Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021
"Những Ngày Xưa Thân Ái" Với Những Kỷ Niệm Mang Theo
"NHỮNG
NGÀY XƯA THÂN ÁI" VỚI NHỮNG KỶ NIỆM MANG THEO Thu Tuyết Cho đến hôm nay, cảm xúc tôi vẫn tràn đầy mỗi khi nghe lại “Những ngày xưa thân ái”. Chỉ khác nhau bây giờ tim tôi thắt lại có lúc giữa khuya hay ngay cả trong giấc chiêm bao. Riêng bài hát này, với tôi, lời ca và giai điệu luôn quyện vào nhau, không thể tách rời; cũng như không bao giờ nó rời khỏi tôi, bởi những kỷ niệm đã theo tôi suốt chặng đường đời. “Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”. Khi viết bài này, tình trạng quê hương vẫn còn ngổn ngang với cuộc chiến. Có phải như một sự an bài mà NS Phạm Thế Mỹ đã biết trước chăng? Vì cuộc đời luôn tồn tại hai mặt đối lập. Sẽ là phân nửa uống nước dừa và phần còn lại là nước mắt quê hương? Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này mỗi khi hoài niệm về quá khứ, về tháng ba, về những ngày hoảng loạn của tháng tư năm ấy. Ngày đó, tôi còn rất nhỏ, cứ mỗi lần anh Trần Công Định, bạn anh tôi đến chơi; anh luôn cầm đàn và hát “Những ngày xưa thân ái”. Anh hát say sưa, hát da diết, hát với cả tâm hồn và trái tim. Và cũng từ đó, “Những ngày xưa thân ái” đã ở lại trong tôi, một cô bé còn chơi lò cò với đám bạn trẻ con hàng xóm; chưa hiểu chiến tranh là gì, tang tóc là gì và tại sao cùng một dân tộc lại hận thù và bắn giết nhau đau thương đến vậy? Thời gian sau đó không thấy anh Định đến chơi, tôi được biết anh đã lên đường nhập ngũ. Một năm sau, vào một chiều mưa bụi, anh tôi thất thểu về nhà nói với chị tôi rằng: “Thằng Định đã đi rôi!” Không gian như chùng lại, và chị tôi khóc…! Tôi không bao giờ quên những ngày cuối tuần, đặc biệt là những đêm trăng sáng, anh ấy luôn có mặt nhà tôi, đàn và hát đến sáng rồi ra về. Đơn giản là vì anh yêu chị tôi, một tình yêu trong sáng của tuổi học trò. Nó thanh khiết và đẹp biết bao! Thế là kết thúc một cuộc đời, và chấm than cho một cuộc tình! “Những
đường xưa phố cũ. Ôi nỡ đành quên sao! Xin
gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh” Tôi làm sao hiểu được, con phố dẫn anh đến nhà tôi với những đêm sao trời long lanh đàn hát. Làm sao hiểu được nỗi đau của anh tôi khi mất đi người bạn tri kỷ, và chị tôi với mối tình đầu ngây thơ trong vắt! “Những
ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai Gió
mùa xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa Anh
cùng tôi bước nhỏ, áo quần nhăn giấc ngủ Đi tìm chim sáo nở. Ôi bây giờ anh còn nhớ?” Còn đâu những ngày xưa ấy anh cùng đón gió mùa xuân với anh tôi bên hàng cau thưa lá trên con đường làng mỗi khi tết đến. Rồi anh cùng anh chị tôi dắt tôi đi chúc tết bạn bè. Còn đâu những trưa hè anh và anh trai tôi lang thang dưới cái nắng gắt đi tìm chim sáo nở vào những kỳ nghỉ về quê nhà tôi. Bây giờ anh có nhớ? “Những
ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai Trăng
mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao Anh
cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đổ Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền” Còn đâu những đêm trăng lên nấp sau rặng dừa nhà tôi, thả ánh sáng dịu dàng phủ xuống trần gian. Anh đã cùng anh tôi thức trắng đêm bên hiên nhà lưa thưa lá đổ mỗi độ Thu về, cùng mơ một ngày được ôm vào lòng hạnh phúc. “Những
ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai Anh
còn gì cho tôi, tôi còn gì cho anh Chỉ
còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai” Sau đó, anh tôi đã mang “Những ngày xưa thân ái ấy” đi vào cuộc chiến, để đêm đêm nằm nghe tiếng súng hoà vào tiếng thác đổ giữa rừng khuya Dục Mỹ. Rồi những đêm trăng sáng trôi qua, vùng ký ức ấy luôn ẩn hiện bên đời anh. Giờ này thân xác Định ở đâu? Con phố cũ, hàng cây, góc phố vẫn tồn tại theo thời gian. Nó già đi vì sương gió và cũng già đi vì thiếu Định “Xin
bình yên giấc ngủ. Xin ngày sau bớt khổ Xin hờn căm tắt thở. Cho mẹ già ru lời mới” Cầu xin anh an nghỉ bình yên ở một nơi nào đó, trên ngọn đồi hay dưới vực sâu. Xin không còn thù hận để những Mẹ già không còn lom khom đầu ngõ mỗi chiều mong ngóng những đứa con. Và cạn khô nước mắt khi chiếc quan tài phủ lá cờ tổ quốc đưa con về lại quê nhà. “Những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho ai?” Ca
sĩ Thanh Lan đã đưa tôi về những ngày còn bé để viết lại những kỷ niệm buồn của
anh chị tôi và anh Trần Công Định, người bạn, người yêu, đã mang đi “Những
ngày xưa thân ái” của chúng tôi! Tôi xin mượn bài hát này để ghi lại những mối tình thật đẹp của một thời trong chiến tranh tang tóc, của những người đã ra đi và nỗi buồn của người ở lại. Melbourne,
tháng 3/2021 Photographer:
Hung Nguyen Designer: HM |
Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021
Thịt Gà Chữa Được Vô Khối Bệnh
Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước
GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Hôm nay là Thứ Ba tuần thánh, tuần thương khó. Năm xưa Chúa Giêsu chịu khổ hình, chết trên thập giá để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại. Sau 3 ngày Chúa đã phục sinh và lên trời trong vinh quang.
Nhân dịp đại lễ của người Kitô giáo, Diễn đàn NHHN xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị một số bài và nhạc về chủ đề "Chúa Phục Sinh".
Trân trọng
NHHN
Để hiểu Tân Ước nói gì về
sự phục sinh, chúng ta cần phải am tường bối cảnh tôn giáo của các bản văn Tân
Ước cũng như bối cảnh của những người đọc các bản văn này. Chúng ta phải xét
đến ngữ cảnh của người viết lẫn độc giả, nghĩa là thế giới ý nghĩa của người Do
Thái.
SỰ PHỤC SINH TRONG TƯ TƯỞNG DO THÁI
Quan niệm tôn giáo về sự phục sinh của người chết hầu như không được người Do Thái cổ xưa biết đến. Mãi cho đến thế kỷ thứ I và II trước Công nguyên cũng không. Chính xác đây chỉ là hình thức muộn thời của niềm tin Do Thái giáo, được Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài chia sẻ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhắc đến sự phục sinh trong sách Maccabê 1 và 2, sách Daniel. Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng trong Do Thái giáo thời ấy, niềm tin vào sự phục sinh của người chết không được mọi người Do Thái đồng tình. Những người Samaritanô rõ ràng không tin điều ấy, người Sađucêô cũng không. Bởi thế cho nên không mấy ngạc nhiên khi người Sađucêô không tin vào các thực tại thiêng liêng nói chung như linh hồn, thần khí, ma quỷ, vv…, không tin vào sự phục sinh. Trong khi vấn đề này đặt ra nhiều điểm quan trọng, cần phải nói rằng người Do Thái Giêsu và các môn đệ người Do Thái của Ngài, gồm cả các tác giả Tân Ước, hầu như tin chắc vào sự phục sinh của người chết.
Những người Do Thái vào thời Đức Giêsu thật sự đã hiểu gì về sự phục sinh của người chết? Họ quan niệm thế nào? Đây thật cũng là mớ bòng bong. Như đã nói, người Sađucêô và Samaritanô phủ nhận bất kỳ ý niệm nào về sự phục sinh của người chết. Cũng chẳng biết người Essênêô, một nhánh Do Thái giáo thời ấy, quan niệm thế nào. Họ có nghĩ rằng phục sinh người chết là thân xác sống lại, hay chỉ đó là sự hiện hữu thiêng liêng kéo dài của linh hồn như một bản thảo trong Bản Cuộn Biển Chết (1QS 4:7-8) đã nói: “Niềm vui vĩnh cửu trong cuộc sống, triều thiên vinh quang và vẻ ngoài đường bệ trong ánh sáng khôn cùng”? Thật khó mà nói được. Ngay cả người Pharisiêu cũng có vài vấn đề. Họ tin rằng người công chính sẽ chỗi dậy từ cõi chết và sau đó nhập vào thân xác, nhưng sử gia Josephus cho rằng họ chỉ tin điều này về linh hồn và thân xác của người công chính, còn linh hồn của kẻ tội lỗi vẫn tách biệt khỏi thân xác và chịu hình phạt đời đời (Josephus, Cuộc chiến tranh Do Thái, 2:163). Tuy nhiên, các nguồn sách vở kinh sư sau này cho thấy rằng chỉ một thời gian ngắn sau thời Chúa Giêsu – có lẽ chỉ sau khi Đền Thờ Giêrusalem bị người Roma phá hủy vào năm 70 công nguyên – thì sự phân biệt giữa số phận người công chính và người tội lỗi đã biến mất, và niềm tin rằng mọi người sẽ sống lại, hợp nhất cả hồn và xác, có người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, có người phải chịu hình phạt đời đời, dường như đã trở thành quan điểm chung.
Sự phục sinh trong Tân Ước cũng được hiểu và phát triển trong cách hiểu của người Do Thái. Trong toàn bộ các sách Tân Ước, chúng ta thấy rõ sự phát triển này trong bộ hai tác phẩm của Luca: Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ.
SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU
Hẳn nhiên, trong Tân Ước, biến cố định hình và trở thành chuẩn mực cho niềm tin Kitô giáo vào số phận của người chết là sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng chia sẻ vài đồng thuận nào đó về vấn đề này. Sự phục sinh của Đức Giêsu là biến cố có thực, một biến cố lịch sử không tranh cãi, nhưng chính ý nghĩa của biến cố này mới là điều quan trọng đối với các tác giả Tân Ước. Sự phục sinh của Đức Giêsu khai mạc tiến trình cánh chung, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại, và nhờ đó mà vận mệnh cánh chung của các tín hữu được bảo đảm. “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8). Hơn nữa, phục sinh của Đức Giêsu là sự xác minh cho căn tính cứu thế của Ngài và cho thấy sự tưởng thưởng của Thiên Chúa cho sự đau khổ và cái chết nhục nhã của Ngài. Cái nhìn này về sự phục sinh của Đức Giêsu được tìm thấy trong khắp cuốn Tân Ước.
Trong số những đề cập đến sự phục sinh và ý nghĩa của nó trong Tân Ước thì các nguồn quan trọng nhất là các thư của Thánh Phaolô, các sách Tin Mừng, và cuốn Tông Đồ Công Vụ. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến những nguồn này theo trật tự: trước hết là Thánh Phaolô, rồi đến các Tin Mừng – đặc biệt là Tin Mừng Luca – và cuối cùng là sách Tông Đồ Công Vụ.
PHỤC SINH THEO THÁNH PHAOLÔ
Thánh Phaolô không quan tâm đến trình thuật về sự phục sinh của Đức Giêsu cho bằng ý nghĩa của biến cố này đối với các Kitô hữu. Đối với Thánh Phaolô, biến cố lịch sử mà Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết chỉ là một sự kiện. Giống như những tác giả Tân Ước khác, Thánh Phaolô tin rằng thực tại thể lý và lịch sử của biến cố Đức Giêsu phục sinh là điều không thể chối cãi:
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. (Rm 15, 3-8)
Là người sáng lập và phát triển các cộng đoàn Kitô giáo, Thánh Phaolô đã có hướng nhìn của một nhà giảng thuyết và là chủ chăn, phải cố gắng làm sao để mở bật ra ý nghĩa của biến cố này cho các Kitô hữu. Khi rao giảng, Thánh Phaolô đã phải khó khăn nối kết biến cố lịch sử của sự phục sinh thân xác nơi Chúa Giêsu với sự phục sinh của mọi người đã chết khi Đức Kitô trở lại. Vì thế, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô dùng sự phục sinh của Chúa như là một bảo đảm rằng số phận của Chúa Giêsu cũng được chia sẻ với những ai tin vào Ngài: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4, 14). Thánh Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã nối kết niềm hy vọng cánh chung đã được bảo đảm của sự phục sinh nơi Chúa Giêsu và nơi các tín hữu với nghi thức rửa tội.
Trong thư gởi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã chứng minh nhờ bí tích rửa tội mà các Kitô hữu được chia sẻ số phận này của Chúa Phục Sinh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Sau này, Thánh Basiliô, một trong những giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, đẫ nối kết cách sinh động hơn nữa: “Qua bí tích rửa tội, chúng ta bắt chước cuộc mai táng của Đức Kitô. Thân xác của người chịu phép rửa tội được chôn vùi trong nước…” (Basil, Về Chúa Thánh Thần).
Như vậy, Thánh Phaolô đã dùng sự kết hiệp với Đức Kitô trong bí tích rửa tội như một nền tảng cơ bản cho nhiều giáo huấn phát sinh của ngài. Chẳng hạn, trong 1 Côrintô, Thánh Phaolô đã rút ra một vài tiêu chuẩn luân lý cho đời sống người Kitô hữu như là hệ quả của sự thâm nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội, Vì đã được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô (en Christo trong tiếng Hy Lạp) qua bí tích rửa tội nên người đã được rửa tội không thể kết hợp thân xác này với gái điếm cũng như không thể mang thân xác này vào các đền đài thờ cúng ngẫu tượng ngoại giáo. Trong 1 Thessalônica, Thánh Phaolô dạy rằng người Kitô hữu được kết hiệp với Đức Kitô qua bí tích rửa tội, khi qua đời thì họ cũng không chia lìa với mọi người khác, ngay cả chính sự chết. Sự chia lìa với những Kitô hữu thân yêu đã qua đời của chúng ta chỉ là vẻ bề ngoài, không phải là thực sự, cho nên chúng ta không cần phải buồn sầu thái quá. Như vậy, Thánh Phaolô đã gởi sứ điệp an ủi đến những người Thessalônica, dựa vào phép rửa của họ với Đức Kitô Phục Sinh: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13). Do đó, đối với Thánh Phaolô, chính cái ý nghĩa của sự phục sinh nơi Đức Kitô mới là điều quan trọng đối với Kitô hữu chứ không phải trình thuật về biến cố phục sinh hay ngôi mộ trống. Chính thần học về bí tích rửa tội của Thánh Phaolô, dựa trên niềm tin chắc chắn của ngài về sự phục sinh, mà Giáo Hội đã đặt nền tảng cho những giáo huấn quan trọng về sự sống đời sau, về Giáo Hội học, hành vi luân lý của người Kitô hữu cũng như niềm tin các thánh thông công.
PHỤC SINH THEO CÁC TIN MỪNG
Các trình thuật Tin Mừng về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu phản ánh quá trình phát triển về ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời, một sự phát triển chịu ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Phaolô hoặc qua đó nói lên rằng Thánh Phaolô và các tin mừng cùng chia sẻ chung với nhau các truyền thống sơ thời về sự phục sinh. Từ Tin Mừng đầu tiên của Thánh Marcô cho đến Tin Mừng cuối cùng của Thánh Gioan, chúng ta thấy rằng những trình thuật chi tiết về việc khám phá ngôi mộ trống đã có sự khác biệt – không có những chứng nhân trực tiếp về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chỉ là những gì xảy ra sau này. Có một số chi tiết khác nhau: khác nhau về căn tính của chứng nhân, cả con người lẫn thiên thần; lời chứng cũng khác nhau và sự gặp gỡ của các nhân chứng với Chúa Giêsu phục sinh cũng khác nhau. Nó thay đổi từ Tin Mừng này đến Tin Mừng khác. Dù rằng xét tổng thể thì trình thuật về sự phục sinh của mỗi Tin Mừng xem ra giống nhau, nhưng ý nghĩa được gán cho sự phục sinh trong Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ đáng chúng ta để ý vì nó đặt nền trên Sách Thánh của Do Thái giáo.
Ý NGHĨA CỦA SỰ PHỤC SINH TRONG LUCA VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ
Mặc dù các trình thuật Nhất Lãm giống nhau, nhưng nhãn quan của Luca khác biệt đáng kể. Trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết (dei trong tiếng Hy Lạp). Nó cần thiết để Sách Thánh được “ứng nghiệm” (Lc 4, 21; 9, 51; 18, 31; 21, 22; 23, 37; 24, 44). Đối với Thánh Luca, cả trong Tin Mừng lẫn Tông Đồ Công Vụ, phục sinh được hiểu như là sự ứng nghiệm cần thiết của niềm hy vọng và lời tiên tri trong Do Thái giáo thưở xưa. Điều này thật rõ ràng trong câu chuyện làng Emmau, khi Chúa Giêsu phục sinh hỏi: “Chẳng phải là điều cần thiết khi Đấng Cứu Thế phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” và rồi “bắt đầu từ ông Môisê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 26-27). Như Luke Timothy Johnson đã viết trong chú giải Tin Mừng Thánh Luca (Sacra Pagina 3, 405), Thánh Luca gắng sức chứng minh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được Sách Thánh tiên báo: sách Torah, sách Các Tiên Tri và những bản văn khác. Về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Luca luôn nhất quán trong Tin Mừng của mình cũng như khi viết về lịch sử Giáo Hội sơ thời trong Tông Đồ Công Vụ. Trong cả hai cuốn sách, “Thánh Luca sử dụng “lời tiên tri và sự ứng nghiệm” nhiều hơn hết trong tất cả các bản văn khác của Tân Ước” (Luke Timothy Johnson, Tông Đồ Công Vụ, Sacra Pagina, 5, 12).
Không giống như các Tin Mừng, Tông Đồ Công Vụ không có trình thuật ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng như trong Thánh Phaolô, nhờ Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết được ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời cũng như nó được rao giảng như thế nào. Như đã nói trên, một phát triển quan trọng trong Tông Đồ Công Vụ là trình bày cách hiểu của Giáo Hội sơ thời về sự phục sinh của Chúa Giêsu như là một phần ứng nghiệm các lời tiên báo của Cựu Ước được hoàn tất trong Chúa Giêsu (Cv 1, 16; 13, 27). Trong bài đại diễn từ đầu tiên của Tông Đồ Công Vụ (Cv 2, 14-36), Thánh Phêrô trình bày cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là “áp dụng chú giải midrash các bản văn về Đấng cứu thế trong sách Torah” (Johnson, Tông Đồ Công Vụ, 54). Trong diễn từ này, Thánh Phêrô trích dẫn ngôn sứ Gioel và Thánh Vịnh 15, chủ đề này cũng được tiếp nối trong các diễn từ khác của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trong Tông Đồ Công Vụ. Như vậy, Thánh Luca “thành công cách thuyết phục trong việc làm cho câu chuyện về Đức Giêsu của mình và bước khởi đầu của người Kitô hữu như là sự nối dài của lịch sử Thánh Kinh” (Ibid., 12). Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một phần của kế hoạch lớn lao hơn của Thiên Chúa, được khai mạc trước hết nơi dân Do Thái, được Sách Thánh của họ tiên báo, và cuối cùng ứng nghiệm và có hiệu lực trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Tác giả: Villiam L. Burton, OFM
Lm. Phaolô Nguyễn Minh
Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Tiếng Chúa Gọi Con
Phân Ưu Thầy NGUYỄN ĐẢM
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
Được tin buồn
Thầy NGUYỄN ĐẢM
Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Nguyễn Huệ
Vừa mãn phần ngày 30-03-2021 (nhằm ngày 18 tháng 2 năm Tân Sửu) tại Tuy Hòa, PY.
Thượng thọ 88 tuổi
Toàn thể Thầy, Cô và Cựu Học Sinh Nguyễn Huệ vô cùng đau buồn và thương tiếc.
Thành kính chia buồn cùng Cô và tang quyến.
Nguyện cầu hương linh Thầy Nguyễn Đảm sớm Vãng Sanh Cực Lạc.
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Trân trọng
NHHN
Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021
Câu Chuyện Về Những Hạt Muối
Thơ Lý Bạch - Bài 4 & 5
Bài 4
TỬ DẠ THU CA
子 夜 秋 歌
Trường An nhất phiến nguyệt, 長 安 一 片 月,
Vạn hộ đảo y thanh.
萬 戶 擣 衣 聲 。
Thu phong xuy bất tận,
秋 風 吹 不 盡,
Tổng thị Ngọc Quan
tình.
總 是 玉 關 情。
Hà nhật bình Hồ lỗ,
何 日 平 胡 虜,
Lương nhân bãi viễn
chinh.
良 人 罷 遠 征?
Lý Bạch
李 白
Một mảnh trăng mỏng manh (chiếu soi) nơi thành Trường An. Tiếng đập vải vang lên khắp hàng ngàn căn nhà. Ngọn gió thu thổi mãi không ngừng (như) gom hết biết bao tình cảm vấn vương cho ải Ngọc Quan (nơi biên giới xa xăm). Ngày nào đây dẹp tan được bọn giặc Hồ để cho người chồng yêu dấu được lui về khỏi chốn chiến chinh xa xôi!
Bài 5 HÀNH LỘ NAN (KỲ TAM ) 行 路 難 其三
01 Hữu nhĩ mạc tẩy Dĩnh Xuyên thủy, 有耳莫洗穎川水,
Hữu khẩu mạc thực Thủ Dương quyết! 有口莫食首陽蕨!
Hàm quang hỗn thế quí vô danh, 含光混世貴無,
04 Hà dụng cô cao tỷ vân nguyệt? 何用孤高比雲月。
Ngô quan tự cổ hiền đạt nhân, 吾觀自古賢達人,
Công thành bất thoái giai vẫn thân. 功成不退皆殞身 。
Tử Tư ký khí Ngô Giang thượng, 子胥既棄吳江上,
08 Khuất Nguyên chung đầu Tương thủy tân. 屈原終投湘水濱。
Lục Cơ hùng tài khởi tự bảo, 陸機雄才豈自保,
Lý Tư thuế giá khổ bất tảo. 李斯稅駕苦不早。
Hoa Đình hạc lệ cự khả văn? 華亭鶴唳詎可聞,
12 Thượng Thái thương ưng hà túc đạo!? 上蔡蒼鷹何足道。
Quân bất kiến: 君不見:
Ngô Trung Trương Hàn xưng đạt sinh, 吳中張翰稱達生,
Thu phong hốt ức Giang Đông hành. 秋風忽憶江東行。
Thả lạc sinh tiền nhất bôi tửu, 且樂生前一杯酒,
17 Hà tu thân hậu thiên tải danh! 何須身後千載名。
Lý Bạch 李 白
Có tai chớ rửa ở sông Dĩnh; có miệng chớ ăn rau quyết ở núi Thủ Dương. Đời loạn lạc không bày lộ tiếng tăm, chỉ nên (che giấu) ngậm hết (hào quang) trong miệng thôi! Đâu cần phải ở một mình nơi cao (của kẻ ẩn sĩ) để sánh với làn mây và vầng trăng! Ta thấy từ xa xưa những người hiền thấu rõ lẽ đời khi đã thành công ,không chịu lui về bản thân đều bị mất mát. Tử Tư phải bỏ mình trên dòng sông Ngô. Khuất Nguyên rốt cuộc phải đâm đầu nơi bến sông Tương. Lục Cơ mạnh mẽ lại có tài sao không giữ được mình! Lý Tư phải chịu khổ ải vì không sớm rời bỏ (chốn quan trường) để lui về; tiếng con chim hạc ở Hoa Đình làm sao có thể nghe được đây; chim ưng xanh ở Thượng Thái còn đâu để nói năng đủ đầy!
ĐƯỜNG ĐI KHÓ
01 Có tai, sông Dĩnh rửa chi!
Thủ Dương rau quyết ăn gì miệng đây!
Tiếng tăm đời loạn chẳng bày,
04
Thanh cao riêng sánh mây trăng được nào.
Người hiền ta thấy xưa nao,
Công thành chẳng thoái lui vào thân tan:
Tử Tư thân bỏ Ngô Giang,
08 Khuất Nguyên gieo xuống bờ Tương vùi
đời,
Lục Cơ tài chẳng giữ người,
Lý Tư không sớm nghỉ ngơi khổ mình.
Làm sao nghe hạc Hoa Đình,
12
Sao còn Thượng Thái ưng xanh nói bàn!
Người ơi có thấy đó chăng:
Đất Ngô biết sống Trương Hàn ngợi xưng.
Gió thu chợt nhớ Giang Đông,
Hãy vui lúc sống rượu nồng một bô .
17
Cần chi tiếng để ngàn đời........
Chú thích:
- Hiền đạt nhân 賢達人: người hiền có đức hạnh, thấu rõ và thông hiểu lẽ đời.... Ở đây, có lẽ Lý Bạch đưa những người như Lý Tư, thừa tướng của Tần Thủy hoàng vào hàng "hiền đạt nhân" không đúng cho lắm vì Lý tư tuy giỏi việc trị nước nhưng lại giúp Tần Thủy hoàng bạo ngược với chính sách dựa vào phái Pháp gia quá chặt chẽ, cứng rắn làm cho người dân nhà Tần phải chịu khổ trăm bề (xem C.T Lý Tư bên dưới)