Hình của bộ phim lịch sử dài 5 tiếng đồng hồ “Người Mỹ Gốc Á” (Asian Americans) do Đài Truyền Hình PBS công chiếu trong tháng 5 năm 2020. (nguồn: https://calhum.org)
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI MỸ GỐC Á CHO ĐẤT NƯỚC HOA KỲ
Huỳnh Kim Quang
Trong thời gian qua, các vụ tấn công người Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ vì sự thù ghét và kỳ thị chủng tộc đã gia tăng đến mức báo động.
Làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á bùng phát mạnh mẽ từ khi có đại dịch vi khuẩn corona vào đầu năm 2020 qua cách sử dụng từ ngữ của chính phủ Trump khi nói tới đại dịch vi khuẩn corona, chẳng hạn như gọi đó là “Chinese Virus” hay “Kung Flu,” đã kích động lòng thù hận đối với người Mỹ gốc Á. Tổ Chức Stop AAPI Hate, được thành lập vào tháng 3 năm 2020, nhận hơn 2,800 báo cáo các vụ chống người gốc Á vào cuối năm 2020.
Người Mỹ gốc Á là những cộng đồng di dân có lịch sử lâu dài ở Mỹ và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và phồn thịnh của nước Mỹ về tất cả các lãnh vực, tôn giáo, văn hóa, chính trị, quân sự, giáo dục, văn học nghệ thuật, kinh tế, v.v… Đây là một vấn đề rộng lớn không thể nào có thể nói hết trong một bài viết ngắn như vầy. Vì thế xin xem bài này như là một gợi ý để nhắc nhở vai trò lịch sử và những đóng góp của người Mỹ gốc Á cho đất nước Hoa Kỳ giữa lúc làn sóng kỳ thị người Châu Á đang dâng cao.
Một chút bối cảnh lịch sử
Người Mỹ gốc Á là một thuật ngữ bao gồm nhóm sắc tộc gồm các giống dân đa dạng, có nguồn gốc tại Đông Á, tiểu lục địa Ấn Độ, hay Đông Nam Á, như được Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ định nghĩa, theo Karen R. Humes, Nicholas A. Jones và Roberto R. Ramirez trong tác phẩm “Overview of Race and Hispanic Origin: 2010.” Nhóm sắc tộc này gồm người Trung Quốc, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam và các giống dân Á Châu khác. Trong thời hiện đại, thuật ngữ này loại bỏ những người Mỹ có nguồn gốc tại các khu vực Á Châu, như Tây Á, là những người hiện hay được xem là người Mỹ gốc Trung Đông và như thế là người Mỹ Trắng.
Người Mỹ gốc Á chia ra làm 3 nhóm lớn như sau:
- Người Mỹ gốc Đông Á, gồm người Mỹ gốc Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Mông Cổ, Ryukyu, Đài Loan, và Tây Tạng.
- Người Mỹ gốc Nam Á, gồm người Mỹ gốc Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldivian, Nepal, Pakistan, và Tích Lan.
- Người Mỹ gốc Đông Nam Á, gồm người Mỹ gốc Miến Điện, Cam Bốt, Phi Luật Tân, Hmong, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Mien, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.
Trong năm 2018, người Mỹ gốc Á chiếm 5.4% dân số Hoa Kỳ, nếu bao gồm người Mỹ gốc Á đa chủng tộc thì phần trăm đó tăng lên 6.5%.
Người Phi Luật Tân đã có mặt trên các lãnh thổ mà trở thành Hoa Kỳ kể từ thế kỷ 16, theo Joaquin Gonzalez trong tác phẩm “Filipino American Faith in Action: Immigration, Religion, and Civic Engagement.” Vào năm 1635, một “Đông Ấn” được vào danh sách tại thành phố Jamestown của Virginia, trước sự định cư mở rộng của những di dân Ấn Độ tới Bờ Biển Miền Đông vào thập niên 1790s và Bờ Biển Miền Tây vào thập niên 1800s. Vào năm 1763, những người Phi Luật Tân đã thiết lập một khu định cư nhỏ tại Saint Malo thuộc Louisiana, sau khi chạy trốn sự ngược đãi trên các chiếc tàu Tây Ban Nha. Kể từ đó không có phụ nữ Phi Luật Tân nào đi với họ, ‘những người đàn ông Manila’ này, như họ đã được biết như vậy, đã lập gia đình với các phụ nữ Cajun và người Mỹ Bản Xứ. Người Nhật Bản đầu tiên đến Hoa Kỳ, và ở lại trong một thời gian dài là Nakahama Manjirō là người đã tới Bờ Biển Miền Đông vào năm 1841, và Joseph Heco trở thành người Mỹ gốc Nhật đầu tiên trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1858, theo John E. Van Sant trong tác phẩm “Pacific Pioneers: Japanese Journeys to America and Hawaii, 1850-80.”
Các thủy thủ người Trung Quốc đầu tiên đến Hawaii vào năm 1789, vài năm sau khi Thuyền Trưởng James Cook đến đảo này. Nhiều người đã định cư và lập gia đình với các phụ nữ Hawaii. Hầu hết di dân Trung Quốc, Đại Hàn và Nhật Bản tại Hawaii đã đến đây trong thế kỷ 19 như là những người lao động làm việc trong các đồn điền trồng mía lấy đường. Có hàng ngàn người Á Châu tại Hawaii khi tiểu bang này được sáp nhập vào Hoa Kỳ vào năm 1898. Sau đó, những người Phi Luật Tân cũng đã đến làm việc như các người lao động, được thu hút bởi nhiều cơ hội việc làm, dù họ bị hạn chế. Những người ở đảo Okinawa của Nhật đã bắt đầu di cư tới Hawaii vào năm 1900.
Di dân có phạm vi rộng lớn từ Châu Á tới Hoa Kỳ đã bắt đầu khi các di dân Trung Quốc tới Bờ Biển Miền Tây vào giữa thế kỷ 19. Hình thành một phần của cơn sốt vàng tại California, đây là những di dân TQ sớm nhất tham gia vào kinh doanh khai thác mỏ và sau đó trong việc xây dựng đường rầy xe lửa xuyên lục địa. Vào năm 1852, số di dân TQ tại San Francisco đã nhảy vọt lên tới hơn 20,000. Một làn sóng di dân của người Nhật tới Hoa Kỳ đã bắt đầu sau cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng vào năm 1868, theo Richard T. Schaefer trong “Encyclopedia of Race, Ethnicity, and Society.” Vào năm 1898, tất cả người Phi Luật Tân tại Quần Đảo Phi Luật Tân đã trở thành quốc tịch Mỹ khi Hoa Kỳ chiếm quần đảo từ Tây Ban Nha và đặt nền cai trị thuộc địa sau khi Mỹ đánh bại Tây Ban Nha trong Cuộc Chiến Tranh Tây Ban Nha-Mỹ, theo Stephanie Hinnershitz-Hutchinson trong tác phẩm “The Legal Entanglements of Empire, Race, and Filipino Migration to the United States.”
Theo luật Hoa Kỳ trong thời kỳ này, đặc biệt Luật Naturalization Act vào năm 1790, chỉ có “những người da trắng tự do” là đủ điều kiện để trở thành công dân Mỹ. Việc không đủ điều kiện để trở thành công dân đã ngăn cản các di dân Châu Á có được nhiều quyền tự do, như tự do bầu cử. Bhicaji Balsara trở thành người gốc Ấn Độ đầu tiên có được công dân Hoa Kỳ. Quyền công dân của Balsara không phải là bình thường nhưng là một ngoại lệ. Trong hai vụ kiện, Ozawa kiện Hoa Kỳ vào năm 1922 và Hoa Kỳ kiện Bhagat Singh Thind vào năm 1923, Tối Cao Pháp Viện đã duy trì tiêu chuẩn chủng tộc đối với quyền công dân và phán quyết rằng những người Á Châu không phải là “những người da trắng.” Tuy nhiên, những người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai đã có thể trở thành công dân Hoa Kỳ do điều khoản về quyền công dân của Tu Chính Án Thứ Tư mà sự bảo đảm được khẳng định khi áp dụng bất kể chủng tộc hay tổ tiên bởi Tối Cao Pháp Viện tại Hoa Kỳ kiện Wong Kim Ark vào năm 1898, theo Ron Soodalter trong tác phẩm “By Soil Or By Blood.”
Hình vẽ của Nathan Kawanishi cho Tuyển Tập Thơ “Asian American Voices in Poetry.” (nguồn: www.poetryfoundation.org)
Từ thập niên 1880s tới thập niên 1920s, Hoa Kỳ đã thông qua nhiều luật mở đầu kỷ nguyên loại trừ các di dân Châu Á. Dù số di dân Châu Á là nhỏ so sới lượng di dân từ các khu vực khác, phần nhiều họ đều tập trung tại Miền Tây, và sự gia tăng được tạo ra một số tâm lý chủ nghĩa dân tộc được biết như là “hiểm họa da vàng.” Quốc Hội đã thông qua dự luật hạn chế mà trong đó cấm gần như tất cả di dân Trung Quốc tới Mỹ vào thập niên 1880s, theo Takaki trong tác phẩm “Strangers from a Different Shore: A History of Asian Americans.” Di dân Nhật Bản bị cắt giảm mạnh bởi thỏa thuận ngoại giao vào năm 1907. Luật Asiatic Barred Zone Act [Khu Vực Cấm Người Châu Á] vào năm 1917 cản trở thêm di dân từ hầu như tất cả Á Châu, theo Lily Rothman và Liz Ronk trong tác phẩm “Tightened Immigration Laws 100 Years Ago. Here's Who They Turned Away.” Luật Di Trú vào năm 1924 nói rằng không có “người ngoại quốc không đủ điều kiện nhập tịch” có thể được nhận như là di dân tới Hoa Kỳ, củng cố thêm việc cấm di dân Châu Á, theo Joel Franks trong tác phẩm “Anti-Asian Exclusion In The United States During The Nineteenth And Twentieth Centuries: The History Leading To The Immigration Act Of 1924.”
Đạo luật kỷ nguyên Hậu Thế Chiến Thứ Hai và các phán quyết tòa án dần dần gia tăng khả năng của người Mỹ gốc Á di cư và trở thành công dân Mỹ. Di dân đã nhanh chóng gia tăng theo sau việc áp dụng Các Tu Chính Đạo Luật Di Trú và Quốc Tịch của năm 1965 cũng như làn sóng tràn vào của những người tị nạn từ các cuộc chiến xảy ra tại Đông Nam Á như Chiến Tranh Việt Nam. Di dân người Mỹ gốc Á có phần trăm đáng kể số người đã thành đạt nghề nghiệp chuyên môn, đầu tiên trong các nhóm di dân, theo Elaine Howard Ecklund và Jerry Z. Park trong tác phẩm “Asian American Community Participation and Religion: Civic “Model Minorities?””
Số di dân Châu Á vào Hoa Kỳ “đã gia tăng từ 491,000 vào năm 1960 tới khoảng 12.8 triệu vào năm 2014, tức là gia tăng 2,597%, theo Jie Zong & Jeanne Batalova trong tác phẩm “Asian Immigrants in the United States.” Người Mỹ gốc Á là nhóm chủng tộc gia tăng nhanh nhất từ năm 2000 tới 2010. Vào năm 2012, di dân Châu Á vào Mỹ nhiều hơn di dân từ Châu Mỹ La Tinh. Trong năm 2015, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy rằng từ năm 2010 tới 2015 di dân từ Châu Á tới Mỹ nhiều hơn di dân từ Châu Mỹ La Tinh. Di dân Châu Á chiếm ¼ tổng số di dân tới Hoa Kỳ, theo Jessica Rivitz trong tác phẩm “Asians On Pace To Overtake Hispanics Among U.S. Immigrants, Study Shows.”
Vào năm 1960, người Mỹ gốc Á chiếm 5% tổng dân số Mỹ sinh ở ngoại quốc. Vào năm 2014, họ chiếm 30% trong số 41.4 triệu di dân, theo Jie Zong & Jeanne Batalova trong tác phẩm “Asian Immigrants in the United States.”
Dân số người Mỹ gốc Á đa phần ở thành phố, với gần ¾ sống tại các khu vực thành thị với dân số hơn 2.5 triệu. Tính tới tháng 7 năm 2015, California có dân số người Mỹ gốc Á lớn nhất so với bất cứ tiểu bang nào, và Hawaii là tiểu bang duy nhất nơi người Mỹ gốc Á trở thành đa số của dân số, theo Rob Wile trong tác phẩm “Latinos Are No Longer The Fastest-Growing Racial Group In America.”
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã có nhiều đợt tị nạn và di dân người Việt vào Mỹ. Theo Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ, tính đến năm 2018, đã có 2,162,610 người Mỹ gốc Việt định cư ở Mỹ, theo www.en.wikipedia.org.
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI MỸ GỐC Á
Nghệ thuật, giải trí, truyền thông
Người Mỹ gốc Á đã tham gia vào lãnh vực giải trí từ tiền bán thế kỷ thứ 19, khi Chang và Eng Bunker (cặp song sinh gốc Siêm tức Thái) đã trở thành các công dân Mỹ. Suốt thế kỷ 20, các vai trò đóng trong truyền hình, phim, và nhà hát thì tương đối ít, và nhiều vai trò sẵn có dành cho các vai tiêu biểu, nhỏ. Gần đây hơn, nhiều diễn viên hài và nhà làm phim người Mỹ gốc Á trẻ đã tìm ra lối thoát trên YouTube cho phép họ có được nhiều người hâm mộ trung thành trong số những người Mỹ gốc Á, theo Elizabeth Lee trong tác phẩm “YouTube Spawns Asian-American Celebrities.” Có nhiều chương trình truyền hình ăn khách của người Mỹ gốc Á trong truyền thông Mỹ, bắt đầu với Ông T và Tina vào năm 1976, và gần đây là Fresh Off the Boat vào năm 2015, theo Kat Chow trong tác phẩm “A Brief, Weird History Of Squashed Asian-American TV Shows.” Trong số những người Mỹ gốc Á tham gia vào ngành điện ảnh Mỹ và đã nổi tiếng gồm có nam tài tử người Mỹ gốc Trung Hoa Lý Tiểu Long của đầu thập niên 1970s.
Connie Chung là một trong những phóng viên quốc gia người Mỹ gốc Trung Hoa đầu tiên làm việc cho một hệ thống tin tức truyền hình lớn, lấy tin cho Đài CBS vào năm 1971. Tại Đài ABC, Ken Kashiwahara đã bắt đầu làm tin vào năm 1974. Vào năm 1989, Emil Guillermo, người Mỹ gốc Phi Luật Tân làm phóng viên tại San Francisco đã trở thành người đàn ông Mỹ gốc Á đầu tiên đồng điều hợp chương trình tin tức toàn quốc khi ông điều hợp chính trong chương trình All Things Considered của đài phát thanh National Public Radio. Vào năm 1990, Sheryl WuDunn, phóng viên ngoại quốc tại Văn Phòng ở Bắc Kinh của báo The New York Times, trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên nhận giải Pulitzer Prize. Fareed Zakaria, di dân sinh tại Ấn Độ, là ký giả nổi tiếng và là tác giả chuyên về các vấn đề quốc tế. Ông là tổng biên tập của tạp chí Time và là người điều hợp chương trình Fareed Zakaria GPS trên Đài CNN, theo www.en.wikipedia.org.
Các đợt tị nạn và di dân của người Việt vào Mỹ từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản Miền Bắc đã đưa đến đất nước Hoa Kỳ nhiều thế hệ người Mỹ gốc Việt đóng góp cho nền nghệ thuật và giải trí.
Về điện ảnh thì có nữ tài tử Kiều Chinh (sinh năm 1937) là nữ diễn viên và nhà từ thiện người Mỹ gốc Việt. Bà là diễn viên huyền thoại nổi tiếng từ lúc còn ở Việt Nam. Bà đã theo đuổi nghệ thuật điện ảnh hơn 60 năm và đã nhận nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ như Giải Emmy Award vào năm 1996. Bà đã đóng nhiều phim nổi tiếng cho Holywood như “The Joy Luck Club” vào năm 1993. Bà cũng là đồng sáng lập của tổ chức từ thiện Vietnam Children's Fund, theo www.en.wikipedia.org.
Ngoài ra trong lãnh vực điện ảnh còn có nam tài tử người Mỹ gốc Việt Dustin Nguyen (sinh năm 1962). Ông cũng là đạo diễn, nhà văn, và võ sĩ. Ông nổi tiếng trong vai Harry Truman Ioki trên 21 Jump Street, và Johnny Loh trên VIP. Ông cũng nổi tiếng trong các vai chính trong phim Little Fish, The Doom Generation và The Rebel, theo www.en.wikipedia.org.
Trong lãnh vực nghệ thuật, truyền thông và giải trí còn có nhiều người Mỹ gốc Việt được biết đến như: Đạo diễn Hàm Trần, đạo diễn Derek Nguyễn, đạo diễn Steve Nguyễn, đạo diễn Michael Dougherty, v.v…; các xướng ngôn viên và phóng viên người Mỹ gốc Việt như: Betty Nguyễn của CBS, Leyna Nguyễn của CBS2 và KCLA9 tại Los Angeles với ba lần nhận giải Emmy Award, Vicky Nguyễn của NBC, Thuy Vu của CSB-5 tại San Francisico, v.v…
Kinh doanh
Khi người Mỹ gốc Á bị loại trừ ra khỏi các thị trường lao động vào thế kỷ 19, họ bắt đầu tự kinh doanh. Họ đã khởi nghiệp bằng cách làm chủ các tiệp tạp hóa, các văn phòng chuyên môn như y tế và luật, tiệm giặt quần áo, nhà hàng, các tiệm liên quan tới thẩm mỹ, các công ty kỹ thuật cao, và nhiều loại kinh odanh khác, rất thành công và ảnh hưởng trong xã hội Mỹ. Họ đã mở rộng việc kinh doanh vào khắp nền kinh tế Mỹ. Người Mỹ gốc Á đã thành công không đồng đều trong lãnh vực kỹ thuật cao tại Thung Lũng Silicon của California, như được minh chứng trong bảng tổng hợp Goldsea 100 Compilation của Những Doanh Nhân Gốc Á Thành Công Nhất Ở Mỹ (100 Most Successful Asian American Entrepreneurs). So với dân số, người Mỹ gốc Á ngày nay được tượng trưng nổi bật trong lãnh vực chuyên môn và có khuynh hướng lương cao hơn. Bảng tổng hợp về Notable Asian American Professionals của Goldsea cho thấy nhiều người Mỹ gốc Á có chức vụ cao tại những công ty Mỹ hàng đầu.
Người Mỹ gốc Á đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Trong năm 2012, khoảng 486,000 người Mỹ gốc Á làm chủ cơ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ, mà tổng cộng có 3.6 triệu nhân viên, tạo ra 707.6 tỉ đô la tổng doanh thu, với tiền trả lương hàng năm 112 tỉ đô la. Trong năm 2015, các gia đình người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương đã chi tiêu 455.6 tỉ đô la và đóng thuế 184 tỉ đô la, theo tài liệu “How Asian Americans and Pacific Islanders Contribute to the U.S. Economy” được tài trợ bởi Partnership for a New American Economy Research Fund công bố vào tháng 10 năm 2017.
Nhà thời trang lừng danh người Mỹ gốc Trung Quốc Vera Wang, là người nổi tiếng với các kiểu thời trang cho những nhân vật nổi tiếng, đã mở công ty quần áo lấy tên bà, mà hiện nay cung cấp các sản phẩm thời trang sang trọng. Jerry Yang là người Mỹ gốc Đài Loan đồng sáng lập công ty Yahoo vào năm 1994 và trở thành tổng giám đốc của công ty này. Steve Chen (người Mỹ gốc Đài Loan) và Jawed Karim đồng sáng lập YouTube và hưởng lợi 1.65 tỉ đô la do Google mua lại công ty này vào năm 2006.
Cộng đồng người Việt tị nạn và di dân cũng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Chẳng hạn, cộng đồng người Việt tị nạn đã biến vùng đất hoang vu trên đường Bolsa Avenue tại thành phố Westminster trở thành một khu phố sầm uất và phồn thịnh sau khi cộng đồng người Việt tị nạn quy tụ về đây để sống sau khi rời bỏ đất nước Việt Nam sau ngày 30 tháng 4. Đường Bolsa nằm trong khu Little Saigon được cho là thủ phủ của người Việt hải ngoại. Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng đã có nhiều người trở thành tỉ phú, triệu phú nhờ kinh doanh.
Chính trị và quân đội
Người Mỹ gốc Á có tỉ lệ số cử tri bỏ phiếu cao trong lãnh vực chính trị. Kể từ năm 1907, người Mỹ gốc Á đã hoạt động trong nhiều chức vụ tại các cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang. Khi ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Á được bầu vào các chức vụ chính quyền, họ có sự gia tăng ảnh hưởng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, về di dân, thương mại quốc tế và nhiều vấn đề khác. Người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào Quốc Hội Hoa Kỳ là Dalip Singh Saund vào năm 1957. Người Mỹ gốc Nhật có chức vụ cao nhất phục vụ trong Quốc Hội Hoa Kỳ là Thượng Nghị Sĩ kiêm phó Chủ Tịch Thượng Viện Daniel Inouye, đã qua đời vào năm 2012. Tiểu bang Hawaii và California vì có nhiều người Mỹ gốc Á cư ngụ nên cũng có nhiều vị dân cử từ địa phương đến liên bang. Chẳng hạn, cộng đồng người Mỹ gốc Việt có các vị Dân Biểu Liên Bang như Cao Quang Ánh (nhiệm kỳ 2009-2011) và đương nhiệm Dân Biểu Liên Bang Stephanie Murphy (có tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung).
Trong chính quyền liên bang, người Mỹ gốc Nhật đầu tiên làm tới chức Bộ Trưởng Thương Mại và sau đó là Bộ Trưởng Giao Thông dưới thời TT George W. Bush là Norman Mineta. Người Mỹ gốc Đài Loan Elaine Chao đã giữ chức vụ Bộ Trưởng Lao Động thời TT George W. Bush và Bộ Trưởng Giao Thông thời TT Trump. Người Mỹ gốc Việt có chức vụ cao nhất trong chính quyền Hoa Kỳ là ông Đinh Việt với vai trò Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp (2001-2003). Hiện tại, 2021, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên làm Phó Tổng Thống Hoa Kỳ là Kamala Harris.
Trong quân đội, kẻ từ cuộc Chiến Tranh năm 1812, người Mỹ gốc Á đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Nhật có chức vụ cao nhất trong quân đội Hoa Kỳ là Eric Shinseki đã từng là Tham Mưu Trưởng Quân Đội và Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh, theo Jon Harper và Travis J. Tritten trong tác phẩm “VA Secretary Eric Shinseki resigns.” Hiện nay, người Mỹ gốc Việt có 7 vị tướng trong quân đội Hoa Kỳ - một kỷ lục đối với tất cả các nhóm di dân Á Châu ở Mỹ - gồm Thiếu Tướng Lương Xuân Việt, Thiếu Tướng Lapthe C. Flora, Thiếu Tướng William H. Seely III, Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn, Phó Đề Đốc Vũ Thế Thùy Anh, Chuẩn Tướng Danielle J. Ngô, và Chuẩn Tướng John R Adwards.
Tướng Lương Xuân Việt. (nguồn: www.en.wikipedia.org)
Văn hóa, giáo dục, văn học
Trong việc công nhận nền văn hóa, các truyền thống và lịch sử độc đáo của người Mỹ gốc Á và các Đảo Thái Bình Dương, chính phủ Hoa Kỳ đã đặt ra vĩnh viễn tháng 5 là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Á Thái Bình Dương.
Trong các loại chủng tộc chính của nước Mỹ, người Mỹ gốc Á có phẩm chất giáo dục cao nhất. Tuy nhiên, điều này khác nhau đối với từng nhóm chủng tộc. Thí dụ, trong nghiên cứu vào năm 2010 đối với tất tả người Mỹ gốc Á lớn tuổi cho thấy 42% ít nhất có bằng cao đẳng, nhưng trong đó chỉ có 16% đối với người Mỹ gốc Việt và chỉ 5% đối với người Lào và Cam Bốt, theo C.N. Le trong tác phẩm được xuất bản vào năm 2010 “School of Education at Johns Hopkins University-A Closer Look at Asian Americans and Education.” Tuy vậy, điều cần lưu ý rằng nhiều phân tích của Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ vào năm 2008 cho thấy rằng có tới 26% người Mỹ gốc Việt có bằng cử nhân, mà không khác xa lắm với tỉ lệ 27% đối với tất cả người Mỹ, theo U.S. Census Bureau trong phân tích có tên “Asian/Pacific American Heritage Month: May 2008,” được phổ biến vào ngày 6 tháng 3 năm 2008. Tài liệu của Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ năm 2010 cho thấy 50% người lớn gốc Á có ít nhất bằng cử nhân, so với 28% tất cả người Mỹ, và 34% đối với người Mỹ da trắng không phải gốc La Tinh, theo Richard Perez-Pena trong “U.S. Bachelor Degree Rate Passes Milestone,” được phổ biến vào ngày 23 tháng 2 năm 2012. Người Mỹ gốc Ấn có học lực cao nhất, với gần 71% có ít nhất bằng cử nhân vào năm 2010, theo Stella U. Ogunwole, Malcolm P. Drewery Jr và Merarys Rios-Vargas trong tác “The Population With a Bachelor's Degree or Higher by Race and Hispanic Origin: 2006–2010,” được phổ biến vào tháng 5 năm 2012.
Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có rất nhiều người học vị cao đã và đang làm việc trong các ngành nghề ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Giáo Sư Về Kỹ Sư Không Gian Nguyễn Xuân Vinh là người Việt đầu tiên nhận Giải Dirk Brouwer Award vào năm 2006, dạy tại Đại Học Michigan; Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn dạy tại Đại Học Virginia cũng là tác giả của “The Birth of the Universe” và nhiều cuốn sách khác; v.v…
Văn học của người Mỹ gốc Á là một thể loại có mặt vào đầu thập niên 1970s nhưng đã không thấy ảnh hưởng trực tiếp đến lượng người xem cho đến cuối thập niên 1970s. Có lẽ việc đề cập đến văn học của người Mỹ gốc Á sớm nhất đã xuất hiện với tác phẩm “Asian American Heritage: An Anthology of Prose and Poetry” [Di Sản Người Mỹ Gốc Á: Tuyển Tập Văn Xuôi và Thơ] của nhà thơ và dịch giả ngưởi Mỹ gốc Trung Hoa tị nạn cộng sản David Hsin-fu Wand (cũng được biết với tên David Rafael Wang), được xuất bản vào năm 1974. Một trong những tác phẩm sớm hơn của văn học người Mỹ gốc Á được thực hiện bởi Combined Asian Resources Project (CARP) là “Aiiieeeee! An Anthology of Asian-American Writers” xuất hiện vào năm 1974. Tuyển tập này thu thập những chủ đề chính cùa văn học người Mỹ gốc Á bị lãng quên từ lâu và chỉ trích việc thiếu tầm nhìn vào nền văn học này. Tuyển tập này đã mang ra ánh sáng sự cần thiết của tầm nhìn và sự phê bình đối với văn học người Mỹ gốc Á, với tầm nhìn này đưa đến sự thừa nhận nền văn học mới. Cuốn sách phê bình tinh tế của nhà văn người Mỹ gốc Đại Hàn Elaine H. Kim “Asian American Literature: An Introduction to the Writings and Their Social Context” được xuất bản vào năm 1982 và là cuốn sách quan trọng đầu tiên thuộc thể loại này.
Nhà thơ Ocean Vương. (nguồn: www.en.wikipedia.org)
Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có nhiều nhà văn nhà thơ người Mỹ gốc Việt đã thành danh. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Thanh Việt (sinh năm 1971) đã đoạt Giải Pulitzer Prizer về bộ môn Tiểu Thuyết Hư Cấu vào năm 2016 qua tác phẩm “The Sympathizer.” Nhà thơ và nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vương (sinh năm 1988) đã nhận được nhiều giải thưởng, gồm Whiting Award năm 2016, T.S. Eliot Prize năm 2017, MacArthur Grant vào năm 2019. Trong số các tác phẩm thơ và văn của ông là tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” xuất bản năm 2016, tiểu thuyết “On Earth We're Briefly Gorgeous” xuất bản năm 2019. Nhà văn nữ người Mỹ gốc Việt Lan Cao (sinh năm 1961) với các tác phẩm “Mondey Bridge” xuất bản ăn 1997, và “The Lotus and the Storm” xuất bản năm 2014. Và còn rất nhiều nhà văn nhà thơ người Mỹ gốc Việt đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Mỹ.
Tóm lại, Hoa Kỳ là vùng đất di dân. Tất cả mọi người dân Mỹ - chính họ hoặc cha mẹ ông bà tổ tiên của họ - đều có nguồn gốc di dân từ nhiều nơi khác đến. Thậm chí những người thổ dân da đỏ cũng là người di dân đã đến lục địa Mỹ Châu từ ba bốn chục ngàn năm trước công nguyên qua ngả Châu Á và Alaska.
Không có di dân thì không có đất nước Hoa Kỳ với sự phát triển và phồn thịnh vượt bực như hôm nay. Di dân là nguồn lực là vốn liếng quý giá nhất của nước Mỹ. Chính di dân làm cho nước Mỹ không ngừng trẻ trung, sáng tạo, khai phóng, tiến bộ, tự do và dân chủ. Bằng chứng cụ thể là người Mỹ gốc Á đã đóng góp xứng đáng công sức của mình cho vùng đất hứa mà họ tìm đến. Bởi vậy, người Mỹ gốc Á xứng đáng được đối xử tử tế, công bằng và tôn trọng.
Người Mỹ gốc Á cũng là nạn nhân của đại dịch Covid-19 như người da trắng, da đen, hay gốc La Tinh. Vì thế không có lý do để kỳ thị và thù ghét người Mỹ gốc Á vì đại dịch này.
Huỳnh Kim Quang - Việt Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét