ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG Đ.T.T.T - PHẦN BA, CHƯƠNG I, MỤC 1
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN BA
NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA NGUYỄN DU VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Trong những phần trên, ta đã lần lượt khảo sát về tiểu sử Nguyễn Du, về ảnh hưởng đạo Phật trong các tác phẩm của tiên sinh, về nguồn gốc của Truyện Kiều, về vị trí tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh đối chiếu với tư tưởng Nho gia và Đạo gia. Qua những điều đã nhận xét, chúng ta thấy đạo Phật đã đóng góp và chiếm một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng và hình thành tư tưởng Nguyễn Du. Vậy tư tưởng Nguyễn Du là gì, liên hệ thế nào đối với Đạo Phật và có những ảnh hưởng nào trong Đoạn Trường Tân Thanh? Những vấn đề đó sẽ được nhận định lại một lần nữa hầu có một cái nhìn chung ở những phần sau.
CHƯƠNG I
VỀ TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU
Trước hết, như lời nhiều người đã nhận định, các tác phẩm của Nguyễn Du và nhất là Đoạn Trường Tân Thanh cho thấy tiên sinh đã tổng hợp cùng lúc ba nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật. Tinh thần “tam giáo đồng qui”, hơn bất cứ một tác phẩm văn chương nào của nước ta từ trước đến nay, đã thể hiện trọn vẹn trong những bài thơ chữ Hán và trong tác phẩm chữ Nôm đặc sắc của Tố Như là Đ.T.T.T.
Phong thái của một Nguyễn Du trong các bài thơ Hán văn đã dàn trải những tình cảm, những quan niệm của một nghệ sĩ trước cuộc đời, trước vũ trụ ngoại giới khi đối diện với chính mình (Độ Long Vĩ Giang, Đề Nhị Thanh Động, Đạo ý, Dạ Hành, Mạn Hứng ...) [1]. Có thể nói, mỗi bài thơ là một lần để tiên sinh nhìn lại cuộc đời mình, mỗi bóng trăng nằm trong những ý từ là một cuộc thử nghiệm với chân lý tầm cầu sự thật. Hình ảnh của Tố Như dàn trải trong các trang thơ là hình ảnh của một người khách lên đường tìm về cố hương, tìm lại bóng dáng thật sự của mình bằng tất cả nỗi đau thương, những khổ não, sầu bệnh (Điếu Long Thành Ca Giả, My Trung Mạn Hứng, Ngọa Bệnh, Độc Tiểu Thanh Ký, Long Thành Cầm Giả Ca, Tự Thán...) [1] mà ông đã sống, đã chứng kiến. Tâm thức của Tố Như là tâm thức một con người đi theo dòng đời biến chuyển và ghi khắc lại trong mỗi chặng hành trình qua ba tập thơ:
1/Thanh Hiên thi tập (THTT), 2/ Nam trung tạp ngâm (NTTN) và 3/Bắc Hành Tạp Lục (B.H.T.L.). Đồng thời đó cũng là tâm thức của một kẻ thường xuyên băn khoăn về những đổi thay cũng như thấu hiểu sự vô thường nơi dòng đời quanh quất và cố gắng định hướng, an trụ lòng mình trước bao cảnh tang thương, biến dời đó:
Sơn thượng hữu đào hoa, 山上有桃花
Xước ước như hồng ỷ. 綽約如紅綺
Thanh thần lộng xuân nghiên, 清神弄春妍
Nhật mộ trước nê trĩ. 日暮著泥涬
Hảo hoa vô bách nhật, 好花無百日
Nhân thọ vô bách tuế.... 人壽無百歲...
(Hành lạc từ - bài 2) (行樂詞其二)[2]
Tạm dịch:
Trên non kia có hoa đào,
Lả lơi như lụa thắm màu hồng tươi.
Sáng cùng xuân đẹp giỡn cười,
Chiều hôm bám mãi vào nơi bùn lầy.
Hoa xinh chẳng được trăm ngày,
Sống lâu trăm tuổi được thay mấy người?.....
(Bài từ về thú vui - bài 2) [2]
Cho nên, tư tưởng của tiên sinh mang một tính chất đặc biệt, nó không thuần túy trong tư thế của Nho gia, không mang khuôn thước của nhà Phật, nhưng cũng không hoàn toàn mang phong vị của Đạo gia. Thao thức một đời của Tố Như là thao thức với nhiều khát khao một con đường có thể dung hòa được giữa lựa chọn xuất thế và lựa chọn nhập thế, giữ sự dấn thân vào cuộc phong trần và việc gác bỏ sự đời để được “nằm nghe tiếng tùng reo nửa chừng mây” (Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân - Tự Thán II) [2].
Làm thế nào để dung hòa được những lựa chọn ấy? Làm thế nào để vẫn sống giữa dòng đời nhưng vẫn giữ vẹn được tấm lòng của mình hoặc thả hồn trí theo đám mây chiều, ánh trăng khuya? (La Phù Giang Thủy, Các Độc Tọa, Thôn Dạ, Quỳnh Hải Nguyên Tiêu, Hoàng Hạc Lâu, Mạn Hứng...) [2]. Đó là những khắc khoải, xao xuyến vây bọc lấy tiên sinh bao lần và đã là đầu mối hình thành nguồn tư tưởng mà ta có thể mệnh danh là “Tư tưởng của Nguyễn Du”.
Một vấn đề quan yếu để có thể tìm hiểu tư tưởng của Tố Như tiên sinh trong Đ.T.T.T.đó là sự nhất thiết phải tìm đọc THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du [2]. Nếu không đọc kỹ tập thơ đầu tiên làm trong thời kỳ lánh nạn về quê vợ ở Thái Bình (1767) rồi lui trở về quê nhà ở vùng Hồng Lĩnh, sông Lam và bước đầu làm quan triều Nguyễn (1804) trong Thanh Hiên Thi Tập 清軒詩集 sẽ khó lòng thấy được những bước đường hình thành tư tưởng của Tố Như! Những bài thơ như Tự Thán, Tạp Thi - bài 2, Đạo Ý, Tạp ngâm - bài 2, thôn Dạ, Ngọa Bệnh-bài 1, Sơn Thôn, Hành Lạc Từ - bài 2 Đồng Lung Giang , Đề Nhị Thanh Động... v.v,.. vừa mang đậm nét phong thái của Lão Trang,vừa ghi dấu rõ nét tư tưởng phái Thiền tông của đạo Phật. Tiếp đến, tập thơ thứ hai Nam Trung Tạp Ngâm 南中雜吟 làm ra lúc Tố Như thăng Đông Các học sĩ, tước Du Đức hầu vào làm quan trong triều đình ở Huế (1805) và Cai Bạ Quảng Bình (1809). Đọc những bài thơ trong N.T.T.N. chúng ta sẽ thấy rõ cái nhìn của Nguyễn Du về chốn quan trường với tranh giành danh lợi, ghen ghét, đố kỵ nhau... v.v... Con đường đó không phù hợp với con người yêu chuộng tự do và thiên nhiên như Nguyễn Du. Ông làm quan nhưng tư tưởng vượt thoát vẫn mơ về thuở còn thong dong chốn núi Hồng sông Lam. Hai câu đối: "Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ hạc là người quen" được in trên chén sứ của một lò làm gốm sứ bên Trung Hoa khi đi sứ đã cho thấy phong thái và tâm tư của Tố Như. Đọc các bài thơ như Ngẫu Đắc, Dạ Tọa, Giang Đầu Tản Bộ... v..v..., chúng ta sẽ thấy rõ hơn những suy nghĩ thật sự của ông giữa chốn quan trường. Sau cùng, Bắc Hành Tạp Lục 北行雜錄, tập thơ thứ ba được Tố Như sáng tác trong chuyến sứ trình sang Trung Hoa (1813-1814) . Cuộc sứ trình này đã mang lại cho ông biết bao cái nhìn về hiện thực của nước Trung Hoa và từ đó giúp ông nghiệm ra lẽ đời và dẫn ông đến lẽ đạo về sau của chuyến đi sứ. Ông đã đề cao những danh nhân, những con người trượng nghĩa như các bài: Nhạc Vũ Mục Mộ, Tỉ Can Mộ, Kê Khang Trung Từ, Lạn Tương Như Cố Lý, Liêm Pha Bi, Dự Nhượng Chủy Thủ Hành, Dự Nhượng Kiều, ,Kinh Kha Cố Lý, Đế Nghiêu Miếu, Quản Trọng Tam Qui Đài, Mạnh Tử Từ Cổ Liễu, Liễu Hạ Huệ Mộ, Vinh Khải Kỳ Thập Tuệ Xứ... v.v... Nhưng có lẽ bài thơ: "Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài" làm trên đường về lại đất nước của tập thơ thứ ba này mới thật sự cho thấy sự am hiểu và ngộ đạo của Tố Như:
......" Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số.
Nhân liễu thử tâm ,nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ Đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh!
......." 吾聞世尊在靈山,
說法渡人如恆河沙數。
人了此心人自渡,
靈山只在汝心頭。
明鏡亦 非臺,
菩提本無樹。
我讀金剛千遍零,
其中奧旨多不明。
及到分經石臺下,
終知無字是眞經。
(梁昭明太子分經石臺) [2]
* * *
Chúng ta đã thấy ở các phần trước trong Thanh Hiên Thi Tập, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của Thiền tông Trung Hoa qua các bài thơ như: Đạo Ý , Đề Nhị Thanh Động. Ông đã đi từ tư tưởng thiền tông chịu ảnh hưởng của thiền sư Thần Tú (khoảng 765) đứng đầu phái thiền phía bắc. Trong bài "Đạo Ý", Nguyễn Du chịu ảnh hưởng lối tu "tiệm" nghĩa là người hành thiền chỉ chuyên tâm dọn rửa cái tâm cho thanh tịnh dần dà sẽ như trăng sáng chiếu giếng xưa (Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh.... - Đạo Ý) hay còn gọi là "tiệm ngộ". Sau này, tiếp xúc với tư tưởng "đốn ngộ" (thấy ngay Bản lai diện mục, thấy ngay rốt ráo lẽ đạo...) hay " kiến tánh thành Phật" của Lục tổ Huệ Năng (638-713) và nhất là tư tưởng được ông thâm hiểu từ kinh "Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" đã khai sáng cho tâm thức Tố Như. Theo lời của bài thơ trên, Tố Như đã tụng đọc kinh Kim Cương "hơn ngàn lần" (ngã độc Kim Cương thiên biến linh) và kịp khi đến "Phân Kinh Thạch Đài" đã trực ngộ: "Biết là Kinh không chữ mới thực là chân kinh" (Tài tri vô tự thị chân kinh" . Những thuật từ như "Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu", "Minh kính diệc phi đài" hay "Bồ Đề bổn vô thụ" đều là những câu giảng pháp của ngài Huệ Năng chủ trương "thấy ngay cái tánh" (đốn ngộ) hay "Bản lai diện mục" từ sự tu tập đã chín mùi sẽ rất khác với tư tưởng “tiệm ngộ” trong bài “Đạo ý” thời kỳ ở ẩn [3].
Chính nhờ sự thấu hiểu tinh thần đạo Phật theo pháp môn Thiền tông của phái Huệ Năng nên Nguyễn Du ít nhiều đã đưa vào xây dựng nhân vật Thúy kiều trong Đ.T.T.T. Nhân vật Thúy Kiều ở giai đoạn cuối của con đường đoạn trường đã thực sự an vui khi hiểu được "tẻ vui cũng bởi lòng người mà ra!" và đã tìm lại chính mình qua hình ảnh: "Hoa tàn mà lại thêm tươi" của người đã sống và đã thấy nẻo đường trở về với cái tâm đích thực của mình như chúng ta đề cập nhiều lần ở các phần trên.
Mục 1: THÁI PHÁC BẤT TOÀN CHÂN DIỆN MỤC
太 璞 不 全 真 面 目
Tố Như tiên sinh đã đứng giữa bao mối tâm sự chất ngất ấy, tâm sự của một kẻ đang tìm chốn bình yên cho cõi lòng thì những mối u uẩn của một người đứng trước bao cảnh đổi thay thương đau. Thêm vào đó, những hoài niệm của một thời Lê - Trịnh huy hoàng, nếu có, chưa phải là điều lo nghĩ trọng yếu của tiên sinh. Dĩ nhiên, tất cả những điều này có thể là những yếu tố tạo thành tâm sự của Tố Như tử, nhưng tìm một cứ điểm giữa bao ưu tư đó hầu an trụ chân tâm mới là cứu cánh, là con đường chính yếu. Tiên sinh là một người thông hiểu đạo Nho, nhưng rồi khi dấn thân vào chốn quan trường (Thu Chí, Giang Đầu Tản Bộ, Đại Tác Cửu Thú Tư Qui, Ngẫu Đắc .../ Nam Trung Tạp Ngâm) [2] gặp những cảnh trái ngang, tiên sinh đâm ra nản lòng trước danh lợi phù vinh nên ngày đêm ngưỡng vọng về một chân trời cũ: “Vọng ngoại Hồng sơn tam bách lý, tương tòng
hà xứ vấn tiền lân” (Nhìn ra ngoài núi Hồng xa ba trăm dặm, biết theo nơi nào mà hỏi hàng xóm ngày xưa - Ngẫu Đắc)[2] . Thêm vào đó, kinh nghiệm thương đau chốn danh hoạn của người thân như Nguyễn Khản, của cả một triều đại thịnh suy của vua Lê - chúa Trịnh, triều Tây Sơn và nhà Nguyễn đã đưa tiên sinh đến chỗ nhận ra sự bất lực của những gì mình thâu thái được từ văn chương, từ sách vở của thánh hiền khi thi thố trên đường đời:
“Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư,
Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng“
(Ngọa bệnh, Kỳ nhất)
饑 鼠 緣 床 喫 我 書
未 有 文 章 生 孽 障
(臥病其一)
Chuột đói leo quanh giường gặm sách vở ta. Chưa từng có chuyện
văn chương sinh nghiệt chướng.
Chính vì không muốn nghe chuyện “văn chương sanh nghiệt chướng” nên tiên sinh mới tìm đến với Đạo gia để mong thoát khỏi bụi bặm, tầm thường:
“Bất dung trần cấu tạp thanh hư
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt
Điểm điểm tinh thần du thái sơ”
(Ngọa Bệnh - Kỳ nhất)
不容塵垢雜清虚
三蘭窗下吟聲絕
點點精神游太初
(臥病 其一)
Không để cho bụi bặm lẫn vào cõi thanh hư; dưới cửa sổ có ba rò
lan, tiếng ngâm vắng bặt; tinh thần dần đi rong chơi ngoài cõi không
trung[2].
“Thanh hư”, ”Thái sơ”, ”Thái phác”, “Hư linh’... v.v... là những thuật từ thường sử dụng trong các học thuyết của Lão Trang vẫn được Nguyễn Du đưa vào trong nhiều bài thơ trong T.H.T.T.
Tạm chuyển lục bát:
... Cõi không trong lắng chẳng vương bụi đời,
Bên lan bặt tiếng ngâm vời,
Tinh thần dần đến cõi trời hoang sơ.
(Nằm bệnh - Bài 1)
Hoặc:
“Thái phác bất toàn chân diện mục,
Nhất châu hà sự tiểu công danh.
Hữu sanh bất đái công hầu cốt,
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh.
Tiễn sát bắc song cao ngọa giả,
Bình cư vô sự đáo hư linh”
(Ký hữu- Kỳ nhị)
太璞不全眞面目,
一州何事小功名。
有生不帶公侯骨,
無死終尋豕鹿盟。
羨殺北窗高臥者,
平居無事到虛靈。
(寄友 其二)
Viên ngọc chưa mài giũa còn nguyên trong đá không còn giữ vẹn sắc diện thật của nó, việc gì mà chịu chút công danh nho nhỏ ở một vùng đất; sinh ra vốn không sẵn cốt công hầu; không chết thế nào rồi cũng tìm bạn với hươu nai! Rất thèm cái thú của một người ngồi nơi của bắc; sống phẳng lặng không việc gì bận tâm đến tâm hồn.
Tạm chuyển lục bát:
Ngọc nguyên khó giữ mặt mình,
Công danh nho nhỏ sao đành một châu!?
Sinh ra chẳng cốt công hầu,
Nếu mà chưa chết bạn bầu hươu nai.
Ngồi cao cửa bắc kìa ai,
Sống yên chẳng rộn, miệt mài sâu xa.
(Gửi bạn, bài 2) [2]
Nhưng rồi việc tìm đến ở nơi phẳng lặng để tâm hồn được khuây khỏa chỉ là những ước vọng về một bầu trời đã phai mờ trong tâm trí trước bao nỗi xót xa phũ phàng của thực tại. Và hoài niệm về núi Hồng sông Lam của những ngày tháng thảnh thơi, về “xóm cũ” (tiền lân) của một thời dĩ vãng vẫn chỉ là giấc mơ nơi những nghệ sĩ. Còn đâu là cuộc sống của "Hồng Sơn liệp hộ" (phường săn ở núi Hồng) hay "Nam Hải điếu đồ" (Kẻ chài ở biển Nam) , tiên sinh đành phải ra làm quan triều Nguyễn theo lệnh triệu tập của vua Gia Long. Tố Như là người giàu tình cảm và xem đó là sự mất mát của chính mình trong lần bước vào cuộc sống chốn quan trường.
Mặt khác ,có thể nói phong thái nghệ sĩ của Nguyễn Du, nói cách riêng và của các nhà thơ, nói cách chung rất gần gũi với quan niệm của Đạo gia. Nhà thơ Đông phương thường không làm thơ chỉ để làm thơ một cách cạn cợt, nhưng hàm ngụ bên trong biết bao hoài vọng, bao tâm sự cũng như những cảm nhận sâu xa giữa mình với chính mình, giữa mình với thiên nhiên, ngoại giới. Thơ là tinh hoa, là ý nghĩ của họ về đời người và người đời, về mình và tự nhiên, nên nó chính là một thứ kinh nghiệm sống thực mà ngôn từ chỉ là phương tiện để diễn tả. Và kinh nghiệm sống thực qua lời thơ chính là những nguồn tư tưởng cho riêng họ, cho riêng mỗi nhà thơ sau khi đã được dung hóa với những nguồn tư tưởng họ thủ đắc. Cho nên, chúng ta thấy con người của Tố Như qua các tập thơ của ông mang dáng dập của người nghệ sĩ trong cuộc chơi giữa đời. Nói theo học giả D.T.Suzuki: "Nhà nghệ sĩ phải thâm nhập vào sự vật và cảm thấy nó trong tâm cũng như chính mình phải sống với nó" [4] Ở Đông phương, tư tưởng tam giáo là một chất liệu cần thiết để các nhà thơ xây dựng ý tưởng, nhưng có lẽ chỉ có tư tưởng Đạo gia mới thật sự được phổ biến rộng rãi trong văn thơ của những thi nhân mặc khách! Tư tưởng Đạo gia vốn dĩ phù hợp với tầm mức của các nhà thơ ở điểm nó cởi mở, phóng khoáng và có khuynh hướng quay về với thiên nhiên hơn là cuộc đời. Thơ vốn không trụ chấp vào ngôn từ, lại không trụ chấp vào thuật ngữ của một tôn giáo nên thơ đồng nghĩa với tự nhiên, và nhà thơ dễ xích gần lại với tạo vật ngoại giới để cho lòng mình lên tiếng mà thôi.
Cho nên, chúng ta thấy Tố Như tiên sinh đã có những cảm nhận, những ý nghĩ rất gần gũi và man mác phong vị Đạo gia trong hầu hết những bài thơ chữ Hán của ông. Sở dĩ, nói đến các bài thơ chữ Hán mà không nói đến các tác phẩm chữ Nôm hoặc cái bài văn tế, vì chỉ có nhữngvần thơ Đường luật này mới thổ lộ trọn vẹn ý tình của tiên sinh, trong khivăn tế hoặc truyện ký tư tưởng có tính chất tản mạn theo tình tiết hoặcđối tượng muốn diễn tả. Tuy nhiên, nếu xét kỹ ta lại thấy dù tiên sinh rấtgần với thái độ của các Đạo gia, nhưng chốn quê hương an trú của lòngmình vẫn chập chờn đâu đó, hoặc vẫn xa xăm ngàn dặm. Kẻ xử sĩ đâumuốn làm “phường săn ở núi Hồng Lĩnh” hoặc “kẻ chài ở biển Nam”, nhưng tâm thức không còn nguyên vẹn như những kẻ chất phác mộc mạcnày nữa, vì đã trót mang lấy nghiệp văn chương:
Dao ức gia hương thiên lý ngoại
Trạch xa đoạn mã quí đông lân
(Mạn Hứng - Kỳ nhất/ THTT )
遙 憶 家 鄉 千 里 外
澤 車 段 馬 愧 東 鄰
(漫興其一)
Tạm chuyển lục bát:
... Quê nhà ngàn dặm xa xôi
Xóm giềng xe ngựa rong chơi thẹn lòng ...[2]
Và:
Bách niên cùng tử văn chương lý
(MạnHứng- Kỳ nhị)
百 年 窮 死 文 章 裏
(漫興 其二)
Tạm dịch:
... Trăm năm lụy chết văn chương
Xa nhớ quê hương ngoài ngàn dặm, thấy người hàng xóm ngồi xe nhỏ thô kệch, cưỡi ngựa dở mà thấy quí (cảnh an nhàn) và cuộc đời trăm năm chết rục trong vòng văn chương. Chính vì lẽ: “Thấy bầy chim âu bơi theo dòng nước mà thèm” (Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ) 羡 爾 野 鷗 隨 水 去 (Đồng Lung Giang - 同籠江/ T.H.T.T.) nên tiên sinh rốt cùng vẫn đứng trên bờ cách ngăn chốn “quê hương xa xăm ngàn dặm”. Đó vẫn chỉ là mơ ước của một người đứng trong cuộc đời mượn áng văn chương, mượn vẻ phóng khoáng tiêu dao của Đạo gia để thả hồn nhớ nhung.
Nhưng rồi để có thể giải quyết mối giằng co giữa việc "xuất" và "xử" là một việc đem lại cho ông biết bao suy nghĩ nhất là những gì ông
chứng kiến trong chốn quan trường. Việc ra làm quan với nhà Nguyễn đi theo lối của các nhà Nho xưa bỏ lại cuộc đời phóng khoáng, rong chơi với thiên nhiên thuở nào theo lối đạo gia làm cho tâm hồn ông không được thanh thản (Xem: NTTN). May mắn thay nhờ có tìm hiểu đạo Phật và nhất là học hỏi ở Thiền tông và tụng đọc "hơn một ngàn lần kinh Kim Cương" như đã đề cập bên trên, Nguyễn Du đã vượt lên trên sự giằng co đó bằng sự am hiểu thấu đáo và thâm ngộ tinh thần của kinh Kim Cương: "Mới biết là kinh không chữ mới là chân kinh". Tố Như tiên sinh đã từng thao thức, đã từng bi quan trước cuộc đổi thay của lịch sử, đã từng ngẫm nghĩ về lẽ vô thường ... v.v... giờ đã hiểu ra lời những áo nghĩa của đức Phật và chư tổ giảng dạy. "Chân diện mục" hay "Bản lai diện mục” (khuôn mặt đích thực hay cái tâm đích thực muôn kiếp của con người hay sự vật) giờ đây đã hiện rõ trong cái nhìn thông suốt của Tố Như dưới chân của "Phân Kinh Thạch Đài"! Biệt hiệu Tố Như 素如 của Nguyễn Du (xem câu cuối bài Độc Tiểu Thanh Ký: Thiên hạ hà nhân khấp Tố
Như 天下何人泣素如 ) đã có sự liên quan mật thiết với chữ "Chân diện mục" (tố như: giống như là yếu tố nguyên sơ ban đầu, yếu tố từ thuở nguyên thủy).
Với sự thâm ngộ về tư tưởng Thiền tông, Tố Như đã nhiều lần phác
họa chân dung của một Thúy Kiều vượt thoát màn lưới của số kiếp: "Từ rày khép cửa phòng thu, Chẳng tu mà cũng như tu mới là". Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng thường được tụng đọc trong các bài giảng của phái Thiền tông đã viết: "Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng" nghĩa là: Tu mà không chấp mình tu mới thật là tu. Rồi chúng ta thấy câu thơ: "Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!". Đó là cách đối đáp của "Kinh Kim Cương" hay của "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" là hai sách kinh hàng đầu của Thiền tông... v.v...
Ngoài ra, khi Nguyễn Du viết hai câu thơ trong đoạn cuối:
...."Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (c.3252)
"Lòng ta" hay cái tâm của con người có căn bản, có gốc gác được xây dựng bởi "tính thiện" sẽ là nền tảng của đạo đức của con người vượt lên trên tất cả. “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau“ (c.2)! Nhưng chữ Tâm kia vẫn sẽ là giá trị cao hơn hết về mặt đạo đức. Và sẽ cao hơn nữa nếu là cái Tâm của sự giác ngộ, tìm thấy lẽ đạo huyền diệu như khi Tố Như đã viết trong bài thơ quan trọng bên trên:
...." Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu...."
Người hiểu chữ tâm để cứu giúp chính mình. Linh Sơn (nơi đức Thích Ca giảng pháp xưa kia) cũng chỉ ở nơi cao nhất của lòng người". Đi từ cái tâm mang tính thiện để đạt đến cái tâm vô tâm ("kinh không chữ mới là chân kinh") là quá trình đi từ "tục đế' để đến với "chân đế" như chúng ta đã nêu lên ở các chương trước. Cái tâm vô tâm nói theo Lục tổ Huệ năng là "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (Đừng có trụ chấp mới có thể sanh cái tâm kỳ diệu). Tinh thần của Kinh Kim Cương và Bát Nhã được Tố Như phác họa rõ nét qua cái nhìn của Kim Trọng trước sự biến đổi của tâm thức Thúy Kiều khi tái hợp như chúng ta đã đề cập ở các phần trên. Âm thanh mới (Tân thanh) của con đường đoạn trường về mặt tư tưởng phải chăng chính là sự tỉnh thức và ngộ đạo dù ở mức “tục đế” của nhân vật Thúy Kiều “.... Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa, Còn điều chi nữa mà ngờ! (c.3124,3125)
ĐPTĐTTT
[1] Quách Tấn, Tố Như Thi Trích Dịch, NXB An Tiêm, Saigon 1973, tr. 143 và 144.
[2] Dương Anh Sơn, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, 2003, đã đăng trên <ninh-hoa.com> và đang đăng lần lượt trên <nguyenhuehaingoai.blogspot.com>
[3] Xem :D.T.Suzuki, Thiền luận (Tập 1), Trúc Thiên dịch, NXB An Tiêm, Saigon 1971, tr.323-358
[4] D.T.Suzuki, Thiền và phân tâm học, bản dịch của Như Hạnh, NXB Phương Đông (in lại bản in trước 1975), Saigon 2011, tr.35
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét