Hình minh họa (internet)
BÀ MẸ VỢ
Nguyễn Thị Thanh Dương
Steve đi làm về, vừa thay
quần áo xong là Linh kéo tay anh ngồi xuống giường:
- Em muốn nói với anh một
chuyện nghiêm chỉnh nè.
Steve vòng tay qua ôm và
hôn vợ, làm Linh dãy nảy lên:
- Trời ơi, em đã nói là
chuyện nghiêm chỉnh mà.
Steve cãi:
- Anh hôn em, hôn vợ đâu
phải là chuyện đùa.
- Thôi được, nghe em hỏi
đây: Anh có muốn con mình bị cảm lạnh không? Không chứ gì! Anh có muốn con
mình bị sưng phổi không? Không chứ gì! Anh có muốn con mình bị mất ăn, mất ngủ
không? Cũng không chứ gì?
Steve kêu lên kinh ngạc:
- Em hôm nay làm sao thế?
Em hỏi anh một tràng những câu hỏi khủng khiếp rồi em tự ý trả lời, không chừa
cho anh có cơ hội nói một chữ nào.
- Em biết chắc anh sẽ trả
lời không nên em trả lời giùm anh luôn cho nhanh. Nghe em hỏi tiếp đây, anh
có biết là chị Hai em mới bảo lãnh mẹ em qua Mỹ được vài tháng nay không? Biết
chứ gì? Anh có biết là mẹ đang ở với gia đình chị Hai ở California không? Biết
chứ gì?
Steve lại kêu trời:
- Em nói những chuyện
lung tung, chẳng liên quan gì đến nhau cả.
- Có liên quan đây. Em
định bàn với anh là mời mẹ về ở chung với chúng mình, để mẹ trông thằng Eugene,
khỏi phải mỗi buổi sáng bồng bế nó đi Day Care. Tội nghiệp!
Steve tròn mắt lên:
- Có nghĩa là mẹ em sẽ ở
đây dài lâu?
Linh hạ giọng, dịu dàng
để Steve cảm động:
- Mẹ sẽ giúp mình được
nhiều việc. Anh thấy rồi đó, con mình mới có 9 tháng tuổi mà nay bị cảm, mai bị
hỏ. Mỗi sáng sớm xách con ra xe đem đi gởi mà em đau lòng quá. Có mẹ ở đây,
Eugene sẽ yên ấm ở nhà, sẽ ăn no ngủ kỹ, ngoài ra, mẹ còn trông nom nhà cửa,
nấu nướng phụ em được nữa.
Steve ngạc nhiên:
- Có một bà mẹ già làm
được những điều ấy sao?
- Em chẳng biết những bà
mẹ Mỹ của anh giỏi cỡ nào? Nhưng mẹ em hay các bà mẹ Việt Nam khác đều là thế
cả.
Steve chép miệng:
- Ðiều này rất tốt, nhưng
mất sự riêng tư của chúng mình!
Linh năn nỉ:
- Nhà mình rộng thênh
thang, mẹ thương em, em thương mẹ và em tin rằng anh cũng sẽ thương mẹ em luôn.
Thấy Steve chần chừ, Linh
tấn công thêm, vì cô biết chồng rất thương con:
- Nhưng vì con mình là
trên hết. Mẹ sẽ là người chăm sóc nó tuyệt vời.
Steve trả giá:
- Anh tạm đồng ý. Nếu mẹ
ở một thời gian, không thích hợp thì thôi nhé?
Linh vui thích ôm lấy cổ
chồng:
- Cám ơn anh, bây giờ anh
cứ hôn em đi! Unlimited!
Linh thừa hiểu, người Mỹ
thích sự riêng tư, nhất là trong đời sống vợ chồng. Bà mẹ vợ luôn là nhân vật
hắc ám, chẳng thằng con rể nào muốn mời tới nhà, nói gì ở chung lâu dài. Hơn
nữa, một bà mẹ vợ không đồng chủng, mới từ Việt Nam qua, chưa gặp gỡ, trò
chuyện, thì làm sao mà Steve, một người Mỹ Anglo không e ngại.
Mẹ và chị Hai đều chấp
nhận đề nghị của Linh, con Linh còn nhỏ nên cần sự giúp đỡ của mẹ hơn. Và vì
Linh lận đận tình duyên, kén chọn mãi, hơn 30 tuổi mới lấy chồng, nên mẹ cũng
thương đứa con lận đận hơn .
Linh mua vé máy bay, hôm
sau mẹ Linh đã từ California bay đến xứ núi Utah, ngay những ngày đầu mùa Ðông
giá lạnh.
Hôm bà đến, tuyết rơi
trắng xoá, những mái nhà phủ đầy tuyết, và xa xa những dãy núi cũng phủ đầy
tuyết trắng làm bà rợn người, chợt tưởng như vừa bị ném vào một cõi hoang vu,
xa lạ. May mà có cô con gái ngồi bên cạnh, là điểm tựa duy nhất để bà tin là
mình không đi lạc, không bị bỏ rơi. Chứ thằng con rể người Mỹ, và thằng cháu
ngoại trông giống bố, mắt xanh, tóc vàng kia coi nhử chẳng liên quan gì đến bà.
Về đến nhà, Linh dẫn mẹ
đi khắp nhà để chỉ dẫn những điều cần biết về nơi ăn, chốn ở, và những sinh
hoạt hàng ngày.
Bắt đầu từ ngày mai,
thằng Eugene sẽ ở nhà với bà ngoại.
Sáng sớm hôm sau, hai vợ
chồng Linh mở cửa ra đi làm, giữa trời lạnh, tuyết bay ngoài đường, Linh thấy
yên lòng vì con mình vẫn đang nằm ngủ êm ấm trong nhà, hơn thế nữa, trong vòng
tay chăm sóc, thương yêu của bà ngoại.
Suốt đêm qua, phần vì lạ
nhà, phần vì thấp thỏm cho một công việc mới, nên bà không ngủ ngon cho lắm,
chỉ còn hai bà cháu ở nhà, bà nằm ngủ tiếp, cho đến khi Eugene tỉnh giấc và
khóc, bà tỉnh dậy, thấy đồng hồ chỉ 9 giờ sáng.
Bà thay tã cho nó và đi
pha sữa. Nuôi trẻ con ở Mỹ sao mà lắm thứ, lỉnh kỉnh thế! sữa này, nước trái
cây này, đồ ăn sẵn trong hũ này. Xứ văn minh, giàu có quá chỉ bày đặt! Hồi xưa,
bà nuôi mấy đứa con, có cần những thứ này đâu, mà đứa nào cũng khoẻ mạnh và lớn
lên như thổi.
Hình minh họa (internet)
Thằng bé vừa bú bình sữa
vừa nhìn bà lạ lẫm, bà cũng có dịp nhìn nó kỹ hơn, nó giống bố, chẳng giống mẹ
tí nào, nếu không do chính con gái bà đẻ ra thì bà không tin nó có một nửa dòng
máu Việt Nam trong người. Mới hôm qua, bà còn cảm thấy xa lạ nó, mà bây giờ,
ôm nó trong tay, nhìn nét mặt bé bỏng, ngây thơ, đang cần bàn tay bà chăm sóc,
bà thấy tình máu mủ, ruột thịt, gắn bó với nó biết bao.
Thằng bé đã biết bò, vừa
đặt ngồi xuống là nó đã bò thoăn thoắt, nên bà cứ phải để mắt đến cháu luôn,
không dám đặt trên giường, sợ nó bò lăn xuống đất.
Ðể chắc ăn, buổi trưa, bà
trải một tấm mền ngay giữa phòng khách cho nó nằm ngủ, bà vừa trông nó, vừa nấu
cơm. Bà lấy đồ trong tủ lạnh ra, lấy nồi, lấy chảo, lấy dao, lấy thớt. Mọi động
tác đều làm nhẹ nhàng, khe khẽ, thế mà thằng bé tỉnh ngủ quá, bà quay lại đã
thấy nó thức và ngồi nhỏm dậy từ lúc nào. Bà vội vàng ra đặt nó nằm xuống, vỗ
về cho nó ngủ tiếp, rồi khi bà phi hành tỏi, làm món rau xào, vừa đổ rau vào chảo,
kêu xèo một tiếng cũng đủ làm Eugene mở mắt, lại ngồi nhỏm dậy, hai mắt mở to
trô trố nhìn bà, cứ vài lần nó tỉnh giấc, và bà vỗ về như thế, mới nấu xong một
bữa cơm. Thật căng thẳng và hồi hộp, lo bảo vệ giấc ngủ cho thằng cháu mà bà cứ
thấp thỏm, rón rén như đang đi ăn trộm.
Nấu cơm xong, tưởng được
thoải mái, thì đến lượt cái điện thoại làm phiền giấc ngủ của cháu bà. Tiếng
phone ring inh ỏi, nghe thấy tiếng Mỹ là bà cúp luôn, không để phí phạm thêm
một phút giây nào cả. Vì mấy tháng sống ở California với cô con gái lớn, bà đã
học được kinh nghiệm là có những cú phone, nói tiếng Mỹ chỉ là quảng cáo, không
cần nghe làm chi cho mệt, mà dù có nghe, bà cũng chẳng hiểu .
Bà nhìn cái điện thoại
như nhìn một đứa cà chớn, đáng ghét, thế mà nó không chừa, lại ring lên lần
nữa, làm tim bà giật thót lên. Lại bốc phone, lại nghe tiếng Mỹ, chắc là thằng
cha quảng cáo lúc nãy, bà bực mình, quát vào phone một tràng tiếng Việt Nam:
- Này! Tôi nói cho ông
biết nhé, đừng có gọi quảng cáo đến nhà này làm cháu tôi mất ngủ. Ông mà gọi
đến lần nữa là tôỉ cúp máy luôn đấy.
Rồi bà đặt phone cái kịch mà vẫn chưa hết bực mình.
Giá như có cái võng đu
đưa, thì cháu bà sẽ ngủ say hơn, ngủ lâu hơn, không sợ những tiếng động xung
quanh nữa, bà nhìn khắp nhà, không thấy chỗ nào có thể mắc võng được, ở Mỹ coi
vậy mà thiếu tiện nghi. Ở Việt Nam, chỗ nào cũng có thể mắc võng dễ dàng: chân
cầu thang, kèo cột, vách tường, hay gốc ổi, gốc mít ngoài sân v.v...
Cuối cùng cháu bà cũng có
một giấc ngủ trưa đầy đủ. Thà nó tỉnh dậy, ngồi chơi, bà còn làm được nhiều
việc hơn, bà không phải e dè nữa, làm mạnh tay, nhanh chân, vèo một tí là xong,
nhà cửa tươm tất, công việc đâu ra đấy.
Buổi chiều Linh về nhà
trước, thấy Eugene được ăn ngủ đầy đủ, tắm táp sạch sẽ, Linh vui lắm, xong cô
hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, lúc trưa nay, mẹ
có chuyện gì mà bực mình thế? Mẹ gắt ầm trong phone.
Bà ngạc nhiên:
- Sao con biết? Mẹ gắt
mấy thằng quảng cáo đấy, cú gọi đầu làm thằng bé thức giấc, mẹ đã cúp vội máy
rồi, nó lì lợm gọi thêm lần nữa, mẹ phải quát nó mới thôi.
Linh ôm bụng cười:
- Chồng con đấy, Steve
định gọi cho mẹ để nói Hello với mẹ thôi.
Bà cũng cười, bẻn lẻn:
- Gớm, thôi bảo nó đừng
bày đặt nói hello làm gì, cứ nghe điện thoại reo lại nói tiếng Mỹ làm mẹ hết cả
hồn.
Ngày đầu chưa quen việc,
bà thấy mệt mỏi, vất vả quá, vài ngày sau mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, bà đã
nấu những bữa cơm ngon lành, con rể bà bắt đầu nếm những món nọ món kia, mà có
cao sang gì đâu, thịt kho tàu, cá kho tộ, tôm rim, thịt bò áp chảỏcanh rau đủ
món, thay đổi, làm Steve khám phá ra những cái ngon của đồ ăn Việt Nam, mà Linh
chưa hề nấu, phong phú, và đa dạng như mẹ. Ðến nỗi Steve đã hỏi Linh: Mẹ em
trước kia ở Việt nam là chủ nhà hàng hả??. Anh đâu biết, bà chỉ là một người nội
trợ bình thường như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác.
Hình minh họa (internet)
Cháu bà tên Eugene, cái
tên gì mà khó đọc, khó nhớ, bà! đổi quách thành cu Tí cho tiện việc, cái tên
Việt Nam nghe êm ái và quen thuộc với bà hơn.
Thằng Cu Tí rặt Mỹ, mắt
xanh, tóc vàng như rơm, đã quen và thân bà, vì cả ngày ở bên bà, tối lại ngủ
với bà. Trước kia, vợ chồng Linh vẫn để nó ngủ một mình trong phòng, bà thấy
tội nghiệp cháu quá. Ai đời, vợ chồng ngủ với nhau, để thằng bé bơ vơ.
Thường thường cu Tí rất
ngoan, bú xong bình sữa là ngủ ngay, nhưng có khi nó cũng dở chứng như thời
tiết, hai mắt cứ mở thao láo không chịu ngủ dù đêm đã khuya. Bà đã phải trổ hết
tay nghề của một người đàn bà từng nuôi con mọn, bà bế trên tay, đong đưa, bà
ấp trong lòng, vỗ nhẹ vào mông nó. Bà đã trổ hết tài văn nghệ ru à ơi với
ca dao, tục ngữ, rồi chuyển sang hát tân nhạc, rồi xuống giọng ngâm thơ nỉ non.
Bà đã! xàỉ hết vốn liếng văn chương của mình mà cu Tí vẫn chưa chịu ngủ, bà
nghĩ có lẽ cu Tí chưa cảm thông được tiếng Việt Nam, hay nó tưởng bà kể
chuyện, nên mải nghe mà quên ngủ. Bà không nản chí, bà tin rằng dần dần nó sẽ
hiểu tiếng Việt Nam, những bài ru của bà sẽ đưa nó vào giấc ngủ dễ dàng, như
ngày xưa bà đã từng ru mẹ nó, và khi nó lớn hơn một tí bà sẽ tập cu Tí ăn cơm
với đồ ăn có chất mắm muối Việt Nam. Dù bố cu Tí là Mỹ, nhưng mẹ nó là dân Việt
Nam cơ mà, ngay cả bố nó, Steve cũng đang quen dần với các món ăn Việt Nam, ăn
bánh cuốn cũng hăng hái chan đầy nước mắm, cái món không thể thiếu trong bữa
cơm hàng ngày của người Việt Nam, nhưng đối với hầu hết người Mỹ vẫn là thứ mùi
vị khó chịủ không dễ dàng gì chấp nhận được.
Thỉnh thoảng bà vẫn nói
chuyện tay đôi với con rể mà không cần con gái thông dịch, bà nói tiếng Việt
Nam, Steve nói tiếng Anh, lời nói theo gió bay, vì chẳng ai hiểu ai, nhưng vì
nhu cầu bà vẫn cứ nói, còn Steve có hiểu hay không thì mặc kệ nó.
Mùa Ðông đã đi qua, phố
núi vẫn tràn trề tuyết trắng trên những đỉnh núi xa xa, và lấp lánh màu trắng
bạc khi mặt trời có nắng. Trong không gian vẫn còn hơi lạnh dù mùa Xuân đã về,
lá bên đường xanh lại, người ta đã quên mùa Ðông để rộn ràng dạo phố, các cửa
hàng của Open Air Mall tại Salt Lake City tưng bừng đón khách lại qua, kéo
dài tới mùa Hè ngắn ngủi, rồi tới mùa Thu, không gian dìu dịu lạ lùng.
Lần đầu tiên trong đời,
bà thấy một mùa Thu đúng nghĩa như trong sách vở, thơ văn. Khắp nơi trong thành
phố, lá bắt đầu đổi màu, ửng đỏ, ửng vàng từng phần, rồi trở thành đỏ và vàng
hàng loạt. Màu lá vàng tươi rói, mơ màng, mà bà tin rằng không một hoạ sĩ nào
có thể vẽ nổi cái màu sắc của thiên nhiên thật tuyệt vời ấy. Gió hiu hiu, lá
cũng hiu hiu rơi từng chiếc, thế mà dưới những gốc cây chạy dài trên hè phố hay
trước sân nhà là cả một thảm lá vàng, đẹp và hoang sơ, tưởng như chưa hề có
bước chân người dẫm lên, nên không ai nỡ mang đi, không nỡ quét dọn những chiếc
lá thu vàng đó, dù luật của thành phố, đã phát cho cư dân những bao bịch lớn để
hốt lá vàng, để mang dấu tích của mùa Thủ đi đổ rác.
Rồi màu đỏ, màu vàng của
lá đậm hơn, gió vẫn hiu hiu nhưng làm lá rụng nhiều. Có một hôm, gió thổi mạnh,
quần quật trên mái nhà, bên vách nhà, những bước chân của gió như đang nổi cơn
thịnh nộ. Khi bà vén cửa sổ nhìn ra ngoài, cả một rừng lá đỏ, lá vàng bay tả
tơi theo chiều gió, rồi trời đổ mưa, giông gió thế, mà mưa chỉ lâm râm, hay mưa
sợ làm đau thêm những chiếc lá vàng vừa mới lìa cành, những chiếc lá bay đi và
theo mưa nằm bẹp trên đường ướt át. Cành cây trước nhà hôm qua còn nhiều lá
vàng, giờ trở nên trơ trụi, lạnh lẽo chìm trong mưa mù, làm bà mủi lòng, thấy
cuộc đời phù du. Hình như mùa Xuân mới vừa hôm qua, lá xanh non, mà hôm nay
Ðông về đã tàn phai.
Thế là mùa Ðông lại về,
bà đã ở với vợ chồng Linh được 1 năm, cu Tí đã biết đi, đã biết ăn phở, ăn bún,
bà cắt nhỏ từng sợi phở, sợi bún, nâng niu đút cho cháu từng thìa, Bà muốn nó
biết ăn và yêu thích những món ăn Việt Nam trước khi biết đến Hamburger, khoai
tây chiên hay hot dog.
Khi cu Tí bập bẹ học nói,
tiếng đầu tiên nó thốt ra là "Bà", bằng tiếng Việt Nam, bà sẽ dạy nó uốn lưỡi
để nói thêm chữ "ngoại", thành bà ngoại đàng hoàng. Cu Tí cả ngày quấn quýt bên
bà, thằng bé khoẻ mạnh, phổng phao hẳn lên, nó không còn bị ốm vặt như thời đi
Day care nữa. Bà thích ngắm cháu, lúc nó vui cười hay cả lúc nó hờn dỗi vì gắt
ngủ, đói sữa, khóc dãy lên đành đạch, nước mắt, nước mũi nhoèn ra hai bên má,
dễ thương như mặt mèo.
Một hôm, bà phải trở về
California để dự đám cưới đứa cháu, cũng là dịp thăm lại gia đình cô con gái
lớn, con nào bà cũng thương, trước sau gì bà cũng phải về thăm chúng.
Thế là vợ chồng Linh lại
phải đem cu Tí đi Day care gởi 1 tháng, coi như bà ngoại đi vacation. Bà đi
rồi, nhà cửa trống vắng hẳn ra, công việc bỗng ùn lên làm hai vợ chồng Linh bối
rối. Ði làm về Steve lo đón con, Linh lo nấu nướng, rồi tắm rửa cho con, dọn
dẹp nhà cửa và bao nhiêu thứ việc lặt vặt khác. Những buổi tối đầu tiên xa bà
ngoại, cu Tí khó ngủ, có lẽ nó đang đợi nghe những bài ca dao, tục ngữ, những
lời ru à ơi, vời vợi, êm ả của bà, dù cái thằng cu Tí kia đã hiểu gì tiếng Việt
Nam.
Steve buồn ra mặt, anh
nhớ bà mẹ vợ, người đã thương con, chiều cháu bằng cả một tấm lòng , anh đã
hiểu một bà mẹ Việt Nam cần cù, chịu khó và hy sinh vì con cháu thế nào! Chẳng
cần ai nói, Steve cũng dễ dàng nhận ra điều ấy. Anh đã có một người vợ tuyệt
vời, yêu chồng, thương con, lại có thêm một bà mẹ vợ cũng tuyệt vời. Mới 2 tuần
trôi qua, chưa đến hẹn bà mẹ vợ trở về, Steve bồn chồn hơn cả Linh, anh đã sốt
ruột gọi phone cho bà, anh ngọng ngiụ mãi mới nói được một câu tiếng Việt:
- Mẹ sẽ... trở... về với
chúng con... không?
Bên kia đầu dây, bà cũng vất vả không kém, lắp ba lắp bắp để nói được vài chữ tiếng Anh:
- OK. wị...ll cọ...me...back. Ok
Vẫn cảm thấy chưa nói
được hết ý, bà bổ sung thêm một tràng tiếng Việt:
- Con yên trí, mẹ thương
hai con và thằng cu Tí lắm, mẹ sẽ trở về để sống với các con chứ, mẹ không ở
đây một tháng đâu. Mùa Ðông đang bắt đầu, mẹ sợ cu Tí mang ra ngoài bị cảm lạnh.
Tuần sau mẹ sẽ về con nhé.
Nguyễn thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét