GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu tùy bút NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐỒNG MÔN, tác giả, thầy Trần Đăng Tường, cựu giáo sư Trung Học Tổng hợp Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên trước 1975.
Vì bài vở quá nhiều nên giới thiệu bài này lên diễn đàn hơi trễ. Xin Thầy thông cảm. BBT thành thật xin lỗi và rất mong được đón nhận những sáng tác của Thầy.
Trân trọng
NHHN
NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐỒNG MÔN
Thầy Trần Đăng Tường
Người xưa từng nói: “Nhân sinh bách nghệ, văn học vi tiên.”
Nghĩa là người ta sinh ra ở đời có trăm nghề, nhưng nghề cầm bút, văn chương
thi phú đứng hàng đầu.
Riêng mỗi chúng ta, khi sinh ra và lớn lên, đi
học, trưởng thành và rồi thì cũng phải chọn cho mình một nghề để mưu sinh. Tất
nhiên ai cũng muốn đời mình có được một nghề được xếp vào hàng càng cao càng tốt
trong mức thang xã hội. Nghề thường đi
đôi với nghiệp và nghề là yếu tố quyết định vận mệnh (nghiệp) của mỗi chúng ta
trong tương lai. Vì thế có câu “ sinh nghề tử nghiệp”; phải theo nghề cho đến
hơi thở cuối cùng.
Là
một người “con trai Huế”, sinh ra và lớn lên trên quê hương tuyệt vời nhưng
cũng đầy mâu thuẫn nầy, tôi thường tự hỏi rằng: Thực sự thì mình “được” hay
“bị“ ra đời và lớn lên từ Huế?!
Khi
tôi nói Huế tuyệt vời nhưng cũng đầy mâu thuẫn bởi nhớ lại một câu văn ngồ ngộ
của một thằng bạn viết văn nói về Huế: "Huế nhỏ như một cái bể cạn mà lại chưa những tâm hồn bão nổi sông hồ...”
Tôi thương Huế đậm đà, nhưng khi tuổi đời... lão giả an chi lại đóng đô
ở Đà Nẵng. Thì ra, mình cũng là dân Huế đi để nhớ, chớ mô phải ở để mà thương!
Chừ
ngoái nhìn lại những tháng ngày quá khứ, tôi ghi lại đôi dòng hoài niệm những
năm tháng đã qua mau. Trên chuyến tàu thời gian một chiều, bức màn quá khứ đã
nhuộm những chuyện vui buồn của chặng đời đã qua thành kỷ niệm. Với tuổi đời
nhớ nhớ quên quên, tôi sẽ ghi lại sau đây những điều còn nhớ. Điều mình nhớ
chưa hẳn đã hay ho, độc đáo về mặt giá trị văn học nghệ thuật, nhưng chỉ đơn
giản là những dấu ấn cuộc đời tương đối đậm nét nên chưa vội phai mờ trong ký
ức cao niên vậy thôi. Quý không phải là hào nhoáng mà là sự thật thà, mộc mạc,
chân quê.
Tôi ghi lại nơi đây chuyện quá khứ của một chặng đời khó quên:
Năm 1966, sau khi đỗ tú
tài 2 ban C, cánh cửa đại học mở rộng với tôi: Thi đậu vào trường Quốc gia Hành
chính tại Sài Gòn và sau đó là trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế. Đứng trước
hai ngã đường, đâu là con đường mình sẽ đi (chọn cho mình một nghề) để tác
nghiệp trong suốt cuộc đời của mình.
Tôi sinh ngày 29 tháng 11 năm Giáp
Thân; Giờ Ngọ (12- 01-1945) và lá số tử vi của tôi cũng mách bảo cho mình đôi
điều trong việc chọn nghề (?!). Căn cứ vào đó thì cung Mệnh án ngữ sao “TỬ VI
VÀ QUỐC ẤN” chắc chắn sẽ thành đạt trong đường quan trường, nhưng cung mệnh lại
rơi vào Tuần – Triệt nên giá trị của nó chỉ bằng không; - Không có số làm quan!
Và có số làm thầy chăng? Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt Bắc – Nam , tôi ở bên này
vĩ tuyến còn gia đình thì ở bên kia. Cuộc sống của tôi được đùm bọc bởi tình
yêu thương của ông bà nội về mọi mặt. Ông nội là người đã phân tích và hướng
dẫn cho tôi với lời phân tích và căn dặn rằng: “ Vào QGHC là đi làm quan; vào
ĐHSP là đi làm thầy. Trong bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào làm thầy vẫn là tốt
nhất. Vả lại, con là đứa cháu đích tôn, ôn mệ đã già cả, không biết sẽ ra đi
lúc nào? Ông bà không thể sống xa và thiếu con! Mặt khác nhà mình thì nghèo có
tiền đâu để đi học xa nhà! Hơn nữa nghề giáo là một nghề hiền lành và có hậu.”
Kết hợp hai yếu tố số mệnh (số tử vi) và lời dạy của ông nội, tôi quyết định đi
theo con đường làm thầy! Cho đến ngày nay, với những ngày tháng êm đềm dưới mái
trường ĐHSP Huế, bên bạn hiền, quý thầy cô kính yêu, tôi đã tiếp tục cuộc hành
trình “bụi phấn” cùng bằng hữu và các thế hệ học sinh thân yêu của hai thời kỳ lịch
sử trước và sau 1975.
Những chuyện xưa, tích cũ của hơn
nửa thế kỷ với thầy cô, bằng hữu và các thế hệ học sinh của tôi như một bộ phim
nhiều tập không giấy bút nào có thể ghi lại một cách trọn vẹn! Chuyện xưa, tích
cũ ấy có cái nhớ, cái quên! Thôi thì nhớ đến đâu nói đến đấy, gọi là tấm lòng
ôn cố để nhớ mãi những người bạn đồng môn của “những ngày xưa thân ái”.
Nếp sinh hoạt dưới mái trường ĐHSP
Huế với bao nhiên kỷ niệm vui buồn đã có nhiều bạn kể lại. Ngày tốt nghiệp là
thời điểm chia tay. Dù được ra đời trong lứa tuổi thành nhân và chuẩn bị để làm
thầy, cô giáo; nhưng ra khỏi khung cảnh bình yên của nhà trường và thành phố Huế
một vài chục cây số là đã đối mặt với chiến tranh. Mỗi địa phương chúng tôi chọn
về đều là một khung cảnh của “định mệnh”. Chiến tranh và hòa bình là hai mặt của
quê hương thời chiến nên nơi chúng tôi đến nhận nhiệm sở là một khung cảnh thử
thách mới.
Cuối năm 1970, tôi nhận sứ vụ lệnh
bổ dụng Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp tại trường Trung học Tổng hợp Nguyễn Huệ
Tuy Hòa. Cùng về trường này, ngoài tôi (Ban Việt Hán), còn có các bạn đồng môn
Lê Thọ Khoa (Anh văn), Nguyễn Thị Hiền (Vạn vật). Chúng tôi cùng lên đường đến nhiệm sở trên chiếc máy
bay DC 6 bay từ Huế vào Tuy Hòa.
Trình diện xong với nhà trường là
được nghỉ về quê ăn Tết. Nhưng sau đó phải vào lính theo luật động viên đương
thời. Tôi nhập ngũ theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tốt nghiệp trường sĩ
quan quân đội, tôi được biệt phái trở lại trường cũ. Dạy học tại đây được 2
niên khóa (1971-1972) và (1972-1973). Đến tháng 5-1973 tôi thuyên chuyển về
trường Nữ trung học Hội An cho đến tháng 3-1975.
Thời gian ở Tuy Hòa, tôi và bạn bè
ở đây trước có dịp được đón tiếp một nhóm bạn bè gồm Đỗ Trọng Hồi, Trần Nguyên
Quang, Hoàng Thạch Tú. Tại đây chúng tôi giúp một người bạn săn tìm “chim Yến,
chim Oanh” nhưng duyên không thành. Chẳng sao cả! Đến nay bạn tôi đã toại
nguyện vì Yến Oanh nào phải đâu xa…!
Sau chuyến hành trình này, về Tuy
Hòa của ba người bạn đồng môn, tôi được thuyên chuyển về Hội An như đã nói ở
trên. Tôi rất vui mừng vì được gặp lại những người bạn đã từng lên Tuy Hòa để
bắt bướm, tìm chim năm nào? Đó là Đỗ Trọng Hồi; Trần Nguyên Quang (ngoại trừ Hoàng Thạch Tú còn ở Tam Kỳ);
lại thêm Vĩnh Trung và Vương Thúy Loan đã công tác tại đây từ trước.
Như vậy, đồng môn khóa Phan Châu
Trinh (1970) đã hội tụ về đất Ngũ Phụng Tề Phi đông nhất, gồm năm người: Quang
- Hồi - Trung - Thúy Loan và tôi. Tại đây tôi được bà Hiệu trưởng Tống Nữ Bạch
Nga (đã qua đời do tai nạn tại Mỹ) dành riêng cho tôi một căn biệt thự trong
khu Giếng Bá Lễ. Nhà rộng kín cổng cao tường, ở một mình thì sợ ma nên tôi kéo
Vĩnh Trung, Quang, Hồi để thành bộ tứ gọi là “ Tứ đại giáo sư” (Do các em học
sinh trường Nữ Hội An đặt cho.)
Tại đây, hằng tuần, chúng tôi lại
có dịp đón tiếp một người bạn là Đào Nguyên Dương, giáo sư thỉnh giảng môn
triết học của trường nữ Trung Học Hội An và chúng tôi thường xuyên được nghe
bạn ấy giảng triết học mỗi khi trở mình trong giấc ngủ. Như vậy, ngoài tứ đại
giáo sư còn có một quý khách cùng đến với chúng tôi mỗi tuần hai ngày trong
ngôi nhà này. Tại đây, chúng tôi ăn cơm tháng do ông già giữ nhà nấu ăn, nhưng
vì không hợp khẩu vị nên chúng tôi quyết định thử nghiệm việc tự mình nấu ăn
xem sao? Đi chợ thì nhờ phụ huynh, mẹ của hai em Lan chị - Lan em đều là học
sinh trường nữ ở cạnh chúng tôi.
Thời gian chúng tôi tự nấu ăn theo
đề xuất của Vĩnh Trung chỉ kéo dài chừng nửa tháng, nhưng đã để lại những kỷ
niệm nhớ đời và qua đó cũng thấy rõ được bản tính của mỗi người: Vĩnh Trung cần
mẫn chăm lo cho bữa cơm chu đáo chừng nào thì Tường, Quang lại lơ là chểnh mảng
từng đó. Đỗ Trọng Hồi là người theo thuyết “trung dung”; vì vậy, mỗi khi đến
lượt tôi hay Quang vào bếp thì luôn luôn bị Trung chỉ trích và… giáo huấn! Tôi thì
im lặng còn Quang thì nhăn răng ra cười như không nghe thấy.
Như thường lệ, chúng tôi nhờ người
mua lễ vật để cúng rằm và mồng một hàng tháng. Lễ vật thường là bông hoa và
trái cây, chủ yếu là chuối. Hôm đó vào ngày rằm, Quang đi dạy về thấy nải chuối
trên bàn bèn lấy ra ăn, thế là Vĩnh Trung cho Quang một trận “mô-ran xử thế” vì
dám ăn trước đồ cúng (Nhà chùa thường hay có nải chuối để cúng, có lẽ vì thế mà
Trần Nguyên Quang có duyên với nhà chùa để về sau thanh tăng lữ chăng?).
Cuộc sống tưởng như êm đềm đó chóng
qua đi và điệu sống phải theo luật khách quan: có hợp thì có tan. Rồi chúng tôi
tan đàn sẻ nghé vì chiến tranh đã đến, bom đạn ngày đêm đã bắt đầu lên tiếng,
Hội An đã bị pháo kích, Thúy Loan đã từ bỏ chúng tôi để về Sài Gòn tìm chốn an
bình! Vĩnh Trung không biết vì lý do gì cũng vẫn rời xa chúng tôi đi Đại Lộc
làm Hiệu trưởng! Mặc dù chúng tôi đã hết lời khuyên can bởi đó là vùng đất thiếu
an ninh nổi tiếng.
Đến giữa tháng 3 - 1975 thì chiến
tranh đã thực sự về đến Hội An và chúng tôi (Quang, Tường, Hồi) cũng phải rời
xa phố Hội chạy về Đà Nẵng. Nơi đây, cuộc sống của những người bạn và của tôi
chuyển sang một trang mới với bao buồn vui lẫn lộn. Thế là chúng tôi lại cùng
nhau hội ngộ tại Đà Nẵng (gồm Trung, Quang, Tú và tôi) cùng nhau trải qua những
ngày tháng đầy lo âu và gian khó.
Đời sống khó khăn, không được đứng
trên bục giảng, chúng tôi chờ đợi ngày được đi dạy lại, nhưng về lại nhiệm sở cũ
ở Hội An thì bị từ chối, với lý do là “sĩ quan biệt phái, có tội với nhân dân!”
Trong thời gian chờ đợi để được đi
dạy lại thì Vĩnh Trung ở nhà vợ, còn tôi sau khi ngôi nhà tại cư xá công chức
Thanh Bình (Nay là khách sạn Công đoàn Đà Nẵng) do bạn Nguyễn Quang cùng học
Văn khoa nhượng lại trước đây, bị Ủy ban Quân quản tịch thu. Mất nhà, gia đình
chúng tôi phải ra đứng đường; may thay gặp bạn Nguyễn Thanh An (Ban Vạn vật)
người cùng cảnh ngộ nhưng may mắn hơn vì đã tìm được một nơi để ở nhờ. Thế là
gia đình tôi và bạn Trần Nguyên Quang cùng đến ở chung với gia đình bạn An.
Tại đây trong giai đoạn này chúng
tôi sống vô cùng chật vật, túng thiếu mọi bề, nói ra thì “ốt dột” lắm! Chúng tôi
đói và thèm ăn triền miên. Còn nhớ một hôm bà xã mình có được một khoản tiền
bồi dưỡng ở cơ quan, mua về một nải chuối lùn, món quà mà chúng tôi nằm mơ cũng
không thấy được, trong hoàn cảnh này và lẽ dĩ nhiên người mừng nhất vẫn là bạn
tôi – Trần Nguyên Quang (lại nhớ đến việc Quang ăn chuối trước cúng tại Hội
An). Cùng ở chung trong giai đoạn này, thấy vợ chồng mình khó khăn quá trong sinh
hoạt, Quang đã giúi vào tay mình một cây vàng và nói: “Tau góp vào để mua gạo”!
Thời buổi đó, một lượng vàng quá lớn, đó là cả một gia tài đối với những đứa vô
sản như chúng tôi. Thế mà bạn ấy cứ một mực đòi tôi nhận, tôi nghĩ rằng đó là
số vốn lớn lao của bạn mình để bạn ấy còn lo cho bản thân và gia đình ở Đà Lạt
trong những ngày tháng sau này. Thế là tôi đã dứt khoát từ chối dù bạn mình có
năn nỉ như thế nào chăng nữa! Ôi, một tấm lòng vàng của bằng hữu lúc hoạn nạn.
Quang ơi! Vợ chồng mình luôn ghi
nhớ tấm lòng vàng của bạn hiền trong những ngày gian khó và dù mình không nhận hiện
vật nhưng đã nhận tấm lòng của bạn.
Còn đây! Chị Vân, người chị của bạn
hiền Đỗ Trọng Hồi, trong một hôm ghé thăm mình tại đây với 30 lon gạo và 10 bó
củi thông. Đó là món quà hạnh phúc nhất đời, thấm thía tận đáy lòng, chẳng khác
gì bát cơm Phiếu Mẫu ân tình giúp Hàn Tín ngày xưa!
Trời không cắt đường sống của con
người. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, bà xã tôi lại nhận được đồng lương của 2
tháng làm việc đầu tiên gần 50 ngàn (tương đương với tiền mua một chiếc xe đạp
cũ). Với số tiền này chúng tôi đã mua được một túp lều diện tích gần 30m2. Làm sao nói hết được niềm vui của kẻ
mất nhà nay lại có nhà. Còn nhớ bạn Hoàng Thạch Tú nói tếu: “Hay quá hè, chiếc
xe đạp biến thành cái nhà để ở – phép thuật – có gì vui hơn!”
Có nhà rồi nhưng tiền đâu để chuyển
nhà? Thế là Vĩnh Trung đề xuất thuê một chiếc xe bò để vận chuyển, mọi việc kéo
xe, bưng vác đồ đạc đều do “Tứ đại giáo sư”: Vĩnh Trung – Hoàng Thạch Tú –
Trần Nguyên Quang và các bạn Nguyễn Xuân Bin lao động cật lực trong một ngày là
xong. Ôi! đổi đời, Tứ đại giáo sư ngày xưa bây giờ trở thành những phu khuân
vác! Có trải nghiệm thực tế mới biết lúc khó khăn hoạn nạn tình bằng hữu là thế
nào.
Thời gian trôi nhanh, sắp đến ngày
khai giảng năm học đầu tiên của nhà nước XHCN Việt Nam thống nhất năm học mới 1975 –
1976. Tôi được di dạy sớm tại Điện Bàn vì có cái lý lịch gia đình cách mạng (vì
ba mẹ tôi ở ngoài đó) và được thuyên chuyển qua các trường nữ Trung học Hội An
– Thái Phiên và cuối cùng là trường Trần Phú cho đến ngày nghỉ hưu, tại Đà Nẵng.
Bạn Hoàng Thạch Tú – Đỗ Trọng Hồi có quyết định đi dạy ở Trần Quý Cáp - Hội An. Tại đây Đỗ Trọng Hồi bị đi cải tạo
hơn một năm sau đó về làm Thủ thư tại một Tư thục ở Huế. Bạn Hồi mang bệnh do
thời gian đi cải tạo tại Kỳ Sơn Quảng Nam và qua đời cách đây 4 năm.
Bạn Hoàng Thạch Tú chuyển về Đà
Nẵng làm lãnh đạo ở Công ty Sách tại Đà Nẵng, về hưu tại đây. Vĩnh Trung không được
đi dạy vì là hiệu trưởng của chế độ cũ nên đành Nam du cùng gia đình. Vì không có môn
Pháp Văn tại các trường nên bạn Trần Nguyên Quang phải trở về Đà Lạt làm ruộng và sau đó
xuất gia tu hành tại Trúc Lâm Thiền Viện. Bây chừ bạn ấy là Thiền sư Thích
Thông Lưu, hiện ở tại một thiền viện lớn ở Canada, sau nhiều năm bôn ba trong
nước và hải ngoại để xây dựng nhiều thiền viện đóng góp công quả cho Phật giáo. Bạn Nguyễn Xuân
Bin thì theo vợ về Bảo Lộc xây dựng đồn điền và trang trại.
Ký ức lần giở trước đèn lại nhớ đến
những người bạn đồng môn khác, kể từ ngày chúng ta chia tay nhau, rời xa mái trường ĐHSP Huế (1970) đến
nay:
Nhớ lắm các bạn Cẩm Tú – Ngô Hữu
Tín – Đỗ Trọng Hồi – Tuyết Anh đã rời xa bạn bè ra đi vĩnh viễn, trong niềm
tiếc thương của chúng ta.
Nhớ lắm những người bạn mà chúng ta
chưa một lần gặp lại… và tất cả, dù bạn ở trong nước hay hải ngoại, mỗi người một
số phận, giàu nghèo khác nhau nhưng chúng ta những người đồng môn khóa PCT vẫn
luôn gắn bó và nhớ nhau mãi mãi …
Nhìn lại, những người còn lại như
chúng ta “những hạt gạo trên sàn” vẫn có cuộc sống ổn định, hạnh phúc bên bạn bè,
con cháu, phần lớn chúng ta đều là chủ nhân của một đại gia đình gồm ba thế hệ.
Chúng ta đã rất đúng khi chọn cho
mình con đường sư phạm, con đường làm thầy giáo dù không giàu sang hơn ai nhưng
an lành và thoải mái. Bởi vì đúng như lời di huấn của ông nội tôi: “… Nghề giáo
là nghề hiền lành và có hậu”. Chúng ta đều có hậu đấy các bạn!
Cuối cùng, nếu đem thành, bại luận
anh hùng thì các bạn đồng môn khóa Phan Châu Trinh chúng ta trong chiều dài
lịch sử hơn nửa thế kỷ trải qua bao dâu bể của cuộc đời. Chúng ta vẫn tự hào vì
đã cống hiến cho đời những nhà giáo chân chính, mẫu mực và đào tạo cho xã hội những
thế hệ học sinh biết làm người theo cách của chúng ta đặt trên căn bản văn hóa
truyền thống và kỷ cương xã hội trước sự biến dịch của hoàn cảnh không ngừng.
Năm mươi năm nhìn lại, đặc biệt
khóa PCT cũng đã cống hiến cho xã hội những tay bút tài hoa trong làng văn học
– nghệ thuật: nhà văn Trần Kiêm Đoàn với những biên khảo đặc sắc về Huế và rất
Huế cùng nhiều tác phẩm mang đậm thiền vị. Lê Duy Đoàn, nhà văn kiêm họa sĩ tài
có biệt tài. Lớp trưởng Ngô Văn Ban, nhà nghiên cứu văn học dân gian với rất
nhiều công trình biên khảo về đất nước con người. Về lãnh vực tâm linh, tôn
giáo, chúng ta có thiền sư Thích Thông Lưu, một đệ tử chân truyền của hòa
thượng Thích Thanh Từ, người kế thừa và phục hưng phái Trúc Lâm - Yên Tử của
Phật giáo Việt Nam.
Cho đến bây giờ chúng ta đã là thế
hệ U-80. Như một cỗ xe chạy suốt đường trường 50 năm, bây giờ chúng ta nhìn lại
thật đáng vui mừng và tự hào. Không một Thầy giáo, Cô giáo nào xuất thân từ khóa
Phan Châu Trinh bị tai tiếng. Những giáo sinh sư phạm một thời trong khung cảnh
dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa có bạn nào đánh đổi thế
đứng của những kỹ sư tâm hồn thành những chướng duyên của xã hội trong môi trường
giáo dục trong cũng như ngoài nước. Những bạn từng đứng trên bục giảng của trường
lớp ở quê nhà vẫn tiếp tục đứng vững vàng trong môi trường giáo dục của Âu Mỹ,
phương Tây. Hầu hết các Thầy Cô giáo xuất thân từ Đại Học Sư Phạm Huế đều góp
phần làm sáng danh ngành Sư Phạm.
Dù đi đâu, về đâu… chúng tôi vẫn luôn
nhớ đến những kỷ niệm về những người bạn đồng môn khóa Phan Châu Trinh. Tuy mỗi
người một vẻ; có thể không “mười phân vẹn mười”, nhưng tất cả chúng tôi đã thể
hiện một cách đầy bản lãnh và đáng nể trọng trong những hoàn cảnh lịch sử chiến
tranh, chính trị và xã hội Việt Nam đầy chao đảo và thăng trầm thời cận đại.
Giờ đây, tất cả anh chị em – cựu Thầy,
Cô giáo khoá ĐHSP Huế 1970 – đều đã “gác kiếm” về hưu. Với quỹ thời gian đã mỏng
và tấm vé một chiều trong tay, tuy mỗi người đều có một ước mơ và dự phóng khác
nhau về chặng đời còn lại của mình, chúng ta vẫn có một điểm chung: Đó là niềm
vui an ủi tuổi già sau một đời cống hiến cho nền giáo dục của con em mà thời điểm
khó khăn và đầy thách đố nhất là giữa buổi giao thời sau năm 1975. Chúng ta còn
tồn tại để về hưu là chúng ta đã chiến thắng phận sự riêng mình trong sự nghiệp
giáo dục. Những người bạn cũ vui được gặp nhau để tâm tình và chia sẻ.
Giờ phút này chúng ta đang hoài
vọng về ngày Hội ngộ đồng môn khóa Phan Châu Trinh của trường ĐHSP – Huế sẽ được
tổ chức vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 - 3 năm Canh Tý – tức ngày 02 - 4 - 2020)
tại Huế sau đúng nửa thế kỷ, kể từ ngày chúng ta chia tay tại ngôi trường này
với bao luyến thương.
Trở về trường cũ, cái nôi của bao
kỷ niệm tại cố đô Huế để được gọi hai tiếng “mi – tau” của thời đi học, để ôn
lại những kỷ niệm xưa mà chúng ta hằng ấp ủ suốt cuộc đời… Còn gì hạnh phúc hơn
phải không các bạn?
Chắc chắn đây là dịp hiếm hoi và
đặc biệt có một không hai trong cuộc đời của chúng ta. Bởi vì, như bạn Trần
Kiêm Đoàn đã da diết nhắn gởi: “ … Chúng ta sẽ không có hai lần 50 để gặp nhau nữa?”
Đó là sự suy nghĩ thực tế bởi vì cuộc sống là vô thường và hữu hạn phải không
các bạn?
Cầu mong các bạn được mạnh khỏe, an
lành để chúng ta chắc chắn sẽ được gặp lại nhau trong lần hội ngộ 50 năm này.
Đà
Nẵng, ngày 17 tháng 12 năm 2019
Trần
Đăng Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét