Ngày nay người ta đều cố gắng nghiên cứu xem nên ăn gì, uống gì bổ dưỡng để hạn chế bệnh tật, tăng cường tuổi thọ. Tuy nhiên nhà khoa học nổi tiếng này lại chia sẻ bí quyết khác hẳn: Một người có thể sống thọ hay không, không phải chỉ do ăn uống hay vận động mà còn bởi “cân bằng tâm lý”.
Elizabeth Helen Blackburn, sinh ngày 26 tháng 11 năm 1948 là nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ gốc Australia của trường Đại học California tại San Francisco. Bà nghiên cứu đoạn telomere (những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể), một cấu trúc ở đuôi nhiễm sắc thể có nhiệm vụ bảo vệ nó. Blackburn cùng với Carol Greider đã khám phá ra telomerase, enzym cung cấp cho telomere. Vì những nghiên cứu này bà đã được trao giải Nobel sinh học và y khoa năm 2009 cùng với Carol Greider và Jack W. Szostak. Bà cũng hoạt động trong lĩnh vực đạo đức y khoa và từng là một hội viên trong hội đồng tổng thống về đạo đức sinh học.
Theo TS. Blackburn để có thể sống thọ chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các nhân tố khác chiếm 25%, và tác dụng của trạng thái cân bằng tâm lý chiếm tới 50%.
1. “Hormones stress” sẽ gây hại cho cơ thể
Theo Hoàng đế nội kinh: Bách bệnh sinh vu khí dã. Nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí kết, kinh tắc khí loạn, lao tắc khí hao… Tạm dịch: Trăm bệnh sinh tại khí. Giận thì khí thăng, vui thì khí trở lại bình thường, buồn thì tạo kết, kinh sợ thì khí loạn, lo lắng thì khí bị hao tổn… Bởi vậy Đông y chữa bệnh trước tiên cần điều chỉnh “nhân tâm”.
Theo Đông y, trị bệnh cần chú trọng thân tâm (ảnh: BL Daily).
Y học hiện đại phát hiện rằng, có đến 65 – 90% các loại bệnh tật của chúng ta như ung thư, xơ cứng động mạch, huyết áp cao, loét dạ dày, kinh nguyệt không đều… đều liên quan tới áp lực tâm lý. Những loại bệnh này được gọi là chứng bệnh do tâm và thân. Con người lúc vui vẻ, cơ thể tiết ra hormone có ích là dopamine… Hormone có ích làm cho tinh thần thả lỏng, mang lại cảm giác hưng phấn, khi đó tâm và thân đều trong trạng thái thoải mái, các chức năng của cơ thể phối hợp nhịp nhàng, cân bằng, tăng cường sức khỏe.
2. “Mục tiêu” có thể thúc đẩy sức sống của sinh mệnh
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học: Sống có lý tưởng, có mục tiêu sẽ tạo ra một loại cảm xúc mạnh mẽ có lợi đối với sức khỏe. Những truy cầu mong muốn trong cuộc sống hằng ngày sẽ quyết định tâm tính và theo đó sẽ quyết định tới tâm sinh lý của chúng ta.
Một nhà khoa học người Anh đã tiến hành khảo sát những người trong độ tuổi 40 – 90 trong 7 năm. Kết quả phát hiện nhóm người sống không có mục tiêu rõ ràng thì tỷ lệ tử vong do bệnh tật, tự sát, xuất huyết não cao hơn gấp đôi so với nhóm người sống có mục tiêu rõ ràng. Không những vậy, sau khi về hưu không có mục tiêu sống sẽ khiến tinh thần và sức khỏe suy giảm mạnh. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân bởi nếu một người sống không có mục tiêu thì “chết” sẽ là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời. Từ đó, cơ chế tự hủy trong tiềm thức sẽ lặng lẽ khởi động khiến sức khỏe bạn ngày càng sa sút. “Mục tiêu” ấy cũng nhất định phải thiết thực, bởi nếu không sẽ khởi tác dụng phụ. Học ca hát, nhảy múa, đánh cờ… đều có thể trở thành mục tiêu trong cuộc sống của bạn bởi chúng đều rất khả thi.
3. “Giúp người làm vui” thực sự có tác dụng trị liệu
Các nhà nghiên cứu phát hiện, việc trợ giúp “vật chất” cho người khác có thể làm giảm tỉ lệ tử vong xuống 42%; ủng hộ tinh thần có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống còn 30%. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề này, một nhà nghiên cứu y học người Mỹ đã thực hiện cuộc nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu là 106 học sinh ở độ tuổi 20 tuổi chia làm 2 nhóm: Một nhóm tình nguyện làm việc thiện, một nhóm dự bị. Sau 10 tuần nhà nghiên cứu phát hiện các loại chứng bệnh viêm nhiễm, cholesterol và cân nặng của nhóm làm việc thiện đều thấp hơn nhóm dự bị.
Tại sao giúp đỡ người khác lại có thể chữa bệnh? Thường xuyên giúp đỡ người khác sẽ giúp bạn cảm thấy tự hào và vui vẻ khó diễn đạt thành lời, theo đó làm giảm hormone gây căng thẳng, kích thích các “hormone có lợi”. Chuyên gia bệnh tâm thần và truyền nhiễm thậm chí còn nhận định: Dưỡng thành thói quen vui vẻ giúp người là cách tốt nhất để thoát khỏi u buồn và cũng có thể chữa lành mọi bệnh tật.
David Hamilton, tác giả cuốn sách “Why Kindness Is Good For You” (tạm dịch: Tại sao lòng tốt luôn mang đến hạnh phúc cho bạn) đã từng lý giải: Đôi khi chỉ một hành động nhân đạo bé nhỏ nhưng mang lại lợi ích to lớn cho cả người cho và người nhận. Lòng tốt không chỉ mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui giúp ta thoát khỏi mọi bệnh tật mà còn giúp nhiều người xoa dịu nỗi đau.
4. Gia đình hòa thuận bí quyết hàng đầu để sống thọ
Theo kết quả một cuộc khảo sát với 268 sinh viên nam của trường đại học Harvard: Điều thật sự quan trọng trong cuộc sống một người chính là có mối quan hệ giao thiệp với người khác. Thiếu các mối quan hệ xã hội sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kết quả của đề tài nghiên cứu của một chuyên gia tâm lý học người Mỹ có tựa đề “Quan hệ giữa tính cách và trái tim” được thực hiện trong 25 năm cho thấy: Người có lòng dạ hẹp hòi, coi trọng nặng nề về danh lợi, tâm chứa đầy hận thù thì tỷ lệ tử vong lên đến 14%; người có lòng dạ rộng rãi, vui vẻ giúp người, tính cách hiền hòa thì tỷ lệ tử vong chỉ có 2.5%.
Đưa ra lý giải về vấn đề này nhà tâm lý chia sẻ: Các mối quan hệ xã hội và gia đình không tốt sẽ làm người đó mang đầy phẫn nộ, oán hận, bất mãn trong tâm, từ đó sẽ khiến thần kinh giao cảm thường xuyên trong trạng thái kích thích. Từ đó adrenalin và hormones stress sẽ bài tiết ra nhiều hơn làm nảy sinh các loại bệnh tật. Gan liên quan mật thiết đến sự điều tiết lượng tuần hoàn máu. Nếu tâm trạng không tốt, tức giận uất ức, cũng có thể ảnh hưởng gan, gây ra tác hại cho chức năng gan.
5. Biết cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương
Chính trị gia Quản Trọng thời Xuân Thu Chiến Quốc từng nói: “Thiện khí nghênh nhân, thân như huynh đệ; ác khí nghênh nhân, hại vu qua binh” (Tạm dịch: Dùng thiện ý đối đãi với người sẽ thân như anh em; đối xử ác ý với người khác sẽ có hại như việc binh đao).
Khiêm Từ biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét