Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng ôn và quý Thân Hữu
Bài viết NHỮNG GÌ THƯƠNG THƯƠNG ẤY của đồng môn Trần Hoàng Phước Hậu, tác giả thuộc thế hệ đàn em "sinh sau đẻ muộn" nhưng "tuổi trẻ tài cao". Mặc dù chỉ học tại trường Nguyễn Huệ một năm (lớp 12 - Khóa 76) nhưng anh đã đem hết khả năng của mình phục vụ Nguyễn Huệ. Không những dấn thân đảm nhận phần hành kỹ thuật và Facebook NHHN, anh còn thường xuyên đóng góp thơ , văn, tạo cho diễn đàn thêm nhiều mầu sắc, phong phú và sôi động. Xin cám ơn tấm lòng và sự nhiệt tình của đồng môn Trần Hoàng Phước Hậu
Trân trọng giới thiệu
NHHN
Có
những ngẫu nhiên làm cho mình nhớ mãi và cũng có những tình cờ không thể nào quên,
những hạnh ngộ bất ngờ vun lên đầy ắp những kỷ niệm... Đôi khi những kỷ niệm là
của người, mình chưa một lần hiện diện trong ấy, nhưng vẫn thấy quen quen, đó là
những kỷ niệm (gần như của chung) thời học trò... Áo trắng thơ ngây và những bước
chân gõ guốc mộc.
Thật
vậy, Tình cờ như trái táo rơi xuống đầu nhà bác học Newton, trái táo có thể đã
nứt ra hay vỡ tan từng mảnh, nhưng từ đó ngài đã phát minh một định luật lẫy lừng,
"Vạn Vật Hấp Dẫn". Đó là chuyện tình cờ của những vĩ nhân. Còn chúng
ta, không thể so sánh với các vĩ nhân, vì chúng quá nhỏ bé, hãy nói đến cái tình
cờ bé nhỏ của ta ơi! và nó cũng đã cho ta ít nhiều niềm vui trong cuộc sống này.
Khi
tham gia vào gia đình be bé của diễn đàn Nguyễn Huệ Hải Ngoại, tình cờ mà tui
biết được những "nhà văn bé nhỏ" của diễn đàn này. Trong bài này, tui
xin mạn phép nhắc đến các nàng "Lớp 9A" thuở nào, đã từng quậy tung bụi
đường đến trường Nguyễn Huệ dấu yêu! Từng "hùn nhau" bỏ cát vào bình
xăng của xe thầy... Đã từng làm "hiệu trưởng", "giáo sư" khi
còn là lứa tuổi học sinh, và đã từng... ôi nhiều thứ lắm, nghịch ngợm và dễ thương
của chốn học trò...!
Nhắc
đến các nàng của thời xa xưa ấy, tui mường tượng: Nếu ngày ấy tui có muốn "lén
phén - mon men" đến lớp này thì chắc đã "bị loại ngay vòng gửi
xe"(!). "Chằng" như thế mà ai chịu nổi?
Nhưng
thú thật, các nàng nghịch nhưng viết văn thì không nghịch chút nào. Tui cũng đã
rất không "tình cờ" đọc được những đoạn văn ngắn - dài của các nàng
tiêu biểu cho 9A (thuở trước), xin giới thiệu từng người một nhé - Từ từ... "chầm
chậm xuống hàng."
Nghĩa Đặng
Nghĩa Đặng: Cô học trò thân
nhỏ nhắn, xinh xắn, xưa tuổi trẻ tài cao, làm "hiệu trưởng" khi còn đang
làm học trò, ký cả "sắc lệnh" cho cả chục "giáo sư" đi họp
nơi "cuối trời quên lãng", để rồi khi quay lại trường thì bị đòn cả đám...
Tui chưa được hân hạnh đọc một bài văn dài của Nghĩa Đặng nhưng có đọc nhiều lời
bình ngăn ngắn (Comments) trên FaceBook. Lời văn gãy gọn, nhẹ nhàng, nhưng không
kém phần sâu sắc, làm cho độc giả (như tui) phải cảm phục sự cô đọng văn chương
tài tình của tác giả, đâu cần "dài dòng văn tự" mà Nghĩa Đặng vẫn có
thể cho ta cảm nhận được những suy nghĩ tuyệt vời trên vài câu văn ngắn gọn:
"Yêu và được yêu là cảm giác tuyệt vời. Một khi ta yêu mà người
đâu có hay, có trắc trở một tí lại là căn cớ để có những bài thơ tình muôn thuở.
Cách hồi tưởng ở đây nó mãnh liệt chết người, nó hụt hẫng chơi vơi
rồi "giăng theo sợi nhớ" trói lòng trói dạ người ta. Và cô đơn để
"sỏi đá ngậm ngùi" cho"một khung đời cay đắng" đến nao
lòng.
Người đi rồi" cuộc đời ta bỗng tự vỡ làm hai". Câu thơ rơi như một tiếng
vỡ của trái tim thủy tinh. Ta không chết, bởi chết là hết. Ta chọn vỡ để khi gặp
lại nhau thì ta sẽ tự ráp lại. Và ta nguyên vẹn. Ôi tình yêu là gì mà khiến cho
người ta có khả năng biến hóa như Tề Thiên Đại Thánh!..." (Nghĩa Đặng - lời bình bài thơ Hồi
Tưởng của THPH).
Quang Đặng: Lanh lợi và sâu
sắc đã khiến cho cô học trò "ngạo mạn - nhìn đời bằng hai mảnh ve
chai", là "giáo sư quân sư" hay nói đúng hơn là "hiệu trưởng
sư" của "hiệu trưởng" Nghĩa Đặng cho những lần nghịch phá (dễ thương);
ví dụ: phát minh ra cách dùng "năng lượng cát" thay xăng cho xe của
thầy(!)... Văn của Quang Đặng có thể diễn tả những nỗi đau, nỗi nhớ, những cảm
xúc thiết tha... và vẫn có thể chứa đựng cái khôi hài dễ mến cùng một lúc. Nhưng
tiếng "ƠI" của Quang Đặng đã bay xa một cách ngọt ngào..., Áo Dài Ơi: cho ta thấy một sân trường áo
trắng, hay con đường tà trắng vờn bay theo tiếng guốc, một dịu dàng hãnh diện của
thời làm học trò "mắt ướt môi tươi". Xe Đạp Ơi: Cho ta nhìn những vòng xe như vòng đời lăn tròn trên khúc
đường gập gềnh sỏi đá mang cả những dấu tích buồn - vui...
"...Mình đang đi dạo ở một nơi vốn
trước đây là rừng nguyên sinh. Chiều nay sao lá rụng thật nhiều. Có khi rơi xào
xạc thành từng đám, có khi chỉ vài chiếc lạc loài. Mình để ý, dù rơi nghiêng
hay chao đảo, mọi chiếc lá lìa cành rồi cũng rụng đầy quanh cây. Nhìn lá rơi,
mình lại nghĩ đến chuyện về cội của ông Dương và Trịnh, của những người mình
từng gặp, từng có và đã mất. Mọi sự trở về dù bằng hình hài hay bằng tâm tưởng,
cuối cùng cũng chỉ tụ về một điểm là CỘI mà thôi..." (Quang Đặng -
Muôn Nẻo Đường Về)
Và
như gửi gắm tâm tư mình vào tuổi học trò hôm nay hay ngày tới, bằng những gì rất
"thực tế", Quang Đặng bày tỏ:
"...Không
thể so sánh tuổi mới lớn ngày xưa với tuổi mới lớn bây giờ. Các em có nhiều thứ
trước đây chúng tôi chưa từng có: lớn lên trong thời buổi không có chiến tranh,
công nghệ thông tin hiện đại, điều kiện học tập tốt… Không chừng các em còn
giễu cợt, thời của mấy người lớn sao cổ lỗ sĩ, we we, pun we (Quê quá! Buồn
quá!). Bù lại chúng tôi có một thứ mà phụ huynh hôm nay luôn khao khát cho con
em mình: lớp học không có bóng dáng bạo lực. Tôi e ngại những tà áo trắng đã
nhuốm màu tội ác, mỗi khi nghĩ về bạn, về trường chỉ còn là nỗi ân hận, ám ảnh
suốt đời. Còn chúng tôi 20 năm, 30 năm hay hơn thế nữa nhưng khi nhớ về bạn cũ
trường cũ đều trìu mến thốt lên: thương
lắm áo dài ơi!". (Quang Đặng - Áo Dài Ơi).
Lê Mỹ Hoa
Mỹ-Hoa Lê: Không biết có phải
là một trong chục vị "giáo sư mỹ miều khả ái" của "hiệu trưởng"
Nghĩa Đặng hay không? Nhưng chắc cũng "same same" như Quang Đặng. Trán
thì không "dồ" lắm mà sao cứ để tóc phủ đến tận mày tận mi? Tui
"tình cờ" hân hạnh được gặp Mỹ Hoa trong chuyến Mỹ Du của nàng vừa
qua. Văn của Mỹ Hoa có vẻ thiên về tả cảnh, cũng dí dỏm vui tươi và nhiều khi:
"người buồn cảnh có vui đâu gao giờ?".
Hãy nghe Mỹ Hoa tả về cảnh Thung Lũng Hoa Vàng khi vừa tới xứ Cờ Hoa. Với
"Mười Bảy Dặm Đường Tình" (Seventeen Mile Drive) hun hút yêu
thương, bờ biển vương mang hơi lành lạnh của miền ôn đới cuối xuân, rõ trên bãi
cát vàng trước gió cho ta thấy "Hoa
một bên và biển một bên" ... và cây thông cô đơn vài trăm tuổi đứng cạnh
nàng. Và ta cũng thấy một nơi thanh bình mang dáng cao sang - bình dị, không
khoe khoang ồn ào - khua vỡ, nhưng bên trong chứa đựng một tiềm năng của cuộc sống
lâu dài.
"... Ngày thứ ba hành
trình đầu tiên đi xa "mười bảy dặm
đường tình" bên bờ biển Monterey, thoạt nhìn bờ biển hoang vắng không
cuốn hút như miền nhiệt đới biển xanh cát trắng nắng vàng, nhưng mỗi dặm đường
tình mỗi thích thú, không ai muốn dừng lại càng đi sâu thiên nhiên càng quyến
rũ đến mê đắm lòng người; những cây thông già rêu phong xanh ngát những căn
biệt thự thấp thoáng chen lẫn bên cây bách cây tùng, như trong truyện cổ
tích mỗi nhà mỗi vẻ trải dài trên con đường độc đạo quanh co, minh chứng cho
một thành phố lâu đời ngủ sâu trong rừng bên dưới bờ biển tuyệt đẹp chỉ để ngắm
mỗi khi bình mình lên hay hoàng hôn buông xuống của người giàu khi tuổi đời
không còn trẻ, thích sống với bình yên lặng lẽ xa chốn phồn hoa huyên
náo..." (Lê Mỹ Hoa - Thung Lũng
Hoa Vàng).
Minh-Vui Võ
Minh-Vui Võ: Tui không chút
tình cờ đặt cho cái biệt hiệu dễ thương: Sư Tỷ Điệu, và cũng chẳng tình cờ mà sư
tỷ đặt cho tui cái biệt danh mới cáo cạnh: Diễm Xưa. Có thể ngày xưa Sư Tỷ Điệu
cũng quậy phá rộn cả "Túp Lều Lý Tưởng" của lớp 9A(?). Nhớ rằng: Hôm
trình làng về phát minh "năng lượng sạch - cát", Minh-Vui Võ không có
ở sân trường để cùng bạn bè thử nghiệm, nhưng có thể là Vui Võ (thời ấy) đã biết
dùng "Remote Control" (cách không điểm huyệt) để điều khiển cuộc thử
nghiệm "thành công mỹ mãn"... Lời văn của Minh-Vui Võ rất bình dị rất
dễ lan nhẹ nhàng vào hồn độc giả.
"... không gian chìm lắng trong mơ...
" thuở xa xưa đó được nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác qua bài "Tiếng Hát Học
Trò" cách đây... hơn nữa thế kỷ - không còn nữa.
"Lời ca vang lên... gác nhỏ..
Thoáng đưa êm đềm trong ngõ..."
Vẫn lời bài hát đó, nhưng sự êm đềm, tiếng
nhạc du dương nhẹ đưa theo gió thoảng giờ đây được thay bằng nhip điệu
"cha cha cha", "twist", qua các bài "Đêm Đô Thị",
"Người Yêu Lý Tưởng". Thầy cô và cựu học sinh được dịp dancing vui
nhộn như trong buổi dạ vũ (Prom) của "High School" hay
"College". Và tình tứ hơn, khi dàn nhạc chuyền sang nhịp chậm. Từng
cặp dìu nhau ra sàn nhảy, điệu "waltz" - cổ điển, quí phái, điệu
"tango" - lãng mạn, lả lướt, đưa mọi người trở về những thập niên
trước đây (khi bộ môn khiêu vũ được xem là một thưởng ngoạn nghệ thuật làm mê
đắm những người yêu thích khiêu vũ như hai đêm nay).
Tôi không nhớ mình đã làm gì trong hai đêm đại
hội, lòng vui phơi phới, bước chân nhẹ bỗng như đi trên mây...)" (Minh-Vui
Võ - Nguyễn Huệ Ơi - Dư Âm Và Kỷ Niệm).
Không
phải viết để vinh danh ai, vì có gì to lớn đâu mà lị? Tui chỉ muốn nhắc đến những
kỷ niệm rất đơn sơ nhưng rất "tuyệt vời - đáng nhớ" của những đồng môn
Nguyễn Huệ mà tui "tình cờ" biết qua. Những kỷ niệm ấy, giờ đây, chính
là những ủi an cho cuộc sống trong nhau, cũng là tâm tư gửi đến cho tuổi trẻ hiện
thời... Mơ ước sẽ có một ngày các "giáo sư" và "hiệu trưởng"
của ngày thơ (dù giờ tóc đã phai màu!), với những tà áo trắng thấp thoáng dưới
mái hiên trường cũ thân yêu, và tui sẽ không ngần ngại gọi to lên: Hỡi Lớp 9A Ơi!...
Trần Hoàng Phước
Hậu - June 2017.
Tặng
cho tất cả các đồng môn 9A thời ấy.
(Cám
ơn Quang Đặng, nhờ những bài viết của QĐ mà mình có những "dữ kiện xưa hiếm
quý" để viết lên bài này).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét