Ảnh: Freepik.
CHẾ ĐỊNH PHÁP LUẬT DỰA TRÊN HIẾN PHÁP, CÒN HIẾN PHÁP DỰA TRÊN 'NGUYÊN TẮC' GÌ?
Ở một xã hội chính thường, khi chế định pháp luật, nếu pháp luật ấy không ‘vi hiến’ thì được phép thông qua thành luật, cho nên pháp luật chế định dựa trên hiến pháp. Nếu pháp luật dựa trên hiến pháp, thì hiến pháp dựa trên nguyên tắc gì?
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 20/12/2022, nhân nói về bài viết có ký tên của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình là ‘Viết một chương mới trong thực tiễn của hiến pháp Trung Quốc thời đại mới’, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ một chút nhận thức thông thường về pháp luật, từ đó giải đáp vấn đề trên như sau.
Việc sửa đổi hiến pháp Mỹ là vô cùng khó
Giáo sư Chương nói rằng, hiến pháp Trung Quốc được công bố thực thi vào năm 1982, đây là bộ hiến pháp thứ tư của Trung Quốc. Đến năm 2022, tức sau 40 năm, hiến pháp Trung Quốc lại sửa đổi thêm một lần nữa.
Là người nghiên cứu lịch sử và các vấn đề xã hội, Giáo sư Chương nhìn nhận, việc sửa đổi hiến pháp của Trung Quốc giống như trò chơi vậy. Ở nước Mỹ, nếu muốn sửa đổi hiến pháp là việc vô cùng khó khăn, phải có 2/3 nghị sĩ của Lưỡng viện đồng ý, sau đó phải được 3/4 bang phê chuẩn, mới có thể hoàn thành được sửa đổi hiến pháp.
Mỹ có 50 bang, 3/4 là 37 bang, nghĩa là phải có ít nhất 37 bang mới có thể hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp. Những bang của phái bảo thủ (giữ gìn truyền thống) chắc chắn lớn hơn 13 bang, bởi vì các bang của phái tự do tập trung chủ yếu ở bờ đông và bờ tây Mỹ quốc, cho nên nếu muốn thông qua phương thức sửa đổi hiến pháp ví như muốn phế bỏ Tu chính án thứ hai (về quyền sử dụng súng), thì điều này tuyệt đối không thể thông qua. Do đó sửa đổi hiến pháp của nước Mỹ là vô cùng khó khăn.
Còn việc sửa đổi hiến pháp ở Trung Quốc thì vô cùng dễ dàng, chỉ cần hơn 50 % Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc là có thể thông qua. Đây là lý do vì sao việc sửa đổi hiến pháp của Trung Quốc diễn ra rất nhiều lần, từ năm 1982 đã trải qua 5 lần sửa đổi hiến pháp.
Lần sửa đổi hiến pháp gần đây nhất là vào năm 2018, trong đó đáng chú ý là việc ông Tập Cận Bình đã phế bỏ ‘quy định không được làm quá 2 nhiệm kỳ của chức Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước’, nói cách khác ông Tập có thể tái đắc cử suốt đời.
Hiến pháp Trung Quốc có ‘mâu thuẫn nội tại’
Nhân sự việc này Giáo sư Chương muốn nói một chút về hiến pháp Trung Quốc. Hiến pháp Trung Quốc kỳ thực là một trò đùa, trong đó chứa đầy những mâu thuẫn nội tại.
Một mặt trong hiến pháp Trung Quốc nói rằng: Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia. Nhưng mặt khác trong hiến pháp lại nói: Sự lãnh đạo của ĐCSTQ là đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, nói cách khác: ‘Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc phải kiên trì dưới sự lãnh đạo của đảng’.
Điều này rất kỳ quái trong hiến pháp Trung Quốc, vừa quy định ‘Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia’, mặt khác lại nói rằng ‘Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc phải kiên trì dưới sự lãnh đạo của đảng’. Rốt cuộc quyền lực của ai cao hơn? Về bản chất đây là vấn đề rất mơ hồ.
Nhưng khi nhìn vào lịch sử ĐCSTQ, Giáo sư Chương đã phát hiện rằng: Sau sự kiện Lục Tứ, Lý Bằng đã cho chúng ta câu trả lời minh xác rằng ‘ai có quyền lực cao hơn’.
Khi xảy ra sự kiện Lục Tứ, Lý Bằng là người xung phong đi đầu, mặt đầy sát khí khi công bố giới nghiêm (戒嚴: thiết quân luật) ở Bắc Kinh. Sau đó Lý Bằng luôn cho rằng mình đã cứu vớt cách mạng, cứu vớt ĐCSTQ, coi mình như đại công thần.
Sau Lục Tứ, Lý Bằng muốn thay thế vị trí Tổng Bí thư của Triệu Tử Dương, kết quả Đặng Tiểu Bình đã đề bạt Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư. Đặng Tiểu Bình không chọn Lý Bằng bởi vì khi ấy Lý Bằng đã nổ súng bắn sinh viên, cho nên hình tượng trên trường quốc tế của Lý Bằng vô cùng xấu, nếu để Lý Bằng làm Tổng Bí thư sẽ ảnh hưởng đến hình tượng quốc gia.
Đặng Tiểu Bình đã cảnh cáo Lý Bằng không được bất bình vì Giang Trạch Dân làm thượng cấp. Lý Bằng biết rằng mình không còn hy vọng đành phải lấy lòng Giang Trạch Dân. Vì vậy sau khi Lý Bằng làm chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, ông đã nói rằng: ‘Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc phải kiên trì dưới sự lãnh đạo của đảng’. Từ đó chúng ta biết rằng, ở Trung Quốc ai mới là người nắm quyền lực cao nhất.
Vì sao cần hiến pháp? Bảo vệ công bình chính nghĩa
Trên thực tế khi nói đến hiến pháp, có người cũng chưa nghĩ đến việc: Vì sao một quốc gia cần hiến pháp. Đến đây lại liên quan đến vấn đề mục đích của việc chế định pháp luật.
Mục đích của việc chế định pháp luật là để BẢO VỆ CÔNG BÌNH CHÍNH NGHĨA cho xã hội. Chúng ta biết rằng trước thời Xuân Thu – Chiến Quốc, đặc biệt là trước thời Thương Ưởng biến pháp (商鞅變法: cải cách Thương Ưởng), thì Trung Quốc không nhấn mạnh pháp luật. Vì sao? Bởi vì khi ấy người Trung Quốc sống trong xã hội cộng đồng nhỏ, trong địa khu rất nhỏ như vậy hầu như mọi người đều biết nhau, giống như trong gia đình bạn không thể nói là ‘Gia đình này cần chế định một pháp luật’, cũng không nói là ‘chế định pháp luật để người cha phải yêu thương bảo vệ con cái, con cái phải hiếu thuận cha mẹ, sau đó mọi người có thể thương lượng với nhau’ v.v.
Do đó trên thực tế, trong xã hội cộng đồng nhỏ giống như một gia đình. Kỳ thực xã hội cộng đồng nhỏ là xã hội ấm áp tình người, mọi người đều đối xử với nhau rất tốt.
Sau này đến thời kỳ Chiến Quốc, thuận theo việc quyền lực của quốc gia càng ngày càng khuếch trương, phạm vi lãnh thổ quốc gia càng ngày càng mở rộng, lúc này xã hội cộng đồng đồng nhỏ đã biến thành xã hội mà mọi người không biết nhau, lúc này rất nhiều người không có mối quan hệ trực tiếp với nhau, khoảng cách giữa người với người tương đối xa. Dưới tình huống như vậy, làm thế nào duy trì trật tự xã hội, nó không thể dựa vào tình cảm con người để giải quyết.
Ví như 2 3 người cùng hợp tác với nhau bỏ tiền mở công ty, có việc gì thì mọi người cùng thương lượng, như thế kỳ thực cũng không có nhiều hệ thống điều lệ. Nhưng nếu nhiều người hơn, công ty chiêu mộ khoảng trăm người hoặc nghìn người chẳng hạn, vậy thì tiền lương mọi người nên là bao nhiêu, thời gian làm việc có thể linh hoạt hay không, khối lượng công việc như thế nào, làm sao kiểm tra được hiệu quả công việc v.v. Lúc này phải cần một hệ thống điều lệ.
Quốc gia cũng tương tự như thế. Từ xã hội cộng đồng nhỏ mọi người biết nhau, trở thành xã hội mọi người không biết nhau, lúc này cần một quy tắc để duy trì. Pháp luật chính là xuất hiện vào thời điểm đó, nhưng mục đích của chế định pháp luật là duy trì công bằng chính nghĩa, và trước khi chế định pháp luật cần phải có nguyên tắc. Nguyên tắc đó là gì? Đó là hiến pháp. Do đó khi nhìn vào hiến pháp của mỗi quốc gia, chúng ta sẽ phát hiện: Về quy định của hiến pháp, ngoài liên quan đến thể chế chính trị, phân phối quyền lực, chuyển giao quyền lực, thì điều trọng yếu hơn cả đó là NGUYÊN TẮC CHẾ ĐỊNH PHÁP LUẬT.
Chúng ta thấy ở nước Mỹ thường có những vụ kiện liên quan đến hiến pháp, hễ kiện thì lên đến Tối cao pháp viện (Toà án tối cao), trên cơ bản đều liên quan đến ‘Quyền lợi pháp án’ (權利法案: The Bill of Rights, Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ), cũng chính là Tu chính án thứ nhất đến thứ 10 của hiến pháp. Vì sao lại như vậy? Bởi vì khi chế định pháp luật thì không thể vi phạm mục đích chế định pháp luật.
Chế định pháp luật là để duy trì công bình chính nghĩa, vậy thì thể hiện cụ thể của công bình chính nghĩa ở thế gian là gì? Điều ấy được quy định trong các Tu chính án của Hoa Kỳ. Do đó khi chế định pháp luật không thể đi ngược tinh thần của hiến pháp.
Đến đây sẽ có người thắc mắc rằng: Bạn nói rằng duy trì công bình chính nghĩa, vậy cái gì là công bình, cái gì là chính nghĩa, ai định nghĩa cho công bình chính nghĩa? Điều này lại liên quan đến vấn đề: Căn cứ của hiến pháp là gì?
Căn cứ của hiến pháp: Giới mệnh của Thần
Kỳ thực pháp luật của xã hội nhân loại từ khi xuất hiện, trên cơ bản đều là căn cứ theo ‘giới mệnh’ của Thần (戒命: những giới luật của Thần quy định cho con người), bởi vì trong giới mệnh của Thần đã quy định thị phi thiện ác, làm gì là đúng, làm gì là sai. Khi làm sai sẽ bị trừng phạt, những hình phạt ấy được quy định trong pháp luật. Cho nên khi chúng ta nhìn vào lịch sử nhân loại, thì bộ pháp điển (法典: bộ luật) thành văn đầu tiên là Pháp điển Hammurabi của Babylon cổ đại.
Năm 1999, Giáo sư Chương đã từng đi Iraq (Babylon cổ đại là Iraq ngày nay), đến thành Babylon bị bỏ hoang cách thủ đô Bát-đa 40km, ở đó có một tấm bia đá, đây chính là pháp điển Hammurabi.
Giáo sư Chương kể một câu chuyện lịch sử, thời ấy Thần Thái Dương (Thần Mặt Trời) của Babylon cổ đại là Shamash, cũng là Thần Chính Nghĩa, ngài đã trao pháp luật cho quốc vương Hammurabi của Babylon cổ đại. Điều này nghĩa là Thần chọn quân vương, sau đó cấp cho người ấy quyền thống trị thần dân chiểu theo bộ pháp luật này. Do đó trên thực tế sự thống trị của quốc vương đối với người dân chịu sự ước thúc của pháp luật, chính là bộ pháp luật mà Thần Thái Dương cấp cho quốc vương Hammurabi.
Trung Quốc cũng tương tự như thế, sự thống trị của quốc vương đối với thần dân chủ yếu đến từ những quy phạm về quân quyền trong Nho gia. Đây là những thứ có thể ước chế quân quyền, không cho đến cực quyền hoặc lạm quyền, quy định cho quân vương nên thống trị như thế nào.
Về pháp luật của phương tây, thì khởi nguyên của nó chính là ‘Moses thập giới’ (Mười điều răn của Thượng Đế cho Moses ở núi Sinai). Đây là giới mệnh của Thần, cũng là pháp luật của người Hebrew. Sau này khi chế định pháp luật của phương tây chính là tiếp nối ‘Moses thập giới’, từ Hoàng đế La Mã Justinian đến pháp luật Anh quốc… trên cơ bản đều dựa trên ‘Moses thập giới’ và tinh thần giáo nghĩa của Cơ Đốc giáo để chế định pháp luật.
Quốc phụ nước Mỹ khi chế định hiến pháp, tuy rằng quốc gia không có quốc giáo (đây là nội dung trong Tu chính án thứ nhất), nhưng các Quốc phụ đều là tín đồ Cơ Đốc giáo thành kính. Quốc phụ nhìn nhận: Mỗi người đều bình đẳng trước Thượng Đế, bởi vì con người đều là do Thượng Đế tạo ra dựa trên hình dáng của ngài.
Chính vì chúng ta ai ai cũng bình đẳng trước Thượng Đế, do đó không có vấn đề ai cao hơn ai. Không có ai hơn ai, mọi người đều bình đẳng, cho nên bạn không thể can thiệp người khác, người khác cũng không thể can thiệp bạn. Đây là trạng thái gì? Trạng thái này gọi là Tự do.
Đây là lý do vì sao Quốc phụ nước Mỹ nhấn mạnh về tự do trong Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ – The Bill of Rights như: tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do diễu hành tụ tập, tư do làm báo v.v. tất cả là vì mọi người đều bình đẳng. Cho nên trong Tuyên ngôn độc lập (Declaration of Independence) Quốc phụ nói rằng:
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng: mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Có điều này làm cơ sở ‘mọi người đều bình đẳng’, từ đó có được tự do. Sau khi có được tự do, ‘bạn không can thiệp tôi, tôi cũng không can thiệp bạn’, xã hội lúc này có rất nhiều sự việc cần đưa ra quyết định chung thì phải làm thế nào? Ai nói mới được tính? Điều này lại liên quan đến vấn đề phương thức sản sinh quyền lực. Phương thức sản sinh quyền lực này chính là Dân chủ, mọi người tuyển chọn.
Trong hiến pháp quy định hình thức sản sinh thể chế chính trị của nước Mỹ: Tuy rằng đại đa số nói mới được tính, nhưng dân chủ không được làm hại đến lợi ích của nhóm thiểu số, lợi ích của từng cá thể trong nhóm thiểu số dựa vào pháp luật để bảo hộ. Trên thực tế chính là quan hệ như vậy.
Hiến pháp Trung Quốc là ‘công cụ’ bảo vệ giai cấp chính trị
Nếu hiểu được nhận thức thông thường và nguyên tắc cơ bản trong chế định pháp luật, chúng ta quay đầu nhìn lại hiến pháp Trung Quốc, sẽ phát hiện trong hiến pháp này có rất nhiều vấn đề.
Khi chế định hiến pháp Trung Quốc, thì không phải là để duy trì công bình chính nghĩa trong xã hội. Bởi vì ĐCSTQ cho rằng pháp luật là công cụ của quốc gia, pháp luật là công cụ để một giai cấp này trấn áp một giai cấp khác.
Ví như ĐCSTQ muốn trấn áp dân chúng Hồng Kông muốn phổ thông đầu phiếu, tổ chức này sẽ nhìn nhận những người Hồng Kông này là giai cấp đối địch hoặc thế lực thù địch. ĐCSTQ muốn trấn áp giai cấp đối địch, nó cần công cụ, vậy công cụ đó là gì? Chính là ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’.
Đây là cách nhìn của ĐCSTQ về pháp luật, pháp luật chỉ là công cụ để giai cấp này trấn áp một giai cấp khác. Do đó pháp luật của Trung Quốc xưa nay chưa hề chế định dựa trên việc bảo vệ lợi ích cá thể. Pháp luật Trung Quốc phân người ta thành các giai cấp khác nhau, giai cấp này với giai cấp khác, giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị, giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Sau khi phân người ta thành các giai cấp khác nhau, thì pháp luật của ĐCSTQ chỉ là để trấn áp ‘giai cấp đối địch’.
Năm đó Mao Trạch Đông chế định bộ hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc đã giảng rằng: ‘Chúng ta hiện nay phải đoàn kết nhân dân toàn quốc, phải đoàn kết hết thảy những lực lượng có thể đoàn kết và nên đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu kiến thiết quốc gia chủ nghĩa xã hội vĩ đại. Hiến pháp này viết ra vì mục đích ấy’.
Là người am hiểu hệ thống những ngôn của ĐCSTQ, Giáo sư Chương giải thích cho dễ hiểu những lời của Mao Trạch Đông rằng: Mục đích chế định hiến pháp của ĐCSTQ là để đoàn kết hết thảy các lực lượng có thể đoàn kết, vậy thì giai cấp đối địch đương nhiên không được tính trong phạm vi đoàn kết này, cho nên khi chế định hiến pháp đã loại bỏ một nhóm người ra khỏi sự bảo vệ của pháp luật.
Do đó người dân đại lục không nên cho rằng ‘ở Trung Quốc mình được pháp luật bảo hộ’. Việc bạn được bảo hộ phụ thuộc vào việc bạn có đối chọi với chính phủ hay không, nếu đối chọi với chính phủ, bạn sẽ không được pháp luật bảo hộ, bởi vì pháp luật chỉ là công cụ để ĐCSTQ trấn áp người dân mà thôi. Đây là khái niệm vô cùng cơ bản, hôm nay Giáo sư Chương đã trình bày một cách rất chi tiết, cho nên những điều mà ĐCSTQ nói là ‘kỷ niệm 40 năm ngày thực thi hiến pháp’ là hoàn toàn vô lý.
Mạn Vũ
* Xem thêm về ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’: Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông là ‘ác pháp’ mà ĐCSTQ áp lên xứ Hương Cảng? – Trung Hoa văn minh sử tập 38 (2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét