Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Ý Nghĩa Ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng

 

Sinh viên Nguyễn Ngọc Thiên Trang (Trưng Trắc, trái) và sinh viên Phạm Xuân Thanh Dianna (Trưng Nhị) trong ngày Lễ Hai Bà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ý NGHĨA NGÀY LỄ KỶ NIỆM HAI BÀ TRƯNG
Việt Báo

Hàng năm, đến ngày 6 tháng 2 âm lịch, dân chúng Việt Nam lại nhớ đến ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng. Đây là một ngày Lễ chính thức trước 1975. Công tư sở và các trường học đều đóng cửa nghỉ lễø. Tại Sài Gòn và các tỉnh lớn đều có tổ chức lễ Kỷ Niệm Hai Bà rất trọng thể. Ngoài ra, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa còn công nhận Ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, vì thế các bà các cô đều cảm thấy hãnh diện vô cùng trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà. Lẽ tất nhiên Quý Ông cũng "được vui lây", chiều Quý Bà hết mình như: Giúp việc nội trợ, nấu ăn, rửa chén, giữ trẻ… để Quý Bà có thì giờ tô điểm phấn son trẩy hội…

Tại Hải Ngoại, ngày Lễ Kỷ niệm Hai Bà cũng được tổ chức trang nghiêm tại những địa phương có nhiều người Việt cư ngụ. Riêng tại miền Nam Cali, Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương và Thân Hữu, phối hợp với các Hội Đoàn bạn, thường tổ chức trọng thể ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà tại một Hội Trường lớn, để nhắc nhở và nhớ ơn công đức Hai Bà.

Theo sách sử, Bà Trưng Trắc và Bà Trưng Nhị là hai chị em, con quan Lạc Tướng ở Huyện Mê Linh, Phong Châu. Năm 34 Thái Thú Tô Định được vua Hán Quang Vũ sai sang trấn nhậm quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác nên dân Giao chỉ rất oán hận. Đến năm 40, Tô Định giết ông Thi Sách cũng là con Quan Lạc Tướng, người quận Châu Diên (Vĩnh Yên) , là chồng Bà Trưng Trắc. Vì nợ nước, thù nhà, Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, đem quân đánh thành Liên Lâu, khiến Tô Định và quân Đông Hán phải bỏ quận Giao Chỉ, chạy trốn về Tàu.

Lúc bấy giờ, các quận Cửu Chân, Nhật Nam (thuộc Việt Nam), và Hợp Phố (Quảng Đông), cùng hưởng ứng nổi lên theo Hai Bà. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà đã hạ được 65 thành trì. Hai Bà được tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh, tức là Trưng Nữ Vương.

Ba năm sau (năm 43), vua Hán sai Mã Viện chỉ huy một lực lượng quân sự đông đảo, đào rừng khoét núi kéo sang đánh báo thù và xâm chiếm nước ta. Tại mặt trận Lãng Bạc, quân Hai Bà thua, phải rút về Cấm Khê cố thủ. Mã Viện tiến quân vây đánh, quân Hai Bà tan vỡ, chạy đến xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc (Sơn Tây), Hai Bà phải gieo mình xuống sông Hát Giang tự trầm để bảo toàn danh tiết. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí Mão (năm 43 Tây Lịch). Hiện nay có nhiều đền thờ Hai Bà ở nhiều nơi trong nước, kể cả ở nước ngoài và bên Trung Quốc tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Hồ Nam dưới hình thức "Đạo Thờ Vua Bà" (1) để ghi tạc công đức của hai vị nữ anh hùng dòng giống Việt .

Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, chúng ta học được những bài học ý nghĩa như sau:

- Thứ nhất là tinh thần kiên trì bất khuất chống ngoại xâm dành quyền độc lập của dân tộc Việt Nam: Nhà Hán diệt nước Nam Việt năm 111 trước Tây Lịch, thi hành một chính sách đô hộ và đồng hoá dân ta rất là tàn bạo. Sau 151 năm kiên nhẫn chịu đựng, dân Lạc Việt đã cùng nổi dậy theo phò Hai Bà đánh đuổi ngoại xâm, đúng với tinh thần "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", và "Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách". Hai Bà Trưng đã mở đường độc lập cho nước nhà.

- Thứ hai là tinh thần bình đẳng, bình quyền dân tộc: Hai Bà thuộc nữ giới, mà người Hán thời đó coi rẻ như trẻ nít " nhi nữ thường tình", nhưng đối với dân tộc Việt, đã không hề có sự phân biệt trai, gái, gìa trẻ, lớn bé, tất cả cùng đứng lên theo phò Hai Bà đánh giặc. Phải đợi hàng ngàn năm sau, tinh thần "bình đẳng, bình quyền" này trên thế giới mới được nhiều quốc gia công nhận.

- Thứ ba là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa luôn luôn được dân tộc Việt Nam yểm trợ: Chúng ta phân biệt "đấu tranh" khác với "chiến tranh". Chiến tranh là sức mạnh của kẻ xâm lược dùng bạo lực xâm chiếm và cai trị theo đường lối riêng của họ, còn đấu tranh là vũ khí tự vệ của người dân bị áp bức, là vũ khí bảo vệ hoà bình. Toàn dân Lạc Việt nổi lên theo Hai Bà đánh giặc chính là cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa.

- Thứ tư là ý thức, trách nhiệm và danh tiết của nhà lãnh đạo: Hai Bà lãnh đạo toàn quân, toàn dân vào cuộc kháng chiến đánh đuổi Hán quân, chắc chắn phải ý thức được việc mình làm là đúng, là chính nghĩa. Vì thế, trước sau như một, Hai Bà đã giữ đúng trách nhiệm và danh tiết của nhà lãnh đạo, thà chết chứ không chịu khuất phục kẻ thù. Đây chính là bài học quý giá đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam đấu tranh cho sự tự do công bằng xã hội trong nước.

Nhân ngày 6 tháng 2 lễ kỷ niệm Hai Bà, chúng con là kẻ hậu sinh nơi Hải Ngoại, xin cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến công đức Hai Bà và xin nguyện noi gương Hai Bà.

Việt Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét