Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Vẻ Vang Dân Việt - Tiến Sĩ John Peter Phạm

 

Tiến sĩ John Peter Phạm

TIẾN SĨ J. PETER PHẠM - TỪ TRẺ TỊ NẠN CỘNG SẢN ĐẾN ĐẠI SỨ MỸ GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN
An Hải

Tiến sĩ John Peter Phạm rất khiêm tốn khi nói về thành công của cá nhân mình nhưng ông bày tỏ niềm vinh dự khi được phục vụ đất nước Hoa Kỳ trên cương vị là Đặc sứ đầu tiên phụ trách khu vực gồm 10 quốc gia Châu Phi. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA Tiếng Việt, Tiến sĩ J. Peter Phạm nói ông biết ơn những cơ hội mà đất nước Hoa Kỳ đã dành cho ông và rằng: “Giấc mơ Mỹ vẫn còn rất mầu nhiệm!”

Theo gia đình rời Việt Nam trong biến cố Sài Gòn sụp đổ năm 1975 khi mới 5 tuổi, ông đến Hoa Kỳ và sinh sống ở bang Illinois. Ông không chỉ đam mê học hành, nghiên cứu, mà còn tích cực tham gia giảng dạy, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, trở thành một học giả, một tác giả, một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Phi lục và hiện nay là Đặc sứ của Tổng Thống Mỹ.

Đặc sứ Mỹ đầu tiên phụ trách vùng Sahel

Tiến sĩ J. Peter Pham được bổ nhiệm làm Đặc sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Khu vực Sahel của Châu Phi vào ngày 1/3/2020. 

Tổng Thống Donald Trump phong hàm Đại sứ cho ông vào ngày 29/9/2020. Có lẽ, ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được phong hàm Đại sứ trong suốt 231 năm của ngành Ngoại giao Hoa Kỳ.

“Tôi rất vinh dự được phục vụ đất nước Hoa Kỳ, đại diện cho các lợi ích và các giá trị của Hoa Kỳ tại khu vực này,” Đại sứ Phạm nói.

Đặc sứ J. Peter Phạm hội kiến Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye.

Ông cho biết bốn ưu tiên của ông cho vùng Sahel là tăng cường công tác điều phối trong Bộ Ngoại giao, Chính phủ Hoa Kỳ và giữa Hoa Kỳ và các đối tác Quốc tế đối với cuộc khủng hoảng an ninh, kinh tế và chính trị tại khu vực trọng yếu này; giải quyết mối đe dọa từ các Tổ chức cực đoan bạo lực (VEO) và ngăn chặn mối đe dọa VEO tác động đến các khu vực khác; đồng thời như hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định Algiers và các nỗ lực trong khu vực nhằm ổn định khu vực ba biên giới gồm Mali, Burkina Faso và Niger.

Ngoài ra, Đặc sứ J. Peter Phạm còn kêu gọi các chính phủ trong khu vực tập trung vào việc bảo vệ dân sự, đảm bảo công lý, và có trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền cũng như vi phạm luật nhân đạo Quốc tế.

Trước đó, vào tháng 11/2018, Tiến sĩ J. Peter Phạm đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo bổ nhiệm làm Đặc sứ phụ trách sáu quốc gia Vùng Đại hồ của Châu Phi với nhiệm vụ phối hợp thực thi chính sách của Mỹ trong vấn đề an ninh, chính trị, và kinh tế, tại các quốc gia này, mà trong đó tập trung vào việc phát triển mạnh mẽ các cơ quan chính quyền và xã hội dân sự, cũng như chương trình tự nguyện hồi hương của người tị nạn và những người chạy loạn trong khu vực.

Cơ hội và Giấc mơ Mỹ

“Đất nước này đã mang đến cho tôi mọi thứ. Tôi đến Mỹ như bao người Việt Nam khác, như nhiều người từ các quốc gia khác với tư cách là một người nhập cư và người tị nạn. Giấc mơ Mỹ vẫn còn rất mầu nhiệm!” Đại sứ Phạm nói với VOA.

Minh chứng cho điều ông vừa nói, ông lấy ví dụ từ người đồng nghiệp của ông ở Bộ Ngoại giao: Đại sứ Hoa Kỳ Tibor Nagy, hiện là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Châu Phi.

“Ông ấy là một người bạn thâm niên của tôi. Cả hai chúng tôi có điểm giống nhau là đều là người tị nạn cộng sản. Gia đình của ông ấy cũng đã chạy trốn chủ nghĩa cộng sản ở Hungary một thế hệ trước khi gia đình tôi và tôi chạy trốn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam,” Đại sứ Phạm chia sẻ.

Tiến sĩ J. Peter Phạm, Đặc sứ Mỹ vùng Sahel của Châu Phi.

“Tôi chỉ là một đứa trẻ khi cha mẹ tôi đưa tôi và chị tôi đến Hoa Kỳ vào thời điểm năm 1975, ngay trước khi Sài Gòn thất thủ. Và sau đó tôi lớn lên ở vùng Trung Tây và đó là câu chuyện Mỹ!” ông nói.

“Tôi rất biết ơn vì có cơ hội phục vụ đất nước này. Cơ hội chính là thế mạnh! Tôi cũng như Đại sứ Nagy đều là những người nhập cư và là những người tị nạn chủ nghĩa cộng sản. Dù cho ai có nói thế này thế kia, nhưng tôi nghĩ rằng các cơ hội vẫn còn hiện hữu!”

‘Bén duyên’ với Châu Phi

Được hỏi vì sao châu Phi đã gắn liền với ông từ thuở còn sinh viên mãi cho đến nay, Đại sứ Phạm nói:

“Tôi nghĩ một phần cơ duyên là tôi có niềm đam mê châu Phi từ thời thơ ấu. Nó bắt đầu từ niềm đam mê với động vật hoang dã và điều này thôi thúc tôi tìm tòi nhiều điều khác và tôi cũng đã rất may mắn khi có thể làm công việc mà tôi yêu thích, cùng với những thách thức và những cơ hội lớn.”

Dù cho ai có nói thế này thế kia, nhưng tôi nghĩ rằng các cơ hội vẫn còn hiện hữu!

Đại sứ J. Peter Phạm nói về giấc mơ Mỹ. Nói về tầm quan trọng và cơ hội từ châu lục này, Đặc sứ nói: 

“Đây chính là lục địa nơi hình thành định mệnh của thế kỷ tới. Đến năm 2050, cứ hễ bốn người trong độ tuổi lao động trên thế giới sẽ có một người là người Châu Phi, đây là nguồn tài nguyên to lớn cần thiết cho nền kinh tế mới của chúng ta. Năng lượng tái tạo sạch, những thứ như khoáng chất, đất hiếm được tìm thấy rất nhiều ở Châu Phi.”

“Thành thật mà nói, những cơ hội để hỗ trợ người dân trong nhiều cuộc khủng hoảng, và các thách thức nhân đạo... là một trong nhiều yếu tố đã thôi thúc tôi theo đuổi điều này và tôi, tôi không thể chờ đợi được!

“Tôi rất may mắn được làm việc trên một lĩnh vực mà tôi đam mê, từ việc theo đuổi các mục tiêu của mình trong các học viện, tham gia cùng các tổ chức phi chính phủ và hiện bây giờ là phục vụ trong chính phủ.”

Đại sứ J. Peter Phạm trả lời phỏng vấn VOA đề vấn đề Mali.

Tiến sĩ J. Peter Phạm theo học ngành Kinh tế ở Đại học Chicago và có bằng Tiến sĩ ở Đại học Gregorian, cùng các bằng sau Đại học về Lịch sử, Luật, Quan hệ Quốc tế và Thần học.

Tiến sĩ Phạm là tác giả hơn 300 bài bình luận về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, về an ninh quốc phòng, về chính trị Phi Châu, về khủng bố, về chính trị tôn giáo, chính trị toàn cầu... cũng là tác giả, biên tập của hàng loạt cuốn sách về các đề tài Châu Phi.

Ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu về Phi Châu trong Hội Đồng Đại Tây Dương (Africa Center at the Atlantic Council), từng là Phó Chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên Cứu Trung Đông và Châu Phi (ASMEA), chủ bút tạp chí Journal of the Middle East and Africa, và giáo sư Châu Phi học tại đại học James Madison University, bang Virginia.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao ,các lãnh đạo của Viện Smithsonian đã bầu Tiến sĩ Phạm vào Hội đồng Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ về Châu Phi, và hiện nay ông vẫn đang là Phó Chủ tịch của Hội đồng này.

An Hải - Hoa Kỳ 26/11/2020 

Trai Mà Chi, Gái Mà Chi

 

Hình minh họa - internet

TRAI MÀ CHI, GÁI MÀ CHI
HP

“Trai mà chi, gái mà chi; Sinh ra có ngãi có nghì thì hơn!” (ca dao)

Câu chuyện bắt đầu bằng bức thư tuyệt mệnh của một bà mẹ Trung Quốc được đăng tải trên People’s Daily làm nhiều người rơi nước mắt, khóc cho hoàn cảnh của bà. Bà cụ năm nay đã 80 tuổi, sinh được 4 đứa con trai, không có con gái, và đã trải qua thời gian nuôi thêm 8 đứa cháu.

Khi chồng qua đời, không có đứa con trai nào muốn đưa bà về nhà sống chung với chúng, và chúng chẳng hề nấu cho bà được một bữa cơm. Bà đếm đủ 1 năm 9 tháng, khoảng 630 ngày, bà được các con trai săn sóc, rồi sau đó chúng đến không có một lời chào, và đi cũng chẳng có một câu giã từ. Chúng như những người đang bước vào một khách sạn, lướt mắt qua một bà già xa lạ đang ngồi đó.

Bà cho biết bà chưa ăn của các con một bữa nào, không mặc quần áo của con, thậm chí không tiêu một xu của chúng, nhưng các con bà làm cho bà cảm thấy bà là một món nợ đối với chúng. Ngay cả khi bà trở nên lú lẫn, các con bà vẫn lặng lẽ bỏ về mỗi tối, không ai trở lại, để lại cho bà một sự cô đơn, trống vắng đáng sợ.

Cuối thư bà cụ viết rằng: “Tôi bị đau tim. Tôi hiểu rằng ngày ấy đang đến, vì vậy tôi đã viết lá thư này. Tóc tôi bạc hết rồi, tôi thề với mái tóc trắng của tôi rằng, tôi thực sự đánh giá cao những gì các anh làm. Nhưng ngoài câu này, tôi còn có một điều nữa để nói: Tôi rất hối hận khi đẻ ra các anh, nếu có kiếp sau, tôi không muốn nhìn thấy các anh nữa!”

Người phụ nữ này đã qua đời lặng lẽ, trong tay còn cầm bức ảnh duy nhất của bà và chồng. Ðẻ ra toàn con trai, thiệt thòi đến nỗi một người mẹ phải thốt ra lời hối hận như thế hay sao?

Ngay ở Việt Nam thời phong kiến, chúng ta cũng đã nghe câu nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô! (một con trai gọi là có, nhưng mười con gái vẫn là không) thể hiện tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con, cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự, vì khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người thờ cúng. Trong trường hợp này, người chồng có quyền ly dị hoặc lấy thêm vợ.

Truyền thống trọng nam khinh nữ và chính sách một con ở Trung Quốc đã gây ra sự mất cân bằng giới tính trầm trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết “nguy cơ nam giới trưởng thành độc thân” ở Trung Quốc đã xảy ra, và cho đến năm 2020, số “nam thặng dư” ở Trung Quốc đại lục sẽ lên đến con số 2.4 triệu người. Một trong những nguyên nhân gây hệ quả đáng ngại này là do nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã hủy bỏ những bào thai nữ, hay dìm chết chúng khi mới sinh ra đời.

Việt Nam cũng không tránh khỏi chuyện trọng nam khinh nữ; nếu chẳng may một người đàn bà không sinh được một đứa con trai sẽ bị chồng và gia đình chồng hất hủi, ghẻ lạnh, và dư luận sẵn sàng bỏ qua cho người đàn ông nếu anh ta lăng nhăng hay lấy thêm vợ, với mục đích là để kiếm cho được một thằng con trai nối dõi.

Tôi có một bà chị họ, lấy chồng, mấy năm sinh liên tiếp một loạt ba đứa con gái, coi bộ nhà chồng đã lạnh nhạt ra mặt. Nghe vợ sinh đến đứa con gái thứ ba ông chồng ở xa cũng chẳng buồn về thăm vợ. Ðến lúc sinh lần thứ tư, bà Mụ loan báo lần này là con trai. Bà chị yêu cầu dở tã cho bà sờ đúng là con chim, mới mỉm cười, hai hàng nước mắt chảy dài vì sung sướng.

Chuộng con trai đến như vậy, sao thời nay, cha mẹ già cuối đời sống với con gái được xem là thuận hơn là sống với con trai. Phải chăng đàn bà – mẹ chồng, nàng dâu – hay đụng nhau trong nhà bếp, còn ông rể thì vô tâm, bộc trực, ít quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt.

Nhiều người cho rằng con gái thường quan tâm đến bố mẹ hơn là những cậu con trai. Mặt khác, đàn ông thường nghe và nể vợ, nể vợ rồi thì nể luôn cha mẹ vợ. Trái lại gặp con dâu lạnh nhạt với cha mẹ chồng, thì ở với con trai cũng khó. Ở Việt Nam ngày trước, phụ nữ thường thuần phục và lép vế hơn chồng, sang Mỹ đàn bà được coi trọng, ngang ngửa với chồng, nên đôi khi có phần lấn lướt.

Cái câu “dâu là con, rể là khách” ngày nay không còn đúng nữa! Tôi có người bạn, vợ qua đời, sau khi bán xong cái mobile home chia cho các con mỗi đứa một ít. Cậu con trai ngỏ ý mời cha về ở chung nhà, nhưng cô dâu coi bộ chẳng mặn mà, không hợp ý với cha chồng. Có lần 6 giờ sáng, cô dâu trở dậy, lấy cớ mắng mỏ con: “Mày không muốn ở đây, thì cút xéo đi đâu thì đi cho sớm, cho rảnh mắt tao!”

Ông cha tủi thân, lặng lẽ thu xếp chút quần áo, ra xe đò đi tiểu bang khác, về ở nhà con gái. Cô này đang gặp cảnh ở nhà thuê, nhưng bạn tôi thà kéo một cái màn trong phòng cháu trai, kê một cái ghế bố còn hơn ở với con trai trong một ngôi nhà mới có đến 4 phòng ngủ. Một cô dâu khác, đổi nhà từ 4 phòng xuống 3 phòng, lấy lý do con lớn cần phòng, mời cha mẹ chồng vui lòng kiếm chỗ khác ở.

Bà cụ trong câu chuyện trên báo People’s Daily ở Trung Quốc đã “xui rủi” có đến bốn đứa con trai!

Ngày nay, người ta bắt đầu biết có con gái là quý. Trước tình trạng dân số già, mất cân bằng giới tính, ở Hậu Giang Việt Nam thưởng cho những gia đình sinh hai con gái từ 390,000 đến 1.3 triệu đồng. Từ đầu năm 2019, tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện việc hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn. Theo đó, chính quyền các cấp sẽ khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh 2 con đều là gái.

Nếu không có những ngoại lệ trên đời này, thì một ông bạn tôi ở Fort Worth Dallas là người may mắn nhất trong chuyện con trai, con gái ở Mỹ. Ðó là ông bạn Ðinh Tiến Dũng, thân phụ của ca sĩ Diễm Liên, có đến “Ngũ Long Công Chúa” mà không có mụn con trai nào!

HP - Orange County, CA


13 Tác Phẩm Nghệ Thuật Thật Đến Mức Bạn Không Thể Tin Vào Mắt Mình

 

Diego Fazio

13 TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT THẬT ĐẾN MỨC BẠN KHÔNG THỂ TIN VÀO MẮT MÌNH
Hữu Nguyên

Dưới đây là những tác phẩm mà bạn không thể phân biệt nổi chúng là tranh vẽ hay ảnh chụp.

Một số họa sĩ có khả năng phá vỡ mọi ranh giới của những điều không thể. Cho dù họ sử dụng chất liệu sơn dầu, sơn acrylic, than, hay bút chì, với tài năng và sự bền bỉ, họ có thể tạo ra những bức tranh thật như một bức ảnh chụp. Một cái nhìn mới vào thế giới xung quanh, được định hình bởi tầm nhìn của nghệ sĩ.

1. Diego Fazio

Diego hoạt động như một chiếc máy in phun. Anh bắt đầu vẽ từ một phía của tờ giấy và di chuyển đều đặn trên đó. Các tác phẩm của anh chỉ sử dụng một cây bút chì và than đơn giản. Anh thường mất khoảng 200 giờ để hoàn thành một tác phẩm.

2. Omar Ortiz

Khả năng truyền tải màu sắc, ánh sang và bóng của Omar kinh ngạc đến mức chúng đã trở thành thương hiệu của anh. Anh có khả năng trời phú về việc tái liệu hoàn hảo từng đường cong trên cơ thể con người.

3. Gregory Thielker

Gregory Thielker vẽ những bức tranh về mưa sử dụng màu nước và sơn dầu, bằng cách bôi chúng lên nắm tay và quệt lên vải. Ngắm nhìn những bức tranh của anh, bạn sẽ cảm thấy như mình đang ngắm nhìn một ngày mưa gió ẩm ướt qua cửa kính xe.

4. Ruth Tyson

Họa sĩ người Anh Ruth Tyson không có nền tảng nghệ thuật chính thức. Nhưng cô lại sở hữu một tài năng độc đáo về tranh thiện thực. Cô sử dụng hỗn hợp than chì, bút vẽ thủy mặc trong tranh của mình.

5. Roberto Bernardi

Thật khó để tin rằng những bức tranh tĩnh vật của Roberto Bernadi không phải ảnh chụp. Bất kỳ ai ngắm nhìn chúng cũng sửng sốt bởi sự rõ ràng trong từng chi tiết.

6. Robin Eley

Nghệ sĩ đến từ London tạo ra các bức tranh hiện thực khổ lớn bằng sơn dầu. Anh thường che phủ sự “thiếu vải” của người mẫu bằng hình ảnh một miếng nilon mờ để tạo hiệu ứng thanh lịch.

7. Gottfried Helnwein

Gottfried Helnwein chủ yếu sử dụng màu nước khi vẽ. Dường như không có giới hạn cho tài năng của con người này: anh vừa là họa sĩ, vừa là nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc và người vẽ ký họa.

8. Vincent Fantauzzo

Tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng người úc Vincent Fantauzzo được cả thế giới biết đến. Bức chân dung anh vẽ về diễn viên Heath Ledger hoàn thành chỉ vài tuần trước cái chết đột ngột của Ledger.

9. Kamalky Laureano

Kamalky Laureano là một họa sĩ nổi tiếng người Dominica. Anh áp dụng kỹ thuật vẽ tranh acrylic trên vải. Đối với Laureano, một bức tranh không phải chỉ là bản sao của ảnh chụp mà là một sự phản chiếu về cuộc sống.

 10. Paul Cadden

Phương pháp duy nhất Cadden sử dụng là bút chì than. Đơn giản nhưng quá đủ để họa sĩ truyền tải độ chính xác của từng đường nét, nếp nhăn, cảm xúc trên khuôn mặt của con người.

11. Matthew Cornell

Không có con người hiện diện trong các bức tranh của Cornell, bởi vì anh ấy coi thế giới lý tưởng là nơi mà thiên nhiên quy định mọi luật lệ của cuộc sống.

12. Bryan Drury

Họa sĩ người Mỹ Bryan Drury hoàn thành khóa học tại Học viện Nghệ thuật Hoa Kỳ vào năm 2007 và từ đó, anh đã tạo ra hàng loạt các tác phẩm siêu thực. Từng nắm giữ nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ và châu Âu, Drury chú trọng và khắc họa làn da con người và thường tìm cách để bộc lộ ra trong tranh của mình những tính cách mà con người tìm cách che giấu.

13. Yigal Ozeri

Yigal Ozeri có một khả năng phi thường khi chuyển tải trò chơi của bóng tối và ánh sáng lên các bức tranh của mình. Từ đó, tạo ra ấn tượng sống động như một bức ảnh chụp trong hầu hết các tác phẩm của anh.

Hữu Nguyên - Theo Brightside

Thu Trong Hoài Niệm

 


PPS Thơ & Nhạc - Ước Vọng Trôi Mau

PPS Thơ & Nhạc ƯỚC VỌNG TRÔI MAU

Thơ: Kyra Nguyễn
Nhạc: LMST
Hòa âm: Vũ Thế Dũng
Trình bày: Kary Nguyễn
Hình: Nguồn Internet
Thực hiện: Huyền Ái

Trân trọng
NHHN

Xin mời quý vị thưởng thức



Tay Nghề

 

Hình minh họa - xe Mercedes GLC 300

Truyện ngắn - TAY NGHỀ
Nguyễn Giao Kỳ Trung

Chuyến bay KLM đến từ Amsterdam hạ cánh ở phi trường Los Angeles đúng 12 giờ trưa. Sau khi qua khỏi hải quan, tôi ghé mua một ít thức ăn thức uống để trên đường đi dùng thay cho bữa cơm chiều, rồi vội vã lên xe buýt ra bãi đậu xe tìm con ngựa xích thố của mình. Đây là một món đồ chơi tôi mua cho tôi trong dịp lễ Giáng sinh năm rồi. Một chiếc Mercedes GLC 300. Xe SUV đời mới màu đỏ rực. Xe Âu châu được chế tạo không phải để ngắm nhìn hay giữ lâu dài mà là để lái, nên dù máy tương đối nhỏ, chiếc xe nầy vẫn vọt rất lẹ, ôm đường, ôm cua hết chỗ chê.  Lúc lái chiếc xe ở gia tốc cao, lưng bị phản lực dán vào thành ghế, tôi có cảm nghĩ mình đang cưỡi con ngựa xích thố nổi tiếng thời Tam Quốc bên Tàu. Ngày xưa, ngài Quan Vân Trường cưỡi con ngựa nầy phò hai bà chị dâu vượt ngàn dặm sơn khê đi tìm ông anh kết nghĩa Lưu Bị. 

Ngày nay, tôi cưỡi con ngựa xích thố sắt của mình từ Las Vegas xuống Los Angeles để đáp máy bay qua Hòa Lan dự hội thảo rồi tiện đường đến một thành phố nhỏ ở đó ghé thăm ông anh kết nghĩa. Ông anh này cũng đến ty nạn ở Mỹ như tôi, nhưng ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào lạc bước qua làm việc bên Hòa Lan rồi bị một cô nàng ở đó nắm đầu giữ lại rồi tròng vào cổ một cái giấy hôn thú. Hai vợ chồng đang sống đầm ấm ở xứ tulip, cho nên khi đi, tôi chẳng có bà chị dâu nào đi cùng, và khi trở về, vẫn chỉ mình tôi lái xe từ Los Angeles về Las Vegas. Thật lòng mà nói, tôi cũng chỉ mong được như vậy. Nếu có một bà chị dâu nhờ tôi “phò”, chắc tôi sẽ nhờ Hồng Lan chuyển bả đi, về giùm. Lái xe lên dốc xuống đèo, mà có một bà ngồi bên vừa làm máy định vị (quẹo trái, không, không, quẹo phải), vừa làm máy kiểm soát tốc lực (sáu mươi dặm một giờ đó; chậm, chậm lại), vừa làm máy báo động (coi chừng, coi chừng, thắng, thắng lại) thì còn đâu hứng thú để lái xe nữa.

Mấy giờ sau, tôi đã lái xe bon bon trên xa lộ 15 hướng về Las Vegas. Tôi chạy ngang qua thành phố Barstow nhưng không ngừng ở đó mà lại lái thêm một đoạn đường nữa, rồi ngừng xe ở một khu nghỉ chân. Tôi tắt máy xe, đến ngồi ở một cái bàn xi măng, duỗi chân tay cho thoải mái, rồi vừa ăn uống vừa nhìn quanh quất. Gần đó có một người ngồi gục đầu trên bàn, dáng điệu mệt mỏi, mắt nửa nhắm nửa mở hướng về phía tôi. Bỗng nhiên, hắn ngồi bật dậy như một cái lò xo, nhìn tôi đăm đăm. Tôi cảm thấy hơi khó chịu, định quay đi nhìn nơi khác thì hắn đã đứng dậy, bước đến bên bàn tôi rồi sà người xuống ngồi đối diện với tôi. "Hi Bác", hắn chào nửa tiếng Mỹ nửa tiếng Việt, miệng cười thật tươi. "Thật không ngờ được gặp lại bác ở đây".

Tôi nhìn hắn, cố moi trong trí nhớ mình đã quen biết hắn từ lúc nào nhưng nghĩ mãi cũng không ra. Hắn nhìn về mặt ngỡ ngàng của tôi liền cười lớn. "Bác không nhận ra cháu hả?". Hỏi xong, hắn liền trở lại bàn mình, đứng quay lưng về phía tôi lục lọi trong túi xách một hồi rồi trở lại ngồi đối diện với tôi."Bây giờ bác nhớ ra chưa?", hắn vừa cười vừa hỏi.

Hắn bây giờ đang mang một đôi kiếng đen tổ tướng, còn đầu thì đội một cái mũ có in hình một chiếc lá cần sa cùng chữ "Amsterdam" bên dưới. "Deventer phải không?", tôi cười hỏi.

Nhìn cách ăn mặc của hắn, tôi đã nhớ ra rồi. Tuần trước, khi tôi vừa xuống nhà ga ở Deventer thì gặp mặt hắn. Lúc ấy, hắn đang đứng lẩn quẩn bên chiếc máy bán vé tàu điện. Thấy tôi đi ngang qua, hắn bước đến gần, nhìn tôi rồi hỏi. "You from US?"

Tôi chưa kịp trả lời, thì hắn lại hỏi tiếp. "You Vietnamese?"

Tôi giật mình, nhìn hắn rồi lắp bắp. "How do… do you…". Tôi nói chưa dứt câu thì hắn đã ngắt lời. "Chào bác", hắn nói bằng tiếng Việt.  "Cháu cũng là người Việt".

Tôi hết bỡ ngỡ, cười lớn. "Haha, thật không ngờ đến chổ khỉ ho cò gáy này mà vẫn có thể gặp người Việt. Đúng là tha hương ngộ cố nhân".

Hắn cũng cười. "Dạ đúng vậy. Gặp được bác là người Việt, cháu mừng quá". Rồi hắn ngưng cười, nhìn tôi rồi cúi đầu. "Cháu có chút chuyện muốn nhờ bác giúp cho"

Chuyện một người xa lạ vừa thấy mặt đã nhờ mình giúp đỡ thì tôi đã gặp qua nhiều lần ở Las Vegas rồi, và lần nào cũng vậy, vừa nghe câu "có chuyện nhờ bác giúp đỡ" là tôi đã quay người bỏ đi ngay. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi lại không phản ứng như vậy. Tôi nhìn hắn, mỉm cười.  "Nói đi".

"Cháu đi giang hồ mấy tuần nay, từ Pháp, qua Bỉ, rồi qua đây để xem hoa tulip. Định mua vé tàu điện về Amsterdam, sáng mai bay về Mỹ, nhưng …". Hắn nhìn tôi, cười hì hì rồi nói tiếp. "Tiền mặt thì cạn queo, còn cái Visa card thì bị rơi mất con chip". Nói xong hắn đưa cho tôi xem cái thẻ tín dụng. Trên cái thẻ nơi có con chip gắn vào bây giờ chỉ là một lỗ trống nhỏ. "Nếu không mua được vé tàu điện, cháu không biết..."

Một lần nữa, tôi không hiểu tại sao lại tin lời người thanh niên lạ mặt nầy. Xua tay không để cho hắn nói hết câu, tôi bước đến bên máy bán vé, dùng thẻ tín dụng của mình và mua một tấm vé tàu điện đi Amsterdam. Tôi đưa vé cho hắn rồi hỏi. "Sáng mai mới về, tối nay sống sao đây? Có cần tôi giúp gì nữa không?".

Hắn lắc đầu. "Dạ không. Cháu có bạn ở Amsterdam". Hắn nheo mắt nhìn tôi, một ngón tay chỉ lên cái lá cần sa in trên mũ rồi vừa cười vừa nói. "Thứ gì thì không biết, chứ bạn kiểu này đi xứ nào cháu cũng có".  Hắn ngừng cười, nói tiếp. "Cám ơn bác rất nhiều". Hắn hỏi tôi về khách sạn tôi cư ngụ rồi nói. "Có dịp cháu nhất định sẽ trả ơn bác".

Rồi chúng tôi chia tay, mỗi người đi một hướng. Ngồi trên xe taxi về trung tâm thành phố, tôi bất giác nhớ câu hắn nói "Có dịp cháu sẽ trả ơn cho bác" rồi bật cười. Cả tôi lẫn hắn đều chưa biết tên của đối phương; đến tên cũng không rõ thì dù hắn muốn trả ơn cũng làm sao mà trả đây.    

Không ngờ trái đất tròn; một tuần sau, về đến Mỹ, chúng tôi lại gặp nhau. Nghe tôi nhắc đến nhà ga Deventer, hắn gật đầu lia lịa. "Dạ, đúng rồi. Cháu là người đã nhờ bác giúp đỡ ở nhà ga Deventer". Rồi hắn nhìn tôi rồi vừa cười vừa bẻn lẽn nói tiếp. "Gặp bác rồi mà vẫn chưa có tiền trả lại cho bác, thật ngại quá".  

"Bỏ đi", tôi cười nói. "Chỉ có mấy chục euros thôi chứ đâu có bao nhiêu". Tôi nhìn hắn rồi hỏi tiếp. "Sao cậu lại ở đây?”

"Cháu định đi Las Vegas. Hai ngày qua, quá giang xe này đến xe khác, bây giờ mới đến đây".

"Tôi cũng đi Las Vegas”, tôi nói. "Để tôi cho cậu quá giang”.

Hai đứa tôi lên xe. Hắn cởi mũ và mắt kiếng bỏ vào túi xách rồi ném túi xách sang băng ghế sau. "Trang phục này chỉ hợp khi ở Amsterdam thôi, ở Mỹ không tiện lắm", hắn giải thích.  

Tôi vừa lái xe vừa nhìn người hành khách của mình. Hắn trẻ hơn tôi nhiều, độ ba mươi tuổi, người cao gầy, mặt mũi vóc dáng chẳng có gì đặc biệt. Trừ đôi mắt. Đôi mắt hắn đảo qua đảo lại, rực sáng nét tinh lanh. Y hệt như đôi mắt của một con chuột.

"Cậu ở Las Vegas hả?", tôi hỏi.

Hắn lắc đầu. "Không. Cháu ở San Diego. Cháu muốn đến Las Vegas vì có trận vô địch quyền Anh ở đó tối mai. Cá độ lớn lắm".

Tôi gật đầu. "Tôi có nghe qua. Tôi cũng thích xem đấu quyền Anh, nhưng lần này bận quá nên không mua vé kịp".

"Cháu không thích cá độ, cũng chẳng thích xem đấu", hắn nói. "Hai thằng đực rựa đánh nhau lỗ đầu chảy máu, hay ho gì mà xem"

"Vậy tại sao cậu lại đến đó", tôi hỏi.

Hắn có vẻ không thích câu hỏi của tôi, ngồi lặng yên không nói gì.  "Tôi đoán chắc là cậu làm việc trong một casino ở đó, phải không?"

Hắn bĩu môi. "Mấy chuyện ấy ai mà thèm làm. Suốt ngày chia bài, đổi tiền cho đám con bạc, chán chết".

Chúng tôi lặng yên một lúc lâu. Tôi nhớ hồi còn trẻ mới qua Mỹ, khi đi nhờ xe thiên hạ thường bị đám tài xế cho quá giang hạch hỏi đủ điều. Mầy đến Mỹ bao lâu rồi? Mầy đang làm nghề gì? Có bồ chưa? Con bồ tên gì? Nó người Mỹ hay người Việt?... Tôi rất ghét những câu hỏi kiểu điều tra lý lịch nầy, nên rất thông cảm cho hắn. "Xin lỗi cậu nghe", tôi nói với hắn.  "Tôi không muốn xen vào chuyện riêng tư của cậu đâu. Chẳng qua tôi bị méo mó nghề nghiệp. Đám nhà văn, nhà báo tụi tôi là chúa tò mò mà".

"Bác là văn sĩ?", hắn hỏi. Tôi gật đầu. "Văn sĩ thì không sao". Hắn nhìn tôi rồi gật gật  đầu. "Vậy thì bác là một tay nghề. Cháu cũng là một tay nghề. Cháu coi thường nhất là cái đám suốt đời chỉ khư khư ôm những việc làm không đòi hỏi một chút tài năng nào cả. Bác hiểu cháu muốn nói gì chứ?". Tôi gật đầu. "Bí quyết sống trên đời", hắn nói tiếp "là mình có tay nghề cao, làm được việc mà người khác khó có thể làm được". "Giống như cậu", tôi nói. "Đúng trăm phần trăm. Như cháu và như bác".

"Làm sao cậu biết là tôi có tay nghề cao?", tôi hỏi.

"Số người Việt ở Mỹ tính ra cũng đâu có nhiều, còn số người Việt ở Mỹ thích đọc sách Việt thì lại càng ít hơn", hắn đáp. "Bác là văn sĩ Việt, nếu bác không có tay nghề cao, thì làm sao bác có thể tậu được cái xế hộp ngon lành như thế này". Hắn đưa tay vỗ vỗ vào thành ghế xe. "Sắm chiếc xe này chắc cũng bộn bạc phải không bác?". Tôi gật đầu. "Khoảng năm mươi mấy ngàn. Tiền dành dụm cả đời đó. Tôi thích chạy nhanh để tìm cảm giác mạnh ngay từ lần đầu lái chiếc xe mô tô Honda 67 ở Saigon. Bây giờ già rồi, tôi thích loại xe SUV thoải mái rộng rãi nhưng sở thích tìm cảm giác mạnh đó vẫn còn. Nên đành trút ống mua chiếc xe này". "Nó phóng hết ga thì được bao nhiêu dặm một giờ?”, hắn lại hỏi. "Theo tài liệu quảng cáo, tốc lực tối đa là một trăm hai mươi chín dặm một giờ", tôi đáp. "Đó là tốc lực bị giới hạn điện tử; lên đến mức đó rồi thì không thể chạy nhanh hơn được nữa"

"Cháu dám cá với bác là dù không bị giới hạn điện tử, nó cũng không chạy đến mức đó được". Tôi cười.  "Tôi thì dám cá với cậu là nó dư sức qua cầu".

"Mấy hãng xe là chúa láo khoét", hắn nói. "Hãng nào cũng vậy, họ quảng cáo xe của họ là con thỏ, nhưng khi bác mua về thì khám phá ra nó chỉ là một con rùa". "Chiếc xe này thì khác", tôi đáp. "Quảng cáo là một con thỏ, mua về nhà cũng vẫn là một con thỏ". "Vậy bác chứng minh đi, xem thử xe của bác là một con thỏ hay chỉ là một con rùa già".

Lúc ấy, xe đang chạy ngang qua một vùng sa mạc. Tôi nhìn về phía trước. Xa lộ thẳng tắp, vắng hoe. "Thử thì thử", tôi nói. "Chân ga dính sàn nhà, pedal to metal”. Nói xong, tôi đạp mạnh chân ga. Chiếc xe vọt lên như một con ngựa bị ong chích vào mông. Chỉ trong mấy giây đồng hồ, tốc lực xe đã lên đến chín mươi dặm một giờ.

"Hết sẩy, hết sẩy", hắn la lên. "Tới luôn đi bác tài". Lúc ấy, bàn chân ga xe đã chạm vào sàn xe; tôi giữ nó ở nguyên vị thế đó.

"Một trăm", hắn la lên. "Một trăm lẻ năm. Một trăm mười. Một trăm mười lăm. Cố lên bác. Cố lên". Chiếc xe của tôi phóng như một mũi tên. Thấy xe tôi vọt đến, vài chiếc xe đang chạy trên lằn đường bên trái của xa lộ vội vã lủi vào lằn bên phải. Xe tôi qua mặt một chiếc xe pickup, một chiếc xe hơi và một chiếc xe vận tải mười tám bánh. Dù chúng đang chạy trên xa lộ, tôi thấy chúng dường như đang đứng yên. "Một trăm hai mươi", hắn đếm lớn. "Chin dặm nữa thôi, ráng lên, ráng lên".

Ngay lúc đó, tôi nghe có tiếng còi hụ. Nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy có một chiếc xe màu đen đang bám theo xe tôi sát nút, mấy cái đèn xanh đỏ gắn trên mui xe nhấp nháy liên hồi. "Thấy mẹ rồi", tôi vừa lẩm bẩm vừa thả chân ga cho chiếc xe chậm lại. 

Cuối cùng, tôi tấp xe vào lề đường, tắt máy rồi ngồi chờ.

"Thật không ngờ xe cảnh sát lại chạy nhanh như vậy", tôi nói với người hành khách ngồi bên cạnh mình. "Mình chạy một trăm hai, nó thì đứng yên một chỗ phục kích mình, vậy mà nó vẫn có thể nắm đầu mình dễ dàng". "Police interceptor; xe truy cản mà", hắn đáp. "Máy và hộp số đặc biệt. Đừng nói một trăm hai; một trăm rưỡi nó cũng có thể bắt kịp mình”.

Người cảnh sát ngừng ngay sau xe tôi. Hắn chậm rãi mở cửa, rồi từ từ bước ra khỏi xe. "Cảnh sát tiểu bang. Điệu nầy coi bộ không xong rồi", tôi lẩm bẩm. "Chỉ nói khi nào cần nói thôi, bác hiểu không", ông bạn đồng hành dặn tôi. "Chúng ta cứ ngậm miệng ngồi yên xem tình hình thế nào đã".”

Người cảnh sát khoan thai bước về phía chúng tôi. Hắn còn trẻ, rất đô con, mặt tròn đầy thịt, hai bắp đùi to như hai cái chân voi. "Coi chừng thằng cớm nầy", ông bạn đồng hành lại dặn tôi. "Nhìn cái mặt heo của nó cũng đủ biết nó là thứ khó chơi rồi". 

Người cảnh sát đến bên phía cửa xe đang mở của tôi. Hắn đặt một bàn tay nhung nhúc thịt lên thành cửa xe rồi hỏi. "Có chuyện khẩn cấp phải không?"

"Không, thưa thầy".

"Hay là bà nhà lâm bồn ông phải chở gấp đến nhà thương?". Tôi định nói với hắn là nhà tôi gần sáu mươi rồi, còn đẻ chửa chi nữa, nhưng vừa mở miệng thì đã ngừng ngay. "Không phải", tôi đáp. "Hay là nhà ông đang bị cháy, ông phải về gấp để xông vào trong đám lửa cứu gia đình ông?". Giọng người cảnh sát từ tốn nhẹ nhàng, nhưng đầy sự mỉa mai chế diễu.

"Cũng không phải", tôi lắc đầu đáp. "Ông có biết tốc lực tối đa trên xa lộ ở đây là bao nhiêu không?" người cảnh sát hỏi tiếp. Tôi gật đầu. "Tôi biết; bảy mươi dặm một giờ". "Vậy thì ông làm ơn cho tôi biết ông đã chạy bao nhiêu dặm một giờ không?", hắn lại hỏi. Tôi nhún vai, nhưng không trả lời.

Khi hắn nói tiếp, giọng hắn lớn đến nỗi làm tôi giật mình. "Một trăm hai mươi dặm một giờ”, hắn gằn từng tiếng. "Năm mươi dặm quá tốc lực tối đa", hắn nói như quát lên. Rồi hắn quay sang người hành khách của tôi. "Còn ông này, ông là ai?"

"Ông ấy là người quá giang”, tôi nói. "Tôi cho ông ấy quá giang đến Las Vegas"

"Tôi không hỏi ông", người cảnh sát nói. "Tôi hỏi hắn".

"Bộ tôi làm chuyện gì phạm pháp hay sao mà hỏi tôi hả thầy cảnh sát?"

"Có thể lắm", người cảnh sát đáp. "Tôi sẽ tính chuyện với ông sau". Rồi hắn quay sang tôi. "Bằng lái xe và thẻ bảo hiểm", hắn vừa nói vừa chìa tay ra.

Tôi đưa cả hai thứ cho thằng cớm. Hắn móc trong túi áo bên trái ra một cuốn sổ bìa đen, rồi vừa đi vòng quanh xe tôi, vừa ghi hiệu xe, đời xe, bảng số, và số đăng bộ xe vào sổ. Rồi hắn cầm cuốn sổ bìa đen lẫn giấy tờ của tôi trở về ngồi trong chiếc xe cảnh sát, ghi ghi chép chép một hồi. Một lát sau, hắn trở lại, đưa cho tôi một cuốn sổ khác. Sổ biên giấy phạt. "Ký vào chỗ nầy". Tôi lẳng lặng làm theo lời. Hắn trả bằng lái xe cùng thẻ bảo hiểm lại cho tôi, xong xé tấm giấy phạt đưa cho tôi, rồi nhét cuốn sổ phạt vào túi áo.

Hắn lại móc cuốn sổ bìa đen ra, rồi bước sang phía người hành khách của tôi. “Đến phiên ông. Tên gì?"

“Micky King Nguyen"

Thằng cớm khịt mũi một tiếng rồi hỏi tiếp. "Có giấy tờ chứng minh tên tuổi, địa chỉ của ông không?"

Người hành khách của tôi móc túi đưa bằng lái xe của chính mình cho người cảnh sát. Không nói không rằng, thằng cớm lại ghi ghi chép chép vào cuốn sổ bìa đen. "Nghề gì?"

"Thất nghiệp"

"Hử? Trước khi thất nghiệp làm nghề gì?"

"Cũng thất nghiệp luôn".

Thằng cớm nhăn mặt, ghi chép vào cuốn sổ đen xong nhét nó vào túi áo. Hắn trả bằng lái xe lại cho người hành khách của tôi rồi nói."Ông là nhân chứng việc vi phạm lưu thông của ông nầy", hắn vừa nói vừa chỉ tay về phía tôi. "Về đến cuộc cảnh sát, tôi sẽ điều tra thêm về ông".

"Điều tra tôi? Tôi đã phạm tội gì?"

Thằng cớm đưa tay tắt chiếc máy quay phim nhỏ đeo trên ngực áo.  "Nhìn cái bản mặt khó ưa của mầy là tao thấy nghi nghi rồi ", thằng cớm trở giọng nói. "Tao sẽ điều tra. Nếu mà tao thấy trong Hồ Sơ Tội Phạm Liên Bang có tên mầy trong đó thì, hà hà...". Hắn bỏ lửng câu nói đi quanh xe, đến bên tôi. "Ông già, ông có biết đang bị rắc rối lớn hay không?"
"Tôi biết".

"Cảnh sát tụi tao chúa ghét đám vô pháp vô thiên tụi mày, cứ ngồi vào xe là phóng như một con bò điên, chẳng coi luật pháp hay sự an toàn của người khác ra gì cả. Mầy đã lọt vào tay bọn tao thì đừng hòng được lái cái xe kiểng của mầy nữa. Mày chỉ có đường ngồi trong hộp mà nhìn nó thôi".  

Tôi nghe thằng cớm nói mà giật mình. "Ý ông nói là tôi sẽ vào tù?". Thằng cớm gật đầu. "Đúng, ngồi tù, ngồi trong hộp. Tao sẽ xin quan toà cho tao cái vinh dự được còng tay mầy và tống vào khám để mầy bầu bạn với đám côn đồ tội phạm ở đó. Chưa hết, tao cũng xin quan toà phạt thật nặng cho mày sạt nghiệp luôn". Hắn nói xong, nhìn chúng tôi lườm lườm một hồi, rồi đưa tay bật chiếc máy quay phim trên ngực lên. "Tôi sẽ gặp hai ông ở tòa án. Nhớ lái xe cẩn thận và kiểm soát tốc lực. Xin chào".

Hắn trở lại chiếc xe cảnh sát rồi nổ máy vọt đi. Chỉ trong phút chốc, chiếc xe biến dạng ở cuối xa lộ.

"Thế là tàn một kiếp hoa của tôi rồi", tôi thở ra.

"Tàn kiếp hoa của bác, tàn luôn kiếp hoa của cháu nữa", người hành khách của tôi nói.

"Tôi chạy quá tốc lực bị lãnh đủ thì đã đành. Còn cậu làm gì mà kiếp hoa của cậu phải bị tàn?"

"Bộ bác không nghe thằng Trư Bát Giới đó hăm he điều tra cháu hay sao?", hắn hỏi. Rồi hắn quay sang tôi. "Bác tính làm gì đây?"

"Đến Las Vegas, tôi sẽ nhờ luật sư liên lạc với một luật sư ở California để lo giải quyết chuyện này. Tôi không muốn vô trong khám ngồi gỡ lịch".

"Thằng cớm đó xạo tổ mẹ, bác đừng có tin nó", hắn nói. "Nó thấy bác già cả, lại ở tiểu bang khác nên nó hù bác đó. Chứ có luật lệ nào ở California nầy bắt người ta phải vào tù vì tội lại xe quá tốc lực đâu?"

"Chắc không đó?"

"Chắc như đinh đóng cột", hắn đáp. "Bác có thể bị trừ điểm, hay bị phát một số tiền lớn, những ngồi khám chắc chắn là không". Tôi nghe hắn nói, thấy nhẹ nhõm như trút một gánh nặng.

"Có một câu tôi muốn hỏi cậu", tôi vừa nhìn hắn vừa nói. "Tại sao cậu lại nói dối với tôi?"

"Sao bác nghĩ là cháu nói dối với bác?"

"Cậu nói với tôi cậu là tay nghề, nhưng lại nói với thằng cớm cậu không có nghề ngỗng gì cả"

"Quả là như vậy", hắn nói. "Nhưng tại sao phải chưa khảo đã khai hết với bọn cớm; làm vậy mình có được lợi lộc gì đâu?".

"Vậy cậu làm nghề gì?", tôi hỏi hắn.

"A", hắn nhìn tôi, ánh mắt lộ nét ranh mãnh. "Bí mật nghề nghiệp không thể tiết lộ được".

"Chắc là nghề không ra gì nên xấu hổ không dám nói ra chứ gì" tôi nói.

"Xấu hổ?", hắn nói lớn. "Tui mà thấy xấu hổ về nghề nghiệp của tui?". Hắn nhìn tôi rồi lắc đầu. "Không đâu bác ơi. Cháu là người hãnh diện về nghề nghiệp của mình nhất trên thế gian nầy".

"Ngon lành vậy sao?", tôi hỏi. "Vậy tại sao cậu lại không dám cho tôi biết về nghề của mình?".

Hắn nhìn tôi, cười cười. "Quả như bác nói khi nãy, mấy ông nhà văn nhà báo đúng là chúa tò mò," hắn nói. "Hết đào đến bới cho đến khi moi ra được câu trả lời mới thôi, có phải vậy không?".

"Thật ra có câu trả lời hay không đối với tôi cũng chẳng quan trọng gì. Hỏi để bắt chuyện cho quên đường dài, chứ tôi đâu có cần biết cậu làm nghề ngỗng gì", tôi dối hắn.

"Cần lắm chứ", hắn cười ranh mãnh. "Cháu nhìn mặt bác cũng thấy rằng bác đang nghĩ cháu làm một cái nghề đặc thù nên bác nhất định muốn biết cho bằng được".

Tôi thật sự không thích hắn có thể đọc ý tưởng trong đầu tôi dễ dàng đến như vậy. Tôi lặng yên, mắt nhìn đăm đăm về con đường dài trước mặt.

"Bác nghĩ đúng đó", hắn tiếp tục. "Nghề của cháu rất đặc thù, nghề đặc thù nhất trong những nghề đặc thù".

Tôi không nói gì, lặng yên chờ hắn nói tiếp.

"Đó là lý do tại sao cháu phải thận trọng khi nói về nghề nghiệp của mình. Trước hết, cháu cần phải xác định bác có phải là cớm thường phục hay không?"

"Bộ tôi giống cảnh sát lắm hay sao?"

"Không giống, mà cũng không phải. Người có ngu đến mấy cũng thấy rõ điều nầy".

Hắn móc trong túi quần ra một gói cần sa nhỏ và một xấp giấy gói thuốc rồi bắt đầu vấn thuốc. Vừa lái xe, tôi vừa liếc nhìn hắn làm việc. Tốc độ vấn thuốc của hắn thật sự nhanh không tưởng tượng được. Chỉ trong năm giây đồng hồ, hắn đã vấn xong điều cần sa. Rồi thật bất ngờ, một chiếc hộp quẹt xuất hiện trên tay hắn. Ánh lửa bùng lên, đầu điều cần sa bốc cháy, rồi cái hộp quẹt biến mất. Mọi động tác xảy ra nhanh quá, y hệt như trong một màn ảo thuật.

"Cậu có thể đoạt giải quán quân về môn vấn thuốc lá", tôi nói.

“A”, hắn vừa nói vừa hít một hơi cần sa. "Thì ra bác đã để ý thấy hết". "Dĩ nhiên là tôi thấy hết. Thật là nhanh không tưởng được". Hắn ngã lưng trên ghế xe, mỉm cười. Hắn có vẻ rất vui vì tôi đã ghi nhận tốc độ vấn thuốc lá của mình.

"Bác có biết tại sao cháu có thể vấn thuốc lẹ đến như vậy không?", hắn hỏi. "Nói đi", tôi đáp. "Bởi vì cháu có mười ngón tay thần. Mười ngón tay của cháu", hắn vừa nói vừa xòe cả hai bàn tay trước mặt tôi, "vừa nhanh vừa điệu nghệ hơn cả mười ngón tay của bất cứ danh thủ dương cầm nào trên thế giới". "Cậu chơi piano?”, tôi hỏi. Hắn lắc đầu quầy quậy. "Tội quá bác ơi, bộ cháu giống người chơi piano hay sao?”. Tôi nhìn mười ngón tay của hắn, những ngón tay thon dài, đài các, chẳng phù hợp với con người của hắn chút nào. Chúng giống như những ngón tay của một y sĩ giải phẫu, hay của một người thợ làm đồng hồ.

"Việc cháu làm," hắn tiếp tục, "còn khó hơn việc chơi piano đến trăm lần. Thằng cà chớn nào cũng có thể chơi piano. Một thằng bé đi chưa vững vẫn có thể đi thi VStar Kids, chơi piano ngầu như Beethoven. Nhưng chỉ có một người trong cả chục triệu người mới có thể làm nghề của cháu. Bác thấy sao?"

"Nếu quả vậy thì cậu đúng là một thiên tài rồi"

"Dĩ nhiên trong nghề của cháu, cháu là một thiên tài".

"Tôi đoán chắc cậu là một ảo thuật gia", tôi nói.

"Bác đánh giá cháu thấp quá”, hắn nói.  "Mấy cái nghề dàn cảnh để lòe mắt thiên hạ đó con nít làm cũng được, đâu có cần đến mười ngón tay thần làm gì ".

"Vậy chắc cậu là tay tổ xì phé", tôi lại nói.

Hắn lại lắc đầu. "Cái nghề vua bịp trong phim bộ Hongkong chỉ hấp dẫn đối với đám bình dân, nhưng với một người có mười ngón tay thần như cháu thì chỉ là những trò trẻ con thôi"

"Vậy thì tôi chịu thua, đoán không nổi", tôi cười đáp.

Lúc ấy xe qua một thành phố nhỏ. Có phố là có cớm, vừa mới bị cớm nắm đầu nên tôi thấy lạnh cẳng. Tôi cho xe vào lằn đường bên phải, giữ đúng vận tốc cho phép trên xa lộ. Bất thình lình, người hành khách hỏi tôi. "Tuần trước, bác đánh rơi hộ chiếu ở khách sạn, phải không?”

Tôi giật mình. Đúng vậy, tối hôm đó, từ Deventer trở về Amsterdam, tôi nhận được tin nhắn của khách sạn. Tôi theo chỉ dẫn trong tin nhắn, đến gặp người quản lý của phòng “Mất và Tìm Thấy”. Hắn đưa cho tôi cuốn hộ chiếu và bảo rằng có người nhặt được đưa cho hắn để nhờ hắn chuyển lại cho tôi. Chuyện này chỉ liên hệ đến tôi và người quản lý, không ngờ người thanh niên đang ngồi bên tôi lại biết được. "Sao cậu biết chuyện này?", tôi hỏi.

Hắn chẳng trả lời, vói tay lấy cái túi xách ở ghế sau, lục lọi một hồi rồi chìa một vật trước mặt tôi. Tôi chỉ biết lõm bõm tiếng Hòa Lan, nhưng đọc hàng chữ lớn “RIJBEWIJS” trên vật ấy, tôi biết nó là một cái bằng lái xe ở Hòa Lan. "Bác có nhận ra người đàn bà trong hình nầy không?", hắn hỏi.

Tôi nhìn một hồi, nhưng không thể nào nhận ra. Thấy tôi lắc đầu, hắn nói tiếp. "Con mụ này đi với đứa bé gái đã đụng vào bác ở nhà ga Deventer đó".

Nghe hắn nhắc, tôi mới nhớ ra một sự việc xảy ra ở nhà ga Deventer. Sau khi chia tay với hắn, tôi quay người kéo xách hành lý len giữa đám hành khách đi tìm taxi. Bất ngờ có một đứa bé gái tay cầm ly kem từ đâu chạy tới đụng vào người tôi. Đụng nhẹ thôi, nhưng làm vạt áo khoác của tôi bị dính đầy kem. Đứa bé nhìn tôi, vẻ mặt sợ hãi tột độ, mắt mở lớn, miệng méo xệch. Một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước đến, nhìn đứa bé rồi nói một hơi dài. Tôi không hiểu nhiều tiếng Hòa Lan, nhưng đoán đây là bà mẹ đang trách mắng đứa con gái mình. Đúng vậy, bà qua sang tôi rồi nói bằng tiếng Anh. "Xin lỗi ông, con gái tôi bất cẩn quá, làm dơ áo ông rồi". Bà móc ví, lấy một chiếc khăn tay trắng tinh rồi khom mình vừa lau vết kem trên áo tôi, vừa rồi rít xin lỗi. "Ông vui lòng cho phép tôi được trả tiền giặt ủi áo của ông". Tôi nhìn khuôn mặt sợ hãi của cô bé, rồi nhìn cử chỉ vồn vã lịch sự của người đàn bà, lòng thấy không nở. "Không cần đâu, chuyện nhỏ thôi, bà đừng để tâm". Người đàn bà lại xin lỗi tôi một lần nữa, rồi nắm tay dắt cô con gái vừa đi vừa nói thêm một tràng dài. Tôi đưa tay sờ nhẹ vào ngực áo khoác, thấy cái ví đựng hộ chiếu vẫn còn cồm cộm ở bên trong, nên yên tâm, rồi sau đó quên bẵng chuyện này đi. 

"Cháu gọi bác nhưng bác đã lên taxi", người hành khách của tôi nói. "Bác bất cẩn quá", hắn vừa nói vừa lắc đầu, điệu bộ y như một người cha đang trách mắng đứa con mình. "Cũng may là gặp phải cháu. Con mụ đó tay nghề cũng kha khá, nhưng so với cháu thì chỉ như múa búa trước cửa Lỗ Ban mà thôi".

Tôi kinh ngạc nhìn người thanh niên tên Micky King nầy, lòng thầm hỏi không biết hắn sinh ra ở Mỹ hay ở Việt nam. Nếu sinh ra ở Mỹ, sao tiếng Việt của hắn lại giỏi đến như vậy. Còn bảo sinh ra ở Việt nam, thì cách dùng chữ của hắn lại không giống như loại tiếng Việt "hoành tráng" mà đám "đỉnh cao trí tuệ" đã nhập cảng vào quê hương tôi sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm.    

Tôi nửa như hiểu, nửa như không hiểu những gì hắn nói. "Ý cậu là...", tôi lắp bắp. Hắn cười rồi gật đầu. "Hôm ấy, cháu vừa về đến Amsterdam là ghé lại khách sạn bác ở nhờ người ta chuyển cuốn sổ hộ chiếu lại cho bác".

Tôi tuy đã già rồi, nhưng đầu óc vẫn chưa lú lẫn cho lắm. Nên nghe hắn nói, tôi hiểu hết mọi chuyện. Người đàn bà và đứa bé gái ở nhà ga Deventer là cùng một bọn móc túi chuyên nghiệp. Chúng đóng kịch quá giỏi, dàn cảnh như thật làm tôi không có một chút mảy may nghi ngờ gì cả. Đứa bé cố tình đụng vào tôi để áo tôi dính kem, tạo cơ hội cho người đàn bà đến gần tôi và móc sổ hộ chiếu. Điều đáng sợ là người đàn bà ấy lấy đi sổ hộ chiếu nhưng vẫn để cái ví đựng hộ chiếu lại trong túi áo tôi khiến tôi hoàn toàn không hay biết mình vừa trở thành một nạn nhân của chúng. Chỉ trong một tích tắc mà người đàn bà ấy, một tay chùi cho sạch vết kem trên áo tôi còn tay kia móc cuốn sổ hộ chiếu ra khỏi cái ví đang nằm sâu trong túi áo trong; khả năng này thật khó mà tưởng tượng cho được. Nhưng còn điều kinh khủng hơn nữa là ông bạn hành khách đang ngồi bên cạnh tôi đây ngay sau đó lại có thể không những lấy lại cái hộ chiếu của tôi mà còn móc thêm được cái bằng lái xe của một tay tổ trộm đạo ngay từ cái ví tay của mụ ấy. Tôi nhìn hắn trân trân, lòng vừa thán phục vừa có chút khủng khiếp.  

"Cậu làm nghề... móc... móc... túi?, tôi lắp bắp hỏi.

"Cháu thật không thích từ ngữ này", hắn trả lời. "Nghe nó vừa thô lỗ, vừa tục tĩu làm sao ấy". Hắn ngừng một lúc rồi nói. "Móc túi là nghề của bọn ăn cắp vặt, như cái con mụ ở Deventer". "Vậy thì cậu gọi cái nghề của cậu là gì?", tôi hỏi. "Nghề của cháu gọi là diệu thủ. Cháu là một tay diệu thủ chuyên nghiệp", hắn trả lời với vẻ mặt nghiêm trang, trông chẳng khác gì ông Hội Trưởng Hội Văn Bút đang thuyết trình về hội của mình. "Tôi chưa bao giờ nghe đến cái nghề diệu thủ này", tôi nói. "Cái tên nghề này do cậu chế ra phải không?"

Hắn lắc đầu. "Cháu có pha chế gì đâu. Danh từ nầy đã phổ thông từ lâu lắm mà". Hắn nhìn tôi rồi hỏi. "Bác đã từng nghe đến cái tên Chu Thông hay chưa? "

Tôi gật đầu. Đúng vậy, khi còn học trung học ở quê nhà, tôi là vua luyện chưởng nên dĩ nhiên là tôi có nghe qua cái tên này. Những ai đã đọc Anh Hùng Xạ Điêu cũng biết rõ nhân vật Diệu Thủ Thư Sinh Chu Thông của nhóm Giang Nam Thất Quái. Chu Thông là vua trộm đạo, nhưng được người đọc yêu thích ngưỡng mộ vì hành động nghĩa hiệp của mình. Có điều làm tôi thật sự ngạc nhiên, là người thanh niên tên Micky King nầy sinh sau đẻ muộn, ra đời sau tôi cả một thế hệ. Ở Việt nam thời của hắn có biết bao nhiêu truyện về anh hùng xã hội chủ nghĩa, người thì nắm càng kéo trực thăng rớt xuống đất, kẻ thì một mình một súng bắn giết cả tiểu đoàn Mỹ Ngụy. Truyện nào cũng oanh oanh liệt liệt, vậy mà hắn chẳng thèm đọc, lại đi đọc chuyện kiếm hiệp vớ vẫn. Thằng này chắc ở Việt nam là tay tổ phản động, Bác và Đảng trị không nổi nên gởi qua Mỹ nhờ thằng cớm Trư Bát Giới khi nãy điều tra rồi trị giùm, tôi vừa nghĩ vừa cười thầm.

"Chu Thông cũng là một tay diệu thủ chuyên nghiệp", hắn nói. "Đôi khi cháu tự hỏi, nếu Chu Thông không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng mà là một con người thật, thì giữa hắn và cháu, không biết mèo nào cắn mĩu nào". Tôi nhìn hắn mỉm cười đồng tình. Sau khi nghe biết những gì hắn đã làm cho tôi, tôi không còn dám nghĩ câu hắn vừa nói là khoát lác nữa.

"Hơn hay thua thì không biết, nhưng giữa cháu và Chu Thông có chỗ tương đồng, và đó cũng chính là sự khác biệt giữa đám diệu thủ và đám móc túi", hắn nói tiếp. "Đám móc túi thì chuyên môn đi móc túi người nghèo. Còn diệu thủ thi ngược lại, bị người nghèo móc túi".

Tôi gật đầu mỉm cười. "Cho nên, cậu có thể moi tiền trăm ngàn từ bọn cá độ quyền Anh rồi đem cho người khác, nhưng lại không thể móc được mấy mươi euros để mua vé tàu".

Hắn cười thật tươi. "Bác đúng là một tri kỷ của cháu. Đúng vậy đó bác, nên cháu suốt đời nghèo vẫn hoàn nghèo. Cũng may lúc ở Deventer có bác, chứ không thì diệu thủ đã trở thành thất thủ rồi".    

"Từ buổi tối hôm ấy, mỗi lần nghĩ đến bị mất hộ chiếu ở xứ người phải gặp không biết bao nhiêu là phiền phức rắc rối là tôi lại rùng mình". Tôi nhìn hắn rồi nói tiếp. "Cậu nói có dịp cậu sẽ đền ơn. Cậu đã làm hơn những gì cậu nói. Tôi chỉ ra một chút ơn nhỏ, mà ơn cậu đền thì lại quá lớn..."

"Bác ra hai chút ơn chứ không phải một", hắn cười nói.

"Tôi ra ơn hai lần? Lần thứ hai là khi nào? ", tôi ngạc nhiên hỏi.

"Thì là đang bây giờ nè", hắn đáp. Thấy vẻ mặt ngu ngơ không hiểu của tôi, hắn giải thích. "Nếu bác không cho cháu quá giang, thì đêm nay cháu chỉ dành ôm bụng đói ngủ giữa sa mạc. Tình cảnh đó mới thật là thê thảm. Như vậy, không phải là bác đã ra ơn một lần nữa hay sao?"

Tôi lắc đầu, chỉ biết cười mà không biết nói gì thêm. "Bác ra ơn hai lần, thì cháu phải đền ơn hai lần. Ta, ta, ta, tà…", hắn vừa nói vừa giơ hai tay lên trước mặt tôi, mỗi bàn tay cầm một vật: tay trái cầm cuốn sổ biên giấy phạt, tay phải cầm cuốn sổ nhỏ bìa đen. "Để xem thằng Trư Bát Giới đó có tài phép gì để điều tra cháu hay khiến cho bác phải ngồi tù", hắn vừa nói vừa cười lớn.

Lại một lần nữa, tôi trân trân nhìn hắn. Nhưng sự kinh ngạc khủng khiếp đó chỉ thoáng qua có một giây rồi được thay thế bằng sự vui sướng tột cùng. "Cậu thật là thần thông quảng đại", tôi cười nói. "Trư Bát Giới mà gặp phải Tề Thiên Đại Thánh thì chỉ có đường bỏ cào cỏ mà chạy dài thôi!"

Nguyễn Giao Kỳ Trung