Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Quân Tử Như Quế Thơm, Tiểu Nhân Như Dâm Bụt

 

Đời người không thể không có thầy giỏi bạn hay, ai cũng muốn có người bạn cùng chí hướng. Chỉ có lựa chọn bạn có phẩm đức cao thượng, hứng thú cao nhã, chí hướng cao xa, thì mới có thể giúp đỡ nhau, học hỏi nhau... (Ảnh: Shutterstock)

Kết Giao Bằng Hữu: QUÂN TỬ NHƯ QUẾ THƠM, TIỂU NHÂN NHƯ DÂM BỤT
Trung Dung

"Người xưa kết giao bởi chí hướng và khí chất, người nay kết giao bởi quyền thế và lợi lộc". Kết giao với cái tâm truy cầu công danh lợi lộc thì chắc chắn sẽ không chọn được bạn tốt...

Đời người không thể không có thầy giỏi bạn hay, ai cũng muốn có người bạn cùng chí hướng. Nhưng đạo kết giao thì chọn bạn là trên hết. Có nghĩa là, chỉ có lựa chọn bạn có phẩm đức cao thượng, hứng thú cao nhã, chí hướng cao xa, thì mới có thể giúp đỡ nhau, học hỏi nhau, cùng tịnh hoá cùng tiến bước trên con đường đời. Nếu chọn người phẩm hạnh xấu thì có thể sẽ làm vấy bẩn mình, nhuộm đen mình, khiến bản thân cuốn theo dòng đời dơ bẩn. 

Kết giao với nhiều bạn tốt thì cả đời ít ưu sầu. Từ xưa đến nay, chọn bạn kết bạn là một nhu cầu, cũng có khi là một thử thách của cuộc sống mà ai cũng phải đối diện. 

Từ "học một mình, không bạn bè thì đơn độc, thô lậu và kém hiểu biết", đến "đại trượng phu trên đời, kết giao anh hùng bốn biển"; 

Từ "ta có khách quý, đánh đàn thổi tiêu", đến "có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm sao";

Từ "đời người quý ở tri kỷ, đâu cần vàng bạc", đến "chim theo loan phượng bay cao, người bạn hiền lương phẩm tự cao"...

Những lời trí tuệ của Thánh hiền xưa đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa quan trọng của bạn bè đối với một cá nhân.

Đúng như bậc đại Nho đời Tống - Văn Trung Tử đã nói: "Người quân tử trước tiên lựa chọn rồi sau đó mới kết giao, kẻ tiểu nhân trước tiên kết giao rồi sau đó mới lựa chọn. Thế nên quân tử ít ưu sầu, tiểu nhân nhiều oán hận". Câu nói này dường như cũng là lời nhắn nhủ nhân thế nhân rằng: cần lựa chọn bạn tốt mà thâm giao, như vậy mới thọ ích cả đời. Trái lại thì sẽ bị bạn bè lôi kéo liên lụy và sa ngã.

Cần lựa chọn bạn tốt mà thâm giao, như vậy mới thọ ích cả đời. Trái lại thì sẽ bị bạn bè lôi kéo liên lụy và sa ngã. (Ảnh: Pexels)

Trong lịch sử có Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ, Quản Trọng và Bào Thúc Nha, Lý Bạch và Đỗ Phủ, Tô Đông Pha và Trần Quý Thường... Mối thâm giao bằng hữu của những bậc quân tử này đã trở tấm gương mẫu mực cho hậu thế. Trái lại chọn bạn không tốt thì không chỉ khó mà giúp nhau tiến bộ, trái lại còn liên đới họa hại lẫn nhau. Ví như Vương An Thách chọn Lã Huệ Khanh làm bạn, Lã Huệ Khanh bề ngoài tỏ vẻ trợ giúp nhưng thực chất bên trong ngấm ngầm hãm hại bạn những mong thôn tính được vị thế cao hơn. Có thể thấy: "Bạn chính trực thì mình ngày ngày thọ ích, bạn tà vạy thì mình ngày ngày tổn hại", thế nên lựa chọn bạn là việc không thể không thận trọng.

Quản Trọng nói: "Quan sát bạn bè người ta thì biết được họ là người hiền hay hư hỏng". Danh thần đời Thanh Tăng Quốc Phiên cũng nói: "Thành bại một đời đều có liên quan đến việc bạn bè có phải là người hiền hay không, nên không thể không thận trọng". 

Chọn bạn như thế nào? Mạnh Giao đời Đường đã đưa ra nhiều kiến nghị hay trong trong bài thơ Chọn bạn (trạch hữu) và Xem xét kết giao (Thẩm giao). Trong thi phẩm Chọn bạn, ông viết:

Người tốt thường nói thẳng
Không thuận chiều thế gian
Kẻ ác nhiều siểm nịnh
Phi nghĩa vẫn cầm mang

Noi học bậc Chân nhân
Tâm vững vàng sắt đá
Không nịnh lừa xảo trá
Không đắm chìm xa hoa

Mặt chẳng nét bẩn tà
Lòng chẳng lo dối trá
Đại Đạo là tất cả
Ngày đêm luôn vững lòng.

Trong thi phẩm Xem xét kết giao, Mạnh Giao viết:

Trồng cây cần chọn đất
Đất xấu biến đổi rễ
Kết giao nếu sai người
Giữa đường sinh phỉ báng

Quân tử như quế thơm
Xuân tươi đông càng tốt
Tiểu nhân như dâm bụt
Sáng nở chiều đã tàn

Chớ đi lớp băng đông
Giữa sóng ngầm lật ngã

Hai bài thơ này mách bảo chúng ta, chọn bạn nên chọn người quân tử, chọn người đức cao; nhất định không được chọn tiểu nhân, không chọn người xiểm nịnh.

Chọn bạn nên chọn người quân tử, chọn người đức cao; nhất định không được chọn tiểu nhân, không chọn người xiểm nịnh. (Ảnh: Pexels)

Tình bạn trải qua thử thách lâu dài thì nhân nghĩa là trên hết. Hễ coi trọng chữ lợi thì khó kết giao được bạn chân tâm, cho dù nhất thời rất có "cảm tình", thì rốt cuộc cũng rất khó đi đến cuối cùng. Học giả nhà Lương thời Nam Triều đã viết bài văn Quảng tuyệt giao luận, phê phán 5 loại kết giao vì lợi ích như sau:

Thứ nhất là kết giao quyền thế, tức chạy theo quyền quý, a dua bợ đỡ.

Thứ hai là kết giao hối lộ, tức tham tiền tài, chẳng để ý đến danh dự tiết tháo.

Thứ ba là kết giao trò chuyện, tức hâm mộ người nổi tiếng, phụ họa phong nhã.

Thứ tư là kết giao bần cùng, tạm bợ với người thất ý tiêu cực.

Thứ năm là kết giao tính toán, tức việc gì cũng suy xét cân đong, chỉ cầu mình có lợi.

Tóm lại 5 loại kết giao này như là người buôn bán trên phố, có lợi thì giao dịch, lỗ vốn thì không làm. Chọn bạn theo những cách thức này thì chỉ có bạn rượu thịt, thậm chí bạn xấu, bạn trộm cướp.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy, lựa chọn bạn cũng là một loại học vấn. Chỉ có kiên trì kết giao những người cùng chí hướng, hứng thú tương đồng, làm gương cho nhau, kết giao thanh đạm nhiều... thì mới có thể tìm được bạn bè chân thật, trợ giúp nhau cả đời, cả hai cùng thọ ích.

Trong cuộc sống hiện thực, nhiều người khi chọn bạn kết giao, thường chọn người có lợi ích, có quyền thế, có tiền của để kết giao... Kết quả không bị bạn bè dẫn dắt theo đường xấu thì cũng vào hùa cùng họ. Nhiều người khi vào vòng tù tội mới cay đắng nhận ra rằng 'bạn bè' đã làm hại họ. Thực ra không phải bạn bè làm hại họ mà chính là họ đã lựa chọn sai bạn bè, nhìn nhận sai về bạn bè, đều là do thế giới quan, giá trị quan sai lệch mà ra cả. Bởi lẽ "Kết giao bởi quyền thế thì khi quyền thế đổ sẽ tuyệt giao. Kết giao bởi lợi ích thì khi lợi ích hết sẽ tan đàn". Động cơ kết giao không thuần chính thì hành vi qua lại ắt sẽ xuất hiện sai lệch và biến dị.

Đúng như câu nói "Người xưa kết giao bởi chí hướng và khí chất, người nay kết giao bởi quyền thế và lợi lộc". Kết giao với cái tâm công danh lợi lộc thì chắc chắn sẽ không chọn được bạn tốt. 

Tăng Tử nói: “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân”, nghĩa là: "Người quân tử dùng văn chương để kết giao, tụ hội bạn bè, cùng bạn bè trợ giúp làm những việc nhân đức".

Trung Dung (biên dịch)
Theo read01.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét