Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Hồi ký HỌC LỚP ĐỆ TAM C Ở TRƯỜNG NGUYỄN HUỆ TUY HÒA, tác giả Huyền Chiêu.
Sau khi NHHN giới thiệu bài Cảm Xúc Tuy Hòa, được rất nhiều Thầy Cô, Đồng Môn và Thân Hữu nồng nhiệt vào xem và hết lời khen ngợi.
Cũng như bài trước, tác giả ghi lại hình ảnh, kỷ niệm êm đẹp được khắc ghi trong tâm khảm thời trung học dưới mái trường Nguyễn Huệ thân yêu.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Huyền Chiêu
Viết tặng Phan Thị Bình Minh
Trời hồng hồng sáng trong
trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài
song
Cánh mềm mềm gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu
duyên (*)
Mỗi lần sắp đến ngày nghỉ hè
không khí trong trường rạo rực khó tả và những ngày cuối cùng của niên học bổng
trở nên đẹp lạ lùng.
Các thầy đến lớp nhưng làm lơ
không bắt viết bài, làm bài. Giờ ra chơi, ông cai lười đánh kẻng vào lớp. Còn
gì thần tiên hơn đến trường chỉ để nhìn mấy bông hoa phượng rơi trên sân
trường, chỉ để nôn nao chia tay nhau
trong vui buồn lẫn lộn.
Mấy chàng trai kéo nhau hàng
năm hàng ba đi vòng vòng trong sân trường như để tìm ai đó. Một vài bạn mua sẵn
tập lưu bút. Được viết lưu bút ai cũng cảm động và ráng suy nghĩ cho ra những
lời lẽ tình cảm nhất. Chỉ ba tháng hè mà
như ngàn trùng xa cách.
Những tấm hình cũng được trao
nhau vội vàng với một chút e thẹn vì những lời gửi gấm ở mặt sau.
Hè năm đệ tứ đối với tôi còn
hoang mang hơn nữa. Đây là năm cuối cùng chúng tôi ngồi chung lớp. Niên học mới chúng tôi sẽ vào đệ tam phân ban
và chẳng biết ai còn ngồi chung với ai.
Tôi chọn ban C.
Năm ấy trường Nguyễn Huệ lần đầu mở lớp đệ Tam
C, ban Anh Văn và ban Pháp Văn học chung.
Gặp lại nhau sau ba tháng hè,
chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy bạn mình thay đổi quá nhiều và chắc mình cũng
thế.
Tuổi 15,16 lớn nhanh như có
phép lạ. Chúng tôi đi đứng khép nép hơn và tự biết mình không còn là một đứa
bé.
Việc học cũng có nhiều thay
đổi.
Trước nhất là học trò đệ tam
C phải học thêm sinh ngữ thứ hai. Sinh
ngữ chính là Anh văn và chúng tôi được bắt đầu học Pháp văn với thầy Nguyễn Thúc Tâm.
Trong cuộc đời đi học, tôi
chưa thấy thầy giáo nào hiền với học trò như thầy Tâm.
Thầy dịu dàng, trìu mến với
chúng tôi như ông đối với cháu.
Thầy giảng "danh từ
tiếng Pháp có giống đực và giống cái". Khổ!!! Làm sao nhớ hết đứa nào đực
đứa nào cái? Thầy an ủi học lâu sẽ quen.
May mà tôi rất thích cách
phát âm tiếng Pháp và tiếng Pháp cũng gần gủi tiếng Việt lắm nhất là trong các
bộ phận của chiếc xe đạp. Cái ghi đông, cái líp, sợi dây sên, cái bọt ba ga,
cái pê đan, cái gạt đờ bu, cái bù lon… học rồi mới biết nó từ tiếng Pháp chứ
không phải tiếng… Cao Miên.
Lớp chỉ khoảng ba mươi học
sinh và khi chia ra để vào giờ Anh văn, lớp chỉ còn hơn mười học trò.
Thầy Tôn Thất Quế dạy Anh Văn
Được học tiếng Anh với thầy
Tôn Thất Quế chúng tôi rất vinh dự vì thầy nổi tiếng dạy hay. Khác với giờ
tiếng Anh ở đệ nhất cấp, học trò chỉ được học những sách giáo khoa của Mỹ với
nhân vật là Tom có cha làm ở một
Insurance Company và mẹ là một nurse làm việc parttime trong một local
hospital, thầy Quế dạy chúng tôi một chương trình hoàn toàn về văn chương Anh.
Nhờ thầy, chúng tôi biết về Hoàng Gia Anh về khối thịnh vượng chung. Chúng tôi
được làm quen với truyện ngắn của Somerset Maugham, đoản văn của Charles Dicken
và lần đầu biết đến tác phẩm Wuthering
Heights của Emily Bronte.
Thầy thật thông thái, uyên
bác, nhẹ nhàng và nghiêm nghị như một
gentleman.
Một hôm bỗng thầy vui vẻ dạy
chúng tôi hát một bài hát tiếng Anh.
Tôi vẫn nhớ mãi đó là bài
Summertime.
“Summertime, and the living
is easy.
Fish are jumping and the
cotton is high
Oh your dad is rich and your
mom is good-looking.
So hush! little baby. Don’t
you cry”.
Thầy giảng đây là bài hát ru
em của các bà vú da đen hát ru con ông chủ da trắng trong các đồn điền bông vải
ở miền Nam
nước Mỹ. Bà nói rằng mẹ em đẹp, cha em giàu, cuộc sống đang dễ dàng vì giá cô
tông đang cao, vậy em hãy ngủ ngoan.
Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ là
những đứa học trò nhỏ bé và quê mùa có
biết gì về văn chương chữ nghĩa. Tiếng Việt và kiến thức xã hội chúng tôi còn
kém cõi huống gì tiếng Anh. Vậy mà bằng tình thương yêu học trò sâu sắc thầy
Quế đã truyền đến cho chúng tôi lượng kiến thức về văn chương Anh đầy cảm xúc.
Thật cảm động khi gần cuối
năm học thầy tự đi mời một ông thợ chụp hình đến chụp hình lớp học trong sân
ngôi trường Nguyễn Huệ cũ. Nhờ vậy, tôi còn giữ được những hình ảnh về người
thầy tôi rất kính yêu và nhớ ơn.
Môn Việt Văn chúng tôi được
học với một thầy giáo vừa ra trường rất
trẻ. Thầy Phạm Văn Minh.
Thầy Phan Văn Minh dạy Việt Văn
Thầy Minh đã đem không khí
“Lãng Mạn” đến với những học trò chọn cho mình ban văn chương.
“lãng mạn là sóng tràn bờ”, thầy
giải thích. Chúng tôi trố mắt, vảnh tai nghe những điều mới lạ từ chữ nghĩa.
Thầy giúp chúng tôi làm quen với không gian đầy chất thơ văn. Nhờ thầy hướng
dẫn, chúng tôi đọc Mai Thảo với truyện
ngắn “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời”, rồi “Lục Bát” của Hoài Khanh, “Mưa
Nguồn” của Bùi Giáng. “Bông Hồng Cài Áo” của Nhất Hạnh…
Năm học đệ tam C ở trường
Nguyễn Huệ các thầy đã đã mở ra cho chúng tôi một cánh cửa đầy hoa thơm cỏ lạ của văn
chương.
Năm học này tôi cũng may mắn
được có một người bạn mà tôi luôn yêu quý. Tên bạn ấy là Phan Thị Bình Minh.
Phan Thị Bình Minh
Ban đầu chúng tôi thường trò
chuyện về chuyện Xi Nê. Chúng tôi cùng thích phim nói tiếng Pháp, thích bàn về
các nhân vật trong phim “Cuốn Theo Chiều Gió”, “Kỳ Nghỉ Hè Ở Roma”, “Les
Dimanches De Ville D’Avray”… Bình Minh thẳng thắn và hài hước. Tôi nhút nhát và
yếu đuối, tôi luôn khâm phục và luôn muốn ở bên cạnh một người bạn mạnh mẽ như
Bình Minh.
Thật may mắn cho tôi được học
lớp đệ tam C ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa.
Sau này tôi được biết thầy
Tôn Thất Quế là môt nhà văn có bút hiệu là Nhương Sao. Thầy có truyện ngắn đăng
ở tạp chí MAI do ông Hoàng Minh Tuynh chủ biên và dịch giả nổi tiếng Bửu Ý làm
tổng thư ký (1963-1967).
Thầy Phạm Văn Minh chính là
nhà văn Quán Như.
Vừa rồi họa sĩ Thân Trọng
Minh bạn tôi, đi Úc về cho tôi biết Thầy Quán Như vẫn khỏe và chuyên nghiên cứu
về Phật Giáo. Những tác phẩm đã xuất bản của thầy gồm:
Schumacher Và Tuyên Ngôn Kinh
Tế Phật Giáo
Thiền Luận Vấn Đáp
Thiền Trong Đời Thường
Thiền Quán Nghệ Thuật Sống
Thiền Là Gì
Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học
Thiền Từ Niệm Xứ.
……………………….
Và hiện tôi đang đọc “Cơ
Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm” tác
phẩm mới nhất của tác giả Quán Như Phạm Văn Minh.
Thầy Nguyễn Thúc Tâm đã qua
đời, thầy Tôn Thất Quế đang ở Mỹ, thầy Phạm Văn Minh đang ở Úc, Bình Minh đang
ở Đức. Thật xa xôi.
Cám ơn một năm học thật vui,
thật chất lượng và thật “lãng mạn”
Huyền Chiêu
Tháng 6 2017
(*) Hè Về - Hùng Lân
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị thưởng thức
nhạc phẩm CHIỀU TÀ (Serenata). Ca sĩ Thu vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét