Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Thơ Lý Bạch - Bài 4 & 5

 


Thơ LÝ BẠCH Bài 4 & 5
Chuyển Dịch: Dương Anh Sơn

Bài 4           TỬ DẠ THU CA                                     


                    Trường An nhất phiến nguyệt,                
月,

                    Vạn hộ đảo y thanh.                                   

                    Thu phong xuy bất tận,                              盡,

                    Tổng thị Ngọc Quan tình.                         情。

                    Hà nhật bình Hồ lỗ,                                   虜,

                    Lương nhân bãi viễn chinh.                      征?

                                 Lý Bạch                                       


Dịch nghĩa:

Một mảnh trăng mỏng manh (chiếu soi)  nơi thành Trường An. Tiếng đập vải vang lên khắp hàng ngàn căn nhà. Ngọn gió thu thổi mãi không ngừng (như) gom hết biết bao tình cảm vấn vương cho ải Ngọc Quan (nơi biên giới xa xăm). Ngày nào đây dẹp tan được bọn giặc Hồ để cho người chồng yêu dấu được lui về khỏi chốn chiến chinh xa xôi!

BÀI CA MÙA THU CỦA TỬ-DẠ 

Trường An một mảnh trăng gầy,
Muôn nhà đập vải đó đây vang lừng.
Gió thu thổi mãi không ngừng,
Bao tình gom hết cho vùng Ngọc Quan.
Giặc Hồ ngày đó dẹp tan,
Nơi xa chinh chiến chàng lui trở về.

Chú thích:

- Tử-Dạ 子夜: tên người con gái đất Tần bên Trung Hoa làm bài ca giọng điệu buồn thương cho việc phải chịu chia ly do chinh chiến kéo dài đối phó sự phá quấy của giặc Hồ từ biên giới phía tây bắc. [ Người Tần vùng Thiểm Tây của Trung Hoa phần lớn là người Khuyển Nhung sống theo nghề săn bắn, chăn thả theo lối du mục ,sau tập hợp đội ngũ tiêu diệt nhà Chu. Người gốc Hán thời nhà Chu ở vùng này có nền văn minh cao hơn dần dần thâm nhập, đồng hóa họ. Người ở vùng kinh đô nhà Chu trước kia thường xem 17 bộ tộc nhỏ chung quanh là "man di mọi rợ", "rợ Khuyển Nhung, Nhung Địch ".v.v…   Về sau, cả vùng  này cũng bị người Hán ở trung nguyên đồng hóa, nhất là từ khi Hán Cao tổ lên ngôi. Nhưng tên nước China ngày nay lấy từ tên nhà Tần (Qin). Chế độ cai trị TQ hiện nay, một cách nào đó vẫn tôn vinh công cuộc thống nhất của nhà Tần (221-206 TCN) và nhất là chính sách bạo ngược, chuộng chiến chinh của Tần Thủy hoàng cùng các tôi thần như Thương Ưởng, Lý Tư. v.v... từng giúp làm nên cơ nghiệp nhà Tần (xem thêm: Wikipedia/Nhà Tần). Triệu Đà trong lịch sử nước ta đề cập (207-111 TCN) từng làm quan Thái úy nhà Tần, được Tần Thủy hoàng (218 TCN) cử đem quân sang xâm lược nước ta cùng với Nhâm Ngao (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)].
- Trường An 長 安: tên kinh đô của nhà Đường (618-904) bên Trung Hoa, nay là thành phố Tây An (T.Q). Do chịu ảnh hưởng văn học và lịch sử Trung Hoa, nhiều nho sĩ nước ta thời xưa thường ví kinh đô Thăng Long như là Trường An. Câu ca dao: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng (Trường) An" đã cho thấy người Thăng Long xưa và Hà Nội trước đây vẫn còn ít nhiều người lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa. Nguyễn Du trong bài "Long thành cầm giả ca" làm khi đến Thăng Long chuẩn bị đi sứ phương bắc có câu: Hoạt tố Trường An vô giá bảo" (câu 26: 活 取長安無賈寶) cũng cho thấy ảnh hưởng đó.
- Phiến 片: mảnh miếng, chẻ nhỏ, mỏng manh.
- Đảo y 擣衣: giặt giũ, đập vò vải vóc, quần áo.
- Tổng thị 總是: gom lại, tập hợp lại những điều như thế (từ vầng trăng đến tiếng chày đập vải, rồi gió thu thổi mãi... là những tâm trạng vương vấn của những người vợ đang hướng về nơi quan ải, biên giới xa xăm).
- Ngọc Quan 玉 關: tên một cửa ải quan trọng phía tây bắc Trung Hoa đi qua đèo Ngọc Môn nên còn gọi là Ngọc Môn Quan, nằm phía tây Đôn Hoàng, Cam Túc, Trung Hoa. Từ bao đời trước đời Đường và ngay từ khi Lý Uyên tức Đường Cao tổ lập ra nhà Đường đến các triều sau luôn phải đối phó triền miên với các bộ tộc phía tây bắc thường xuyên quấy phá như Đột Quyết, Hồ Đột, Thiền Vu, Thổ Phồn... trai tráng luôn phải xung vào lính chinh chiến hoặc trấn giữ biên cương như ải Ngọc Môn. Nàng Tử Dạ và biết bao thiếu phụ phải luôn sống trong tình cảnh lo lắng cho chồng, cho con nơi quan ải, trận mạc...
- Hồ lỗ 胡虜: lỗ: kẻ địch, quân địch,quân giặc; Hồ: tức quân Hồ Đột. Có khi cũng gọi quân Hồ là Thổ Phồn.
- Lương nhân 良人 người hiền lành. Người vợ Trung Hoa xưa ở nước Vệ thường gọi chồng bằng từ này.
- Bãi 罷: bãi bỏ, dừng lại, ngưng việc, bãi chức lui về nhà.
 

    
Bài 5           HÀNH LỘ NAN  (KỲ TAM )                  其三

01     Hữu nhĩ mạc tẩy Dĩnh Xuyên thủy,                  有耳莫洗穎川水

         Hữu khẩu mạc thực Thủ Dương quyết!            有口莫食首陽蕨! 

         Hàm quang hỗn thế quí vô danh,                      含光混世貴無,

04     Hà dụng cô cao tỷ vân nguyệt?                         何用孤高比雲月。

         Ngô quan tự cổ hiền đạt nhân,                          吾觀自古賢達人,

         Công thành bất thoái giai vẫn thân.                  功成不退皆殞身 

         Tử Tư ký khí Ngô Giang thượng,                     子胥既棄吳江上

08     Khuất Nguyên chung đầu Tương thủy tân.       屈原終投湘水濱。

         Lục Cơ hùng tài khởi tự bảo,                             陸機雄才豈自保,

         Lý Tư thuế giá khổ bất tảo.                                李斯稅駕苦不早。 

         Hoa Đình hạc lệ cự khả văn?                            華亭鶴唳詎可聞,

12     Thượng Thái thương ưng hà túc đạo!?              上蔡蒼鷹何足道。

     Quân bất kiến:                                                   君不見:  

         Ngô Trung Trương Hàn xưng đạt sinh,             吳中張翰稱達生,

         Thu phong hốt ức Giang Đông hành.                秋風忽憶江東行。

         Thả lạc sinh tiền nhất bôi tửu,                          且樂生前一杯酒,

17     Hà tu thân hậu thiên tải danh!                           何須身後千載名。  

                     Lý Bạch                                                  

Dịch nghĩa:

Có tai chớ rửa ở sông Dĩnh; có miệng chớ ăn rau quyết ở núi Thủ Dương. Đời loạn lạc không bày lộ tiếng tăm, chỉ nên (che giấu) ngậm hết (hào quang) trong miệng thôi! Đâu cần phải ở một mình nơi cao (của kẻ ẩn sĩ) để sánh với làn mây và vầng trăng! Ta thấy từ xa xưa những người hiền thấu rõ lẽ đời khi đã thành công ,không chịu lui về bản thân đều bị mất mát. Tử Tư phải bỏ mình trên dòng sông Ngô. Khuất Nguyên rốt cuộc phải đâm đầu nơi bến sông Tương. Lục Cơ mạnh mẽ lại có tài sao không giữ được mình! Lý Tư phải chịu khổ ải vì không sớm rời bỏ (chốn quan trường) để lui về; tiếng con chim hạc ở Hoa Đình làm sao có thể nghe được đây; chim ưng xanh ở Thượng Thái còn đâu để nói năng đủ đầy!

Bạn không thấy chăng: Trương Hàn ở xứ Ngô là người được xưng tụng là biết sống ở đời nên khi gió thu về chợt nhớ đến đã đi về Giang Đông. Hãy tạm vui với ly rượu nồng khi còn sống ,có cần chi tiếng tăm cho tấm thân ngàn năm sau!

Tạm chuyển lục bát:

ĐƯỜNG ĐI KHÓ

01          Có tai, sông Dĩnh rửa chi!
              Thủ Dương rau quyết ăn gì miệng đây!
              Tiếng tăm đời loạn chẳng bày,
04          Thanh cao riêng sánh mây trăng được nào.
              Người hiền ta thấy xưa nao,
              Công thành chẳng thoái lui vào thân tan:
              Tử Tư thân bỏ Ngô Giang,
08          Khuất Nguyên gieo xuống bờ Tương vùi đời,
              Lục Cơ tài chẳng giữ người,
              Lý Tư không sớm nghỉ ngơi khổ mình.
              Làm sao nghe hạc Hoa Đình,
12          Sao còn Thượng Thái ưng xanh nói bàn!
              Người ơi có thấy đó chăng:
              Đất Ngô biết sống Trương Hàn ngợi xưng.
              Gió thu chợt nhớ Giang Đông,
              Hãy vui lúc sống rượu nồng một bô .
17          Cần chi tiếng để ngàn đời........

Chú thích:

- Dĩnh Xuyên 穎川: tên con sông ở Hà Nam, Trung Hoa. Thời vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho Hứa Do là người hiền nên mời về triều. Ông không nhận lời sứ giả và đi ra sông Dĩnh rửa tai vì sợ những lời mời làm dơ tai mình! Sào Phủ, một ẩn sĩ khác đang chăn trâu thấy Hứa Do rửa tai bèn hỏi tại sao và dắt trâu lên bờ vì sợ trâu uống nước kia!
- Thủ Dương 首陽: nơi ẩn lánh của Bá Di và Thúc Tề con vua một nước nhỏ là Cô Trúc, tôi thần nhà Thương. Khi nhà Thương mất vào tay vua Trụ tàn bạo, rồi Cơ Phát đánh bại Trụ lập ra nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lên núi Thủ Dương ăn rau sam, rau quyết và chết đói trên núi vì không chịu ăn thóc nhà Chu, làm tôi nhà Chu.

- Hiền đạt nhân 賢達人: người hiền có đức hạnh, thấu rõ  và thông hiểu lẽ đời.... Ở đây, có lẽ Lý Bạch đưa những người như Lý Tư, thừa tướng của Tần Thủy hoàng vào hàng "hiền đạt nhân" không đúng cho lắm vì Lý tư tuy giỏi việc trị nước nhưng lại giúp Tần Thủy hoàng bạo ngược với chính sách dựa vào phái Pháp gia quá chặt chẽ, cứng rắn làm cho người dân nhà Tần phải chịu khổ trăm bề (xem C.T Lý Tư bên dưới)

- Tử Tư 子胥: tức Ngũ Viên, tự là Tử Tư, tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu bên T.H. Tư vốn người nước Sở, sau vì lánh sự truy bức của Sở Bình Vương chạy trốn sang nước Ngô rồi làm tôi cho Ngô Hạp Lư và con là Ngô Phù Sai. Phù Sai vì nghe lời dèm pha của Bá Hi ép uổng Tử Tư phải tự xử. Phù Sai cho đem xác Tử Tư nhét vào túi da ngựa thả trôi sông...
- Khuất Nguyên 屈原: tên thật là Bình, hiệu là Linh Quân (340-278 TCN) học rộng, có tài văn chương làm quan Tả Đồ thời Sở Hoài Vương, Trung Hoa. Sau bị dèm pha do có kẻ ganh ghét trong triều nên u buồn viết ra Ly Tao, Sở Từ, Thiên Vấn. v.v… Đến đời vua sau là Sở Tương Vương, ông bị đày đi Giang Nam sinh ra phẫn chí, uất ức nên gieo mình xuống dòng Mịch La tự tử vào ngày mồng 5 tháng năm âm lịch. Người Trung Hoa kính trọng ông là một trung thần nên hằng năm lấy ngày nay kỷ niệm gọi là Tết Đoan Ngọ. Do có thời lệ thuộc Trung Hoa lâu dài vì bị xâm lược nên người Việt chịu ảnh hưởng nhiều tập tục văn hóa của họ cũng bắt chước ăn Tết Đoan Ngọ như kiểu người Trung Hoa  và nhiều loại hình khác như Tết trung thu ,Tết Nguyên đán.....
- Lục Cơ 陸機: người đất Ngô Quận đời nhà Tấn, có tài thi họa, thư pháp, làm việc cho Vương Dĩnh ở Thành Đô. Sau bị dèm pha cho là có ý làm phản rồi bị giết vì bị ghen tài và nghi kị.
- Lý Tư 李斯: sống khoảng 280-208 TCN, làm chức thừa tướng thời Tần Thủy Hoàng, sinh ở Thượng Thái nước Sở theo học với Tuân Tử cùng Hàn Phi. Ông không những giỏi văn chương, thư pháp mà còn giỏi việc bày mưu tính kế và nghệ thuật thuyết khách. Khi Tần Thủy Hoàng đương ở ngôi cao quyền thế, ông khuyên Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn các nhà nho vì sợ sinh loạn! Khi Tần Thủy Hoàng mất, ông cùng Triệu Cao lập mưu đưa thái tử Hồ Hợi còn nhỏ lên ngôi tức Tần Nhị Thế. Cao mưu tiếm quyền chi phối vua Tần nhưng Nhị Thế vẫn tin dùng Lý Tư nên Triệu Cao dèm pha Tư có ý làm phản bị vua bắt tội chịu nhục hình và xử trảm bêu đầu cùng con trai tại cổng thành. Trên đường đi hành hình, Tư nói với con là không còn cơ hội để nghe tiếng hạc ở Hoa Đình và được nói năng bàn luận về chim ưng xanh vùng Thượng Thái nữa.
- Trương Hàn 張翰: người đất Ngô Quận nhà Tấn làm chức đại tư mã, phò Tề Vương Tư Mã Quỳnh ở Lạc Dương. Khi cầm quân dẹp loạn Bát Vương chợt cảm thấy nhớ nhà bèn bỏ quân về Giang Đông vui thú quê nhà, không vướng bận công danh. Về sau, Tư Mã Quýnh thất bại, người đời khen ông thức thời vì như ông thường nói công danh sao bằng chén rượu nồng ngon dược uống khi còn sống. Ông cũng sáng tác nhiều thơ phú nhưng bị thất lạc nhiều. Tính tình phóng khoáng của Trương Hàn chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến phong cách sống của Lý Bạch.
- Hàm quang 含光: ngậm trong miệng ánh hào quang của mình (hay nói khác đi là che dấu tài năng trong thời loạn)
- Vẫn thân 殞身: thân bị mất đi.
- Ký khí 既棄: đã xong đời, đã bỏ thân.
- Tân 濱: bờ sông, bến nước.
- Thuế giá 稅駕: bỏ xe, rời xe, tháo xe ra... chỉ việc nghỉ ngơi, từ bỏ chức vụ, công việc...
- Túc đạo 足道: nói năng, bàn bạc đủ thứ về một việc nào đó.
- Xưng  稱: khen ngợi, tán dương, xưng tụng.
- Đạt sinh 達生: người thấu hiểu lẽ đời, biết cách sống.
- Thả  lạc 且樂: hãy tạm vui.
- Hà tu 何須: sao phải cần đến. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét