Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Giấc Ngủ Yên Bình

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Đoản văn GIẤC NGỦ YÊN BÌNH, tác giả Lê Nguyễn Hằng (cây viết quen thuộc của diễn đàn NHHN). Nhân ngày giỗ 100 ngày của em dâu Nguyễn Thị Kim oanh, chị Hằng ghi lại những kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp của 2 gia đình chị và em. Xin cám ơn đồng môn Lê Nguyễn Hằng đã chia sẻ.
Trân trọng gới thiệu
NHHN



Hôm nay, Cường cùng ba đứa con và tôi có mặt ở chùa Từ Lâm làm giỗ một trăm ngày cho Kim Oanh, vợ của Cường, người em trai kề tôi. Tuy là chị chồng nhưng tôi chưa bao giờ đối xử với Oanh như em dâu mà lúc nào tôi cũng coi Oanh như một cô em gái.

Gia đình chúng tôi rời Việt Nam sang Mỹ cuối tháng 4 năm 1975, liền đó cậu Cường em tôi đi tù cải tạo một thời gian dài hơn bẩy năm, sau khi ra tù thì em tôi cưới Oanh.

Lần đầu tiên tôi về thăm quê hương và mẹ già bệnh hoạn cũng là lần thứ nhất tôi gặp mặt Oanh, một người đàn bà trẻ xinh xắn và hiền hậu.  Căn nhà chật hẹp, trước đây là cái garage, tôi đã sửa sang lại cho Mẹ tôi và gia đình Cường ở, nhưng nhờ bàn tay vén khéo của cô con dâu nên lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ và tươm tất. Tôi rất mừng là em tôi đã khéo chọn vợ và nghĩ thầm: “Cô em này cao lớn đẫy đà như thế này dĩ nhiên phải khỏe mạnh lắm, chắc mai mốt khi mình già yếu, thế nào cũng nhờ vả được đây.”

Thế rồi năm 1995, gia đình Cậu Cường được qua Mỹ theo diện HO, và từ đó chị em tôi lúc nào cũng ở gần nhau và chăm sóc, đùm bọc nhau. Hai mươi năm xa cách, tình chị em chúng tôi không một phần suy giảm mà còn thân thiết hơn.

Những ngày Lễ, Tết, chị em chúng tôi cùng nhau đi chùa lễ Phật, Oanh thường san sẻ cho tôi những món ăn chay Oanh nấu thật đậm đà ngon miệng.
Ngờ đâu, qua Mỹ mới được vài năm là Oanh lâm bệnh, tôi dẫn Oanh đi bác sĩ, đi nhà thương, đi chữa bệnh, rồi đi mua ngực giả và tóc giả làm đẹp cho cô em. Oanh phải nghỉ việc ở nhà dưỡng bệnh và chăm sóc chồng con.
Sau đó Oanh khỏe được một thời gian hơn mười năm, chị em tôi vẫn tiếp tục chia sẻ với nhau từng miếng ăn ngon, từng bụi ớt cay và từng cây hoa đẹp.

Cuộc sống êm đềm trôi qua, Cường và Oanh đi làm và có một cuộc sống hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, đã có bằng cấp đại học và công việc làm tốt, rồi cháu trai thứ nhì lập gia đình và các em tôi sắp trở thành ông nội, bà nội như hằng mong ước.

Nhưng ngờ đâu căn bệnh quái ác đã trở lại và hành hạ em tôi. Tôi căn dặn Cường và Oanh là bao giờ tôi cũng sẵn sàng chung lo cho Oanh bất kể giờ nào trong ngày, có việc cần là gọi tôi ngay chớ ngần ngại. Tôi thường cùng với Cường đưa Oanh đi bác sĩ, đi nhà thương thường xuyên đến nỗi ông bác sĩ của Oanh thốt lên rằng: “Tôi đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân, nhưng chưa thấy một bà chị chồng nào mà luôn luôn theo khít săn sóc em dâu như bà,” tôi bảo ông ấy rằng: “Tôi không làm ơn mà chỉ làm vì tình thương mà thôi”.Thật vậy, trong lòng tôi thương em ruột mình bao nhiêu, thì tôi cũng phải thương em dâu cho trọn.

Nguyễn Thị Kim Oanh (áo đen) & Lê Nguyễn Hằng

Chỉ có tình thương vô điều kiện của vợ chồng, cha mẹ, anh chị em ruột thịt mới có đủ kiên nhẫn, tận tụy và độ lượng để chăm sóc người thân bị bệnh lâu dài. Thương cảm cho sự đau đớn, bệnh tật của Oanh và xót xa cho sự lo lắng, cực nhọc của Cường, mỗi tuần tôi nấu vài món ăn đem qua vì Oanh không chịu được mùi xào nấu và cho Cường đỡ vất vả ngược xuôi.

Hôm bệnh Oanh trở nặng, tôi đã gọi 911 và cùng Cường theo Oanh vào nhà thương. Hai chị em tôi đã ở tại nhà thương với Oanh trong những ngày cuối cùng và Oanh đã rất bình tĩnh và thanh thản khi ra đi. Oanh rời bỏ cuộc đời ngày 8 tháng 3, trùng với ngày vợ chồng con cái đặt chân lên đất Mỹ đúng 22 năm trước đây. Mọi sự ba đứa con đã lo đầy đủ đúng theo ý của mẹ. Tro cốt của Oanh được giữ trong một cái hộc trên tường trong khu nghĩa trang Oak Hill, ngay gần một con suối nhỏ, ở vườn hoa gần cổng đi vào, nơi đó Oanh có thể hưởng được trăng thanh gió mát và mùi hương thoang thoảng của những bụi hoa xung quanh.

Khi con gái của chúng tôi lâm trọng bệnh, Cường và Oanh đã giúp tôi chăm sóc cho cháu mà không nề hà vất vả, dơ hay sạch. Oanh thường nói: “Em đã bệnh và đã qua cái cầu đó nên rất thông cảm và thương xót những người đồng cảnh ngộ”,  câu nói này làm tôi rơi nước mắt. Vợ chồng tôi rất cảm kích và không bao giờ quên những ngày tháng và ân tình đó.

Từ hôm Oanh mất, mỗi tuần hai lần Cường đến thăm vợ với một bó hoa tươi. Tôi thầm bảo: “Oanh tuy bất hạnh bị bệnh tật ốm đau, nhưng để đền bù lại, Oanh rất may mắn có một người chồng chung thủy thương yêu và ba đứa con hiếu thảo, chúng lo cho cha mẹ thật đầy đủ vuông tròn”.

Tôi với tay thắp thêm một nén nhang cắm vào lư hương. Trước bàn thờ hương khói nghi ngút, hình của Oanh lung linh ẩn hiện, khuôn mặt hiền hậu, mái tóc cắt cao, cổ đeo sợi dây chuyền vàng có tượng Phật Bà Quan Âm bằng cẩm thạch, nụ cười dịu dàng như nhủ thầm: “Chị cứ yên tâm. Mọi người hãy mừng là em đã trả hết nợ nần nghiệp chướng kiếp này rồi!”

Bây giờ Oanh đã đi về một nơi tốt đẹp hơn chỗ chúng ta đang sống. Em tôi không còn phải chịu đau đớn vì bệnh tật, lo âu vì kết quả của những lần thử nghiệm, em tôi đang thênh thang trong vùng trời bình yên, không lo lắng muộn phiền.
Thôi ngủ yên Oanh nhé!

Lê Nguyễn Hằng
Tưởng nhớ em tôi, Nguyễn Thị Kim Oanh

18 tháng 6 năm 2017

NHHN đến thăm viếng và tiễn đưa chị Nguyễn Thị Kim Oanh đến nơi an nghỉ ngàn thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét