Hội Nghị Khu Vực ĐNÁ: CƠ HỘI LÊN TIẾNG CHO TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Mạch Sống
- Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ: hồ sơ tiêu biểu về ngôn ngữ hận thù
Mạch Sống, ngày 31 tháng 10, 2022
Tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam sẽ là đề tài nóng tại Hôi Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief, SEAFORB) lần 8 sẽ tổ chức ở Bali, Indonesia trong các ngày 7 – 9 tháng 11 tới đây.
“Là thành phần ban tổ chức, chúng tôi tạo điều kiện để các cộng đồng tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam có tiếng nói tại diễn đàn khu vực này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.
Phái đoàn người Việt, với khoảng 12 thành viên đại diện cho nhiều tôn giáo khác nhau, sẽ có nhiều cơ hội để lên tiếng với khoảng trên 100 nhân vật quốc tế.
Theo Ts. Thắng, vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ sẽ là một trong những đề tài nóng.
Cô Tanya Nguyễn-Đỗ, người thường xuyên lên tiếng cho nhóm Phật Giáo này, sẽ tường trình tại buổi họp khoáng đại của hội nghị về những vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam cũng như các công ước LHQ bởi công an, toà án, và hệ thống truyền thông của nhà nước trong vụ việc này.
“Tình trạng ngôn ngữ hận thù là một đề tài chính của hội nghị mà vụ việc Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là một trường hợp tiêu biểu,” Ts. Thắng nhận định. “Hội nghị chắc chắn muốn được cập nhật kết quả của phiên toà phúc thẩm ngày 2 tháng 11 tới đây.”
Được biết, cũng trong ngày 2 tháng 11 cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ diễn ra ở Hà Nội. Sau buổi đối thoại, một số thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ sẽ bay thẳng từ Hà Nội đến Bali dự hội nghị.
“Trước khi tham gia cuộc đối thoại, phái đoàn Hoa Kỳ đã hẹn gặp một số đại diện các tôn giáo bị bách hại, nhưng có những cá nhân được mời gặp đã bị công an giam lỏng tại nhà,” Ts. Thắng cho biết. “Tình trạng này cũng sẽ được thông báo tại hội nghị.”
Ngoài 3 phiên họp khoáng đại, sẽ có 9 chương trình hội luận chuyên đề do các tổ chức chia nhau thực hiện. BPSOS sẽ thực hiện buổi hội luận chuyên đề về bảo vệ nạn nhân của chính sách đàn áp tôn giáo, bao gồm cả những người đang tị nạn ở Thái Lan.
Ban tổ chức còn sắp xếp cho các tham dự viên tiếp xúc với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, Giáo Sư Nazila Ghanea; Uỷ Viên đại diện Indonesia của Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Chính Phủ ASEAN, cô Yuyun Wahyuningrum; Uỷ Viên Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Giáo Sư Stephen Schneck.
Hội Nghị SEAFORB là sự kiện hàng năm do BPSOS đồng khởi xướng năm 2015. Trong 2 năm 2020 và 2021, vì dịch bệnh, hội nghị được tổ chức trực tuyến.
Hội nghị năm nay được tổ chức ở Indonesia, sẽ là chủ tịch của khối ASEAN vào năm 2023, với sự tham gia của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế bề thế như Freedom House, ASEAN Parliamentarians for Human Rights, ADF International, Human Rights Watch, v.v.
Tương tự hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế, được tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ cuối tháng 6 vừa qua, hội nghị SEAFORB là cơ hội quốc tế vận cho các cộng đồng bị bach hại vì lý do tôn giáo ở Việt Nam.
Mạch Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét