Khi nhắc đến chữ “Thầy” chúng ta đều mang một cảm giác tôn kính, có lẽ bởi từ xưa tới nay người thầy luôn đóng vai trò khá quan trọng trong xã hội. Thầy giáo là những người truyền thừa giá trị đạo đức, tri thức và nhân văn tới thế hệ tương lai; thầy thuốc hay bác sỹ là những người cứu chữa con người lúc ốm đau bệnh tật, bảo toàn sinh mệnh cho họ... Do vậy phẩm cách đạo đức của người thầy là vô cùng quan trọng...
Trên thực tế, xã hội nhân loại đã có những biến đổi sâu sắc về quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Sự thịnh hành của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân đã làm cho sự thiêng liêng cũng như vai trò của những người thầy ngày càng bị xói mòn.
Mang trên vai một chữ thầy đã khó, mang trên vai hai chữ “thầy” lại càng khó hơn. Đó là những người vừa làm thầy thuốc và vừa làm thầy giáo trong các trường đại học Y. Thời xưa khi con người còn suy nghĩ đơn giản thì người thầy thuốc cũng chỉ cần chú trọng trau dồi Y thuật, chú trọng làm sao để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và chăm lo truyền đạt lại kinh nghiệm cho thế hệ sau là được rồi. Nhưng ngày nay có hai vấn đề không hề nhỏ mà một người vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc đang phải đối mặt...
Thông tin truyền thông một chiều & vấn nạn bạo lực đối với nhân viên Y Tế
Nhắc đến cụm từ "Tai biến y khoa" thì không chỉ những thầy thuốc mới bước vào nghề phải e dè, mà ngay cả những thầy thuốc giàu kinh nghiệm cũng chỉ dám nói: "không ai biết được khi nào tai biến sẽ xảy ra, có khi tai biến rất nặng lại xảy ra trên một ca rất đơn giản".
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ trước đây cho thấy, theo ước tính của các chuyên gia thì hàng năm có đến khoảng 98.000 ca tử vong do tai biến y khoa xảy ra trong bệnh viện, tử vong do tai biến y khoa nhiều hơn cả tử vong do tai nạn xe máy và ung thư vú [1]. Đọc bài nghiên cứu này tôi thấy thật nhiều trăn trở: sứ mệnh của bác sĩ là cứu người nhưng sao lại gây ra tử vong nhiều đến vậy. Do đó, tôi luôn tự nhủ bản thân phải đặt tâm vào việc tác nghiệp trong từng ca làm sao cho tốt nhất - như thế sẽ giảm thiểu được tai biến.
Nhưng đúng là "nhân vô thập toàn", đã là con người thì sẽ có sai sót. Tai biến nhẹ, tai biến nghiêm trọng cũng có lúc xảy ra, điều quan trọng là sau đó người làm bác sĩ phải thành thật tìm những thiếu sót từ bản thân rồi sửa đổi - để tránh lặp lại những lỗi lầm này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trang báo mạng đã đưa tin một chiều về những bức xúc của bệnh nhân và gia đình có người nhà chịu tai biến - khi chưa có quyết định từ những cơ quan chuyên môn. Điều này đã làm cho không ít người trong xã hội có thái độ phản cảm đối với bệnh viện và nhân viên Y Tế. Bên cạnh đó, những hành vi bạo lực đến từ gia đình và người nhà bệnh nhân cũng góp phần không nhỏ làm cho nhiều thầy thuốc dao động ý chí của mình.
Thời tôi còn là sinh viên khi đi trực tại một Bệnh Viện ở Hà Nội, đang trong phòng trực thì có chị y tá gọi trốn nhanh đi vì có người nhà bệnh nhân đang quậy phá. Tôi cũng nhanh chóng theo chân các chị rời đi, các bác sĩ trực cũng phải đi trốn. Lúc ấy, tôi có cảm giác rất phiền lòng, không còn thấy phong thái điềm tĩnh thường ngày của người những người thầy thuốc đâu nữa. Gần đây thì có cả những hành vi bạo lực trực diện đối với nhân viên Y tế. Có thể nói chuẩn mực đạo đức trong xã hội đã sa sút nhiều so với khi xưa.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền
Khi còn là sinh viên, tôi vẫn thường mong ước khi ra trường sẽ được làm việc ở một nơi mà mình chỉ đặt tâm huyết vào trau dồi kiến thức, kĩ năng để khám chữa bệnh cho tốt, mà không cần phải nặng gánh lo cơm áo gạo tiền. Khi đó nhiều đàn anh đã vào nghề nhiều năm cho rằng suy nghĩ đó thật ngây thơ và sau này có thể tôi sẽ nghĩ khác. Còn tôi trong thâm tâm vẫn nghĩ mình phải kiên trì theo đuổi mục tiêu này.
Khi ra trường tôi vào làm trong một bệnh viện công. Mặc dù chưa có gia đình nhưng mức lương khi ấy cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân, quả thật đúng như các anh chị từng vào nghề trước đã nói... Để kiên trì với chuẩn mực mà mình đã đặt ra, tôi đã chọn rời bệnh viện công ra làm bệnh viện tư. Trời không phụ lòng người. Cuối cùng tôi đã kiếm được một nơi làm việc có thu nhập tương đối tốt, và còn có thời gian học hành trau dồi chuyên môn và cân bằng cuộc sống.
Nhưng hoàn cảnh nói chung của các đồng nghiệp khác thì không được may mắn như vậy. Đối với những chuyên ngành có phẫu thuật, thủ thuật thì còn khá, với những chuyên ngành không có thì mức lương của một bác sĩ nói chung, thậm chí lo cho bản thân và gia đình cũng còn chật vật.
Trước gánh nặng đó, nhiều đồng nghiệp ngoài thời gian đi làm ở Bệnh viện còn mở thêm phòng khám tư. Thời gian làm việc một ngày có khi kéo dài tới 12 tiếng hoặc hơn là chuyện bình thường. Vừa làm bệnh viện công vừa vận hành phòng khám tư được gọi là “chân trong chân ngoài” là một xu thế khá phổ biến trong thời buổi hiện nay. Một số người còn đi “đánh bắt xa bờ” - nghĩa là đi về các tỉnh xa khám chữa bệnh tại các cơ sở Y tế tư nhân. Nghe thì thật khó tin, nhưng đây cũng là hậu quả tất yếu của "chủ nghĩa tư lợi - cá nhân" và “chủ nghĩa duy vật tuyệt đối” - khi mà con người ta coi khám chữa bệnh là một thứ hàng hóa thì lúc ấy "có cung ắt có cầu", chính quan niệm này đã tạo nên nên ảnh hưởng tiêu cực tới cả một số thầy thuốc. Thậm chí có những y bác sỹ còn "vác" đồ nghề đi “mổ dạo”.
Thời gian còn lại khá eo hẹp, ai siêng năng thì còn tranh thủ được thời gian đèn sách, còn không siêng thì hiếm khi mở sách đọc. Đó là chưa kể ở một số Bệnh viện còn quá tải khiến cho áp lực lên thầy thuốc càng nhiều hơn. Làm sao cho trọn chữ “thầy”?
Nhưng cho dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, ai đã dám mang trên vai hai chữ thầy thì cần phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu ai có thể giữ vững ý chí kiên định, trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức này thì tôi tin rằng người đó sẽ có được những thành tựu xứng đáng, như trong lời thề Hippocrates đã nói:
“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không vi phạm thì tôi sẽ được ban cho một cuộc sống sung túc và được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người”.
Bức tranh được vẽ bởi Girodet, minh họa câu chuyện Hippocrates từ chối những món quà của Hoàng đế Achaemenid Artaxerxes khi cầu khẩn ông phục vụ... (Wikipedia)
Người Thầy trong văn hóa Phương Đông
Chuẩn mực đạo đức phải là bất biến, có như thế thì mới có thể làm trọn được trách nhiệm với hai chữ Thầy. Nhìn theo một khía cạnh khác thì chính hoàn cảnh phức tạp lại có thể dung luyện được ý chí con người. Do đó tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân phải hành xử theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống như lời thề Hippocrates hay theo những chuẩn mực đạo đức của người thầy trong văn hóa Phương Đông: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Có một người thầy vĩ đại trong văn hóa Á Đông là Khổng Tử, cũng là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Xin được chia sẻ với quý đồng nghiệp một câu chuyện về nhân vật mẫu mực này:
“Thời Xuân Thu có nhiều nước nhỏ, các nước thường xảy ra chiến tranh, cuộc sống của người dân vì thế mà không được yên ổn. Khổng tử có biện pháp cai trị thiên hạ, cũng lại có tấm lòng nhân ái. Để người dân có được cuộc sống bình yên vui vẻ, ông đã dẫn theo một vài môn sinh đắc ý đi đến các nước những mong hỏi thăm tìm kiếm được một vị vua có thể thực hiện hoài bão của ông. Trên đường đến Độ Khẩu, khi đến một khu vực đồi núi xa lạ chẳng rõ đường, cùng lúc đó thầy trò Khổng Tử chợt bắt gặp hai nông dân đang làm ruộng, Khổng tử bèn sai học trò là Tử Lộ đi tới hỏi đường.
Tử lộ bước tới chỗ hai người nông dân và nói: “Xin hỏi hai vị, đi đường nào để đến Độ Khẩu vậy?”
Một người nông dân nói: “Người ngồi trên xe ngựa là ai đấy?”
Tử Lộ đáp: “Là thầy của tôi - Khổng Trọng Ni tiên sinh”.
Người nông dân đó nói: “Ồ, thì ra là Khổng Trọng Ni tiên sinh, người vì muốn phổ biến nhân đạo mà đi khắp thiên hạ đây, vậy thì ông ấy nên biết con đường đời nên đi như thế nào, hà tất phải hỏi đường chúng tôi làm gì?”
Người nông dân còn lại nói: “Thiên hạ hiện nay loạn thế này lấy đâu ra vị vua tài đức cơ chứ, ai có khả năng thay đổi cục diện này đây, nhìn cậu vất vả đi khắp nơi theo Khổng tiên sinh như thế, hay là ở đây trồng trọt cùng làm ruộng với chúng tôi sống cuộc sống tiêu diêu tự tại?”
Không hỏi được đường đi Độ Khẩu, Tử Lộ đành ủ dột quay trở về phía xe ngựa, trong lòng nghĩ người nông dân nói có lẽ cũng đúng. Thế là Tử Lộ bèn đem những chuyện vừa trải qua kể lại cho Khổng Tử nghe, đồng thời cũng thỉnh giáo thầy mình...
Tử Lộ nói: “Thưa thầy chúng con chỉ cần học hành cho tốt, tu dưỡng phẩm hạnh là được rồi, hà tất phải vất vả thế này?”
Khổng Tử đáp: “Ta cũng rất ngưỡng mộ cuộc sống tiêu diêu tự tại của người nông dân nhưng hiện nay thiên hạ loạn như thế này, nếu người có học như chúng ta đây không làm hết trách nhiệm của mình mà lại đi ẩn cư sống tự do nhàn hạ vậy thì ai lo việc thiên hạ nữa đây?”
Lúc này ánh nắng chiều đang chiếu lên mặt Khổng Tử, nhìn thấy nét mặt của Thầy lộ rõ vẻ bình tĩnh ung dung và kiên định, Tử Lộ cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Tử Lộ nói: “Thưa thầy con thật xin lỗi, con đã quên đạo lý mà thầy đã dạy chúng con, trách nhiệm của kẻ có học chính là cần làm cho mọi người trong thiên hạ có thể sống với nhau như một nhà, yêu thương nhau, chăm sóc nhau, đây mới là hoài bão của nhân giả”.
Khổng tử mỉm cười nói: “Được rồi, chúng ta tiếp tục đi thôi, chỉ cần chúng ta kiên trì thì có thể tìm ra con đường. Đúng, sai cũng không sao, đi lại từ đầu là được”.
Và ước nguyện của Khổng Tử đã thành hiện thực. Học thuyết nhân đạo của ông đã được truyền bá rộng khắp, và là chuẩn mực đạo đức cho muôn đời sau, tư tưởng Khổng Tử cũng nhờ đó mà trường tồn suốt mấy nghìn năm nay trong văn hóa Á Đông.
Xin được từ tận đáy lòng cảm ơn những người thầy, những thế hệ đồng nghiệp đi trước đã dìu dắt tôi từ khi con còn chập chững bước vào nghề cho đến ngày hôm nay. Tôi sẽ nỗ lực tu sửa bản thân để làm tròn thệ ước của mình, gìn giữ các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và truyền tiếp đến những thế hệ mai sau.
Phong Trần
(Một Bác sĩ trẻ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét