Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Buồn Vui Đời Lính


 

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn: BUỒN VUI ĐỜI LÍNH
BS Nguyễn Duy Cung

Sau cuộc hành quân Dakrotah đoàn quân trở về đến Kon Tum thì trời đã xế.  Xe chạy thật chậm khi vào trong thành phố, những đứa trẻ đang đùa vui hồn nhiên trên cầu Dakbla dừng lại ngó đoàn xe nhà binh phủ đầy bụi đỏ, chỉ trỏ cười với mấy chú lính ngồi đàng sau.  Tụi nhỏ vô tư giống như tôi hồi đó, chạy giặc mà có biết chiến tranh là gì đâu, được đi đây đó tản cư, biết thêm một nơi ở mới, có thêm vài đứa bạn mới, chơi u mọi, tạt lon . . vậy là vui rồi. 

Tôi vẫy chào một thằng nhóc đứng bên đường đang nhìn tôi chăm chú, chắc nó lạ với cây gậy hai màu tôi đang cầm trên tay.Tôi nghĩ thầm trong bụng “Khi nó lớn lên hy vọng hết chiến tranh, nó không phải ra trận như tôi bây giờ.  Cũng vái trời được như vậy. ”

Về đến đơn vị vừa tắm rửa xong, mới thay xong bộ đồ nhà binh dầy cui bết bùn ra định tìm cái gì bỏ bụng rồi ngủ một giấc cho đã, thì thấy có hai vợ chồng trẻ đi với một đứa bé trai chừng 8, 9 tuổi, đứng thập thò ở cửa, tôi chưa kịp hỏi thì thằng bé đã nhanh nhẩu: “Con đang chơi trên cầu thì thấy xe bác sĩ nên chạy theo sau, biết bác sĩ ở đây, con về nói cho Ba Má con hay để đem cơm tới cho bác sĩ ăn.  Con biết bác sĩ đi hành quân về đói!” Người mẹ nhắc tôi nhớ lại đứa nhỏ bị sốt thương hàn, được tôi chữa khỏi cách đây không lâu.

Mâm cơm tuy đạm bạc, chỉ có vài miếng khô nướng nhỏ bằng hai ngón tay, một cái trứng vịt luộc dầm nước mắm và ít cọng rau thơm... nhưng chứa đựng một sự chân tình sâu đậm làm tôi hết sức cảm động. 

Từ ngày tốt nghiệp ra trường, phục vụ đồng bào bằng nghề nghiệp của mình, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được tấm lòng thương yêu quý mến biểu lộ cụ thể của người dân nơi đây. Mới biết lòng biết ơn ai cũng vậy mà thôi, người sơn dã mộc mạc hay người đồng bằng tiến bộ hơn cũng thế. Bữa cơm thật ngon lành đậm đà tình nghĩa khiến tôi nhớ hoài.

Kon Tum là một vùng đất rộng lớn với núi rừng trùng điệp thuộc miền Cao Nguyên Thượng, giáp dãy Trường Sơn. Phía bắc có ngọn núi Ngọc Lĩnh cao nhất miền Nam, gần 2600m, về mùa mưa nước trên núi cao đổ mạnh xuống các vùng trũng, đôi khi tạo nên những cơn lụt bất ngờ không trở tay kịp.

Kon Tum theo tiếng Banhar có nghĩa là cái làng (kon) ở ven hồ (tum). Sông Dakbla bắt nguồn từ cao nguyên G I Komplon là một trong ba con sông chánh chảy qua vùng nầy trước khi đổ vào sông Cửu Long, mùa khô lòng sông cạn có thể đi bộ qua bên kia bờ, nhưng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mực nước sông dâng cao chảy xiết, thuyền bè không qua lại được.

Đại đội 22 Quân Y lại nằm trong một vùng đất thấp gần sông, mấy hôm trước có những trận mưa to trên núi, từ Dakrotah, Daksut, Dakto xuống đến Kon Tum. Một sáng nọ tôi dậy sớm đi bộ dọc theo ven sông, chợt thấy mực nước dâng lên bất thường, càng lúc càng cao, đến trưa nhìn ra đã thấy nước mấp mé sau lưng doanh trại Quân Nhu, chỉ cách đơn vị tôi một con đường đất cao hơn một thước. 

Với tư cách xử lý thường vụ Đại đội trưởng, tôi lo ngại cho sự an toàn của đơn vị mình nếu có lũ lụt, nên vội vàng tập họp nhân viên các cấp để thảo kế hoạch di tản khẩn cấp. Ông Thượng Sĩ đại đội được lịnh điều khiển binh lính và giúp dược sĩ Lý Công Tuấn trông coi việc bảo quản kho thuốc. 

Trong khi chúng tôi còn đương chuẩn bị thì nước đã tràn qua đường và thấm vào sân trại. Kẻng báo động vang lên. Mọi người đã hiểu rõ cách ứng phó theo kế hoạch nên công việc thiệt dễ dàng và có thứ lớp. Ưu tiên di tản thương binh lên vùng đất cao trên Tổng hành dinh, vách ván phía sau kho y dược được phá ra để tiện di chuyển đồ đạc lên đồi, sổ sách của ban nào thì ban đó giữ gìn cẩn thận. 

Quân xa để đèn pha, nối đuôi nhau chạy vào sân để chở đi những máy móc y cụ quan trọng như bàn mổ, ghế Nha khoa… Đến 7 giờ chiều, đơn vị đã bị nước ngập toàn bộ nhưng tất cả những đồ đạc đều được di dời kịp thời, đúng theo kế hoạch, quân xa súng đạn, thuốc men y cụ… được anh em sắp xếp vào chỗ mới an toàn, bịnh nhân thì nằm yên ấm trong hội trường của Tổng hành dinh và được bác sĩ tiếp tục chăm sóc chu đáo, chỉ có Ban điều hành bị thấm ướt loi ngoi như chuột vì chạy tới lui thu xếp công việc. Tôi quan sát sự rộn rịp và hăm hở của mọi người mà cảm thấy vui vui.

Những nhân viên lâu năm ở đây cho biết ngày trước có lần Quân Y ở đây đã bị ngập lụt thình lình vào ban đêm, nước sông tràn lên quá nhanh, anh em thiếu chuẩn bị nên lần đó thiệt hại rất nặng nề, bịnh nhân phải leo lên nóc bịnh xá hay các nhánh cây bả đậu gần đó chờ xuồng tới cấp cứu, kho thuốc bị nước tràn vô hư hỏng toàn bộ, chiếc quân xa cứu thương chết máy, bị cuốn trôi xuống suối.

Lần nầy nước lên cũng nhanh, nhưng do xảy ra ban ngày và có chuẩn bị đối phó kịp thời nên thiệt hại không đáng kể, nhưng phải đợi vài ngày sau cho nước rút khô, làm lại vệ sinh doanh trại, sửa chữa những phòng ốc bị hư hỏng và dời bịnh nhân, xe cộ, thuốc men trở về vị trí cũ. Thiên tai quả thật khó lường! Chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm cho những mùa lũ lụt sắp tới. Bộ Tư lịnh có công văn khen ngợi Đại đội quân Y tổ chức tốt nên bảo vệ an toàn cho đơn vị.

BS Nguyễn Duy Cung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét