Sau bữa cơm chiều tôi thong
thả ngồi xuống ghế sofa xem lại mấy tờ báo vừa mới xin lúc sáng ở văn phòng bác
sĩ.
Tôi thoáng thấy tờ tuấn báo Sống
Mới số 784 ngày 17-3-2017. Tuy báo đã cũ nhưng hình cô người mẫu đăng ngoài
trang bìa xinh đẹp, tôi ôm về luôn, khi nào rỗi rảnh vào xem cho vui.
Tờ tuần báo này xem cũng được
lắm, nhiều bài vở hay, tin tức nóng bỏng, trung thực, hấp dẫn. Cứ thế, tôi xem
hết mục này đến mục khác. Bỗng tôi dừng lại ở một tựa bài "Ba Người Đàn Bà
Tuổi Dậu", tác giả Lê Nguyễn Hằng. Bài này chị Hằng có gởi đăng trong diễn
đàn Nguyễn Huệ Hải Ngoại vào dịp tết Đinh Dậu và tôi cũng đã đọc qua.
Tôi vội cầm tờ báo chạy thẳng
vào phòng làm việc của ông nhà tôi nói lớn: "Ba ơi! (tôi vẫn gọi ông nhà
tôi là "ba", gọi theo các con), bài của chị Hằng được đăng báo
nè". Nhà tôi mải mê lo làm việc nên trả lời ngắn gọn: "ừ! anh biết rồi".
Tôi chìa tờ báo ra trước mắt anh và chỉ vào tên tác giả Lê Nguyễn Hằng nói:
"đây này, chị Hằng hội mình chứ còn ai nữa". Thấy tôi rộn ràng, anh nói:
"anh đã xem rồi, em ra ngoài để anh làm việc".
Tôi lịch sự khép nhẹ cửa
phòng, trả lại không gian yên tĩnh cho anh làm việc. Mặc dù bị "đuổi" ra khỏi
phòng nhưng trong lòng không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào hãnh diện. Ồ! trường
Nguyễn Huệ mình sao nhiều nhân tài thế nhỉ. Nào Lê Thị Hoài Niệm, Lê Nguyễn Hằng, Hoài Hương Nguyễn Thị Thọ, Trần Hoàng Phước Hậu, Hoài Võ, Lương Lệ Huyền Chiêu, Quang Đặng, Lê Mỹ Hoa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức
Giang, thầy Trần Công Tín, thầy Mang Viên Long, thầy Nguyễn Đình Quỹ, cô Hoàng Hương Trang, cô Nguyễn
Tuyết Lộc v.v... Toàn những văn thi sĩ tài hoa, bảo sao tôi không hãnh diện cho
được...
Đang hân hoan vui mừng thì
chuông điện thoại reo vang, tôi vừa "Hello" thì tiếng cô Diệu Phương,
phu nhân thầy Nguyễn Khoa Đằng, cựu giáo sư trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên.
Cô Phương nói giọng Huế nhỏ nhẹ, ngọt ngào dễ nghe lắm:
- Nì, rứa ngày mai Phước có
đi hội già không?
Tôi trả lời
- Dạ thưa cô tụi con có đi,
Thầy cô cũng đi chứ ạ. Mỗi tuần chỉ có hai ngày mà cô. Không đi là mất quyền lợi,
uổng lắm.
- Ừ! mình cũng đi cho vui, mà
sao dạo này cũng thấy làm biếng quá Phước ơi, không còn hào hứng như khi xưa nữa.
Thầy cô không cảm thấy hào hứng
cũng đúng thôi. Này nhé: buổi sáng thầy cô đi bộ một tiếng đồng hồ, chiều đi vô
gym tập bơi lôi, nhảy nhót dưới nước rồi tắm hơi, tắm nước nóng nước lạnh đủ "bộ sậu" khoảng vài tiếng mới về đến nhà, còn sức đâu nữa mà khiêu với
vũ...
Canada
Chuyện đi khiêu vũ (nhảy đầm)
"tội lỗi" này cũng do tôi mà ra. Tôi đầu têu "dụ dỗ", rủ
ren thầy cô gia nhập hội cao niên, rồi học khiêu vũ, sau đó thầy trò
"mê" luôn môn nghệ thuật này vì thấy vui quá, hữu ích quá. Sau mỗi lần
sinh hoạt "hội già" về là tôi thấy đói nên ăn thật ngon, ngủ một giấc thật
sâu, thật dài cho tới sáng. Có khi ngủ mà còn nằm mơ đang nhảy đầm cùng mấy bạn
bè nữa chứ. Cứ thế niềm vui kéo dài theo ngày tháng, thoáng chốc đã trên 15 năm
rồi.
Thầy trò chúng tôi là khách
thường trực của ba vũ trường lớn ở San Jose này: L'amour, Lido và Minalo. Hầu
như mỗi tuần chia ra đi cả ba nơi, mê lắm quí vị ạ. Mà vui thật, rất hấp dẫn,
dưới ánh đèn mầu mờ ảo, những tà áo thướt tha lả lướt trên sàn nhảy hòa cùng
cung đàn, tiếng nhạc. Ôi! lãng mạn làm sao!!!
Lào
Nói về thầy cô Nguyễn Khoa Đằng
& Diệu Phương ở thung lũng hoa vàng này rất nhiều người biết đến, nhất là
trong giới cựu học sinh Nguyễn Huệ và cựu học sinh liên trường Phú Yên. Bởi lẽ
thầy cô hầu như có mặt thường xuyên mỗi khi gia đình Nguyễn Huệ tổ chức sinh hoạt,
hội họp cũng như thầy cô Ngô Càng Phương vậy. Thầy trò rất gắn bó kể từ khi định
cư tại San Jose đến nay.
Kính thưa quí vị, mong quí vị
thứ lỗi, không phải tôi cố tình "lăng xê" hay "đánh bóng"
tên tuổi của quí thầy cô của trường Nguyễn Huệ chúng tôi đâu mà chủ đích của
tôi là muốn tất cả đồng môn của trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên trên toàn thế
giới hiểu và lưu tâm đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường nhật của quí thầy
cô trường mình. Quí thầy cô nay tuổi hạc đã qua bát tuần (80). Tuy nói rẳng sức
khỏe dẻo dai, bền bỉ nhưng âu đó cũng là một cách nói về sức khỏe của tuổi già,
làm sao tránh được cảnh nay đau mai yếu, mắt mờ, chân chậm để quí thầy cô kính
yêu của chúng ta trong tuổi xế chiều được phần nào an ủi, vui tươi trong cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Đó là điều chúng ta nên vui mừng...
Malaysia
Từ ngày thầy trò chúng tôi
gia nhập vào hội Người Việt Cao Niên Roosevelt ở San Jose mà thường gọi là
"hội già". Mỗi tuần hai ngày có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự, trao đổi
tin tức hữu ích trong cuộc sống, cùng nhau ca hát, khiêu vũ v.v... làm cho mình
cảm thấy mạnh khỏe, trẻ trung yêu đời và quên đi tuổi "thật" của
mình.
Mấy năm gần đây, ngoài việc
sinh hoạt với học trò, với hội cao niên thầy cô Nguyễn Khoa Đằng còn lui tới chốn
thiền môn, sớm kinh chiều kệ, cùng với đạo hữu du lịch đó đây, thăm viếng, hành
hương nhiều đền, chùa nổi tiếng trên thế giới như ở Ấn Độ, Canada, Lào, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Washington DC... Phải công nhận thầy cô có sức khỏe khá tốt cũng giống như thầy Nguyễn Đức Giang vậy. Thật đáng ngưỡng mộ.
Myanmar
Trở về câu chuyện Niềm Vui Tuổi
Già, tôi xin ghi lại một số lời nhắn nhủ (sưu tầm trong internet) như sau:
- Cuộc sống tuổi già thật đa
dạng, nhiều mầu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn hoặc tham dự
vào những sinh hoạt trong các hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những
điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gỡ bạn bè và người thân vì
không còn nhiều thời gian nữa.
- Một người lớn tuổi, sống cô
đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi
đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt
nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói hay nghĩ "Tôi già rồi,
tôi không giúp ích được cho ai nữa". Đừng nói những lời hay những tư tưởng
có ý tuyệt vọng.
Nhật Bản
- Người già chỉ sảng khoái
khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể
biên toa cho ta mua được.
- Ở tuổi (già) hiện tại,
chúng ta đừng nghĩ đến đồng tiền, đừng nghĩ đến giàu hay nghèo nữa và cũng đừng
than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại
sao giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền. Có những thứ hiện
đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người
phối ngẫu của chúng ta.
Singapore
Tóm lại, những năm còn lại
trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái vì
qua một ngày chúng ta đã mất một ngày. Niềm vui do chính mình tạo ra và niềm
vui đó ẩn chứa ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
San Jose, tháng 6 năm 2017
Hoàng Thanh Phước
Hoàng Thanh Phước
Thái Lan
Việt Nam
Washington DC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét