Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Bên Đời... Quạnh Hiu!

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu truyện ngắn BÊN ĐỜI... QUẠNH HIU! của văn thi hữu Lê Phi Ô. 
Câu chuyện tình bi thương thời chinh chiến giữa "anh trai tiền tuyến" với "em gái hậu phương"
Trân trọng
NHHN



BÊN ĐỜI... QUẠNH HIU!
Lê Phi Ô

Bài thứ 1: (Link) Hoa... Mùa Chinh Chiến  
Bài thứ 2: (Link) Bờ Vai Mười Sáu

Bài thứ 3, kết thúc chuyện tình giữa Hồng Nhung, Hồng Gấm và người Lính tên Phi. 

Người vui bên ấy, xót xa nơi nầy… thương hình bóng ai,
Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm nghe giọt nắng phai.
Đời như sương khói mơ hồ trong bóng tối,
Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi… riêng một góc trời! (1)

Trực-Thăng sau khi bỏ đồ tiếp tế xuống bãi đáp, vội vàng cất cánh vì nếu chậm trể có thể bị ăn đạn cối 82 ly hoặc đạn hỏa tiển 107 ly của việt cọng. Từ xa tôi thấy anh Bưu Tín viên khệ nệ khiêng cái túi đựng thư từ công văn có vẻ nặng nhọc… tôi nghĩ thầm “hy vọng kỳ nầy mình có thư!”. Đã nhiều tháng liên tiếp tôi không nhận được thư của Hồng-Gấm, những lần trước thư của em cũng thưa thớt mà đáng lý phải có đều đặn mỗi tháng.

Ban đầu tôi nghĩ Hồng-Gấm bịnh đau gì đó nhưng điều nầy không đúng, vì nếu đau yếu không viết được thì chị Hai của em đã có thư báo tin cho tôi… Nghĩ lại nội dung những lá thư gần đây của Hồng-Gấm viết, lời lẽ rời rạc, chuyện vui với bạn bè trong lớp ít hơn, chuyện buồn khi thiếu vắng tôi cũng như mong muốn tôi về phép thăm nàng cũng ít hơn…! Chắc chắn đã có sự thay đổi nào đó, tôi hy vọng rằng mình nghĩ sai về em. Tôi đã có ý định xin nghỉ vài ngày phép nhưng tình hình chiến sự sôi động, sau những trận đánh lớn như Bình-Gĩa, Đồng-Xoài tiếp theo còn các trận đánh nhỏ hơn xảy ra khắp Quân Khu III.

Một tháng nữa trôi qua nhanh chóng, Trực-Thăng tiếp tế kỳ nầy tôi không chờ không đợi mà lại nhận được thư từ em, lá thư mỏng chỉ có hai trang giấy không như cả chục trang như những lần trước. Chưa muốn đọc liền, tôi bỏ thư vào túi áo rồi cùng vài người bạn vào quán nước và… gọi Beer, mấy người bạn nhìn tôi như chưa bao giờ được nhìn. Thường thì bọn tôi chỉ uống Café sữa đá, vì tôi chưa khi nào biết uống rượu beer.  Đưa ly beer lên nốc một hơi 1/3 ly đã sặc sụa, nước mũi chảy tùm lum, thằng Bá giành ly Beer trên tay tôi, tôi bảo “đưa lại đây” nó không đưa và gọi cho tôi ly nước đá Chanh.

“Hồng-Gấm ơi, nhận được thư em đáng lý anh vui mừng biết mấy, bạn bè có rủ đi đâu anh cũng không đi, tìm một chỗ nào vắng vẻ nhất ngồi đọc thư em, đọc đi đọc lại mà vẫn muốn đọc nữa, mười trang thư em viết mà anh vẫn thấy ngắn… nhưng sao bây giờ thế nầy!”

Mấy đứa bạn thường khi, hễ thấy thằng nào buồn thì tụi nó chọc đến khi nào cười mới thôi. Không hiểu cái bản mặt của tôi hôm nay như thế nào mà đứa nào cũng nín thinh, thằng Hai suỵt khẽ ra dấu im lặng khi nhạc từ dĩa hát tới đoạn…

Thương rất nhiều mái tóc xõa bờ vai
Tình khôn lớn nỗi chờ mong ôi quá dài
Lòng vẫn u hoài nghĩ chuyện tình đổi thay
Đời ai biết được ai, chia ly là hết… xót xa nhiều cũng thế
Nếu mai sau gặp xin cúi mặt… làm ngơ! (2)

Tôi cười khẽ, nụ cười biểu lộ sự bất mãn, hình như tác giả bài nhạc chưa biết yêu là gì, xem tình yêu như một trò đùa: “Chia ly là hết…xót xa nhiều cũng thế - Nếu mai sau gặp xin cúi mặt… làm ngơ!”. Mấy đứa bạn thấy tôi cười tụi nó khoái chí tưởng như đã thành công “làm cho bạn… hết buồn”!

Đêm đó, bên chiếc đèn dầu le lói trong một góc lô-cốt… có một xác người, đúng ra nếu không có đôi mắt còn mở trừng trừng thì không khác gì một xác chết nằm bất động… lâu, lâu lắm. Rồi cái xác người chưa chết đó ngồi dậy lưng dựa vào vách, moi trong túi áo ra lá thư và đọc. Đây không biết là lần thứ mấy cái xác không hồn đó… đúng ra là tôi đọc lá thư nầy!

Thư của Hồng-Gấm báo tin sét đánh... nàng bị Ung Thư máu, lâu nay em không muốn cho tôi biết. Bịnh nầy nếu chữa chưa chắc gì khỏi hẳn, nhưng nếu có chữa khỏi đi nữa cũng không thể nào được vì làm gì có tiền để chữa bịnh. Ung Thư Máu phương pháp duy nhất là thay máu hoàn toàn, nền y học Việt Nam chưa có Bác Sĩ giỏi về Ung Thư cũng như chưa đủ dụng cụ để chữa bịnh nầy. Phải qua Nhật hoặc qua Âu Châu, tốn hàng triệu Dollars thậm chí nhiều hơn nữa mà nghèo như gia đình em thì chỉ nằm chờ chết. Tôi hoàn toàn bất lực trước vấn đề trọng đại nầy, thật chua chát… góp phần cứu nước thì tôi có thể làm được, nhưng góp phần chỉ để cứu một người mà người đó lại là người tôi thương yêu nhất đời thì… đành xuôi tay!

Thư nàng viết nét chữ run run, em bảo là em ở cách xa quê nhà nhiều ngàn cây số, nhiều ngàn cây số là ở đâu? Mẹ nàng đi theo để săn sóc cho nàng, nội cái việc mẹ nàng “đi theo” cả gia đình nàng cũng không có đủ tiền. Như vậy là em đã xa tôi… lần nầy có thể nào là vĩnh viễn không em?!, đứng trước mũi súng quân thù tôi không hề nao núng, sao trước cái tin nầy… tôi như người mất hết sức lực thậm chí cầm lá thư không muốn nổi. “Cách đây vài năm anh mất chị Nhung của em lẽ nào bây giờ lại… mất em, không hiểu gia đình em kiếp trước có gây sát nghiệp nào không và bây giờ đến lúc phải tr…!!!”

Rồi một tia hy vọng ập đến thật nhanh: Hồng-Gấm cho biết cũng may có một vị ân nhân ra tay giúp đỡ, vị nầy  là Ông Tổng Giám Đốc và cũng là chủ nhân hãng xuất nhập cảng nơi anh rể của Hồng Gấm làm việc (chồng chị Hai), đứa con gái út của ông là bạn cùng lớp với Gấm khi còn ở Trung Học và hiện nay cả hai cùng học năm thứ nhất Đại Học Sư Phạm.

Với bệnh ung thư nầy dù may mắn được mạnh thường quân giàu có bỏ tiền cứu chữa cũng không làm cho tôi yên tâm được. Ước gì tôi có thể đau bịnh thế em, mới 19 tuổi cuộc đời em còn quá dài trước mặt! – Một ý nghĩ khác chợt đến với tôi, họ giúp như vậy có điều kiện gì không? mà gia đình em có gì để mà họ đòi điều kiện hay là... em không bị bịnh, em muốn dấu tôi điều gì mà bịnh chỉ là cái cớ để em tránh mặt. ”Em đã xa anh nhiều ngàn cây số” đọc lại đoạn nầy sự hoài nghi của tôi càng nhiều hơn, xa nhiều ngàn cây số là ở đâu sao em lấp lững không nói rõ. Cơn bịnh ung thư chắc phải có triệu chứng nào đó trước khi biết chắc đó là ung thư, trong các thư trước ít ra em cũng nói cho tôi biết. Như vậy, em dấu tôi cả năm nay rồi bất ngờ em báo cái tin sét đánh nầy. “Gấm ơi, điều gì xảy ra mà em không muốn cho anh biết, em không còn yêu anh, em cũng không bịnh hoạn gì hết và vì lý do nào đó không tiện nói ra phải không em! Em muốn dấu vì thương hại anh, em muốn bỏ anh hoặc gì gì cũng được miễn sao em không phải mắc bệnh ung thư là anh mừng vui lắm - phải thế không em!”

Những ngày tháng tiếp nối đối với tôi là những tháng ngày dài vô tận, những tháng ngày mong đợi một tin vui hoặc là tin buồn! Nguồn hy vọng trong tôi dần dần pha lẫn sự bất mãn, oán hờn rồi yêu thương nhung nhớ, khắc khoải đợi chờ. Tôi oán trách ông Trời, tại sao cho tôi gặp em rồi yêu em để rồi cuộc sống tình cảm, nội tâm của tôi không một ngày yên ổn, buồn vui không còn thuộc về tôi nữa mà phụ thuộc vào một người khác. “Hồng Gấm ơi, bây giờ em ở đâu, em có còn vui tươi hồn nhiên như những ngày tháng cũ, cái ngày mà anh lén hôn em trong một buổi chiều hè đầu tiên khi về phép…!”   
      
                                            ----o----

Vừa nhận được thư từ bà chị của Hồng Gấm, tôi đã viết nhiều thư cho gia đình Gấm để hỏi về tình trạng hiện nay của em, đến nay mới có thư trả lời. Chị Hai cho biết bịnh tình của Gấm đã thuyên giảm nhưng có lẽ phải nhiều năm nữa mới dứt hẳn với điều kiện đừng “di căn”, trong thư không hề nói đến Hồng Gấm đang ở đâu, có lẽ quên hoặc cố tình “quên”?, lá thư ngắn chỉ chừng một trang giấy… có điều gì đó không được bình thường, hình như muốn giấu tôi điều gì ngoại trừ điều tôi cần biết hiện giờ là sự an nguy của Hồng Gấm.

“Hồng Gấm ơi, nghe tin bịnh tình của em đã thuyên giảm, không còn gì vui mừng cho bằng, mừng muốn chảy nước mắt, cho dù sau nầy vì bất cứ lý do gì, em… không còn là của anh nữa!”.

Những tháng kế tiếp, chiếc Trực Thăng tiếp tế cứ đến rồi đi, không một tin thư đưa lại làm sự chờ đợi của tôi cũng mòn mõi và tôi trở nên bất cần… đời. Sài Gòn nơi phồn hoa đô hội, nơi bước ra đường là áo quần sặc sỡ, nơi nhiều thứ vui chơi với đèn hoa rực rỡ, nơi nam thanh nữ tú, nơi em cùng bạn bè hằng ngày tung tăng đến trường và vui chơi mỗi dịp cuối tuần trên đường phố đông vui và đầy cám dỗ. Nơi mà những người cùng trang lứa chúng tôi… họ chưa bao giờ nghe tiếng súng, chưa biết thế nào là chiến tranh và chết chóc trong khi đây đó trên quê hương máu lửa từng giờ… từng phút, những người lính gục ngã trên chiến trường để bảo vệ từng tấc đất quê hương!

Có lần chị Hai đã từng khoe với tôi về em với thái độ đầy tự hào rằng, đã biết bao anh chàng cùng lớp hoặc trên em vài lớp đeo đuổi em, có vài cậu đẹp trai con nhà giàu ngỏ ý với em nhưng em đều từ chối khéo vì lòng em đã hướng về một người lính nơi tiền đồn heo hút xa xôi. Người lính đó không hề đẹp trai mà lại nghèo nữa (lính thì làm sao giàu được phải không em) người lính đó chỉ có bộ đồng phục bạc màu sương gió, chỉ có đôi tay rắn chắc luôn ôm ghì tay súng ngày đêm bảo vệ quê hương, bảo vệ từng giấc ngủ yên lành cho người dân để khi mỗi sáng nắng lên, đường quê có những em nhỏ cắp sách đến trường, những người nông dân dắt trâu ra đồng và những bà, những cụ tấp nập trên đường ra chợ.

                                                      ----o----
         
Từ ngày nhận được thư của chị Hai báo tin bịnh của Gấm đã “thuyên giảm”… đến nay đã hơn nửa năm, tôi không hề nhận thêm một tin nhắn nào nữa từ gia đình nàng. Gia đình Hồng Gấm không có con trai vì thế mọi người xem tôi như đứa con, đứa em ruột thịt… nhưng chuyện trọng đại nầy liên quan đến sinh mạng của Hồng Gấm mà mọi người có vẽ hờ hững, sáu tháng không một lá thư. Đã hai lần tôi đi phép về Sài Gòn, trừ ngày đi và ngày về còn lại hai ngày tôi ghé thăm mộ Hồng Nhung và nhiều lần tôi muốn đến Dakao thăm chị Hai để biết rõ tin tức Hồng Gấm và rồi cũng nhiều lần tôi hủy bỏ ý định.

Có đến thì cũng không gặp được Hồng Gấm vì nàng chữa bịnh cách xa “nhiều ngàn cây số?”, hoặc như có chuyện gì đó mà Hồng Gấm hoặc gia đình em muốn giấu tôi và không muốn tôi gặp Hồng Gấm thì sao. Ý nghĩ Hồng Gấm không bịnh hoạn gì hết, không đi đâu hết chỉ vì muốn lánh mặt tôi mà thôi, do đó tôi quyết định không đến và về thẳng đơn vị. Tôi ước ao điều suy đoán của tôi đúng, sự an nguy của Hồng Gấm là trên hết cho dù em có lừa dối tôi, cho dù em không còn yêu tôi! - Lời nhạc trong một nhạc phẩm nào đó của Hoàng Thi Thơ như xoáy tận tâm hồn người lính trẻ làm tôi cảm thấy mình già đi giữa tuổi đôi mươi:

Hỏi tình xưa mong chờ nhưng ai chẳng đến, hỏi người xưa tôn thờ có nhớ hay quên. Hỏi ngày nao con thuyền lại quay về bến, và…hỏi, tại sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng em!

                                             ----o----

Về tới hậu cứ sau cuộc hành quân, anh Bưu Tín viên trao cho tôi một gói nhỏ, địa chỉ và người gởi là chị của Hồng Gấm, không biết bên trong có gì…? Tôi cố giữ bình tỉnh chờ đêm đến, khi mọi người bắt đầu ngủ, tôi mở gói thư ra xem.

Bên trong là một lá thư chị Hai gởi cho tôi, một chồng thư khác của Hồng Gấm gởi cho chị Hai được đánh số từ 1 đến 10 gói riêng trong một bọc nylon. Đọc xong thư chị Hai tôi ngồi thẩn thờ nhiều giờ đồng hồ, cảm xúc giữa nỗi buồn và niềm vui hiện rõ trên nét mặt theo từng dòng thư chị Hai viết!

Trước hết, chị Hai thay mặt cả gia đình xin lỗi tôi, chị bày tỏ sự hối tiếc và lòng ân hận vô bờ bến vì đã lừa dối tôi. Chính chị đã bày mưu kế ép buộc Hồng Gấm phải nghe theo chị đã gây tổn thương cho một người mà chị đã từng xem như là đứa em ruột kể từ ngày Hồng Nhung chị của Hồng Gấm chết, chị đã vô cùng lo lắng rồi tôi sẽ ra sao, có chịu đựng nổi sự tan vỡ tình cảm quá lớn nầy không! – Sự lơ là viết thư, lời lẽ trong thư Hồng Gấm viết cho tôi nhạt nhẽo cũng đều do chị đạo diễn, chị rất đau lòng khi nhìn đứa em gái mình vừa viết thư vừa khóc nức nở…! Chỉ có cách làm tôi nghi ngờ rồi chán ghét tôi mới có thể chóng quên được Hồng Gấm. Tôi cũng đã sững sốt và vui mừng muốn phát điên khi chị Hai cho biết là Hồng gấm không bịnh hoạn gì cả, vẫn mạnh khỏe và…vẫn tha thiết yêu tôi, chỉ mẹ của Hồng Gấm mới bị ung thư mà thôi.

Ông giám đốc xuất nhập cảng, con gái út ông ta là bạn học với Hồng Gấm, con trai ông ấy học Dược sắp ra trường có vài lần gặp rồi quen với Hồng Gấm khi cô em mời Hồng Gấm về nhà vào dịp Sinh Nhật. Anh chàng nầy đem lòng thương Hồng Gấm và viết thư tỏ tình qua cô em gái nhưng Hồng Gấm viện cớ còn nhỏ và muốn tiếp tục học nên từ chối. Khi mẹ Hồng Gấm mắc bệnh ung thu máu mà không tiền chữa bệnh mà phí tổn cả triệu dollars hoặc nhiều hơn, Ông giám đốc xuất nhập cảng sẵn sàng bỏ tiền ra chữa bệnh cho mẹ của Hồng Gấm với điều kiện Hồng Gấm nhận lời cầu hôn của con trai ông.

Hồng Gấm dứt khoát từ chối vì không thể lấy một người mà mình không thương, nhưng trước sự sống chết của mẹ mình và trước những lời van cầu của người chị, Hồng Gấm đã phải đồng ý trong nước mắt. Do đó chị Hai đã dàn cảnh làm sao cho tôi chán ghét Hồng Gấm rồi sẽ quên nàng dễ dàng - Chị Hai đã khẩn thiết xin tôi tha thứ, “Chị Hai ơi, chị và cả Hồng Gấm không có lỗi gì hết, em dù có đau buồn cách mấy thời gian rồi cũng phôi phai, thời gian rồi cũng sẽ làm cho Hồng Gấm nguôi ngoai và… dòng đời cứ thế mà trôi. Người tình dù thương yêu cách mấy, khi mất đi, nếu muốn rồi cũng sẽ có người khác. Mỗi người chỉ có một người mẹ, khi mẹ hiền mất đi sẽ không bao giờ tìm được người nào có thể thay thế được. Công ơn Cha Mẹ như biển cả trời cao, lòng hiếu thảo phải đặt lên trên mọi hạnh phúc cá nhân, nếu là em thì… em cũng phải xử sự như chị!”. 
               
Con tim có lý lẽ riêng của nó, lý trí bảo thế nhưng lòng tôi đau xót khi nghĩ đến một ngày thật gần tôi phải vĩnh viễn xa em.

Những lá thư được đánh số từ 1 đến 10 là của Hồng Gấm gởi cho chị Hai, nhiều lần nàng năn nỉ được viết thư cho tôi nhưng chị Hai không cho vì sợ hỏng kế hoạch, chị Hai muốn tôi nghi ngờ để rồi chán ghét mà quên Hồng Gấm một cách dễ dàng, chị không muốn tôi biết được sự thật Hồng Gấm chỉ vì muốn cứu mẹ mà hy sinh hạnh phúc cá nhân… điều đó hợp lý nhưng cũng sẽ làm tôi đau lòng không ít, người mà từ lâu chị Hai đã xem như đứa em trai ruột thịt của mình. Thư nào gởi cho Chị, Hồng Gấm cũng khóc lóc thảm thiết, nhiều lần nàng muốn bỏ cuộc làm chị Hai vừa đọc thư vừa khóc theo em. Tội nghiệp cô bé, mới 19 tuổi đầu, cái tuổi chưa hẳn đã là người trưởng thành mà phải chịu áp lực quá lớn ngoài sức chịu đựng, mối tình đầu vừa chớm đành phải chia lìa để lấy một người mình không yêu, còn mang mặc cảm lừa dối và phản bội người tình - chị Hai không đành tâm, có lẽ trong một phút yếu lòng chị đã gởi thư nói hết sự thật với tôi kèm theo cả thư của Hồng Gấm gởi cho chị và xin tôi tha thứ!!!

                                          ----o----

Mùa đông lại về nơi tiền đồn xó núi, gió rét lạnh căm, người lính kéo cao cổ áo che bớt cái rét làm buốt thịt da, mắt nhìn xa xăm vào một khoảng không, hình như anh muốn tìm kiếm một điều gì ở đó… và, cũng nơi chốn xa xăm đó có một người con gái đang thẩn thờ ngồi đếm từng giọt mưa rơi, tiếng mưa tí tách từng nhịp buồn gỏ xuống tim đau, nàng thấy cuộc đời mình như mỗi ngày một ngắn theo thời gian nàng lên xe cưới về quê chồng!

Hồng Gấm hình như không còn biết cười nữa kể từ ngày áo cưới may xong, tất cả bây giờ đối với nàng đều vô nghĩa, duy chỉ còn chiếc áo lính bạc màu nàng ôm trong lòng lúc chiều đến để nhìn về phía chân trời xa cho đến khi hoàng hôn tắt nắng. Nơi đó nàng biết chắc cũng có một người đang dõi mắt trông, không chỉ trông để tưởng nhớ đến hình bóng nàng mà ánh mắt ngời sáng đó xuyên suốt trong đêm để canh đợi giặc về. Người lính đó nghèo nhưng lòng yêu nước (kể cả yêu người tình) không hề nghèo chút nào, cái hào hùng của người lính giữ nước đã chinh phục nàng khi ngày đầu mới gặp… mắt lệ nhạt nhòa, Hồng Gấm thì thầm: - ”Anh yêu, kiếp nầy không trọn xin hẹn lại kiếp sau!”
           
“Êm êm, ngoài kia nhạc đêm đông”
“Em nhớ khi mặn nồng…”
 “Xin cám ơn anh một thời xuân”

“Giờ còn đâu mà mong, cho chút tim nghe còn ấm”     
“Bài tình ca mùa đông, hát mãi đôi môi lạnh căm”
“Lòng thì vẫn hẹn cơn đau nguôi ngoai”
“Sao nỗi nhớ mỗi ngày… mỗi đầy!” (3)

Lê Phi Ô

(1) Riêng Một Góc Trời – Ngô Thụy Miên
(2) Trả Lại Thời Gian – Thanh Sơn
(3) Bài Tình Ca Mùa Đông - Trầm Tử Thiêng  

Những bài liên quan đến BÊN ĐỜI QUẠNH HIU:

*
ĐAM MÊ - Ca Sĩ HOÀNG HẢI

Xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm ĐAM MÊ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét