graveurs, 1959, và được ghi là Thành Viên (Sociétaire). Từ năm 1962, bà làm giáo sư hội họa tại Lycée Corot, Paris, Lycée Rodin Paris và Lycée d'Orsay (ngoại ơ Paris).

Sau khi nghỉ hưu, gia đình bà dọn về vùng Địa Trung Hải. Bà mất năm 1988 với bệnh tim, nhưng đã để lại cho đời những nhân dáng, những phong cách, những sắc màu vô vàn tươi đẹp!

Trần Hoàng Phước Hậu sưu tầm và biên soạn



Họa sĩ Lê Thị Lựu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét