Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Thơ Lý Bạch - NGHĨ CỔ

GIỚI THIỆU

Kính thứa quý Thầy, Cô, Đồng Môn và Thân Hữu

Thầy Dương Anh Sơn, cựu giáo sư trung học Nguyễn Huệ mới gửi cho diễn đàn NHHN bài tơ NGHĨ CỔ của Lý Bạch do thầy dịch và chuyển qua thể thơ 'Lục Bát'.

"Chào BBT,
Đây là một trong những bài thơ dịch của nhà thơ Lý Bạch. Chọn thể thơ Lục Bát làm thể thơ chính để dịch thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi (V.N) hay của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn. v.v... (Trung Hoa - sẽ gửi đến BBT nay mai), cũng chỉ nhằm mục đích trở về với thể thơ của dân tộc đã có từ rất lâu. Đồng thời, thể thơ lục bát giúp cho người đọc dễ nhớ hơn nội dung chính của bài Thơ Đường được tuyển dịch.
Vì thế, khi đăng bài, xin BBT giữ nguyên phần thơ chữ Hán bên cạnh âm Việt để người đọc có thể đối chiếu. 
Xin cám ơn BBT. Chúc BBT luôn vui khỏe và mạnh tiến trên con đường làm cầu nối cho các thầy cô và cựu học sinh Trung Học Nguyễn Huệ của các thời kỳ. Chào thân ái."

Trân trọng,
NHHN


 

 NGHĨ CỔ                        擬古  

 

            Sinh giả vi quá khách                   生者為過客, 

                                   Tử giả vi qui nhân .                       死者為歸人。 
                                   Thiên địa nhất nghịch lữ,              天地一逆旅, 
                                   Đồng bi vạn cổ trần.                     同悲萬古塵。 
                                   Nguyệt thố không đảo dược,       月兔空搗藥, 
                                   Phù tang dĩ thành tân.                  扶桑已成薪。 
                                   Bạch cốt dĩ vô ngôn,                    白骨寂無言, 
                                   Thanh tùng khởi tri xuân.             青松豈知春。 
                                   Tiền hậu cánh thán tức,               前後更嘆息, 
                                   Phù vinh hà túc trân .                   浮榮何足珍。 

         Lý Bạch                                    

Dịch nghĩa: 

Khi còn sống (trong cuộc đời) mình chỉ là người khách ghé ngang qua! Khi chết đi, mình chỉ là người trở về nhà đó thôi! Đất trời là một quán trọ, nên rất cảm thương cho bao cát bụi từ muôn đời nay. Con thỏ trên cung trăng hoài công giã thuốc. Cây phù tang (cao ngất) cũng chặt làm củi rồi. Xương trắng (bao đời) câm lặng không nói gì. Cây tùng xanh có biết đâu mùa xuân đang đến. Người trước, kẻ sau đều than thở: có quý gì những cảnh sang giàu giả tạm chẳng bền vững! 

Tạm chuyển lục bát: 

 Phỏng theo thơ xưa 

 Sống làm khách ghé đi qua,

 Chết làm người trở về nhà đó thôi!

 Đất trời : quán trọ cho người,

 Thương cho cát bụi muôn đời bấy nay!

Thỏ trăng giã thuốc chi rày,

 Phù tang cũng chặt thành cây củi rồi!

 Lặng câm xương trắng không lời,

 Tùng xanh nào biết đâu thời của xuân.

 Ai người sau trước đều than,

 Quý gì bao cảnh giàu sang chẳng bền! 

 Chú thích:

          

 

- Lý Bạch:

Nhà thơ lớn thời Đường (701-762) còn gọi là Lý Thái Bạch, tự là Thanh Liên. Ông lớn lên ở làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, Tứ Xuyên, Trung Hoa. Ông là một nhà thơ có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà thơ đời sau không những ở Trung Hoa mà còn ở các nước lân cận như Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam. v.v... Thơ của ông chịu ảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng Lão Trang với một tinh thần phóng khoáng, mở rộng với thiên nhiên, với cái đẹp cũng như tinh thần chuộng nghĩa khinh tài...

- Nghĩ cổ:

Phỏng theo, tương tự, bắt chước thơ văn xưa trước.... Lý Bạch có 5 bài thơ có nhan đề NGHĨ CỔ làm trong nhiều thời điểm.

- Nghịch lữ:

Nhà trọ, quán trọ

- c. 4:

Thương cho cát bụi từ thuở xưa, thương cho con người rồi cũng thành ra cát bụi muôn đời. Từ cát bụi lại trở về với cát bụi...

- Nguyệt thố:

Con thỏ màu lông trắng (bạch thố) trên cung trăng theo các tích xưa của Trung Hoa .

- Phù tang:

Sở Từ của Khuất Nguyên có ghi là ở phương đông có cây phù tang rất cao lớn đến vạn nhẫn (thước thời nhà Chu bên Trung Hoa: 1 nhẫn bằng 8 thước)

- Không:

 Trống rỗng, sáo rỗng, phí công, uổng công... há, sao, câu hỏi, có không...

- Trân:

Vật quý hiếm, thức ăn ngon chỉ sự giàu sang

  * Thơ Đường nói chung và các nhà thơ đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và rất nhiều nhà thơ tài danh khác đã làm nên một dấu ấn văn học độc đáo bên Trung Hoa và lan rộng đến nhiều nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm như Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam. Có thể nói thơ ca đời Đường của bốn thời kỳ Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường (618-907) là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Tinh thần phóng khoáng, lòng yêu chuộng thiên nhiên  lòng yêu thương con người. v.v... là những chủ đề thường được đề cập trong thơ Đường mang dáng dấp của chủ nghĩa nhân văn ngày nay.
Bên cạnh một Trung Hoa với nền văn minh lâu đời với nhiều bậc hiền nhân, những nhà thơ danh tiếng, những công trình kiến trúc đặc sắc, những cảnh sắc thiên nhiên phong phú và nhất là thời Thịnh Đường với sự xuất hiện của những nhà thơ tài danh với những sáng tác giàu tính nhân văn làm sáng rỡ nền văn học Trung Hoa.... Ngày nay, chúng ta rất tiếc cho nền văn minh ấy đã bị những kẻ hậu bối của họ làm cho hoen ố khi đề cao cái ác, cái dữ, sự gian trá, việc chà đạp con người....                Tuy nhiên, cái đẹp giàu chất nhân bản trong thơ ca Lý Bạch và nhiều nhà thơ thời Đường vẫn có sức thu hút chúng ta. Chúng ta yêu thơ ca Trung Hoa, đặc biệt Thơ Đường, chính là yêu cái đẹp mà thơ ca hàm chứa. Nhưng chúng ta cũng rất ghét thứ chủ nghĩa Đại Hán đang "trỗi dậy" gây ra biết bao xáo trộn với tham vọng thống trị nhân loại của họ với đủ phương cách để đạt cho được mục đích đó. Dĩ nhiên, chúng ta cũng đề phòng chính sách đồng hóa bằng con đường văn hóa như các triều đại xưa nay của họ thường xuyên áp dụng. Trung Hoa ngày nay với cái tên Trung Quốc là một hiểm họa cho tương lai nhân loại đã làm cho cái đẹp của một thời nào đó đang bị phai mờ.........
(Nguồn: ninh-hoa.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét