Nhân mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu. Xin mời quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu đọc bài Tự truyện HAI ĐẤNG MẸ HIỀN của thân hữu Sông Hồ.
Một câu chuyện đời thật rất cảm động. Xin chân thành cám ơn tác giả.
Trân trọng
NHHN
Tự Truyện
HAI ĐẤNG MẸ HIỀN
Kính dâng hương linh hai Từ Mẫu
Sông Hồ
Đêm về sáng, sương khuya còn
ướt đẫm trên những cành cây, ngọn cỏ. Ánh trăng nhập nhòe không đủ soi rõ chốn
nhân gian chứa đầy những toan tính, nỗi niềm riêng của vô vàn con người đang
sống chen chúc, yêu thương, thù hận, ganh ghét, lọc lừa nhau. Những cô thôn nữ
quảy gánh hàng bông như: hoa quả, trầu cau hướng về chợ đầu mối Bà Điểm bỏ hàng
để lái buôn thu mua, sau đó chất lên những xe ngựa chở về các chợ Bà Quẹo, chợ
Hòa Hưng, chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định v.v...Trong số những cô
thôn nữ đó có Mẹ tôi.
Theo lời Mẹ tôi kể thì mỗi
khi bỏ hàng ở chợ Bà Điểm xong, lúc về phải đi ngang qua nhà Ba tôi. Ông là
người ít nói, không biết tán tỉnh hay tỏ tình gì hết, chỉ nhìn Mẹ tôi rồi miệng
mỉm cười. Không biết cười có duyên thế nào mà Mẹ phải lòng Ba tôi. Và sau thời
gian quen biết, Mẹ về chung sống với Ba tôi sau một đám cưới đơn sơ của đôi
trai làng gái quê Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Ba Mẹ sống với nhau lần lượt sinh ra
ba người con trai, hai anh lớn thì yểu mệnh chỉ còn mình ên tôi là con út. Khi
tôi được 1 tuổi thì Ba lên Sài Gòn làm ăn, vài tháng về thăm vợ con một lần.
Cho đến một ngày đau lòng nhất đổ ập xuống đời Mẹ!!!
Năm 1951 Ba Mẹ chia tay khi
tôi được 3 tuổi. Mẹ giao tôi cho Ba vì hoàn cảnh khó khăn nơi chốn thôn quê.
Tuổi ấu thơ nào hiểu gì chuyện người lớn, chẳng biết buồn khi phải sống xa Mẹ.
Tôi có cuộc sống tương đối sung sướng, đầy đủ bên Ba và Kế Mẫu trong một căn
nhà khang trang ở số 319 đường Thành Thái, Quận 5, Sài Gòn (bây giờ là đường An
Dương Vương).
Năm 1955 khi tôi được 7 tuổi
thì gia đình dọn về đường Nguyễn Huỳnh Đức, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn (sau này là
đường Huỳnh Văn Bánh). Lúc đó còn hoang vu lắm, đường này là con đường đất từ
nhà tôi trải dài gần đến khu Ông Tạ, hai bên đường cỏ lau mọc um tùm, xa xa là
những vườn cải xà lách của người Hoa và ao rau muống của đồng bào miền Bắc di
cư 1954 vào lập nghiệp. Trong ngôi nhà xưa một căn hai chái, tôi sống ở đây từ
tuổi hoa niên cho đến khi rời Việt Nam đi định cư ở Hoa Kỳ năm 1991.
Có những đêm nằm trằn trọc
không ngủ được, thả hồn về quá khứ với bao kỷ niệm thời trẻ thơ cho đến tuổi
trưởng thành cứ chảy về đầy ắp trái tim. Tôi nhớ rất nhiều về những chuyện ngày
xưa, nhất là những kỷ niệm về hai Người Mẹ thân yêu của đời tôi.
Về Thân Mẫu:
Khoảng năm 1956 Bà đến thăm
tôi, có mang cho món quà là một cây kèn Harmonica và mười đồng (mười tờ giấy
một đồng có in hình người thôn nữ gánh lúa, có thể xé ra làm hai xài mỗi bên là
50 xu). Lúc đó Dưỡng Mẫu tôi nói: "Vú nuôi con đến thăm, lại thưa vú đi
con". Trong trí óc non nớt tuổi thơ, tôi cứ đinh ninh Bà là vú nuôi nên
không có gì quyến luyến. Sau lời cám ơn, tôi bỏ đi chơi với bọn trẻ con cùng
xóm. Và kể từ ngày đó Bà không đến thăm thêm lần nào, còn tôi không nhớ đến
người vú nuôi này nữa...
***
Thời gian thấm thoát trôi
qua, đầu tháng 2/1968 khi tôi tròn 20 tuổi thì tình nguyện gia nhập binh chủng
Nhảy Dù. Sau ba tháng thụ huấn quân sự ở TĐ Vương Mộng Hồng, tôi được chuyển về
trại Hoàng Hoa Thám để theo học khóa dù 161 tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù
trong ba tuần lễ. Thời điểm này tình hình thủ đô Sài Gòn rối ren, biến động vì
lãnh đạo phương Bắc mở Chiến Dịch Tổng Công Kích Mậu Thân đợt 2 (5/5- 15/6).
Quân Đội, Cảnh Sát cấm trại 100%. Toàn vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định giới
nghiêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Xin nói thêm là sau TCK Tết
Mậu Thân đợt 1 (30/1-28/3) của đối phương bị thất bại, các đơn vị cơ hữu và các
khóa sinh đang học nhảy dù hàng đêm phải luân phiên ra ứng chiến, phòng thủ từ
ngã tư Bảy Hiền trải dài đến tận ngã ba Bà Quẹo để giữ gìn an ninh, bảo vệ vành
đai phía trước Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù.
Tôi nhớ vào buổi chiều cuối
tuần, lang thang ở chợ Sư Đoàn trong căn cứ Hoàng Hoa Thám, ghé vào quán nhậu
bê thui với vài người bạn cùng khóa dù. Sau cuộc nhậu trở về TTHL Nhảy Dù, toán
của tôi được lệnh ra ứng chiến đêm trong con hẻm đối diện trại Hoàng Hoa Thám.
Vị trí đóng quân ở trong sân trước ngôi nhà ngói to đẹp tọa lạc trên diện tích
rộng, đối diện nhà này là chợ Tân Việt. Đêm đó trời lất phất mưa, tôi cảm thấy
khát nước vì uống bia khá nhiều lúc ban chiều. Thấy phía sau ngôi nhà lớn có
căn nhà nhỏ còn ngọn đèn điện sáng lờ mờ qua cửa sổ. Tôi rón rén cầm bi-đông
nước và gõ cửa thì một người phụ nữ ra mở cửa mời vào nhà chơi. Bà rót trà mời
tôi uống, cạnh cửa sổ là cô gái ngồi may quần áo. Sau một hồi trò chuyện, tôi nói
lời cảm ơn và cáo từ Bà để trở lại nơi đóng quân.
***
Năm 1981, có người bà con nói
cho biết là tôi còn có người Mẹ ruột đang sống ở quận Tân Bình, SG trong hoàn
cảnh khốn khó, cơ cực hàng ngày phải ngồi bán từng bó rau, củ khoai để sinh
nhai. Tôi liền dẫn vợ con về thăm Bà. Và lần đầu tiên gặp gỡ, tôi bàng hoàng
sửng sốt không nói nên lời vì Bà chính là người phụ nữ đã gặp năm xưa mà lúc đó
tôi không biết là mẹ ruột. Hai mẹ con ôm nhau khóc, mừng mừng tủi tủi trong
giây phút tương phùng tại căn nhà mà tôi đã từng đóng quân ở vị trí phía trước
trong đêm năm xưa. Trong vòng tay ấm nồng của Mẹ, tận hưởng hạnh phúc mà 30 năm
qua tôi không có được kể từ khi rời xa Mẹ, xa luôn cả vòng tay đã từng ôm ấp,
ru tôi ngủ thuở còn bé thơ trong những buổi trưa hè hay những đêm khuya gió
lạnh, mưa dầm nơi thôn dã. Sau đó Mẹ giới thiệu người thiếu nữ là cô thợ may mà
tôi đã gặp đêm năm nào chính là em cùng mẹ khác cha với tôi. Và mở tủ lấy đưa
cho tấm ảnh hai mẹ con chụp chung nhau năm 1951 mà tôi trân quý, còn cất giữ
cho đến bây giờ. Kể từ ngày hạnh ngộ năm đó, anh em tôi vẫn thường xuyên liên
lạc nhau. Em gái tôi bây giờ là một người thành đạt trong cuộc sống.
Sau 10 năm làm việc cật lực,
tôi dành dụm được một số tiền nho nhỏ và dự định sẽ về Việt Nam đưa Mẹ đi du
lịch chơi. Nhưng Trời không chiều lòng người, khi em gái báo tin Mẹ bị bệnh
nặng, tôi cùng bà xã tức tốc trở về thì Mẹ đã hấp hối nằm trên giường bệnh.
Ước mơ tan thành mây khói! Tôi túc trực bên giường bệnh được một tuần thì Mẹ nhắm mắt lìa đời trong đôi tay của đứa con trai chỉ sống vỏn vẹn bên Mẹ được 3 năm. Bà thọ 75 tuổi. Chúng tôi tổ chức tang lễ Mẹ khá tươm tất. Và sau khi an táng Mẹ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa xong, tôi trở về Mỹ trong tâm trạng rối bời lẫn niềm ân hận vô cùng tận. Tôi nghiệm ra một điều: nếu có những ước mơ, hoài bão ấp ủ trong lòng thì cố gắng thực hiện cho bằng được khi có thể, chớ chần chừ hẹn tới hẹn lui thì đôi khi quá muộn màng.
Ước mơ tan thành mây khói! Tôi túc trực bên giường bệnh được một tuần thì Mẹ nhắm mắt lìa đời trong đôi tay của đứa con trai chỉ sống vỏn vẹn bên Mẹ được 3 năm. Bà thọ 75 tuổi. Chúng tôi tổ chức tang lễ Mẹ khá tươm tất. Và sau khi an táng Mẹ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa xong, tôi trở về Mỹ trong tâm trạng rối bời lẫn niềm ân hận vô cùng tận. Tôi nghiệm ra một điều: nếu có những ước mơ, hoài bão ấp ủ trong lòng thì cố gắng thực hiện cho bằng được khi có thể, chớ chần chừ hẹn tới hẹn lui thì đôi khi quá muộn màng.
Về Dưỡng Mẫu:
Khi tôi về ở với Bà lúc 3
tuổi, được Bà chăm sóc yêu thương như con đẻ. Tôi hồi tưởng lại những gì đã qua
về quãng đời sống trong sự nuôi nấng, dạy dỗ, che chở của Dưỡng Mẫu. Bà chưa hề
đánh khi tôi làm lỗi dù chỉ một roi. Bà là Hiền Mẫu mà tôi đốt đuốc khắp thế
gian này không tìm được người thứ hai. Bà là hiện thân của nhân từ, bác ái hay
giúp đỡ và thương người nghèo.
Lúc khoảng 8 tuổi, tôi bị
bệnh thương hàn. Bà thức suốt đêm để chăm sóc và cho uống thuốc, đặt ống đo
nhiệt độ trong miệng tôi nhiều lần để theo dõi cơn sốt. Vì sự chăm sóc chu đáo
mà tôi mau chóng khỏi bệnh.
Năm tôi học đệ tam (lớp 10
bây giờ) ở trường Văn Lang gần Xóm Chùa, Tân Định. Ba có mua cho tôi một chiếc
Goebel của Đức. Mười Dư là dân anh chị nổi tiếng ở vùng Xóm Chùa này, mượn xe
và sau đó đi bán luôn. Tôi sợ quá nên mấy ngày không dám về nhà. Bà đã đến
trường tìm tôi và dẫn về xin lỗi Ba. Nếu không có Bà đứng giữa che chở thì tôi
đã bị một trận đòn nên thân.
Có lần tôi hẹn với bạn đi
chơi, khi xe vừa nhích bánh rời nhà thì Ba tôi đi đâu về chận lại không cho đi.
Buồn bực vì đã lỡ hẹn với bạn, tôi de xe thật mạnh đụng vỡ một mảng tường lớn
phía sau của "ga ra". Ông tức giận đánh tôi mấy bạt tay nảy đom đóm,
thấy mấy ông Trời luôn! Bà từ trong nhà nghe ồn ào nên chạy ra can ngăn. Sau
khi biết đầu đuôi câu chuyện, Bà nói:"Thôi mình ơi! Con đã lỡ hẹn với bạn
bè, mình cho nó đi chơi đừng để bạn nó chờ".
Vài mẩu chuyện nhỏ tôi kể ra
đây, đó là những mảng ký ức ngọt ngào mà suốt đời tôi không bao giờ quên về
người Dưỡng Mẫu.
Tháng 4 năm 2014 thì Dưỡng
Mẫu tôi qua đời sau vài tuần nằm trên giường bệnh vì tuổi già sức yếu. Đáng lý
tôi phải về ngay khi được báo tin nhưng vì nhiều lý do và nghĩ rằng Dưỡng Mẫu
kéo dài sự sống được vài tháng. Rất may vợ chồng tôi không trễ chuyến bay, về
tới nơi lúc 8 giờ tối thì sáng sớm hôm sau là Lễ Động Quan và an táng ở Thủ
Đức. Bà thọ 91 tuổi. Sau cúng thất lần thứ 4, tôi phải trở lại Mỹ ngay vì hết
phép.
Thỉnh thoảng về thăm quê
hương, ngày đầu tiên là tôi đi thăm viếng mộ Ông Bà, Cha Mẹ. Tôi không cầm được
nước mắt khi đứng trước mộ phần hai Hiền Mẫu. Nhìn di ảnh trên tấm bia, tôi bồi
hồi xúc động nhớ về những kỷ niệm sâu đậm với hai Người.
Mỗi năm đến Mùa Báo Hiếu Lễ
Vu Lan là tôi nhớ đến hai Mẹ thật nhiều! Ước gì hai Mẹ còn sống để báo đáp công
ơn dưỡng dục sinh thành. Bài viết này như nén hương lòng kính dâng lên hai Từ
Mẫu mà suốt đời này tôi vĩnh viễn không còn gặp mặt.
"Mẹ đi khuất nẻo đường
Trời
Bỏ con ở lại suốt đời nhớ
thương".
Sông Hồ
Mùa lễ Vu Lan 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét